Tài liệu: Ngôn ngữ loài người

Tài liệu
Ngôn ngữ loài người

Nội dung

NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI

 

Loài người khác với loài vật nhờ có ngôn ngữ. Nói một cách khác, ngôn ngữ đã giúp cho con người khả năng suy nghĩ, nhận thức các sự vật và hiện tượng của thế giới. Ngôn ngữ cũng giúp cho con người khả năng biểu thị, truyền đạt tư tưởng tình cảm đối với nhau. Qua ngôn ngữ, con người học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh xã hội. Do vậy ngôn ngữ chính là phương tiện truyền tin và tàng trữ thông tin. Nó là phương tiện kết nối các thành viên trong cộng đồng xã hội, đảm bảo sự hoạt động thường xuyên và liên tục của toàn xã hội từ quả khứ đến hiện tại và tương lai.

Như vậy, ngôn ngữ vừa là công cụ để tư duy, nhận thức lại vừa là công cụ cho việc giao tiếp lẫn nhau giữa con người và con người. Ngôn ngữ ra đời cùng với sự ra đời của loài người. Cho nên Mác đã từng nói: ''Ngôn ngữ cũng cổ xưa như ý thức vậy. Ngôn ngữ tồn tại cho người khác và tồn tại cho chính bản thân tôi. Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng''- Mác cũng chỉ rõ: ''Con người là tổng hoà của mọi mối quan hệ xã hội''. Xã hội con người sẽ ra sao nếu không có ngôn ngữ. Có thể nói, không có ngôn ngữ mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ, xã hội sẽ tê liệt và đình đốn. Đây chính là  điểm khác biệt cơ bản giữa cách tổ chức của xã hội loài người với cách tổ chức của một số loài động vật có những khả năng đặc biệt, chẳng hạn như loài ong, loài kiến. Loài ong, loài kiến là những loài vật có khả năng tổ chức rất cao, có thể tổ chức lao động thành bầy, đàn để tạo ra những kiến trúc cực kỳ tinh vi, khéo léo. Tuy vậy, hành động của chúng lại được hình thành hoàn toàn do thói quen và có tính lặp lại máy móc. Dù trải qua hàng ngàn năm, cách thức tổ chức lao động của chúng vẫn không có gì thay đổi. Loài người thì trái lại, nhờ có ngôn ngữ người ta có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, truyền lại cho nhau những tri thức cần thiết. Do đó lao động của loài người không chỉ lặp lại thuần tuý như loài vật mà luôn luôn có sự cải tiến để ngày càng đạt hiệu quả cao. Sự cải tiến lao động và phát minh khoa học kỹ thuật đồng thời kéo theo cả những đổi mới về cách thức tổ chức và quản lý sản xuất. Đó là những điểm rất khác biệt làm nên sự văn minh của loài người mà ở loài vật không thể nào có được.

Như vậy, ngôn ngữ là công cụ của tư duy và là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của loài người.

Theo kết quả nghiên cứu, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 5600 ngôn ngữ khác nhau. Nhưng dựa trên những đặc điểm chung giữa các ngôn ngữ người ta lại qui các ngôn ngữ trên thế giới thành 4 loại hình cơ bản:

1. Loại hình khuất chiết: Bao gồm các ngôn ngữ Ấn - Âu và một số ngôn ngữ các ngữ hệ khác. Tiêu biểu là các ngôn ngữ như: Tiếng Nga, La tinh, Đức, Hi Lạp, Anh, Pháp, Do Thái cổ, Xanskrit … Các ngôn ngữ thuộc loại hình này còn được gọi là các ngôn ngữ hoà kết hay các ngôn ngữ biến hình.

2. Loại hình chắp dính: Tiêu biểu là các ngôn ngữ như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Triều Tiên, Tuốcmênhia.

3. Loại hình đơn lập: Tiêu biểu là các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Hán, một số ngôn ngữ ở Đông Nam Á, châu Úc, châu Phi.

4. Loại hình lập khuôn: Tiêu biểu là các ngôn ngữ như tiếng Su cốt, Cam Sát, Sua Khili, các ngôn ngữ Cápcadơ. Người ta còn gọi các ngôn ngữ thuộc loại hình này là các ngôn ngữ đa tổng hợp hay các  ngôn ngữ hỗn nhập.

Nghiên cứu so sánh các ngôn ngữ trên thế giới để tìm ra những điểm chung và các điểm riêng nhằm qui các ngôn ngữ thành các nhóm loại hình gọi là  phương pháp so sánh loại hình. Phương pháp này khác với phương pháp so sánh lịch sử ở chỗ nó không tính đến quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ. Phương pháp so sánh lịch sử thì trái lại luôn quan tâm đến mối quan hệ thân thuộc họ hàng giữa các ngôn ngữ với nhau. Phương pháp này đi ngược dòng thời gian ''truy tìm lai lịch" của các ngôn ngữ và xem xét chúng trong mối quan hệ lịch sử để đi đến kết luận về nguồn gốc các ngôn ngữ. Mục đích của nó là nghiên cứu ngôn ngữ về cội nguồn. Chẳng hạn, hiện nay các nhà nghiên cứu đều tương đối thống nhất cho rằng, tiếng Việt có nguồn gốc từ nhóm Việt - Mường của nhánh Môn-Khơme, họ Nam Á Tiếng Tuốcmênhia, tiếng Tác Ta thuộc họ Thổ. Tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Hi lạp thuộc nhánh Slavơ. . . Nhờ phương pháp nghiên cứu so sánh lịch sử người ta có thể lập ra các phổ hệ ngôn ngữ hay xây dựng các cây ngữ hệ. Nhìn vào các cây ngữ hệ có thể thấy được mức độ gần xa về quan hệ họ hàng giữa các ngôn ngữ. Trên thế giới hiện nay có một số ngữ hệ hay họ ngôn ngữ lớn sau đây:

1. Ngữ hệ Ấn Âu gồm các ngôn ngữ: Ấn Độ, Nga, Bungari, Ba Lan, Đức, Chec, Slovac, Anh, Đức, Pháp, Italia, Rumani, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha . . .

2. Ngữ hệ Sêmít gồm các ngôn ngữ Sêmít, Ai Cập, Bét be. . .

3. Ngữ hệ Thổ gồm các ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, Azecbaizan, Tacta, Kiêcghidi.

4. Ngữ hệ Hán - Tạng gồm các ngôn ngữ dòng Hán và dòng Tạng Miến.

5. Ngữ hệ Nam Phương gồm các ngôn ngữ dòng Nam Thái và Nam Á. Trong đó Tiếng Việt, tiếng Mường, tiếng Chứt, Poọng Thổ, Thà Vựng, Môn, Khơme, BaNa, KaTu ...  thuộc dòng Nam Á, nhánh Môn- Khơme.

 

v     NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ

Từ trước đến nay đã có rất nhiều học thuyết khác nhau bàn về nguồn gốc ngôn ngữ. Có thuyết cho rằng, ngôn ngữ cũng giống như một cơ thể sinh vật. Vì vậy, ngôn ngữ có tính di truyền và cũng có quá trình sinh ra, phát triển và diệt vong. Trên thực tế, ngôn ngữ lại không thuộc về hiện tượng tự nhiên mà lại thuộc về hiện tượng xã hội. Vì rằng, một đứa trẻ mới sinh ra, nếu cho sống cách ly khỏi gia đình và xã hội thì lớn lên nó hoàn toàn không biết nói. Mặt khác, một cơ thể sinh vật thì bao giờ cũng phải trải qua qui luật: Sinh ra, phát triển và diệt vong. Nhưng ngôn ngữ loài người từ khi sinh ra đến nay chỉ liên tục phát triển chứ không hề bị suy tàn. Nghĩa là, ngôn ngữ sinh ra cùng với con người. Khi nào còn tồn tại loài người thì vẫn còn ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ mất đi khi loài người bị tiêu diệt hoàn toàn.

Những người theo thuyết tiếng kêu động vật lại cho rằng, ngôn ngữ ra đời do con người mô phỏng, bắt chước tiếng kêu động vật. Thuyết này không có cơ sở đứng vững. Bởi lẽ, trong mỗi một ngôn ngữ số lượng các từ tượng thanh dù phong phú đến đâu vẫn là không đáng kể so với vốn từ vựng của ngôn ngữ đó. Đó là chưa nói, còn có những ngôn ngữ số lượng từ tượng thanh chỉ chiếm rất ít mà thôi. Ngoài ra còn một số học thuyết như thuyết khế ước xã hội . . .coi việc hình thành ngôn ngữ bắt nguồn từ các khế ước xã hội. Tuy nhiên, đó đều là các học thuyết không có cơ sở khoa học.

 

v     HỌC THUYẾT MÁC-LÊNIN VỀ NGUỐN GỐC NGÔN NGỮ

Học thuyết này là học thuyết có tính khoa học hơn cả, giải thích nguồn gốc ngôn ngữ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển loài người. Theo học thuyết này, loài người lúc đầu sống thành bầy đàn trên các rừng cây. Thức ăn chủ yếu nuôi sống họ là các loại hoa quả của thế giới tự nhiên. Về sau nguồn thức ăn này ngày càng bị cạn kiệt dần, trong lúc loài người vẫn tiếp tục sinh sôi phát triển. Để duy trì nòi giống, đảm bảo sinh tồn, loài người, phải xuống mặt đất để sinh sống. Trong hoàn cảnh mới, cuộc sống của họ luôn bị đe doạ bởi sự tấn công của thú dữ cùng với các thiên tai địch hoạ thường xuyên xảy ra. Cuộc đấu tranh sinh tồn khiến cho người ta có nhu cầu phải nói với nhau một cái gì đó – nghĩa là có nhu cầu trao đổi với nhau. Ngôn ngữ, do đó được hình thành. Ban đầu đó chỉ là các âm thanh giản đơn, là những tiếng kêu, tiếng hú báo gọi sự nguy hiểm. Về sau, khi tư duy phát triển, các âm thanh họ phát ra bắt đầu mang nghĩa phản ánh các sự vật và khái niệm.

Cuộc sống dưới mặt đất buộc con người phải nhanh chóng thích nghi. Do không phải leo trèo, con người bắt đầu tập đi theo dáng đứng thẳng. Đôi chân vì thế cũng to dần và đôi tay trở nên nhỏ nhắn, tinh xảo. Để chống trọi với thú dữ, con người biết đẽo nhọn các cành cây, biết mài các cục đá thành công cụ bảo vệ mình. Lao động của loài người lúc đầu mang tính bản năng tự nhiên, nhưng về sau dần dần đã mang tính sáng tạo. Họ cần phải có công cụ sản xuất để gieo trồng. Những công cụ thô sơ nhất bằng đá, bằng cây được hình thành. Thức ăn kiếm được ngoài nguồn có sẵn trong tự nhiên là nguồn con người tự sản xuất, cuộc sống của loài người vì thế không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên như trước mà mang tính tự chủ, độc lập. Việc tìm ra lửa đã tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển nhân loại. Từ đây thức ăn được nấu chín, hàm răng của con người không phải làm việc nhiều như trước. Xương quai hàm cũng như cả vòm miệng có xu hướng thu nhỏ lại và ngày càng tinh xảo hơn  Bộ máy phát âm của con người vì thế được hoàn thiện dần dần để có khả năng phát âm những âm khó và phức tạp như hiện nay. Như vậy, ngôn ngữ được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển loài người. Ngay từ buổi đầu ngôn ngữ đã gắn chặt với tư duy và với lao động. Chính lao động đã làm cho ngôn ngữ, tư duy phát triển. Khi ngôn ngữ, tư duy phát triển nó sẽ tác động ngược trở lại làm cho lao động phát triển. Đây là mối quan hệ biện chứng, chuyển hoá lẫn nhau. Có thể nói, không có tư duy thì không có ngôn ngữ (Loài người  khác loài vật ở chỗ tư duy bằng ngôn ngữ). Ngược lại không có ngôn ngữ, tư duy cũng không thể phát triển được.

v     BẢN CHẤT XÃ HỘI CỦA NGỐN NGỮ

Ngôn ngữ sinh ra là do con người. Theo chủ nghĩa Mác, ngôn ngữ là sản phẩm của một loại vật chất đặc biệt, đó là não người. Ngay từ buổi mới sinh ra ngôn ngữ đã mang bản chất xã hội. Nó hình thành và phát triển cùng với sự hình thành là phát triển của xã hội loài người. Trước hết, ngôn ngữ không có tính di truyền như các cơ thể sinh vật ở chỗ, khi tách khỏi loài người thì họ không còn lý do tồn tại. Chẳng hạn một em bé người Việt Nam sinh ra ở Mỹ, từ nhỏ chỉ giao tiếp với cộng đồng người Mỹ thì khi lớn lên nó sẽ không biết tiếng Việt. Thậm chí có một số thanh niêm Việt Nam di cư sang Mỹ từ lúc lên năm, lên bảy tuổi, nhưng do hàng ngày phải nói bằng tiếng Anh trong giao tiếp với cộng đồng người Mỹ và trong công việc về sau từ ngữ tiếng Việt cũng bị rơi rụng dần. Càng về sau thì việc diễn đạt bằng tiếng Việt đối với họ càng khó khăn. Điều đó chứng tỏ ngôn ngữ không có tính di truyền. Nó là một hiện tượng xã hội.

Tuy nhiên, với tư cách là một hiện tượng xã hội, ngôn ngữ lại không giống như các hiện tượng xã hội khác. Văn học, triết học, đạo đức, luật pháp. . . cũng đều là các hiện tượng xã hội. Nhưng các hiện tượng xã hội này luôn mang tính giai cấp rất rõ rệt, bởi chúng là các hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng. Chúng chỉ tồn tại và phát triển trên cơ sở của kiến trúc hạ tầng tạo nên chúng. Kiến trúc hạ tầng phong kiến đã tạo ra những thể chế pháp luật, đạo đức, triết học. . . phục vụ cho lợi ích của giai cấp phong kiến. Khi chế độ phong kiến bị đánh đổ giai cấp tư sản lên nắm chính quyền thì toàn bộ các thể chế đó bị thay đổi nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp mới lên cầm quyền. Ngôn ngữ không giống như vậy. Nó tồn tại liên tục từ chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác. Nó không phục vụ riêng cho lợi ích của giai cấp nào cả mà phục vụ cho tất cả mọi giai cấp trong xã hội. Bởi vì, trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn giữa các giai cấp dù có đối kháng gay gắt đến đâu thì các giai cấp vẫn phải dùng chung một ngôn ngữ để trao đổi, điều hành và thực thi công việc. Cho dù mỗi giai cấp có thể tạo ra những lời nói, những cách diễn đạt riêng mang màu sắc của giai cấp mình nhưng đó cũng chỉ là các hiện tượng cá biệt và vẫn không nằm ngoài qui luật chung của ngôn ngữ.

Như vậy, ngôn ngữ không mang tính giai cấp. Nó là của chung toàn xã hội. Đây là nguyên nhân làm cho một số người lầm tưởng rằng, ngôn ngữ cũng giống như công cụ sản xuất vì công cụ sản xuất cũng không mang tính giai cấp. Thực ra giữa chúng có sự khác biệt khá lớn. Công cụ sản xuất là thứ trực tiếp làm ra của cải vật chất, còn ngôn ngữ tại không có khả năng như vậy. Công cụ sản xuất là cái cụ thể có thể nhìn thấy và sờ mó được. Nó là một hiện tượng vật chất. Trong khi đó ngôn ngữ là cái trừu tượng, tồn tại trong tư duy, không thể nhìn thấy hay sờ mó trực tiếp. Nó là hiện tượng thuộc thế giới tinh thần. Mặt khác, công cụ sản xuất không phải là cái người ta dùng để trao đổi tư tưởng, tình cảm hay kinh nghiệm sản xuất. Nó không phải là thứ dùng được ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ như ngôn ngữ. Phạm vi sử dụng của nó hẹp hơn phạm vi sử dụng của ngôn ngữ rất nhiều. Chẳng hạn, các công cụ (dụng cụ) như cày, bừa chỉ dùng trong nhà riêng. Các máy móc chỉ được dùng ở trong các nhà máy, xí nghiệp.

Như vậy, tuy cùng không mang tính giai cấp nhưng ngôn ngữ hoàn toàn khác với công cụ sản xuất. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội và hơn nữa còn là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Ngôn ngữ không thuộc cơ sở hạ tầng và cũng không thuộc kiến trúc thượng tầng.

 

v     NGÔN NGỮ VÀ LỜI NÓI

Ngôn ngữ tồn tại với tư cách là một hệ thống, được kiến trúc thành lớp, hạng và thứ bậc. Nó bao gồm một hệ thống các loại đơn vị được trừu tượng hoá cùng những qui tắc hoạt động riêng. Nghĩa là, ngôn ngữ bao gồm một tập hợp các đơn vị cùng một bộ thói quen được qui ước bởi cộng đồng người nói ngôn ngữ đó.

Hệ thống các đơn vị trong ngôn ngữ rất phức tạp. Nó bao hàm nhiều cấp độ trong quan hệ có tính tôn ti. Trong đó, hệ thống lớn bao hàm hệ thống con, hệ thống con nằm trong hệ thống lớn. Ví dụ, trong địa hạt ngữ âm, tất cả các phụ âm của ngôn ngữ làm thành một hệ thống lớn. Trong hệ thống này lại gồm các hệ thống con: Hệ thống phụ âm vô thanh, hệ thống phụ âm hữu thanh. Trong hệ thống phụ âm vô thanh lại có các hệ thống con nhỏ hơn: Hệ thống phụ âm xát, hệ thống phụ âm nổ. . . Trong hệ thống phụ âm hữu thanh lại có các hệ thống con: Hệ thống phụ âm vang mũi, hệ thống phụ âm không vang mũi.

Trong quan hệ với lời nói, ngôn ngữ bao giờ cũng là cái chung, cái khái quát, còn lời nói là cái riêng, cái cụ thể. Ngôn ngữ bao gồm các đơn vị có tính vật chất như các âm, các từ, các bộ phận cấu tạo từ. . . cùng với các qui tắc hoạt động của chúng. Lời nói là sản phẩm của ngôn ngữ, là cái được nói ra, bao giờ cũng gắn liền với các cá nhân cụ thể. Lời nói là sự cụ thể hoá các yếu tố ngôn ngữ. Nó là một chuỗi liên tục các tín hiệu được xếp sắp theo một trình tự nhất định dựa trên các qui tắc của một ngôn ngữ cụ thể nhằm biểu hiện tình cảm, ý nghĩ của con người ... Qua giao tiếp cách cấu tạo lời nói của mỗi cá nhân đều mang đậm những đặc trưng, thói quen, tập quán, văn hoá của dân tộc mình. Điều đó chứng tỏ lời nói mặc dù mang màu sắc cá nhân vẫn có tính xã hội rất rõ. Nó không phải là cái đối lập với ngôn ngữ. Nhờ có lời nói, các yếu tố ngộn ngữ mới được thực tại hoá để trở thành phương tiện giao tiếp.

 

v     NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ

Ngôn ngữ có hai mặt biểu hiện mặt âm thanh và chữ viết (văn tự). Trong lịch sử phát triển của mình, hai mặt này không xuất hiện cùng nhau. Ở bất kỳ ngôn ngữ nào, ngôn ngữ âm thanh (ngôn ngữ thành tiếng) bao giờ cũng xuất hiện trước. Ngôn ngữ văn tự bao giờ cũng xuất hiện muộn hơn. Ngôn ngữ văn tự chỉ xuất hiện khi loài người đã có trình độ văn minh cao. Vì thế, việc phát minh ra chữ viết đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại.

Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, việc truyền đạt thông tin qua ngôn ngữ âm thanh (ngôn ngữ thành tiếng) có nhiều hạn chế. Nó bị giới hạn về thời gian và không gian. Do đó việc truyền tin đi xa (thời cổ đại chưa có điện thoại và vô tuyến) sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là việc lưu giữ thông tin lại càng khó khăn gấp bội. Vì vậy việc sáng tạo ra chữ viết là một nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển của ngôn ngữ nhân loại. Nhờ có chữ viết, người ta có thể truyền tin đi xa, có thể ghi lại các sự kiện xảy ra lưu lại từ đời này qua đời khác. Nói tóm lại, chữ viết (hay văn tự) chính là một phương tiện ngôn ngữ cực kỳ quan trọng trong việc truyền tin và lưu trữ thông tin của con người.

Theo các tài liệu nghiên cứu, chữ viết đã xuất hiện từ cách đây trên dưới 6000 năm. So với tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại, đó là khoảng thời gian không dài. Nhưng chính nhờ có chữ viết mà loài người đã tiến những bước tiến  khổng lồ. Có thể nói, không có chữ viết thì không có nền văn minh hiện đại …

Khi chưa có chữ viết, để bảo tồn và lưu giữ thông tin người ta vẫn phải dùng hình thức ngôn ngữ nói. Muốn cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền đạt cho người khác người ta cần phải tạo ra một loại ngôn ngữ có vần điệu. Vì thế ca dao, thành ngữ, tục ngữ. . . đã ra đời nhằm ghi lại những kinh nghiệm sản xuất, đấu tranh xã hội, các bài học về cuộc sống, cách ứng xử… Các thần thoại, truyền thuyết, sự tích anh hùng được truyền lại cho đời sau, nhờ những lời nói có vần điệu như thế. Đến khi có chữ viết các hình thức truyền miệng mới dần dần được sưu tập  lại, chỉnh lý và được văn bản hoá, nghĩa là được ghi lại thành văn bản. Đóng góp vào quá trình này có vai trò rất lớn của các già làng, già bản. Cùng với thời gian, nhân loại đã tạo ra được rất nhiều các tác phẩm vĩ đại có giá trị lịch sử theo kiểu này. Đó là các trường ca lliade và Odyssé (Hy Lạp cổ đại), kinh Veđa (Ấn Độ cổ đại), các bài dân ca trong Kinh Thi (Trung Quốc cổ đại).

 

v     CÁC DẤU HIỆU VÀ HÌNH VẼ ĐẦU TIÊN

Khi chữ viết chưa ra đời, để đáp ứng nhu cầu giao tiếp và hỗ trợ cho trí nhớ những người cổ đại đã nghĩ ra cách sử dụng các vật thể làm dấu hiệu thông báo hoặc các hình vẽ để truyền tin tức. Chẳng hạn, người ta dùng sừng hươu, xác rắn, đa động vật, chùm lá treo lên vách đá hoặc cành cây để đánh dấu đường đi hoặc báo hiệu sự nguy hiểm. Cũng có khi người ta còn biểu thị các nội dung này bằng cách vạch những nét vạch lên đất hay xếp những viên đá thành các hình thù nhất định trên các lối đi. Tuy nhiên việc sử dụng vật thể để làm các dấu hiệu truyền tin có nhiều hạn chế: Một mặt vật thể dễ bị hư nát do thời gian và thời tiết. Mặt khác chúng khó truyền đạt được các nội dung hay ý niệm trừu tượng. Vì vậy thông tin truyền đi có khi bị thất thoát hay sai lạc. Để khắc phục tình trạng này người cổ đại đã nghĩ ra cách dùng hình vẽ để biểu đạt ý nghĩa. Chẳng hạn, trong bức thư của người Nga cổ gửi cho người Ba Ta là kẻ thù xâm lược của mình người ta đã vẽ những bức tranh có 5 mũi tên cùng các con chim, con nhái, con chuột.

Bức tranh có ý nghĩa như sau: Liệu các anh có bay được như chim, bơi lội như nhái, chui rúc như chuột được không? Nếu không các anh khó mà thoát được các tay súng thiện xạ của chúng tôi, những người bắn 5 phát năm trúng.

Hình thức vẽ tranh để biểu đạt ý là hình thức cổ xưa nhất trong việc chuẩn bị cho chữ viết ra đời. Cách làm này đã tạo ra được một số thuận tiện làm cho những người nói các thứ tiếng khác nhau vẫn hiểu được nhau. Nó cũng khắc phục được các mặt hạn chế về thời gian, không gian. Về mặt lịch sử, nó là cơ sở dẫn đến việc hình thành nên ngành hội hoạ sau này. Tuy vậy, nó vẫn còn bộc lộ những hạn chế đáng kể. Chẳng hạn cùng một bức tranh có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó việc truyền tin có thể không chính xác. Mặt khác, nhu cầu giao tiếp ngày càng lớn, việc biểu thị ý niệm bằng hình vẽ sẽ không đáp ứng được sự đòi hỏi truyền tin ngày càng tăng của con người. Cho nên, cuối cùng con người phải tìm tòi để sáng tạo chữ viết - một phương tiện truyền tin có lợi thế hơn hẳn so với tất cả các hình thức truyền đạt trước đây.

 

v     CÁC LOẠI CHỮ VIẾT

 

Trong hệ thống chữ viết của nhân loại có hai kiểu chữ: Chữ ghi ý và chữ ghi âm. Loại chữ viết đầu tiên của loài người là chữ ghi ý. Loại chữ này thoát thai từ hình vẽ. Lúc đầu nó chỉ chú ý ghi nội dung ý nghĩa của từ mà ít quan tâm đến vỏ âm thanh. Chẳng hạn, để biểu thị khái niệm ''núi'' người Ai Cập viết:

Người Trung Quốc viết: 

Để biểu thị khái niệm trên - dưới, người Trung Quốc cổ viết:   

So với cách diễn đạt bằng hình vẽ, chữ viết ghi ý là một bước tiến lớn, đánh dấu sự phát triển của tư duy và nhận thức của loài người. Tuy nhiên, xã hội loài người ngày càng phát triển bắt buộc ngôn ngữ cũng phải phát triển theo. Để kịp thời phản ánh những nhận biết mới của con người về thế giới xung quanh, số lượng từ của ngôn ngữ cũng phải ngày càng phát triển. Chữ viết ghi ý đã bộc lộ những nhược điểm cần phải khắc phục. Thứ nhất, người ta không thể ''vẽ chữ'' cho kịp với tốc độ phát triển của tư duy. Thứ hai, chữ ghi ý khó biểu thị hết ý nghĩa của từ, đặc biệt là các từ có nội hàm phong phú. Mặt khác kiểu ''vẽ chữ'' có khi dẫn đến những lầm lẫn vì sự không rõ ràng. Bởi mỗi người ''vẽ chữ'' có thể tạo ra một kiểu riêng. Do vậy, người ta thấy cần phải thống nhất lại cách ''vẽ chữ'' bằng cách cung cấp những hình thể cố định. Ví dụ, chữ ''sơn'' là ''núi'' lúc đầu được viết là về sau viết thành cuối cùng được viết thành. Ngoài ra, người ta còn lợi dụng sự đồng âm để mượn chữ này ghi chữ kia. Ví dụ: Con bọ cạp lúc đầu được viết về sau viết thành. Người Hán vẫn dùng một gạch biểu thị ý nghĩa số ''một" (chữ nhất), dùng hai gạch biểu thị ý nghĩa số "hai'' (chữ nhị). Nhưng muốn biểu thị ý nghĩa ''một vạn'' lại không thể dùng 10.000 các gạch vì như vậy sẽ quá cồng kềnh. Để cho tiện lợi, họ mượn chữ đã có để biểu đạt ý nghĩa con số một vạn. Nhờ cách này người ta có thể ghi nhiều chữ khác nhau mà không cần vẽ hình khác.

Từ chữ ghi âm dần dần người ta xây dựng ra bảng chữ cái để ghi lại các âm của lời nói.

Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng một hệ thống gồm 24 con chữ ghi lại các phụ âm trong ngôn ngữ Ai Cập dùng song song với hệ thống chữ viết bằng hình vẽ và chữ ghi ý. Đến khoảng năm 2000 trước công nguyên những người Sémiter, người Phénicie (thuộc vùng Địa Trung Hải) đã tiếp thu cải tiến bổ sung thêm trên cơ sở thành tựu của người Ai Cập tạo ra các con chữ ghi âm tố làm nền tảng cho việc xuất hiện hệ thống chữ cái A, B, C... sau này.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, một số khu vực trên thế giới được coi là  những nơi xuất hiện chữ viết nôm nhất là các khu vực như: Trung Cận Đông, Lưỡng Hà, Ai  Cập, Ấn Độ, Trung Quốc cổ đại và khu vực Trung Mỹ. Trong đó hệ thống chữ viết được dùng phổ biến nhất là hệ thống chữ cái A, B, C.

 

v     MỘT SỐ LOẠI CHỮ VIẾT TIÊU BIỂU

 

Như đã nói, chữ viết ra đời gắn liền với sự phát triển văn minh nhân loại. Khi xác định các kiểu loại chữ viết người ta dựa vào các nền văn minh trên các khu vực khác nhau. Trên thế giới có một số kiểu chữ viết được hình thành từ các nền văn minh sau:

1. Nền văn minh Tây Á

Nền văn minh Tây Á bao gồm văn minh Lưỡng Hà, văn minh cổ Babylone, Tân Babylone, văn minh Assyrie và văn minh Phénicie, Palestine. Nền văn minh này đã sản sinh ra loại chữ viết được xếp vào loại cổ xưa nhất của thế giới. Đó là bộ luật Hammourabi ghi bằng văn tự hình định, một trong các chứng tích của văn minh cổ Babylone vào đầu thế kỷ XIX trước công nguyên. Đến thế kỷ XIV - XII trước CN, những người thuộc nền văn minh Phénicie và Palestine đã sáng tạo ra hệ thống chữ cái bằng cách mượn chừ tượng hình Ai Cập kết hợp với chữ hình định Lưỡng Hà để ghi chép rồi cải tiến bằng cách đơn giản hoá các ghi chú thành 22 ký hiệu tương đương với 22 chữ cái để biểu thị các nguyên âm, phụ âm.

2. Nền văn minh Ấn Độ

Vào khoảng năm 2000 đến 1800 trước công nguyên có một chi nhánh của dòng họ Aryan (người Indo - Aryan) đã di cư đến Ấn Độ. Họ đem theo một ngôn ngữ gọi là tiếng Phạn cổ cùng với một thứ tôn giáo được xây từ những nghi lễ hiến tế các vị thần tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên - tập kinh Veda. Tiếng Phạn cổ được gọi là Sanskrit. Về sau người Ấn Độ dùng tiếng Hindu.

3. Nền văn minh Trung Hoa

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ X trước công nguyên ở Trung Quốc (đời nhà Thương) đã xuất hiện loại chữ tượng hình ghi trên mai rùa hoặc xương thú gọi là ''giáp cốt văn''. Đến thời Xuân Thu - Chiến Quốc (770 - 221 trước CN) các tác phẩm lớn như Kinh Thi, Sở Từ phần lớn được viết bằng chữ viết tượng hình kiểu như vậy.

4. Nền văn minh sông Nil

Vào khoảng thế kỷ thứ IV trước công nguyên vùng sông Nil đã xuất hiện loại chữ tượng hình của người Ai Cập. Nhưng sau chục thế kỷ, đến thế kỷ thứ VI không còn ai đọc được loại chữ tượng hình này nữa, mặc dù vẫn còn nhiều văn bản được khắc dấu trên các công trình kiến trúc hoặc ghi trên giấy cói. Lý do: Thế kỷ thứ IV TCN, đạo Cơ Đốc đã thắng thế trong đế quốc La Mã. Năm 391 vua Lhédoce l đóng cửa tất cả các đền miếu thờ ngẫu tượng. Những người độc quyền dạy văn tự tượng hình cho dân chúng là các tăng nhân Ai Cập dần dần mất đi khiến cho loại chữ viết này cũng mất theo. Về sau người ta mới tìm cách khám phá để đọc loại chữ này. Đến khi nước Ai Cập thống nhất, người Ai Cập đã xây dựng được một hệ thống chữ viết riêng độc đáo của mình.

5. Nền văn minh Hy Lạp

Hy Lạp là một trong các khu vực sớm xuất hiện nền văn minh của nhân loại. Từ trước công nguyên (thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ II TCN Hy Lạp đã bị đế quốc La Mã thôn tính) người Hy Lạp đã sáng tạo ra một hệ thống chữ cái rất có giá trị để ghi lại các âm của lời nói gồm 24 chữ: A, B, Г, ∆, E, Z, H, θ, 1, K, l, Λ, M, N, ≡, O, II, P, ε, T, Y, O, X, ψ, Ω.

6. Nền văn minh La Mã

La Mã là một vương quốc của những nền văn minh độc đáo của nhân loại. Từ cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên, tác phẩm Odyssé của Homère (văn học Hy Lạp) đã được Andronicus dịch ra tiếng La Tinh. Do ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp đối với văn hoá La Mã, trong sáng tác văn học và biểu diễn sân khấu, tiếng nói và chữ viết Hy Lạp đã được sử dụng khá rộng rãi ở vương quốc này.

 

 

 

 

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/306-26-633353142313672500/Ngon-ngu---Tieng-Viet---Van-chuong/Ngon-ng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận