Tài liệu: Tiếng Việt

Tài liệu
Tiếng Việt

Nội dung

TIẾNG VIỆT

 

Tiếng Việt là ''thứ tài sản lâu đời và vô cùng quí báu'' của dân tộc ta. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tiếng Việt luôn là công cụ giao tiếp công cụ tư duy của dân tộc. Mặc dù lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam trải qua những bước thăng trầm, có những thời gian dân tộc phải chịu cảnh mất nước nhưng tiếng Việt không bao giờ mất. Trái lại, nó chẳng những tồn tại vững bền mà còn luôn luôn phát triển đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam trên mọi mặt: Kinh tế, văn hoá, chính trị. . . Đặc biệt từ năm 1945 trở lại đây tiếng Việt phát triển với tốc độ chưa từng có. Đến khi nước nhà thống nhất 1975, nhịp độ phát triển của tiếng Việt lại càng tăng lên mạnh mẽ theo xu hướng vừa đa dạng phong phú lại vừa tiến tới thống nhất và chuẩn hoá cao. Tiếng Việt là thứ tiếng nói chung của một cộng đồng 54 các dân tộc khác nhau sống trên đất nước Việt Nam. Nó là thứ tiếng nói của một đất nước có dân số khá đông ở khu vực Đông Nam Á chẳng những có vai trò tích cực trong việc xây dựng Việt Nam thành một quốc gia giàu có phồn vinh mà còn góp phần quan trọng vào việc Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

 

v     LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT

 

Từ đầu thế kỷ XIX đã có nhiều học giả phương Tây quan tâm nghiên cứu nguồn gốc của tiếng Việt. Lúc đầu có giả thuyết cho rằng, tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán. Người nêu ra giả thuyết này là J.L. Taberd. Quan niệm này được trình bày trong cuốn từ điển của ông. Tuy nhiên ông lại không có những cứ liệu khoa học để phân tích, chứng minh nên thực chất đó chỉ là một suy luận không có cơ sở thực tế. Vì vậy nó không được mọi người chấp nhận. Nhưng ý tưởng của ông muốn đi tìm nguồn gốc của tiếng Việt lại là một gợi ý rất quan trọng. Đến nửa sau của thế kỷ XIX, một loạt các học giả nổi tiếng như J.R. Logan, C.J.S. Forber, E. Kuhn (từ 1856 đến 1889) đã đưa ra một cách nhìn mới, cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ có họ hàng với các ngôn ngữ phương Nam. Trong các nhà nghiên cứu thời bấy giờ, K. Himly (1884) đã mạnh dạn xếp tiếng Việt vào nhóm các ngôn ngữ họ Thái. Sang đầu thế kỷ XX, W.Schmilt (1906) đã đưa ra một thuật ngữ, rất quan trọng nghiên cứu các ngôn ngữ, phương Nam là ''các ngôn ngữ Môn - Khơmer'' nhưng ông không xếp tiếng Việt vào các ngôn ngữ họ Nam Á.

Khi nghiên cứu so sánh lịch sử với mục đích tìm ra nguồn gốc của tiếng Việt người ta đã tiến hành đối chiếu các đơn vị từ vựng và các yếu tố ngữ pháp. Về mặt hình thái học thì tiếng Việt có những đặc điểm gần với họ Thái hơn. Nhưng về mặt từ vựng, người ta lại tìm thấy tiếng Việt có nhiều từ chung với các ngôn ngữ thuộc nhóm Môn - Khơmer, chỉ có điều các loạt từ vựng đem ra đối chiếu lại không có một nhóm nào hoàn chỉnh. Vì vậy, đến những năm giữa và nửa đầu sau của thế kỷ XX nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ tư tưởng của H. Maspéro như W.Schmidt, R.Shafer, A. I Vlich, Vương Lực. . . vẫn thống nhất cho rằng tiếng Việt thuộc nhóm các ngôn ngữ Thái.

Cho đến nay một ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu tán đồng hơn cả là ý kiến của nhà bác học người Pháp A.G . Haudricourt. Hai bài báo nổi tiếng của ông ''Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á'' ( 1953) và ''Về nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt'' (1954) đã trình bày những lập luận đầy sức thuyết phục chứng minh rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhánh Môn - Khơmer họ Nam Á.

Ý kiến của A.G. Haudricourt đã được nhiều nhà nghiên cứu người Pháp, cùng nhiều nhà Việt ngữ học của Liên Xô trước đây và các nhà ngôn ngữ Việt Nam ủng hộ.

Như vậy, về mặt lịch sử, tiếng Việt có nguồn gốc từ nhóm Việt - Mường, nhánh Môn - Khơmer, họ Nam Á. Giai đoạn phát triển đầu tiên là giai đoạn Môn-Khơmer ước chừng cách đây 6-7 ngàn năm, tức là vào quãng thiên niên kỷ thứ V - IV trước công nguyên. Sau giai đoạn này, tiếng Việt chuyển sang thời kỳ tiền Việt - Mường. Thời kỳ này ước chừng từ 2-3 ngàn năm trước công nguyên đến thế kỷ I và II sau công nguyên. Sau thời kỳ này, tiếng Việt chuyển sang giai đoạn Việt - Mường cổ. Nhóm Việt - Mường tách khỏi các ngôn ngữ khác của nhánh Môn-Khơmer như tiếng Poọng, tiếng Chứt, Arem, Mã Liềng, Aheu. Giai đoạn Việt - Mường cổ kéo dài từ thế kỷ thứ II sau công nguyên đến quãng thế kỷ XI. Sau đó là thời kỳ phát triển của tiếng Việt - Mường chung khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV, một trong các thời kỳ hưng thịnh nhất của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Đó cũng là thời kỳ tiếng Việt phát triển rầm rộ sau khi nước Việt Nam giành được chủ quyền độc lập hoàn toàn, thoát khỏi sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Để làm giàu có nhanh chóng vốn từ vựng của mình đáp ứng nhu cầu xây dựng nền tự chủ của quốc gia độc lập, thời kỳ này tiếng Việt - Mường chung đã vay mượn rất nhiều các từ tiếng Hán và đã hình thành nên một cách đọc tiếng Hán riêng của người Việt Nam, gọi là cách đọc Hán - Việt.

Do tính cát cứ và tình trạng giao thông khó khăn, tiếng Việt - Mường chung đã phát triển trong hệ thống đồng đều. Ở đồng bằng và ven biển việc giao lưu xảy ra dễ dàng và thường xuyên hơn nên việc tiếp thu các yếu tố Hán cũng mạnh mẽ hơn. Ở miền núi, việc đi lại khó khăn nên sự giao lưu gặp nhiều hạn chế, tiếng Việt - Mường chung ở các vùng này không thể hình thành nên một lớp từ Hán - Việt như ở miền xuôi. Nó giữ lại nhiều yếu tố cổ còn lại ở cả tiếng Mường bây giờ. Trong khi đó, tiếng Việt - Mường chung ở miền đồng bằng lại tách ra thành một khu vực riêng gọi là tiếng Việt cổ. Giai đoạn này diễn ra khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.

Giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX là giai đoạn của tiếng Việt trung đại. Đây là giai đoạn tiếng Việt bắt đầu có những cuộc tiếp xúc với các ngôn ngữ phương Tây, trong đó tiêu biểu là tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và Bồ Đào Nha, nhờ công cuộc truyền giáo của các đức cha cố người Pháp và Bồ Đào Nha. Họ đã dùng hệ chữ cái La Tinh để ghi âm tiếng Việt. Một loại chữ viết mới ra đời gọi là chữ quốc ngữ (từ điển Việt - Bồ La tinh xuất bản ở Rôma 1651 của Alêchxăng Đrốt).

Sau giai đoạn tiếng Việt trung đại là thời kỳ phát triển của tiếng Việt hiện đại. Đây là thời kỳ tiếng Việt tiếp xúc mạnh mẽ với các  ngôn ngữ Âu Châu do cuộc xâm lăng của thực dân Pháp vào Việt Nam... Kết quả là, vốn từ vựng của tiếng Việt được làm giàu có thêm bởi một hệ thống các thuộc ngữ khoa học mới. Về mặt ngữ pháp, do chịu ảnh hưởng của ngữ pháp Âu châu, cụ thể là ngữ pháp tiếng Pháp (sau này là ngữ pháp tiếng Nga), ngữ pháp tiếng Việt cũng có nhiều biến đổi, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại và có tính chuẩn hoá cao. Từ sau năm 1945 nước nhà giành được nền độc lập và đặc biệt sau năm 1975 Tổ quốc Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất, với chính sách ưu tiên của Đảng và Chính phủ, tiếng Việt càng có điều kiện phát triển hơn bao giờ hết. Ngày nay, tiếng Việt đang góp phần quan trọng  vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

 

v     NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT

Trong tiếng Việt có một đặc điểm rất quan trọng ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, đó là khi phát âm người ta phát âm rời từng từ một. Mỗi từ là một tiếng hay là một âm tiết. Do đó, cách phát âm kiểu này còn được gọi là cách phát âm ''tiếng một''.

 

v     ÂM TIẾT TTẾNG VIỆT

Âm tiết tiếng Việt không giống âm tiết trong các ngôn ngữ Âu châu ở chỗ, nó là đơn vị luôn có đường ranh giới trùng với từ và với hành vi. Một âm tiết tiếng Việt ở dạng đầy đủ tiết bao giờ cũng có 5 thành phần: Phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Trong đó hai thành phần quan trọng nhất là âm chính và thanh điệu không bao giờ được vắng mặt. Nghĩa là cấu trúc tối giản nhất của tiếng Việt chỉ bao gồm hai thành phần là âm chính và thanh điệu. Thanh điệu trong tiếng Việt được gọi là âm vị siêu đoạn tính vì về mặt cảm giác người ta không thể tách nó ra trên dòng ngữ lưu. Nó là cái bao trùm lên cả âm tiết. Các thành phần còn lại của âm tiết như 1089 âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối được gọi là các âm vị đoạn tính. Nghĩa là, người ta có thể tách riêng từng thành phần theo dòng ngữ lưu hay trên trục cú đoạn (trục ngang).

Mối quan hệ giữa các âm vị đoạn tính trong âm tiết không giống nhau. Phụ âm đầu có thể dễ dàng tách ra khỏi các âm vị còn lại. Do đó, trên đại thể có thể coi âm tiết tiếng Việt được cấu tạo từ ba bộ phận: Âm đầu (phụ âm đầu) phần vần và thanh điệu. Chẳng hạn, từ ''toan'' (âm tiết ''toan") gồm có phụ âm đầu t kết hợp với vần ''oan'' và thanh ngang (thanh không dấu). Vần ''oan'' gồm âm đệm W (trong từ được viết thành O) kết hợp với âm chính a là âm cuối n. Sự kiện phụ âm đầu được tách khỏi phần vần dễ nhận thấy nhất trong cách đánh vần âm tiết tiếng Việt. Như vậy, phần vần của âm tiết tiếng Việt là một khối kết hợp gồm ba thành phần. Trong đó âm chính là yếu tố trung tâm, quan trọng nhất của phần vần cũng là của cả âm tiết. Nó đứng ở đỉnh âm tiết Âm cuối Của âm tiết tiếng Việt có thể là một  phụ âm hoặc bán nguyên âm cuối / -i /. Âm đệm của âm tiết là một bán nguyên âm tròn môi, có cấu tạo gần giống như âm chính của âm tiết. Nó có tác dụng làm trầm hoá âm tiết. Về mặt văn tự, nó được thể hiện bằng hai chữ khác nhau: Được viết là O nếu sau nó là các nguyên âm /a, ă, ε/ như hoa, hoạ, hoè; được viết là u nếu sau nó là các nguyên âm còn lại như huấn, huê, huy, qua, quê, quen, quan.

 

v     ÂM VỊ  VÀ ÂM TỐ

Để hiểu ngữ âm tiếng Việt cần nắm được các khái niệm cơ bản là “âm vị” và ''âm tố''. Trong khi phát âm người ta phát ra âm tố. Nói một cách khác, âm tố mới là đơn vị có thực. Âm vị thật ra là một khái niệm có tính trừu tượng được khái quát từ muôn vàn các âm tố khác nhau. Chẳng hạn, âm vị /a/ khi được phát âm qua mỗi người có thể khác nhau về cao độ, trường độ... ở mức độ nào đó không làm phá vỡ những đặc trưng cấu âm cơ bản của nó. Những dạng phát âm cụ thể âm /a/ như thế người ta gọi là những âm tố a. Khi khái quát những điểm chung nhất về cách phát âm âm a làm nó khu biệt với âm u ta sẽ được cái gọi là âm vị /a/. Nhìn theo hệ thốngvà cấp độ thì âm tố, âm tiết là các đơn vị thuộc lời nói còn âm vị, hình vị thuộc về ngôn ngữ.

Người ta phân biệt hai loại âm vị cơ bản là âm vật nguyên âm và âm vị phụ âm (gọi tắt là nguyên âm và phụ âm). Trong âm tiết, nguyên âm bao giờ cũng giữ vai trò là âm chính còn phụ âm có thể đóng vai trò mở đầu hay kết  thúc âm tiết.

Nét khác biệt cơ bản giữa nguyên âm và phụ âm thể hiện ở chỗ: Khi phát âm nguyên âm luồng hơi từ trong đi ra không bị cản lại mà được tự do, thoải mái. Do đó, âm thanh phát ra nghe êm ái, dễ chịu. Bộ máy phát âm ở trong tư  thế điều hoà, không căng thẳng. Luồng hơi từ phổi đi ra vì thế liên tục, không bị ngắt quãng.

Cách cấu tạo các phụ âm lại hoàn toàn ngược lại. Khi phát âm phụ âm, luồng không khí từ phổi đi ra thường bị cản trở ở một vị trí nào đó chứ không được hoàn toàn tự do như khi phát âm nguyên âm. Bộ máy phát âm hoạt động khi căng, khi chùng, tạo ra sự tắc nghẽn, đứt quãng không liên tục của dòng âm thanh. Nếu như luồng không khí bị chặn lại sau đó mới bật thoát ra ta sẽ có các âm tắc nổ hay bật hơi. Nếu như luồng hơi đi qua một khe hở hẹp ta sẽ có các phụ âm xát. Tính chất của các phụ âm còn phụ thuộc vào sự tham gia của các bộ phận trong bộ máy phát âm. Vì thế người ta lại phân biệt thành phụ âm hữu thanh, phụ âm vô thanh, phụ âm vang mũi, phụ âm môi - môi, phụ âm môi - răng, phụ âm đầu lưỡi - răng...

Trong tiếng Việt có một loại âm tố khi phát ra nó mang tính chất trung hoà giữa phụ âm và nguyên âm, người ta gọi là các bán nguyên âm. Các âm này vừa có tính chất của phụ âm lại vừa có tính chất của nguyên âm. Đó là các âm /i/ và /u/ trong các từ lai rai, đau, cau...

Hệ thống các nguyên âm và phụ âm: Tiếng Việt rất phong phú. Nó tạo nên bản sắc riêng, độc đáo của tiếng nói dân tộc.

Trong danh sách các nguyên âm có 13 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi. Các nguyên âm đơn gồm: /i/, /e/, /ε/, /ω/, /γ/, /a/, /u/, /O/, /δ/, /ă/ /â/, /δ/, /ε/, được viết là: i, ê, e, ư, ơ, â, u, ô, oo, ă, â, o, a

Các nguyên âm đôi gồm /ie/, / ω γ /, /uo/ được viết là iê, ia, ươ, ưa, uô, ua.

Trong danh sách các phụ âm lại có thể tách ra thành từng nhóm: 1. Nhóm các phụ âm môi gồm các âm tắc /b/, /m/ và các âm xát //.

2. Nhóm các phụ âm đầu lưỡi gồm các âm tắc như /t/, /t/, /n/, /d/ và các phụ âm xát: /z/, /S/, /l/

3. Nhóm các phụ âm mặt lưỡi gồm / /.

4. Nhóm các phụ ăn quặt lưới gồm / /, / /.

5. Phụ âm rung / /.

6. Phụ âm gốc lưỡi gồm các âm tắc /K/, / /và các âm xát / γ /

7. Nhóm phụ âm tắc thanh hầu /?/, /h/.

 

v     THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT

Tiếng Việt là một ngôn ngữ có hệ thống thanh điệu phong phú, gồm có 6 thanh: Thanh ngang (thanh không dấu), thanh huyền, thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngã, thanh nặng. Trong đó các thanh như: Thanh ngang, thanh huyền, thanh sắc được gọi là các thanh không gãy, tức là các thanh có đường nét bằng phẳng hay không gấp khúc. Các thanh còn lại là thanh ngã, thanh nặng, thanh hỏi là các thanh gãy, tức là các thanh có đường nét không bằng phẳng, còn gọi là các thanh gấp khúc.

Sự đối lập giữa gãy và không gãy của thanh điệu tiếng Việt gọi là đối lập về đường nét. Nếu xem xét thanh điệu theo tính chất âm vực ta lại có thế đối lập cao/thấp. Trong đó các thanh ngang, ngã, sắc là các thanh thuộc âm vực cao, các thanh huyền, hỏi, nặng thuộc âm vực thấp. Những đối lập vừa nêu có giá trị rất lớn trong sáng tạo văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong thơ ca. Nó tạo ra tính cân đối và các thế tương xứng của văn bản thơ. Tuy nhiên, đối với thơ truyền thống, tính tương xứng giữa các câu thơ dễ nhận thấy hơn cả là sự đối ứng bằng/trắc (giữa tiếng mang thanh điệu bằng và tiếng mang thanh điệu trắc). Trong đó các thanh ngang và thanh huyền được gọi là các thanh bằng, 4 thanh còn lại là các thanh điệu trắc.

Ví dụ: Giơ tay với thử trời cao thấp

            B    B    T    T    B    B     T

Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài

T         T     B    B    T     T     B

(Hồ Xuân Hương)

Văn tự và vấn đề chính tả tiếng Việt hiện đại. Cho đến nay, qua các thư tịch cổ và nghiên cứu khảo cổ học, người ta thấy dân tộc Việt có hai loại chữ viết được lưu hành rộng rãi là chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

 Hiện có nhiều giả thuyết khác nhau về sự ra đời của chữ Nôm. Có giả thuyết cho rằng chữ Nôm được hình thành từ những buổi đầu dựng nước, tức là vào thời đại các vua Hùng. Có giả thiết lại cho rằng chữ Nôm ra đời vào thời kỳ Bắc Thuộc, thời Sĩ Nhiếp. Cũng có một số người dựa vào việc dùng chữ ''Bố cái đại Vương'' để suy luận, chữ Nôm có thể bắt đầu xuất hiện từ thời Phùng Hưng. Nhưng các giả thuyết này đến chưa có cơ sở khoa học chắc chắc. Có lẽ ý kiến có sức thuyết phục hơn cả là ý kiến coi sự ra đời của chữ Nôm gắn liền với thời kỳ hình thành cách đọc Hán - Việt, tức vào quãng thế kỷ X – XII. Đây là thời kỳ Việt Nam giành được độc lập, đang tập trung xây dựng một quốc gia tự chủ về kinh tế, chính trị, văn hoá. Thời kỳ này tiếng Việt vay mượn khá nhiều từ Hán qua cách đọc riêng của người Việt gọi là cách đọc Hán - Việt. Chữ Nôm chính thức xuất hiện trong các văn bia từ đời Lý (1010 - 1225). Thông thường, chữ Nôm được cấu tạo bằng cách dùng hai phần kết hợp với nhau là phần âm và phần ý (phần biểu âm và phần biểu ý). Phần biểu âm là phần dùng ngữ âm của tiếng Việt để đọc chữ Hán.

Ví dụ chữ ''Tay'' gồm có chữ ''Tây'' kết hợp với bộ Thủ. Chữ ruộng gồm chữ ''Long'' kết hợp với chữ ''Điền''. Trong đó, gốc chữ Hán "bộ thủ'' có nghĩa là ''Tay'', chữ ''Điền'' có nghĩa là ''ruộng''.

Khi sáng tạo ra chữ Nôm, một mặt ông cha ta đã lấy ngay từ chất liệu chữ Hán. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu giao tiếp ngày càng tăng ông cha ta đã không ngừng sáng tạo ra các  từ ngữ mới. Cả hai cách làm này đều làm phong phú thêm cho tiếng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là khẳng định tính độc lập tự chủ và sự sáng tạo độc đáo của dân tộc mình, chữ Nôm cũng bộc lộ những nhược điểm như thiếu tính qui tắc chặt chẽ và thiếu tính thống nhất. Do vậy có khi cùng một từ nhưng ở mỗi vùng, mỗi miền lại viết khác nhau. Điều này  gây cản trở cho việc đọc và hiểu văn bản. Tuy vậy, chữ Nôm ra đời đã góp phần vô cùng quan trọng vào việc bảo vệ tiếng Việt và bản sắc văn hoá dân tộc. Bên cạnh dòng văn học viết bằng chữ Hán, dân tộc Việt Nam còn có dòng văn học viết bằng chữ Nôm cũng vô cùng phong phú và độc đáo.

 

v     SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

Vào thế kỷ XVII các nhà truyền giáo phương Tây đã đến Việt Nam. Để khắc phục tình trạng bất đồng về ngôn ngữ, các nhà truyền giáo đã dùng hệ thống chữ cái La tinh ghi âm tiếng Việt. Một loại chữ viết mới ở Việt Nam đã được hình thành: Chữ quốc ngữ. Về mặt khách quan, không thể không ghi nhân công lao to lớn của các nhà truyền giáo này, đứng đầu là Alếchxăng Đrốt (ông đã cho xuất bản cuốn từ điển Việt - Bồ - La tinh ở Rôm năm (1651). Nhưng về mặt chủ quan phải thừa nhận rằng tiếng Việt đến thế kỷ XVII đã phát triển đến một trình độ cao, có đầy đủ đều kiện chuẩn bị cho việc ra đời loại chữ viết mới thuận tiện hơn trong việc sử dụng.

Vì chữ quốc ngữ là loại chữ ghi âm nên có ưu điểm nổi bật là dễ nhớ, dễ thuộc. Một người dân bình thường không cần biết chữ Hán vẫn có thể học và nhanh chóng sử dụng chữ quốc ngữ. Tuy có những ưu yểm như vậy nhưng chữ quốc ngữ là hệ thống văn tự mới không phải đã dễ dàng đi vào quần chúng. Chỉ đến khi có các phong trào yêu nước như Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thì chữ quốc ngữ mới thực sự đi sâu vào quần chúng. Đặc biệt sau năm 1945 nước nhà giành được độc lập chữ quốc ngữ được dùng làm văn tự chính thức của nhà nước ta trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục... Nó được dùng để giảng dạy, học tập từ phổ thông đến đại học.

 

v     VẤN ĐỀ CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT

Một trong những khó khăn lớn nhất của chính tả tiếng Việt chính là sự không đồng nhất giữa chữ viết và âm vị mà nó biểu thị. Cùng là âm vị /K/ nhưng lại có 3 cách viết khác nhau: K, C, q. Cùng là âm vị nguyên âm /υ/ lại có tới 4 cách viết: iê, yê, ia, ya. Đối với các âm vị có sự tương ứng hoàn toàn với chữ viết, nghĩa là một âm vị được biểu hiện bằng một chữ viết thì tình hình không có gì khó khăn. Chẳng hạn, các âm vị như: /b/, /m/, /t/, /h/, /l/, /v/, /f/, /ε/, /e/, /a/, /o/, /ω/… ở đây cần ghi nhớ một số qui tắc tối thiểu. Ví dụ, với âm vị /K/ sẽ viết là K nếu sau nó là các nguyên âm dòng trước /i/, /ε/, /e/, /v/: Kiếm, kén, kiến, kẻ.:.; viết là q nếu sau nó là âm đệm /u/: quản, quạ, quấn. Các trường hợp còn lại viết là C: Can, cánh, cung, cấp. Với nguyên âm đôi /v/ sẽ viết là iê nếu nó ở trong âm tiết có đủ phụ âm đầu và âm cuối: liên, tiền, tiến, kiện, kiến..., viết là khi nó ở trong âm tiết có cấu tạo ở dạng đầy đủ nhất (có 5 thành phần): (chim) quyên, huyện, luyện, chuyến…, viết là ia khi âm tiết không có âm cuối và không có âm đệm /W/: thia lia, chia, lìa, mía…, viết là ya khi âm tiết không có âm cuối nhưng có âm đệm: khuya. Một số âm vị khác cũng có từ hai cách viết trở lên. Ví dụ, âm vị /z/ được viết là d trong các trường hợp: da thịt, da diết,.., được viết là gi trong các trường hợp: gia đình, giả, gì, giận,...

Tính phức tạp của chính tả tiếng Việt còn thể hiện ở sự nhầm lẫn giữa các cặp: /S/ - //(X - S), /C/ - / / (ch - tr) do hiện tượng phát âm khác nhau ở các địa phương và hiện tượng mất phụ âm quặt lưỡi ở một số vùng lớn trong tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra, ở một số địa phương hiện tượng nói ngọng cũng gây ra sự nhầm lẫn chính tả, chẳng hạn không phân biệt được l và n. Để khắc phục tình trạng này, người ta phải dùng mẹo ngôn ngữ hoặc nhớ một cách máy móc. Ví dụ để phân biệt ch - tr có thể dùng mẹo như sau: đa số các từ chỉ sự vật dùng song sinh hoạt hàng ngày được viết bằng ch: chăn, chiếu, chun, chũm, chĩnh, chổi...; đa số các cây thực vật có thân gỗ lớn được viết bằng tr: tre, trúc, trám, đa số các cây thực vật có thân gỗ nhỏ và không phải thân gỗ được viết bằng ch: chanh, chuối. Hiện nay, tình hình phức tạp nhất của chính tả tiếng Việt chính là việc dùng các từ phiên âm từ tiếng nước ngoài. Sự thiếu thống nhất giữa các nhà xuất bản và trên báo chí vẫn đang còn là vấn đề cần tiếp tục được giải quyết. Trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước rất chăm lo đến việc chuẩn hóa chính tả và chuẩn hoá tiếng Việt Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo khoa học đã bàn về vấn đề này từ cấp Trung ương xuống các địa phương. Tuy nhiên, việc chuẩn hoá chính tả nói riêng và chuẩn hoá ngạn ngữ nói chung vẫn là vấn đề thời sự không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác.

 

v     TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT

 Từ vựng là vốn từ của một ngôn ngữ. Nói cách khác, từ vựng là tập hợp tất cả các từ ngữ cố định trong một ngôn ngữ theo một hệ thống nhất định.

Tuỳ theo mức độ, phạm vi và tính chất sử dụng người ta có thể chia vốn từ ra thành các lớp khác nhau. Chẳng hạn, dựa vào mức độ và phạm vi, vốn từ có thể chia thành lớp từ toàn dân và lớp từ địa phương. Dựa vào 0 đứng từ nhiều góc độ khác nhau tuỳ theo mục đích nghiên cứu.

Trong vốn từ vựng, từ là đơn vị cơ sở. Từ của tiếng Việt có đặc điểm khác với từ ở các ngôn ngữ Âu châu. Trong mọi văn cảnh sử dụng, nó không bao giờ có sự biến đổi hình thái nên gọi là từ không biến hình.

Cũng như các ngôn ngữ khác, từ tiếng Việt là đơn vị có sẵn, có tính định hình hoàn chỉnh về mặt hình thức và ý nghĩa. Nếu từ biểu thị một sự vật cụ thể hay một khái niệm nào đó, người ta gọi là thực từ, tức là từ có ý nghĩa từ vựng. Các thực từ thường đảm nhiệm chức vụ ngữ pháp quan trọng. Ở trong câu như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngừ, định ngữ, trạng ngữ. Các từ không có ý nghĩa từ vựng, không biểu thị sự vật hay khái niệm mà chỉ có ý nghĩa ngữ pháp thuần tuý người ta gọi là các hư từ, ví dụ : à, ơi, nhỉ, vì, nên, do nếu, thì, cùng, vẫn, của, về, cho. . .(tất nhiên có không ít các hư từ vốn trước đây là thực từ dần dần bị hư hoá ý nghĩa mà thành). Xét về mặt cấu tạo, từ lại có thể chia ra thành hai loại: Từ đơn và từ phức. Từ đơn là các từ do một hình vị tạo thành. Ví dụ: nhà cửa, ăn, ngủ, học, chạy, . . . Từ phức là các từ có từ hai hình vị trở lên. Tùy theo phương thức cấu tạo mà ta lại có các loại từ phức khác nhau. Nếu các hình vị kết hợp với nhau theo phương thức ghép ta sẽ có từ ghép. Nếu chúng kết hợp với nhau theo phương thức láy ta sẽ có từ láy. Trong nhóm từ ghép, nếu chia nhỏ sẽ có các từ ghép hợp nghĩa và ghép chính phụ. Từ ghép hợp nghĩa là kiểu ghép hai hay ba hình vị theo cách thức các hình vị bình đẳng với nhau, trong đó ý nghĩa của cả tổ hợp là ý nghĩa chung, khái quát. Ví dụ : nhà cửa, áo quần, tàu xe, trâu bò, công nông, sông ngòi. . . Nếu các hình vị trong từ ghép kết hợp với nhau không theo quan hệ bình đẳng mà trong đó có một hình vị đóng vai trò chính, một hình vị giữ vai trò là yếu tố phụ thì ta có từ ghép chính phụ: xe đạp, hoa hồng, vui tính, tốt bụng. Các từ phức được kết hợp theo phương thức láy, ta sẽ có các từ láy ở loại này dựa vào số lượng các yếu tố người ta lại tách ra các kiểu láy: láy đôi , láy ba, láy tư. Ví dụ, láy đôi: Lành lạnh, làng nhàng, bập bềnh . . . ; láy ba: Sạch sành sanh, khít khìn khịt; láy tư: Khấp kha khấp khểnh, ríu ra ríu rít, khít khịt khìn khin . . .

Khi dựa vào những đặc điểm giống nhau giữa các từ về mặt hình thức âm thanh hay về mặt ý nghĩa, người ta lại chia vốn từ ra thành các nhóm như: Nhóm từ đồng âm, nhóm từ đa nghĩa, nhóm từ đồng nghĩa, nhóm từ trái nghĩa.

Các từ đồng âm là các từ có vỏ âm thanh giống nhau nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, Lợi có nghĩa là ''lợi ích'' đồng âm với Lợi có nghĩa là một bộ phận của cơ thể (trong khoang miệng). Từ về là một động từ (tôi về nhà) đồng âm với về là một từ chỉ hướng (Xe chạy về hướng Nam).

- Các từ đa nghĩa là các từ có nhiều ý nghĩa, trong đó các ý nghĩa đều có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nghĩa gốc, nghĩa cơ bản của từ. Ví dụ từ ăn trong câu ''Tôi ăn cơm'' và từ ăn trong ''Nó đi ăn giỗ'' là có quan hệ trực tiếp với nhau. Nghĩa của từ ''ăn'' thứ nhất chỉ một hành động cụ thể, nghĩa của từ ăn thứ hai chỉ hành động ăn xảy ra vào một dịp nào đó. Ta gọi các nghĩa này là các nghĩa nằm trong loạt đa nghĩa của từ ăn.

Khi phát triển đến một mức nào đó mà cái nghĩa thứ n quá xa với nghĩa gốc ban đầu thì nó sẽ tách ra thành từ đồng âm. Từ ăn trong tiếng Việt có tới 16 nghĩa và được tách ra thành 4 nhóm đồng âm. Hiện tượng tách nghĩa của từ đa nghĩa để tạo thành từ đồng âm là một hiện tượng làm phong phú thêm cho vốn từ đồng âm của ngôn ngữ.

- Các từ đồng nghĩa là các từ có vỏ âm thanh khác nhau nhưng cùng biểu hiện một ý nghĩa. Ví dụ: Chết, hy sinh, tử trận, từ trần, băng hà ... là các từ đồng nghĩa. Về nguyên tắc các từ đồng nghĩa là các từ có thể thay thế nhau trên trục dọc, nghĩa là có thể thay nhau cùng đảm nhiệm một chức vụ ngữ pháp trong câu. Nhưng trên thực tế, việc lựa chọn từ nào trong loạt đồng nghĩa để sử dụng cho phù hợp với đối tượng giao tiếp và hoàn cảnh nói năng sẽ bộc lộ năng lực tư duy, sự tinh tế của người nói và người viết. Mặt khác, nó cũng bộc lộ khả năng tiếp thu truyền thống về văn hoá giao tiếp của người sử dụng.

- Các từ trái nghĩa là các từ có các nét nghĩa cơ bản nằm trong quan hệ đối lập về nghĩa với nhau. Ví dụ trắng đen, cao thấp, dài ngắn, rộng hẹp, dày mỏng. . . Sự đối lập này diễn ra theo từng cặp và có giá trị tương đối, ứng với từng trường hợp sử dụng cụ thể. Quan hệ trái nghĩa không chấp nhận kiểu loại suy tam đoạn luận. Chẳng hạn, đen trái nghĩa với trắng, trắng trái nghĩa vôi đỏ nhưng đen không đồng nghĩa với đỏ mà vẫn trái nghĩa với đỏ.

Trong sáng tạo nghệ thuật, các từ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra các tác phẩm văn học mang tính độc đáo thể hiện đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Đặc biệt trong thơ ca và câu đối.

Trong vốn từ vựng tiếng Việt các ngữ cố định bao gồm quán ngữ, thành ngữ chiếm một vị trí quan trọng. Quán ngữ là các cụm từ cố định được hình thành theo thói quen trong giao tiếp của người Việt từ lâu đời. Khi nói, nó được sử dụng nguyên khối và có tính tái hiện như từ. Thành ngữ cũng là cụm từ cố định nhưng đó là các câu nói mang tính thông báo trọn vẹn, phản ánh kinh nghiệm sống, đấu tranh xã hội, sản xuất của dân tộc ta. Có thể nói thành ngữ tiếng Việt thể hiện rất rõ tinh thần, ý chí bản sắc dân tộc.

Trong thành ngữ tiếng Việt, số lượng các thành ngữ 4 âm tiết chiếm một số lượng đáng kể. Ví dụ: Trèo cao ngã đau, giận cá chém thớt, đầu trâu mặt ngựa, tham sống sợ chết, miệng ăn núi lở, quýt làm cam chịu, xanh vỏ đỏ lòng. . . Đặc điểm của thành ngữ 4 âm tiết là có tính cân đối, tính hoàn chỉnh về ngữ nghĩa và chặt chẽ về ngữ âm. Vì vậy nó rất dễ dàng đi vào thơ ca. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, số lượng các thành ngữ 4 âm tiết được sử dụng vô cùng lớn.

Vì thành ngữ được cấu tạo theo cách nói có vần hoặc có tính cân đối về âm thanh nên nó rất dễ nhớ dễ thuộc. Do đó trong đời sống nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Thậm chí có người không biết chữ vẫn có thể thuộc rất nhiều thành ngữ.

 

v     TỪ HÁN - VIỆT

Trong kho từ vựng tiếng Việt, số lượng từ Hán - Việt chiếm một tỷ lệ rất lớn, ước tính từ 75% đến 85% tổng số vốn từ. Trong đó, chiếm nhiều nhất là các từ ngữ chính trị xã hội và khoa học.

Từ Hán - Việt là những từ Hán du nhập vào Việt Nam từ lâu đời được đọc và giải nghĩa theo cách của người Việt Nam. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, sự du nhập này diễn ra vào hai thời kỳ. Thời kỳ đầu tính từ đầu công nguyên đến đời Đường. Thời kỳ sau diễn ra từ thế kỷ VIII - thứ X trở về sau. Người ta gọi giai đoạn đầu là giai đoạn Hán - Việt cổ, giai đoạn sau là giai đoạn Hán - Việt. Ngoài ra, tiếng Việt còn tiếp nhận một số từ của tiếng Phạn, tiếng Nhật, tiếng Hàn. . . đã du nhập vào tiếng Hán. Đó là các từ như: Đại bản doanh, biện chứng pháp, cộng hoà, niết bàn, Phật, Thích ca. . .

Đặc điểm của từ Hán - Việt là có màu sắc trang trọng. Các từ tố Hán - Việt thường không có khả năng hoạt động độc lập và có khả năng kết hợp hạn chế. Ví dụ ''ái'' (Hán - Việt) chỉ xuất hiện trong một số từ ghép: Ái quốc, nhân ái, ái mộ, ái hữu, bác ái và không được dùng độc lập. Trong khi đó từ ''yêu'' lại được dùng độc lập và có khả năng kết hợp rộng hơn từ ''ái'' rất nhiều.

Từ tố Hán - Việt thường có sức sản sinh cao.

Vì vậy nó góp phần tích cực tạo ra sự phong phú của cấu tạo lừ tiếng Việt. Ví dụ, từ tố "hoá'' có thể tạo ra một loạt từ mới nhờ việc kết hợp với các từ khác: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quốc tế hoá, thành thị hoá, hợp tác hoá . . .

Muốn tìm hiểu từ vựng tiếng Việt không thể không tìm hiểu hệ thống từ Hán - Việt.

 

v     NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT

Ngữ pháp là một bộ phận rất quan trọng của ngôn ngữ. Ngữ pháp là một bộ các qui tắc qui định cách tổ chức các từ lại để tạo thành câu nói. Trên thực tế, người ta chỉ có thể giao tiếp bằng câu chứ không thể giao tiếp bằng từ. Bởi vì không có ngữ pháp, các từ chỉ là một tập hợp hỗn độn, không có tổ chức và không thể diễn đạt được tư tưởng.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ không biến hình và là một điển hình của các ngôn ngữ đơn lập. Muốn nắm được ngữ pháp tiếng Việt phải nắm được cách sử dụng các hư từ và trật tự từ.

Ngữ pháp gồm hai bộ phận: Bộ phận từ pháp và bộ phận cú pháp.

Từ pháp nghiên cứu các phạm trù ngữ pháp, cấu tạo từ và việc phân chia từ loại.

Cú pháp nghiên cứu các qui tắc kết hợp từ để tạo thành câu. Đối tượng của nó là các quan hệ cú pháp tạo ra các tổ hợp cú pháp và câu.

Từ tiếng Việt không có sự biến đổi hình thái. Vì vậy, vấn đề về phạm trù ngữ pháp của tiếng Việt là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết nó theo cách nhìn của ngôn ngữ học Âu châu. Chẳng hạn, để diễn đạt phạm trù về Thời và Thể, tiếng Việt không dùng cách biến đổi hình thức của động từ mà dùng các hư từ đi kèm với động từ. Như vậy phân chia từ loại là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của Từ pháp học tiếng Việt. Phân chia từ loại thực chất là dựa vào những đặc trưng cơ bản nhất để tách từ vựng ra thành các lớp khác nhau trên cơ sở ý nghĩa khát quát chung của mỗi lớp cũng như khả năng kết hợp của nó với từ ở các lớp khác và chức vụ cú pháp của nó trong câu. Trong các tiêu chuẩn phân chia từ loại tiếng Việt thì ý nghĩa khái quát và khả năng kết hợp là những tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Phân chia ở bậc một, các từ tiếng Việt được tách ra thành hai phạm trù lớn: Phạm trù từ thực và phạm trù từ hư (gọi tắt là thực từ và hư từ). Thực từ tiếng Việt gồm các từ loại chính là: Danh từ, động từ, tính từ, số từ.

Danh từ là từ chỉ sự vật, hiện tượng hay biểu thị một khái niệm nào đó. Người ta gọi nó là từ có ý nghĩa thực thể.

Trong đoản ngữ danh từ (danh ngữ) danh từ bao giờ cũng đóng vai trò là yếu tố trung tâm. Trước nó có thể có từ chỉ số lượng. Sau nó có thể có các đại từ chỉ định: Này, ấy, nọ, kia.

Trong câu, danh từ thường đóng vai trò chủ ngữ hoặc bổ ngữ. Nó cũng  có thể làm vị ngữ khi đi sau hệ từ tạo thành cụm vị ngữ là + D (Nó là sinh viên).

Người ta chia từ loại danh từ ra thành các nhóm khác nhau như:

- Danh từ riêng.

- Danh từ chung.          

- Danh từ tổng hợp.

- Danh từ không tổng hợp.

- Danh từ vật thể/chất thể.        

- Danh từ loại thể.

- Danh từ đơn vị.

- Danh từ đếm được/không đếm được.

- Danh từ trừu tượng (danh từ tượng thể).

Danh từ riêng là danh từ chỉ các sự vật, hiện tượng cụ thể nhằm loại biệt nó với các sự vật hiện tượng khác. Ví dụ: Hoài, Nam, Vân, Hà Nội, Paris…

Danh từ chung là danh từ chỉ một lớp sự vật mang những thuộc tính giống nhau. Ví dụ  bàn, ghế, nông dân, học sinh. . .

Danh từ tổng hợp là danh từ mang ý nghĩa chung khái quát. Ví dụ: Cây cối, nhà cửa, sách vở, phố phường, báo chí.

Danh từ vật thể: Xe, tàu, nhà, lúa, ngô, người.

Danh từ chất thể: Lỏng, rắn, hơi, khói, khí. . .

Danh từ loại thể (còn gọi là loại từ): Cái, con, mẩu, cục, miếng, tấm, quyển...

Danh từ trừu tượng: Chán là tình cảm, lý thuyết, tình yêu, lý luận…

Danh từ chỉ đơn vị: Tấn, tạ, yến, lít, (mét) khối.

Nếu tiếp tục phân chia, người ta sẽ có các nhóm nhỏ hơn. Chẳng hạn, trong nhóm danh từ vật thể có thể tách ra nhóm danh từ chỉ động vật, nhóm danh từ chỉ người, nhóm danh từ chỉ sự vật. Trong nhóm danh từ chỉ đơn vị có thể tách ra nhóm danh từ chỉ đơn vị chính xác, nhóm danh từ chỉ đơn vị không chính xác. . .

Động từ là từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, nó biểu thị ý nghĩa đặc trưng của thực thể.

Trong đoản ngữ động từ (động ngữ) động từ giữ vai trò là yếu tố trung tâm. Trước và sau động từ có thể có thành phần phụ, gọi là phụ trước và phụ sau động từ. Có người gọi đó là các từ kèm.

Trước động từ có các từ kèm như: Đã, sẽ, đang, chưa, đều, cũng, vẫn, rất. . . sau động từ có các từ kèm như: Xong, rồi.

Trong câu động từ thường làm chức năng vị ngữ.

Động từ tạo thành một lớp lớn, do đó cũng có thể tách ra thành các nhóm nhỏ hơn. Đó là các nhóm: Động từ nội động và động từ ngoại động.

Động từ nội động: Là động từ trỏ các hoạt động không chi phối đến các sự vật ngoài nó. Nghĩa là, trong câu nó không đòi hỏi phải có bổ tố. Đó là các động từ như: Cười, ngồi, nằm, ngủ, bò, càu nhàu, hậm hực. . .

Động từ ngoại động là Động từ có sự chi phối tới sự vật ngoại nó. Nghĩa là trong câu nó luôn luôn đòi hỏi phải có bổ tố. Đó là các động từ như: Tặng, cho, biếu, gặp, xây, kéo

Trong tiếng Việt còn có nhiều động từ vừa mang tính chất nội động vừa mang tính chất ngoại động. Đó là các động từ như: Ăn, nhìn, đánh…

Tiếp tục chia nhỏ, ta sẽ có các nhóm động từ như: Động từ chuyển động, động từ chỉ sự nói năng, động từ trỏ trạng thái tâm lý, tình cảm, động từ biểu thị quan hệ cho - nhận. . .

Tính từ là từ chỉ tính chất hay đặc trưng của sự vật hiện tượng.

Trong đoản ngữ tính từ (tính ngữ) tính từ đóng vai trò là yếu tố trung tâm. Nó có thể kết hợp với các yếu tố phụ trước và yếu tố phụ sau.

Trong câu nó có thể làm vị ngữ khi có yếu tố phụ đi kèm. (VD: Cô gái này rất xinh). Trong động ngữ, nó có thể đi trước hoặc sau động từ với vai trò là trạng tố cho động từ. (VD: giỏi làm, hát hay). Trong danh ngữ nó thường đi sau danh từ với chức năng định ngữ (VD: Cái áo rách này).

Trong trong Việt, phạm trù từ hư cũng là một phạm trù đa dạng, phong phú. Tùy theo chức năng và khả năng kết hợp của nó trong câu người ta lại chia nhỏ thành các nhóm: Kết từ, phụ từ (từ kèm), ngữ khí từ, từ tình thái, đại từ. . . Khác với từ pháp học, cú pháp nghiên cứu cách tổ chức hay là kết hợp từ để tạo thành câu. Mối quan hệ giữa các từ với nhau ở trong câu gọi là quan hệ cú pháp. Có ba loại quan hệ cơ bản:

- Quan hệ đẳng lập.

- Quan hệ chính phụ.

- Quan hệ chủ - vị (quan hệ đề - thuyết).

Quan hệ đẳng lập còn gọi là quan hệ song song. Trong đó các yếu tố luôn bình đẳng với nhau, có giá trị ngang nhau và cùng thực hiện một chức vụ ngữ pháp trong câu VD: Tôi cùng em sang bên kia cầu/tôi với anh hai người xa lạ . . . Các từ và, với, cùng thường được dùng để liên kết các yếu tố có quan hệ bình đẳng.

Quan hệ chính - phụ là quan hệ trong đó có một yếu tố đóng vai trò chính còn các yếu tố khác đi kèm phụ nghĩa cho nó. Quan hệ chính phụ thường được biểu hiện qua danh ngữ, động ngữ, tính ngữ. VD: Cái áo này/đóng thuế/vui tính . . .

Quan hệ chủ - vị là quan hệ giữa các yếu tố, trong đó một yếu tố là chủ đề còn yếu tố kia là yếu tố thuyết minh cho nó. Quan hệ chủ - vị còn được gọi là quan hệ hai trung tâm. VD: Mây bay/vượn hú.

Muốn diễn đạt mối quan hệ cú pháp giữa các từ trên trục kết hợp, người ta phải dùng các phương thức khác nhau, gọi là các phương thức ngữ pháp.

Trong tiếng Việt có các phương thức ngữ pháp sau:

a. Phương thức trật tự từ: Phương thức này qui định các từ trong câu phải được sắp xếp theo trật tự nhất định. Mỗi khi thay đổi trật tự thì ngữ nghĩa của câu cũng thay đổi theo. VD: ''Hổ ăn thịt gấu'' khác với ''gấu ăn thịt hổ''.

Phương thức trật tự từ là đặc điểm cơ bản của các ngôn ngữ đơn lập kiểu tiếng Việt Mỗi kiểu trật tự từ sẽ có ý nghĩa, chức năng ngữ pháp khác nhau.

b. Phương thức hư từ Là phương thức dùng hư từ kết hợp với thực từ để biểu thị ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp. VD: Dùng các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn... Kết hợp với động từ, tính từ, dùng mỗi, những, các. . . kết hợp với danh từ. . .

c. Phương thức láy. Là phương thức láy lại từ gốc, tạo ra dạng láy để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp. VD: vội →vội vội → vội vội vàng vàng, đẹp → đẹp đẹp.

Ngoài ra, trong khi nói người ta có thể dùng các ngữ điệu khác nhau để biểu thị các ý nghĩa khác nhau. Phương thức này gọi là phương thức ngữ điệu. Khi giao tiếp, tuỳ theo mục đích nói năng, người ta có thể tạo ra các loại câu khác nhau. Dựa vào mục đích nói năng người ta có thể phân chia câu ra thành: Câu hỏi, câu trần thuật, câu cầu khiến, câu ngôn hành. Nếu câu hỏi đặt ra có yêu cầu bắt buộc phải trả lời thì được gọi là câu hỏi chính danh (VD: Ông Ba có nhà không?). Nếu câu hỏi không bắt buộc phải trả lời thì được gọi là câu hỏi tu từ.

Trong câu hỏi, từ để hỏi thường được đặt ở vị trí cần hỏi. Các từ: Sao, vì sao, tại sao, thường được đặt ở đầu câu. Các từ: Nào, gì, đấy, thế... thường được đặt ở cuối câu hoặc sau các bộ phận cần hỏi (sau chủ ngữ hoặc sau bổ ngữ).

Câu trần thuật được biểu hiện bằng cấu trúc đề - thuyết. Nó nhằm thông báo một sự tình hay tình trạng. Trong câu trần thuật có hai loại: Trần thuật khẳng định và trần thuật phủ định. Sự khác biệt giữa hai tiểu loại này chính là chỗ, câu trần thuật phủ định có sự tham gia của các từ: Không, chẳng, chưa. . . ở trước vị từ (trước động từ, tỉnh từ).

Câu cầu khiến (còn được gọi là câu mệnh lệnh) là loại câu biểu thị hành động cầu khiến của người nói. Loại câu này thường có các từ cầu khiến đứng ở cuối câu: Đi, nào, với, xem, đã, thôi. . . VD: Làm đi !/Ăn nào! . . .

Câu ngôn hành là loại câu mà chủ thể làm Đề bao giờ cũng phải ở ngôi thứ nhất. Nó là câu trần thuật tự biểu thị, được dùng với các động từ: Xin lỗi , cảm ơn, đề nghị, cảnh cáo, hứa, hẹn, chào, chúc mừng. . .

 Nếu dựa vào hình thức cấu tạo, có thể chia câu tiếng Việt thành hai loại: Câu đơn và câu ghép. Câu đơn là câu chỉ có một cấu trúc hai trung tâm C-V hay còn gọi là câu chỉ có một nòng cốt C-V. VD: Trời mưa/tôi ăn cơm rồi.

Câu ghép là câu có từ hai nòng cốt C-V trở lên được ghép lại với nhau. Tuỳ theo quan hệ giữa hai vế, người ta phân chia ra thành: Câu ghép đẳng lập và câu ghép chính phụ.

Câu ghép đẳng lập là câu ghép trong đó các vế có quan hệ bình đẳng với nhau. VD: Nó làm bài rồi (nó) đi xem phim/mẹ nó đánh nhưng nó không khóc.

Các từ nối thường được dùng trong câu ghép đẳng lập là các từ như: Và, với, rồi, sau đó, đồng thời, nhưng…

 Câu ghép chính phụ là câu ghép trong đó có một nòng cốt giữ vai trò là yếu tố (chính, các nòng cốt khác đóng vai trò là yếu tố phụ. VD: Nếu trời mưa tôi sẽ không đến thăm anh/ Mặc dù nó bị mẹ mắng nhưng nó vẫn mải chơi.

Câu ghép chính - phụ của tiếng Việt thường có các cặp từ nối: Nếu  - thì, Giá như. . . thì..., hễ... thì..., tuy... nhưng..., mặc dù ... nhưng… , thà... chứ. . . v.v.

Trong tiếng Việt còn một loại câu khó có thể phân chia được thành phần, gọi là câu đặc biệt. Xét về hình thức, nó là loại câu đơn một thành phần. VD: Ôi! Đẹp quá!/Sau đình là cái ao/trước sân có cái giếng nước /Giáp tết. Hà Nội trời âm u/sáu cây số rồi ...  

 

v     PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT

Phong cách học là bộ môn nghiên cứu đặc điểm và hoạt động ngôn ngữ trong các phong cách chức năng khác nhau. Nó nghiên cứu cách thức và việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ làm sao đạt được hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.

Đối tượng của phong cách học là văn bản. Văn bản ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là sản phẩm ngôn từ tồn tại dưới dạng nói và dạng viết.

Phong cách học tiếng Việt có nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trong mỗi phong cách chức năng và phân chia các phong cách chức năng của tiếng Việt.

Khi phân chia các phong cách chức năng cần chú ý đến:

- Hoàn cảnh giao tiếp.

- Đối tượng giao tiếp.

- Mục đích giao tiếp.

- Phương tiện giao tiếp.

Tiếng Việt hiện đại hiện có các phong cách chức năng sau đây:

1. Phong cách khẩu ngữ tự nhiên: Là phong cách nói được dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc điểm của phong cách KNTN là không có sự chuẩn bị trước. Vì vậy các phương tiện ngôn ngữ khi đem ra sử dựng ít có sự chọn lựa. Trong giao tiếp ngôn ngữ mang tính sinh động tự nhiên, có nhiều từ biểu cảm, tình thái. Trong KNTN thường xuất hiện các nét dư, lặp. Tuy vậy nó vẫn không gây nhiễu và cản trở việc tiếp nhận thông báo, vì ở phong cách này có sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt…

2. Phong cách hành chính - công vụ (gọi tắt là phong cách hành chính): Là phong cách được dùng để trao đổi các công việc hành chính sự vụ từ Trung ương xuống các cấp địa phương.

Đặc điểm ngôn ngữ của phong cách này là tính ngắn gọn và tính hệ thống. Ngôn ngữ sử dụng phải mang tính trang nghiêm, lạnh lùng, không có tính biểu cảm. Văn bản được xây dựng theo khuôn mẫu qui định của Nhà nước.

3. Phong cách báo chí: Là phong cách dùng truyền đạt các thông tin quan trọng trong nước và ngoài nước diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nó là phương tiện vận động, tuyên truyền quần chúng, phổ biến kịp thời các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta xuống quần chúng nhân dân. Đặc điểm nổi bật của phong cách báo chí là mang tính thời sự nóng nổi. Ngôn ngữ sử dụng phải ngắn gọn, giàu lượng thông tin, sắc bén có sức tác động nhanh tới quần chúng.

4. Phong cách chính luận: Là phong cách được dùng trong thể văn chính luận như Hịch, Lời kêu gọi, Tuyên ngôn . . . Các bài xã luận, xã thuyết trên một số tờ báo cũng thuộc loại này.

 Đặc điểm của phong cách chính luận là có sự kết hợp hài hoà giữa phong cách nghệ thuật và phong cách khoa học. Ngôn ngữ sử dụng ở phong cách này thiên về lý luận sắc bén, tác động đến người đọc (người nghe) bằng cả nhận thức và tình cảm. Những tác phẩm chính luận xuất sắc thường bộc lộ năng lực tư duy có tầm trí tuệ cao, cộng với sự uyên bác về kiến thức đời sống và văn hoá. Thuộc loài này là các tác phẩm: Cáo bình ngô (Nguyễn Trãi), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh). . .

5. Phong cách khoa học: Là phong cách dùng trong việc diễn đạt các tư tưởng khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu và truyền bá khoa học. Đối tượng chính sử dụng phong cách này là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, thầy cô giáo, các học sinh, sinh viên. Tuỳ theo mức độ sử dụng mà ngôn ngữ mang tính chuyên sâu hay mang tính phổ biến - khoa học thường thức.

Đặc điểm của ngôn ngữ khoa học là tính mạch lạc, rõ ràng trong luận giải, chứng minh nhằm đưa ra các kết luận khoa học đúng đắn, có sức thuyết phục cao đối với tư duy nhận thức. Phong cách này rất hạn chế sử dụng các yếu tố biểu cảm. Các yếu tố ngôn ngữ thường mang tính khách quan, lạnh lùng, thiên về lập luận lô gích với cách trình bày có hệ thống chặt chẽ có khả năng trừu tượng hoá và khái quát cao.

6. Phong cách văn học nghệ thuật (gọi tắt là phong cách nghệ thuật): Là phong cách dùng trong sáng tạo văn chương. Đặc điểm nổi bật của phong cách này là ngôn ngữ sử dụng bao giờ cũng giàu tính hình tượng và thường có tính biểu cảm cao khác với tất cả các phong cách khác, ngôn ngữ nghệ thuật thường có tính đa nghĩa. Trừu tượng nghệ thuật khác với trừu tượng khoa học. Trừu tượng khoa học là trừu tượng của tư duy lô gích. Trừu tượng của nghệ thuật là trừu tượng của tư duy hình tượng. Do vậy, việc hiểu các cấp độ nghĩa của từ cũng như tính hiển ngôn, hàm ngôn của văn bản là rất quan trọng.

 

v     MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHONG CÁCH
(BIỆN PHÁP TU TỪ) CƠ BẢN TRONG TIẾNG VIỆT

 

So sánh là biện pháp đối chiếu hai hay nhiều sự vật, hiện tượng với nhau nhằm tìm ra đặc điểm của sự vật cần nói tới. Có hai kiểu so sánh: So sánh lô gích và so sánh tu từ.

So sánh lô gích là đối chiếu giữa hai sự vật cùng loại hoặc có cùng một tính chất nào đó. VD: An cao bằng Thu / An ít nói hơn Thu.

So sánh tu từ là kiểu so sánh thường được dùng trong nghệ thuật lên còn gọi là so sánh nghệ thuật. Cách so sánh dạng này là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, hiện tượng khác loại vốn rất khác nhau về hình thức nhưng lại có một đặc điểm giống nhau ở bên trong để tìm tòi, phát hiện ra phẩm chất mới sự vật hiện tượng đem ra so sánh. VD : Qua đình ngả nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu/quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu. Thắp mùa đông ấm những đêm thâu.

+ Ẩn dụ: Cũng là so sánh nhưng là so sánh ngầm - so sánh chỉ có một vế. VD: Thuyền về có nhớ bến chăng. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

+ Tượng trưng: Là loại ẩn dụ được dùng lặp đi lặp lại thiều lần trở thành các hình tượng mang tính phổ biến. VD: Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

+ Hoán dụ : Là biện pháp dùng cái bộ phận thay thế cho cái toàn thể hoặc ngược lại VD: Áo chàm đưa buổi phân ly. Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

+ Ngoa dụ: (Còn gọi là khoa trương, phóng đại) là biện pháp nói quá đi so với sự thật nhằm miêu tả bản chất của sự vật hiện tượng một cách sinh động, hài hước. VD: Lỗ mũi em mười tám gánh lông. Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

+ Tăng tiến: Là biện pháp miêu tả sự vật hiện tượng bằng cách nhấn mạnh theo chiều hướng đi lên. VD: Càng thi đua càng yêu nước.

+ Phép cân đối: Dùng các từ ngữ theo sự đối ứng hài hoà để gây ấn tượng với người nghe, người đọc nhằm tăng cường hiệu quả giao tiếp. VD: Người nách thước, kẻ tay dao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

 

v     PHƯƠNG NGỮ TIẾNG VIỆT

Phương ngữ còn gọi là tiếng địa phương. Đó là tiếng nói của một vùng, một khu vực nào đó trên lãnh thổ quốc gia có một số đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp khác với ngôn ngữ chung của toàn dân tộc tạo ra nết đặc trưng của văn hóa địa phương.

Phương ngữ thực chất là hiện tượng làm đa dạng hoá tiếng nói dân tộc. Nó làm cho ngôn ngữ dân tộc trở nên phong phú, hấp dẫn.

Hiện nay, cách quan niệm về phương ngữ tiếng Việt chưa hoàn toàn thống nhất. Có người cho rằng, tiếng Việt phát triển có tính liên tục nên không chia ra thành các phương ngữ. Một số người khác thì chia tiếng Việt hiện đại ra thành hai phương ngữ lớn là phương ngữ Bắc và phương ngữ Nam (tiếng Bắc và tiếng Nam). Một số người lại chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ: Phương ngữ Bắc, phương ngữ miền Trung và phương ngữ Nam. Một số ít học giả đi sâu vào chi tiết hơn lại chia tiếng Việt ra thành 5 phương ngữ: Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mỗi cách nhìn đều có cái lý riêng. Tuy nhiên, trên đại thể có một nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa ba vùng tiếng nói mà ai cũng dễ nhận thấy. Đó là tiếng Bắc, tiếng Trung và tiếng Nam.

Theo truyền thống phương ngữ chủ yếu được nghiên cứu từ góc độ lịch sử và địa lý ngày nay phương ngữ được nghiên cứu trong cách tiếp cận mới. Ngoài cách nhìn về lịch sử, địa lý, người ta còn nhìn nhận phương ngữ từ góc độ văn hóa.

Kết quả của nghiên cứu phương ngữ là việc lập ra hệ thống bản đồ nhằm phân vùng các phương ngữ.

 Việc làm đa dạng hoá và phong phú hoá tiếng nói dân tộc được thể hiện ở chỗ, về mặt ngữ âm nó tạo ra nhiều biến thể mang giá trị và ý nghĩa lịch sử. Về mặt từ vựng, nó đã bổ sung vào kho từ vựng ngôn ngữ dân tộc nhiều từ ngữ mới biểu thị những sự vật, sản vật mang tính địa phương. Mặt khác nó còn góp phần cùng tiếng toàn dân tạo ra một loạt các từ ngữ mới trên cơ sở ghép một từ địa phương với một từ toàn dân. VD: Các từ ghép hợp nghĩa kiểu: nhen nhóm, mồm miệng, đau ốm, đui mù, chà xát, kham khổ. . . được cấu tạo bằng cách kết hợp một từ địa phương với một từ toàn dân. Ngược lại các từ ghép kiểu: Mốc meo, nhơ nhớp, đánh đập, sợ hãi, ngủ ngáy, nóng sốt, lẫn lộn . . . được cấu tạo bằng cách ghép một từ toàn dân với  một từ địa phương.

Tiếng địa phương còn tạo ra cho kho từ vựng một lớp từ đồng nghĩa vô cùng phong phú: VD: Doạ và nạt, mẹ và má - bầm -  bả  - mệ, bố và ba, cha, tía, thầy, lười và nhác…

Các từ địa phương còn đóng góp tích cực vào kho tàng văn hoá địa phương nhờ việc tạo ra những tác phẩm văn chương mang dấu ấn địa phương một cách đặc sắc. VD: Trong văn học dân gian và cả văn học hiện đại có không ít những câu kiểu: Chồng chèo vợ lái con câu. Cha xúi mẹ nhủi nàng dâu đi mò/Ai mà béo bạo như  tru. Về đất kẻ Ngù cũng tóm như giun.

 

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ CÁC LOÀI VẬT

            Cá voi: Không có dây thanh nhưng vẫn biết hát: Ở cách cá voi vài trăm km, người ta nghe thấy âm thanh tựa như tiếng lao xao, rên rỉ, gầm gừ, chiêm chiếp và thở dài của chúng.

            Chim chích - ca sĩ lừng danh: Chim chích tuy là một loài chim nhỏ bé, màu xỉn,  nhưng bù lại, nó nổi tiếng là một ca sĩ kỳ tài: Tiếng hót của nó nhanh, ríu rít và lanh  lảnh. Nó còn có tài bắt chước hơn 80 tiếng chim khác hót.

 

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/306-26-633353142550235000/Ngon-ngu---Tieng-Viet---Van-chuong/Tieng-V...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận