PHẦN II: TÁC PHẨM
Cuộc phiêu lưu của Alice trong thế giới lạ kỳ (1865), truyện của Lewis Carroll, nhà văn Anh.
Cô bé Alice đang ngủ gật bên cạnh người chị thì thấy một chú thỏ trắng chạy qua, ngay lập tức cô bé vùng dậy đuổi theo chú thỏ. Alice chui theo chú thỏ vào một hốc nhỏ dưới chân bờ rào, và đến khúc rẽ một đoạn đường thì chú thỏ biến mất trong khi cô bé lại thấy mình đứng trong căn phòng dài có vô số cửa to nhỏ, tất cả các cửa đều khoá kín, trên chiếc bàn duy nhất trong căn phòng có chùm chìa khoá, Alice dùng nó để mở chiếc cửa nhỏ nhất. Ngay lập tức hiện ra trước mắt cô bé một vườn hoa lộng lẫy nhưng Alice không thể ra ngoài được vì cửa quá nhỏ. Alice quay lại uống hết nước trong cái lọ nhỏ đề chữ ''hãy uống tôi'' và người cô bé bỗng nhỏ lại. Trong khi hốt hoảng vì mình quá nhỏ không thể lấy được chùm chìa khoá trên bàn, Alice liền ăn cái bánh có đề chữ ''hãy ăn tôi" và cô bé bỗng lớn phổng lên, cao tới ba mét. Chú thỏ bước vào thấy Alice liền chạy thục mạng, bỏ lại một đôi găng tay, một chiếc quạt. Alice nhặt chiếc quạt phe phẩy mấy cái thì thấy mình nhỏ dần, chỉ cao khoảng sáu mươi phân nên sợ hãi vứt quạt đi. Chú thỏ quay lại giận dữ ra lệnh cho Alice: ''Hãy về nhà ta lấy cho ta một đôi găng tay và một chiếc quạt''. Căn phòng biến mất và Alice thấy mình chạy băng qua một cánh rừng, tới căn nhà có đề chữ: Thỏ trắng. Trong nhà có một cái chai không đề gì, Alice liền cầm lên uống và lớn vùn vụt tới mức căn nhà không chứa nổi cô bé. Alice ăn những chiếc kẹo do ai đó ném vào và trở thành người tý hon, cố bé chạy khỏi nhà, ra nghỉ ở dưới một cây nấm được một bác Sâu bướm đậu trên đỉnh chiếc nấm mách rằng cây nấm này có hai cạnh, một cạnh làm người ta lớn lên, một cạnh làm nhỏ đi. Alice bề hai miếng nấm ăn thử thấy quả là hiệu nghiệm nhưng lạ một nỗi là cô bé chỉ nhỏ đi hoặc to lớn hơn chứ không trở lại vóc dáng bình thường của mình. Alice vào một căn nhà nhỏ, thấy trong bếp có một bà công tước đang vuốt ve âu yếm một con lợn nhỏ, một người đầu bếp rắc hạt tiêu lia lịa vào nồi canh, một con mèo nằm trên lò sưởi ngoác miệng đến tận mang tai để cười. Thỉnh thoảng cả ba lại hắt hơi như sấm. Alice nói với chú mèo rằng cô bé không thích điệu cười của nó. Con mèo từ từ biến mất, bắt đầu từ cái đuôi sau đó đến thân và cuối cùng chỉ còn lại nụ cười nhăn nhở của nó. Alice thấy một khung cửa nhỏ trên một thân cây rỗng liền chạy vào, đóng cửa lại để thoát khỏi nụ cười nhăn nhở khó chịu của con mèo. Sau một hồi lần mò, Alice tới một khu vườn có ba người đang dùng sơn đỏ sơn lên những bông hoa hồng trắng. Thấy lạ Alice hỏi thì họ trả lời rằng bởi vì hoàng hậu không thích hoa hồng trắng. Ngay lúc đó đám rước của hoàng hậu tới. Dẫn đầu là một toán lính mang dấu hiệu quân Nhép, rồi tới quân thần mang dấu hiệu quân Rô, các hoàng tử và công chúa mang dấu hiệu quân Cơ, vua và hoàng hậu mang dấu hiệu quân Ka và quân Qui.Trong đám rước hoàng gia đó có cả chú thỏ trắng. Hoàng hậu bắt Alice chơi đánh ''quần", cây vợt là một chú chim hồng hạc chân dài, cổ dài còn sống, còn trái bóng là những chú chim nhỏ cũng còn sống, đám quần thần thì khom lưng xuống để làm lưới. ''Cô bé thích trò này lắm nhỉ?'' Alice ngẩng lên để xem ai hỏi thì bắt gặp nụ cười nhăn nhở của con mèo. Cô bé chưa kịp trả lời thì con mèo đã hiện ra nhưng chỉ hiện có mỗi cái đầu. Alice buông cây vợt, lập tức nó bay đi. Hoàng hậu ra lệnh cho quần thần chặt đầu chú mèo nhưng vua lại nói: ''Chặt đầu là phải lắm, nhưng trẫm muốn biết làm thế nào để chặt đầu một con mèo chỉ có đầu mà không có thân?'' Trong khi hai bên tranh cãi sôi nổi thì chú mèo biến mất. Alice đi tìm vợt khi quay trở lại mọi người đã đi đâu hết. Cô bé vào trong cung điện thấy đang diễn ra một phiên toà Một tên Ji cơ bị đem xử vì tội ăn cắp bánh của hoàng hậu. Rất nhiều nhân chứng được gọi ra nhưng bọn này nói huyên thuyên đủ chuyện trừ chuyện ăn cắp bánh. Alice vô tình đưa miếng nấm còn cầm trong tay lên miệng nhấm, đến khi đầu cô bé chạm vào mái cung điện cô bé mới chợt nhớ ra. Vừa lúc đó vua ra lệnh gọi nhân chứng tiếp theo. ''Alice'' Chú thỏ trắng hô to. Alice nói; ''tôi không biết gì về vụ ăn cắp bánh thì làm chứng sao được''. Vua nhấn mạnh: “ Đó mới là điều quan trọng''. Hoàng hậu nói rằng theo luật định nhân chứng không được cao quá một dặm vì thế Alice không được làm nhân chứng và phải rời khỏi đây ngay lập tức. Alice cãi là muốn nghe xong bản luận tội rồi mới đi. Vua đồng ý cho tiếp tục luận tội nhưng hoàng hậu phản đối: "Tuyên án trước rồi sẽ luận tội sau''. Alice khinh bỉ nói: ''Thật phi lý, ai lại tuyên án trước, luận tội sau bao giờ''. Hoàng hậu tức giận ra lệnh đem Alice ra chặt đầu. Đao phủ đến, Alice bảo: ''các người chỉ là một bộ bài, đừng hòng làm tôi sợ”. Ngay lập tức cả triều đình biến thành bộ bài tây bay thẳng lên và rơi xuống mặt Alice.
Alice mở choàng mắt và hiểu rằng mình vừa nằm mơ bên cạnh người chị.
Don Quijote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha (1605- 1615), tiểu thuyết của Cervantes, nhà văn Tây Ban Nha.
Tác phẩm gồm hai phần, phần một có 52 chương, phần hai có 74 chương.
Phần I: Một chàng quý tộc nghèo ở nông thôn tên là Quixada, vì đọc quá nhiều truyện kiếm hiệp nên mụ mẫm cả đầu óc; lúc nào cũng muốn trở thành hiệp sĩ lang thang đi khắp thiên hạ để diệt bọn yêu ma khổng lồ, làm những điều nghĩa hiệp nhằm thiết lập lại trật tự và công lý. Chàng đã lấy trong kho nhà nhình bộ đồ binh mã han gỉ, đem sửa chữa lại để tự vũ trang phong cho mình là Hiệp sĩ Don Quijote xứ Mancha và cưỡi con ngựa gầy Rocinante lên đường bắt đầu cuộc phiêu lưu lần thứ nhất. Các hiệp sĩ thường có một người tình xinh đẹp cho nên Don Quijote ban cho người phụ nữ mình thầm yêu hồi trẻ danh hiệu công nương Dulcina del Toboso. Lần ra đi thứ nhất kết thúc bằng cuộc đấu giữa Don Quixote với những người lái buôn vì họ không chịu thừa nhận Dulcina del Toboso là người đẹp nhất khi họ chưa hề nhìn thấy nàng và chàng hiệp sĩ bị thương nặng phải trở về nhà. Lần ra đi thứ hai Don Quijote mang theo người hầu cận của mình là Sancho Panza, một bác nông dân cục mịch bị thuyết phục bởi những lời hứa hẹn về một tương lai đầy thi vị. Hai thầy trò đi khắp nước Tây Ban Nha với cái nhìn mơ mộng, hão huyền: Cối xay gió là lũ người khổng lồ, một phu nhân ngồi trong xe ngựa bị cho là công chúa bị phù thuỷ bắt cóc, đàn cừu thì tưởng là cả một đạo quân. Cuối cùng người ta phải lập mưu đánh cho Don Quijote một trận nhừ tử sau đó mới đưa chàng trở về nhà được.
Phần II: Trong khi mọi người tìm cách ngăn không cho Don Quijote ra đi thì một cậu tú lại cổ vũ và bày mưu cho chàng lên đường lập những chiến tích mới. Don Quijote đã giao đấu với “Hiệp sĩ gương soi” và chiến thắng sau đó lại tự phong là ''Hiệp sĩ sư tử'' khi bốn con sư tử thờ ơ không chịu giao đấu trước sự thách thức của chàng. Hai thầy trò gặp vợ chồng một vị quận công, vợ chồng vị quận công này nảy ra ý định trêu chọc hai thầy trò. Họ đón tiếp Don Quijote với kiểu cách hiệp sĩ, phong cho Sancho chức Thống đốc đảo và anh ta cai quản khôn ngoan một cách lạ kỳ. Trò chơi kết thúc, Don Quijote thì bị trêu chọc đủ đường còn Sancho thì bị một trận đòn nên thân và đành nghẹn ngào rời khỏi chức vụ thống đốc đảo. Don Quijote có một trận quyết đấu với ''Hiệp sĩ vầng trăng'' mà đó chính là cậu tú đã từng xui chàng ra đi và Don Quijote bị thua cuộc buộc phải trở về nhà kết thúc những năm tháng lang thang. Kiệt sức vì những cuộc phiêu lưu, đau buồn, thất vọng, Don Quijote ốm nặng và tỉnh ngộ, thoát khỏi giấc mơ hiệp sĩ. Chàng viết di chúc và qua đời trong tư cách một người đáng mến có tâm hồn cao thượng.
Gargantua và Pantagruel (1532- 1564), tiểu thuyết của Rablais, nhà văn Pháp.
Gargantua là quyển I, gồm 58 chương, thuật lại cuộc đời của chú bé khổng lồ Gargantua, bố của Pantagruel, từ thời thơ ấu đến lúc trường thành. Gargantua được đẻ ra từ lỗ tai bên trái của mẹ mình, vừa lọt lòng chú đã uống sữa của 17.913 con bò, phải dùng đến hàng trăm thước vải để may quần áo. Ông bố đã cho mời rất nhiều thầy đến dạy nhưng Gargantua không những không khôn ngoan lên mà còn có vẻ ngơ ngẩn đờ đẫn hơn cho tới khi mời được một nhà bác học trứ danh đến. Bài học đầu tiên mà nhà bác học này dạy Gargantua là đi du lịch lên Paris. Chàng đã cưỡi một con ngựa to bằng 6 con voi, đuôi ngựa quất xua ruồi có thể quét bay cả một cánh rừng. Ở Paris chàng đã tháo mấy quả chuông ở nhà thờ Đức Bà để đeo vào cổ con ngựa của mình. Thời gian này Gargantua được thầy dạy cho một chương trình giáo dục hoàn thiện, khác hẳn với nền giáo dục cũ, học mà nhẹ nhàng như chơi, không cần phải thuộc lòng bất cứ cái gì. Trong khi đó ở quê nhà của Gargantua có loạn, một tu sĩ đứng ra giải quyết nhưng không được và bố Gargantua đành gọi chàng về, Gargantua dẹp tan được bọn làm loạn, thể theo yêu cầu của vị tu sĩ, chàng đã cho xây một tu viện không có tường bao bọc, còn tu sĩ là những trai tài gái sắc, khoẻ mạnh, lịch sự và phải nguyện tuân theo ba lời thề: Kết hôn, giầu có, sống tự do. Khẩu hiệu của tu viện này là: ''Muốn làm gì thì làm''.
Pantagruel gồm các quyển II, III, IV, V.
Quyển II: Gồm 34 chương kể cuộc đời của chàng khổng lồ Pantagruel, con trai của Gargantua. Khi sinh ra Pantagruel thì bà mẹ chết và Pantagruel không biết nên khóc hay cười, sau khi cân nhắc chàng quyết định cười và truyền cho mọi người mở tiệc ăn mừng. Pantagruel ăn uống rất khỏe, chàng uống sữa của 4600 con bò cái mới đủ no và có lần do đói chàng đã ăn tươi luôn một nửa con bò. Khi cáu giận chàng đã đấm một cái khiến chiếc nồi vỡ ra thành 500.000 mảnh. Lớn lên Pantagruel đi du lịch khắp nước Pháp, dọc đường đã bóp cổ một sinh viên sùng ngoại, hay nói tiếng Latin và khiến chàng sinh viên này phải trở lại nói tiếng mẹ đẻ. Dọc đường đi du lịch Pantagruel nhận được thư của cha khuyên chàng phải học ngoại ngữ, các khoa học tự nhiên, nghệ thuật và đừng quên tu dưỡng đạo đức bởi vì ''khoa học mà không có đạo đức thì sẽ huỷ hoại tâm hồn''. Thầy trò Pantagruel kết bạn thêm với một anh chàng tinh quái, ma lanh hay ăn cắp vặt.
Quyển III: Gồm 52 chương nói về việc cả đoàn du lịch băn khoăn xem anh chàng hay ăn cắp vặt mới nhập bọn có nên lấy vợ hay không và lấy vợ có hạnh phúc hay không? Theo lời xui của anh hề, cả đoàn kéo nhau sang xứ Cater ở phương Đông để xin Thần Chai phán bảo.
Quyển IV: Gồm 67 chương kể về hành trình phiêu lưu trên mặt biển của đoàn người, họ gặp rất nhiều xứ sở lạ kỳ như xứ sở của bọn người mọc đầy lông sống bằng nghề xử kiện, hoặc một hòn đảo mà vị vua hay đánh trẻ con và khóc suốt ba phần tư ngày, vị vua đó lại có tài làm những que xiên thịt. Sau đó đoàn tới được vương quốc của ngài Gaxte, tức là dạ dày, vị thầy đầu tiên của mọi khoa học nghệ thuật trên đời.
Quyển V: Gồm 47 chương kể về cuộc hành trình tiếp theo khi đoàn người đến đảo Tiếng chuông, dân cư là chim nhưng lại ăn uống, sinh hoạt như người. Quê của lũ chim này ở tít mù khơi có tên là Ngày không có bánh, có nghĩa là chết đói. Hành trình tiếp theo đoàn đến hòn đảo của lũ Mèo-quấn lông, lũ mèo này hay ăn thịt trẻ con trên những bàn đá cẩm thạch, dùng móng vuốt để xé thịt và con nào cũng có một cái túi mở rộng miệng đeo bên mình. Qua nhiều nơi cuối cùng đoàn tới xứ Lăngtecnơ, xứ sở tràn đầy những cây đèn rực rỡ và được đưa tới đền thờ Thần Chai. Nữ giáo trưởng đã dẫn Pantagruel đến khấn Thần Chai và thần linh ứng phán: Uống đi.
Gulliver du ký (1726), truyện của J.Swift, nhà văn Ailen.
Tác phẩm chia làm bốn phần, kể lại cuộc phiêu lưu của Gulliver, một người làm nghề giải phẫu nhưng ham thích du lịch. Phần một, Gulliver kể lại chuyện anh bị đắm tầu, thoát chết và lạc vào bờ biển của nước Lilipút, xứ sở của những người tý hon. Nhờ tính tình hiền hậu Gulliver được vua của nước này đặc biệt ưu đãi và giúp nhà vua chiếm được toàn bộ chiến hạm của Bliphuscu, phái chủ trương ăn trứng phải đập trứng đầu to. Sau Gulliver bị những kẻ ghen ghét trong triều đình xúc xiểm, bị kết án trọng tội và phải trốn sang Bliphuscu. Nhờ một chiếc xà lan dạt vào bãi biển, Gulliver đã rời khỏi Bliphuscu, gặp một chiếc tầu Anh và trở về quê hương. Phần thứ hai kể chuyện phiêu lưu của Gulliver đến nước Brôpđinnhắc sau khi ở nhà với vợ con được hai tháng. Lần này trên một chiếc tầu, Gulliver đã lạc vào đất nước của những người khổng lồ. Một người khổng lồ tưởng Gulliven là một con vật kỳ lạ đã đem nộp chủ trại, chủ trại lại đem bán Gulliver cho hoàng hậu với giá rất cao và được hoàng hậu thu nhận luôn cả cô con gái của ông ta vào cung để cô này tiếp tục nuôi dạy và giáo dục cho Gulliver. Gulliver nhiều lần được hầu chuyện đức vua và bàn về các vấn đề quan trọng như chính trị, luật pháp, về nước Anh và châu Âu. Nhân một chuyến đi chơi ven bờ biển, Gulliver lúc đó đang bị nhốt trong chiếc hộp đã bị một con chim ưng quắp cả cái hộp mang đi và thả xuống biển. May mắn là có một chiếc tầu buôn đi qua đã cứu Gulliver và đưa anh về lại nước Anh. Phần thứ ba, Gulliver kể chuyện phiêu lưu đến Laputa cùng một số xứ sở khác ở Laputa có những con người lạ lùng, đó là những nhà bác học, nhà triết học đờ đẫn như những kẻ mất trí, có người tám năm dòng tìm cách chế tạo ra một tia nắng mặt trời từ những quả bí Gulliver rời Laputa sang đảo Glơpđơpđrip nơi trú ngụ của các thầy bói và các pháp sư chiêu hồn, sau đó lại sang xứ Xtơrơnbruc, nơi cư ngụ của những người bất tử. Những người ở đây vô cùng đau khổ vì chính sự bất tử của mình. Phần cuối cùng kể chuyện Gulliver sang xứ Huin, nơi những con ngựa tốt và có đạo đức ngự trị. Tại đây có giống người Yahu, hình dáng xấu xí, không có phẩm giá và lương tri của con người. Đây là một tác phẩm xuất sắc, nó mang nhiều hàm nghĩa, nhiều bài học cũng như những khuyến cáo về các căn bệnh trong xã hội nước Anh nói riêng và loài người nói chung.
Jôdy và hươu non (1938), tiểu thuyết của Rawling, nhà vănMỹ).
Cậu bé Jôđy Baxtơ sống với gia đình tại một trang trại nhỏ và nghèo nàn. Cả nhà cậu chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và săn bắn. Trong một lần đi săn bố của Jôđy bị rắn độc cắn, để chữa vết thương đó ông đã phải giết chết một con hươu mẹ, dùng gan con hươu hút nọc độc ra khỏi vết thương. Jôđy đã đưa con của con hươu bị giết về nuôi và làm bạn cùng với nó. Đấy là một chú hươu lông đốm sao, đuôi trắng, mắt to tròn, nó lúc nào cũng theo sát Jôđy. Những tưởng tình bạn giữa chú hươu và Jôđy sẽ mãi mãi vững bền nhưng không phải thế. Hươu non đã lớn và nó khao khát sống cuộc sống tự do không chịu bị nhốt trong chuồng. Con hươu đã hai lần gặm trụi ruộng ngô và đẩy gia đình nhà Jôđy vào tình trạng bị đói và người cha đã quyết định xử lý cứng rắn với chú hươu non mặc dù Jôđy cực lực phản đối. Jôđy bỏ nhà ra đi, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với lòng oán hận. Nhưng rồi cuối cùng cái đói, sự bơ vơ vì không nơi nương tựa đã khiến Jôđy hiểu ra rằng “Cuộc sống thật là tươi đẹp nhưng không dễ dàng. Muốn sống được con người không thể thiếu lòng nhân hậu nhưng cũng không thể mềm lòng''. Jôđy trở về với gia đình trong khi người cha đau ốm đang tuyệt vọng chờ mong cậu.
Không gia đình (1878), tiểu thuyết của Hector Malot, nhà Văn Pháp.
Tác phẩm kể về cuộc đời lưu lạc của Rêmi, một em bé bị bỏ rơi được gia đình Bacbơrarth đem về nuôi, sau đó gia đình này lâm vào khó khăn cho nên ông chồng của bà Bacbơranh đem bán em cho cụ Vitali, chủ một gánh hát rong. Từ đây Rêmi bước vào cuộc đời gió bụi đi khắp nơi cùng gánh xiếc để kiếm sống. Trên những nẻo đường đầy gian truân đó Rêmi được cụ Vitali dạy học chữ, học nhạc và dạy cho em biết yêu công việc lao động cũng như yêu danh dự và những người xung quanh. Cuối cùng gánh xiếc tan vỡ, chỉ còn Rêmi và con chó Capi trung thành, may mắn em được gia đình bác Acanh, người làm nghề trồng hoa cưu mang. Một trận mưa đá phá tan vườn hoa và xô đẩy bác Acanh phải vào tù vì nợ nần, con cái bác cũng phải xiêu bạt đi các nơi. Rêmi cùng con chó Capi lại trở về với cuộc sống hát dong, em gặp Matchia, một chú bé có tài âm nhạc và thu nhận chú vào gánh hát của mình. Cả hai bắt đầu kiếm được tiền, liền mua một con bò sữa mang về biếu bà Bacbơranh. Rêmi nhận được tín hiệu gia đình liền lần theo dấu vết sau khi đặt chân lên rất nhiều nơi để tìm kiếm và cuối cùng thì đã gặp lại gia đình chính thức của mình, đó là ông bà Migilơn và Actơ mà em đã gặp ở thuyền Thiên nga trong thời gian cụ Vitali bị ở tù. Rêmi được hưởng cuộc sống sung sướng nhưng không bao giờ quên những người bạn tốt của mình.
Nghìn lẻ một đêm (tập truyện dân gian A Rập vùng Trung đông).
Truyện kể rằng vua Shahriar có lệ giết cô dâu ngay sau ngày cưới một hôm, và đến lượt nàng Shehezarade, con một vị đại thần, phải làm vợ vua, nàng đã kể cho vua nghe những câu chuyện thần thoại cho đến sáng nhưng chưa kết thúc. Vua tò mò muốn nghe nên không xử tử nàng. Thế là Shehezarade kể cho vua nghe suốt một nghìn lẻ đêm liền những câu chuyện về tình yêu, chiến tranh, pháp thuật, các vị vua ăn mày, những xứ có kim cương nhiều hơn đá sỏi, về các loài ngựa biết bay, người hoá cá. Bối cảnh những câu chuyện này ở phương Đông, đặc biệt là ba thành phố: Bagdad, Cai ro và Damascus. Cảm phục tài kể chuyện của Shehezarade, vua Shahriar đã lấy nàng làm vợ và sống bên nhau đến trọn đời. Trong Nghìn lẻ một đêm có ba câu chuyện sau đây, được nhiều người yêu thích, đặc biệt là các em thiếu nhi:
Ali Baba và bốn mươi tên cướp: Aili Baba tìm ra một cái hang thần nơi bọn cướp cất giấu của cải. Sau khi niệm chú, cửa hang mở ra và ông lấy được nhiều vàng bạc châu báu của bọn cướp. Bị mất của, bọn cướp dò tìm ra Ali Baba. Tên đầu đảng giả làm lái buôn, bọn còn lại chui vào trong những chiếc chum lớn ngoài sân chờ cơ hội là xông vào giết Ali Baba. Nàng Morgiana, nô lệ của Ali Baba đã phát hiện ra âm mưu này và nàng đã dội dầu sôi vào những chiếc chum để diệt trừ bọn cướp. Tên đầu đảng trốn thoát, ít lâu sau hắn quay trở lại. Một lần nữa Morgiana cứu chủ bằng cách vừa múa vừa rút dao đâm chết tên đầu đảng. Ali Baba đã cho phép Morgiana lấy con trai ông.
Aladin và cây đèn thần: Aladin là con một người thợ may nghèo tại Trung Quốc, chàng ham chơi, ít làm việc. Sau khi cha chết Aladin được một tên phù thuỷ dẫn đến một chiếc hang ngầm dưới đất để lấy cho hắn cây đèn. Vì không chịu đưa đèn cho tên phù thuỷ cho nên chàng bị hắn bỏ lại dưới hang. Bất ngờ vị thần đèn hiện lên đưa chàng ra khỏi hang, không những thế vị thần này còn mang đến rất nhiều vàng bạc, nô lệ để chàng cưới công chúa Badroulboudour làm vợ. Tên phù thuỷ thừa cơ ăn cắp được cây đèn và mang vợ Alidin cùng toà lâu đài về châu Phi. Aladin rất đau khổ nhưng nhờ một vị thần khác chàng đã tìm ra nơi công chúa và toà lâu đài, đầu độc tên phù thuỷ, đoạt lại cây đèn thần và trở về Trung Quốc sống cuộc đời hạnh phúc.
Truyện về những cuộc phiêu lưu của chàng Sinbad: Có lần Sinbad lạc tới một nơi giống như hòn đảo nhưng thực ra đó là lưng một con cá khổng lồ, lần khác chàng gặp một con chim lớn tới mức nó bắt những con voi để mớm cho chim con. Sinbad buộc mình vào chân con chim, được nó mang tới một thung lũng chứa đầy đá quý. Để ra khỏi thung lũng này, chàng lại tự buộc mình vào xác một con cừu và được con kền kền tha đi. Lần khác nữa Sinbad gặp một gã khổng lồ ăn thịt người, chàng dùng thanh sắt nung đỏ đâm mù mắt tên khổng lồ này. Sinbađ còn gặp cả lão già chúa tể của biển cả, bị lão cưỡi lên vai và phải chờ khi lão say chàng mới giết được lão để giải thoát cho mình.
Rômêo và Juliet (1592), kịch của Shakespeare, nhà văn Anh.
Hai dòng họ phong kiến Capulet và Môngtêgu ở thành Vêrôna nước Italia vốn thù địch nhau lâu đời. Một đêm Rômêo, chàng trai thuộc dòng họ Môngtêgu đeo mặt nạ hoá trang đột nhập vào buổi dạ hội của dòng họ Capulet và tại đó chàng đã gặp Juliet, con gái của vị trưởng tộc Capulet. Hai người yêu nhau. Bất chấp sự trở ngại là mối thù giữa hai dòng họ đôi tình nhân trẻ tuổi này đã đến nhà thờ xin cha Lôran làm lễ thành hôn cho họ. Trong một cuộc xô sát, Rômêo đã đâm chết Tibân, anh họ của Jiuliet để trả thù cho bạn mình vừa mới bị Tibân giết. Trước khi bị đi đày, Rômêo được bà vú của Juliet giúp đỡ đã gặp Juliet để chia tay. Trong khi đó Juliet bị gia đình ép gả cho bá tước Parix. Juliet đến cầu cứu cha Lôran, vị tu sĩ này đã cho nàng một liều thuốc uống vào sẽ ngủ 42 giờ, gia đình sẽ tưởng nàng chết và đưa nàng vào nhà mồ của dòng họ. Còn Rômêo sẽ được cha báo tin về ngay đợi Juliet tỉnh là đưa nàng đi Măngtu. Không ngờ người được cha Lôran sai đi báo tin cho Rômêo đã đến chậm, trong khi đó một gia nhân nhà Rômêo đã đến trước báo tin cho chàng về đám tang của Juliet. Rômêo trở về, vào nhà mồ gặp Parix, hai người đấu kiếm, Parix bị chết .Rômêo than khóc bên xác người yêu rồi tự kết liễu đời mình bằng thuốc độc. Khi Juliét tỉnh dậy thấy Rômêo đã chết bèn lấy dao của Rômêo tự sát luôn. Sau cái chết của đôi tình nhân trẻ tuổi, sự thù hằn giữa hai dòng họ đã được xoá bỏ. . . .
Tây Du Ký (TK XIV) tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, nhà văn Trung Quốc.
Tác phẩm gồm 100 hồi. Nội dung chính kể về việc Huyền Trang được Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng hộ tống sang Ấn Độ lấy kinh Phật. Bẩy hồi đầu giới thiệu về Tôn Ngộ Không, đó là một con khỉ do một hòn đá tiên hoá thành.
Con khỉ này được đàn khỉ tôn làm Mỹ hầu vương, nó học được 72 phép thần thông biến hoá, náo động Long cung, lấy gậy thần của Long vương, xuống âm ty náo động, xoá tên họ loài khỉ ra khỏi sổ tử để loài này được trường sinh. Hơn thế Tôn Ngộ Không còn náo loạn thiên cung, đòi cho được chức Tề thiên đại thánh và Ngọc Hoàng phải bằng lòng. Sau nhiều lần sai các thần tướng đi đánh bắt không được cuối cùng Ngọc Hoàng phải nhờ Phật tổ Như Lai dùng phép bắt giam Tôn Ngộ Không dưới núi Ngũ hành. Từ hồi 8 đến hồi 12 giải thích nguyên do việc đi thỉnh kính, giới thiệu lai lịch Huyền trang và các đồ đệ khác. Từ hồi 13 đến hồi 98 kể quá trình đi thỉnh kinh. Huyền Trang dùng phép giải phóng cho Tôn Ngô Không, thu nhận làm đệ tử và với cây gậy như ý cùng 72 phép thần thông biến hoá Tôn Ngộ Không đã tiêu diệt được tất cả các loại yêu ma quỷ quái. Sau đó Huyền Trang còn thu nạp thêm ngựa rồng, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Qua bao nhiêu những khó khăn biến cố với 81 kiếp nạn cuối cùng đoàn cũng tới được Ấn Độ, vào đất phật và, lấy được kinh.
Tom Jones đứa trẻ vô thừa nhận (1749), tiểu thuyết của Fielding, nhà văn Anh.
Tom Jones vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi, được ông Allworthy đưa về nuôi cùng với đứa cháu Blifil, người được ông chọn làm kẻ thừa kế. Khi lớn lên, Blifil chẳng ưa ghì Tom Jones vì hắn yêu Sophia trong khi cô này lại mê Tom Jones. Thế nhưng Tom Jones lại không yêu Sophia mà yêu Molly, con gái một viên gác rừng. Về sau Tom Jones nhận ra rằng Molly là người không tốt và lúc ấy chàng mới thấy hết giá trị tấm lòng của Sophia. Hai người yêu nhau. Blifil ghen tức tìm mọi cách để nói xấu Tom Jones với ông Allworthy hắn lại được bà cô của chính Sophia tiếp tay cho nên đã đạt được mục đích là làm cho ông Allworthy đuổi Tom Jones ra khỏi nhà. Được tin người yêu ra đi, Sophia lập tức bỏ nhà để tìm chàng. Tình cờ Sophia đến đúng cái quán trọ, nơi Tom Jones đang có mặt cùng với lũ gái điếm mà chàng vừa cứu thoát khỏi tay bọn cướp. Tuyệt vọng, Sophia rời khỏi quán trọ đến nương nhờ nhà bà cô, vô tình để rơi lại chiếc khăn tay của mình. Tom Jones nhặt được khăn, biết người yêu đã tới đây và chàng hối hả đi tìm. Tom Jones gặp được bà cô của Sophia, tán tỉnh bà, bà cũng đem lòng say mê lại chàng và lập mưu ép Sophia lấy một gã còn đáng ghét hơn Blifil. Thế rồi Tom Jones phải vào tù vì tội giết người tuy chàng hành động để tự vệ. Sau nhiều nỗi truân chuyên, một bí mật được bà người hầu Waters tiết lộ rằng Tom chính là con hoang của em gái ông Allwothy, tức là mẹ của Blifil. Như vậy hiển nhiên Tom Jones chính là anh trai của Blifil, chi tiết này Blifil biết từ lâu nhưng hắn đã cố tình lờ đi bằng cách giấu biệt bức thư mà mẹ hắn viết trong lúc hấp hối. Tom Jones trở thành người thừa kế gia sản khổng lồ của ông Allwothy và chàng sẽ cưới Sophia làm vợ.
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876), truyện của M. Twain, nhà văn Mỹ.
Tom Sawyer là một đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động, luôn mơ ước những điều khác thường cho nên cậu hay bày ra những trò chơi lôi cuốn được rất nhiều bạn bè. Tôm đã lân la làm quen với Becky, cô bé mới chuyển đến học cùng lớp với mình và ngay buổi làm quen đầu tiên hai cô cậu đã làm lễ đính hôn với mọi thủ tục như người lớn thường làm. Nhưng sau vì một chút tự ái, cả hai đã giận dỗi nhau và Tom hết sức đau khổ. Về nhà Tom bị bà dì đánh đòn oan vì tưởng cậu làm vỡ lọ đường. Tom lang thang lên đồi Cácđíp, phong cảnh hoang tàn của khu đồi này khiến cho cậu đắm mình vào những ''những suy tư về cuộc đời'' và cậu ao ước được chết thử một thời gian xem thái độ của mọi người, nhất là của Becky ra sao. Rồi Tom để cho trí tưởng tượng dẫn mình đi qua bao nhiêu những cuộc phiêu lưu cho tới khi hình dung mình trở về trong sự đón nhận nồng nhiệt của mọi người. Tối hôm đó Tom cùng Huckleberry Finn, người bạn thân nhất, mang con mèo chết ra nghĩa địa để “chữa hột cơm”. Tình cờ hai cậu bé chứng kiến cảnh tên Giô lai da đỏ giết bác sĩ Rôbinxơn. Khi bị bắt tên Giô đã đổ tội cho một tên khác là Mac Potơ mà Tom và Huckleberry không dám nói cho mọi người biết vì sợ bị trả thù. Từ hôm đó, vừa day dứt về sự hèn nhát của mình, vừa bực tức vì bị đòn oan, Tom quyết định rủ Huckleberry và Giô Harpơ, chú bé cũng vừa bị mẹ mắng vì ăn vụng, bỏ nhà đi làm cướp biển. Với chiếc bè lấy trộm, cả ba đã cập được vào hòn đảo Giacxơn, chỉ cách làng có một khúc sông, và chơi đùa thoải mái ở đó. Trong khi ấy ở làng suốt mấy ngày liền người ta náo động cuống quít vì sự mất tích của ba đứa trẻ, thuyền máy chạy ngang dọc để tìm kiếm. Ba đứa trẻ đứng trên đảo chứng kiến cảnh đó với lòng kiêu hãnh ghê gớm. Khi làng bắt đầu cử hành lễ tang long trọng cho ba đứa trẻ thì các cậu đột ngột trở về. Người ta sửng sốt, sau đó ôm chầm lấy ba cậu bé, hò hát vang trời. Sự đón tiếp long trọng hào hứng đó làm Tom và Huckleberry cứ tưởng mình là những bậc anh hùng. Về sau này Tom và Huckleberry còn có những hành động anh hùng khiến cô bé Becky cảm động còn đám trẻ con trong làng thì thèm muốn đến ghen tỵ, ví dụ như Tôm chịu đòn thay cho Becky, hoặc hành động dũng cảm trong buổi xử án Macpotơ.. . Còn Hấc thì cùng với dân làng cứu được bà quả phụ Đaglơt khỏi bị bọn cướp giết hại. Những chương cuối tác phẩm miêu tả cái chết của tên Giô da đỏ cùng với cuộc phiêu lưu thú vị của Tôm và Hâc tìm ra sào huyệt của Giô để thu về một hòm vàng. Hâc được bà Đaglơt nhận về nuôi. Tuy cuộc sống trở lại tạm yên ổn nhưng Tom và Huckleberry vẫn âm thầm chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới. Để trở thành những tên cướp rừng thực sự, cả hai nhất trí đặt tên cho đảng cướp lục lâm của mình là ''Đảng Tom Sawyer''.
Những cuộc phiêu lưu của Huckeberry Finn (1884), truyện của M.Twai.
Huckleberry Finn sống với bà goá Đagơlat tuy no đủ nhưng không thể chịu đựng nổi sự giáo dục cứng ngắc của gia đình này nên hay cùng với đảng cướp “Tom Sawyer'' bày ra những trò lý thú để thoả mãn tính hiếu động của mình. Giữa lúc đó ông bố nát rượu của Hâc trở về, bắt cóc cậu tới túp lều giữa rừng để hành hạ. Huckleberry đã trốn khỏi túp lều, bày ra một hiện trường giả làm như mình bị bọn cướp giết chết thật và sau đó trốn đến đảo Giacxon. Ở đó Huckleberry Finn đã gặp Gim, anh thanh niên da đen cũng đang chạy trộn vì sắp bị chủ đem bán. Được biết khắp nơi mọi người đang lùng bắt Gim vì cho rằng chính anh ta đã giết Hâc, nên hai người đã vội vã rời đảo sống lang thang trên sông Missisipi, trốn tránh bao nhiêu cuộc truy bắt của cảnh sát da trắng. Sau một lần thoát khỏi tầu của bọn cướp biển của họ bị một chiếc tầu đâm nát và hai người lạc nhau. Huckleberry được gia đình Gơrengơpho nuôi nấng rồi tìm lại được Gim và họ lại tiếp tục cuộc phiêu lưu. Dọc đường hai người đã cho hai kẻ lạ mặt đi nhờ, đó chính là hai tên đại bịp đang bị truy lùng. Đến đâu hai tên này cũng bày ra mọi mánh khoé để kiếm tiền, không những thế chúng còn bắt Huckleberry và Gim phải hầu hạ. Sau đó bọn đại bịp đã bán Gim cho người da trắng lấy 40 Đôla. Huckleberry cứu Gim bằng cách liều lĩnh vào thẳng nhà Silat Phen, nơi giam Gim và một sự nhầm lẫn đã xẩy ra. Vợ Silat Phen tưởng Huckleberry là đứa cháu Tom Sawyer vừa ở xa lại chơi. Huckleberry đã nhanh chóng nhập vai một cách tài tình, cậu đón gặp Tom Sawyer và vạch kế hoạch cứu Gim. Với đầu óc phiêu lưu giầu tưởng tượng của Tom, việc cứu Gim đáng lẽ dễ dàng lại được sắp xếp vô cùng khó khăn, phức tạp, giống như những pha gay cấn trong tiểu thuyết kiếm hiệp mà Gim là một tù nhân nguy hiểm, còn Tom và Huckleberry phải liều mình cứu đồng đội. Hai cậu bé đào hầm xuyên qua tường nhà giam, làm nhiều những công đoạn phức tạp khác trước khi đưa Gim ra khói đó. Hơn thế Tom còn viết thư nặc danh báo trước cuộc trốn thoát này để tình thế gay cấn hơn. Ba người thoát được tới bờ sông, nhưng Tom đã bị thương nặng vào chân. Hôm sau người ta cáng Tom về, cậu bị sốt nặng, còn Gim bị trói dắt theo sau. Tưởng chừng mọi sự sẽ kết thúc bi thảm thì Tom bừng tỉnh, kể lại mọi chuyện và tuyên bố bà chủ của Gim sau khi chết đã trả tự do cho anh ta. Mọi trò tinh nghịch của hai cậu bé bị lật lẩy một cách vui vẻ trước sự ngạc nhiên của những người lớn.
Ông già và biển cả (1952), tiểu thuyết của Hemingway, nhà văn Mỹ.
Nhân vật chính là ông lão đánh cá Santiago sống độc thân trong túp lều nhỏ ở ngoại ô thành phố La Habana. Có một bà khách sang trọng ở khách sạn ''Vọng lâu'' chỉ cho các em nhỏ cùng đi nhìn thấy bộ xương cá dài thượt với chiếc đuôi khổng lồ đang nằm phơi trên bãi cát. Chủ của bộ xương cá đó chính là ông già gay gò Santiago đang nằm ngủ li bì trong lều của mình sau ba ngày đêm vật lộn với cá trên biển cả mênh mông. Sau mấy chục ngày ra khơi không kiếm được con cá nào, bị các bạn chài chế giễu, một đêm kia ông lão Santiago đã ra khơi. Cậu bé Manôlin, người bạn nhỏ đã giúp ông lão mang đồ xuống thuyền rồi tiễn ông bằng một cốc cà phê nóng với mấy con cá nhỏ làm mồi câu và lời chúc may mắn. Sự chân thành trong sáng của chú bé đã làm ông lão Santiago ấm lòng và tăng thêm lòng tin tưởng cho ông. Lần này ông lão Santiago cho thuyền đi xa hơn mọi khi và thả mồi. Gần trưa mới thấy chiếc phao chúi xuống, ông lão giật dây câu nhưng đầu kia có một sức nặng kinh khủng kéo băng con thuyền đi. Ông lão Santiago phải dùng hết mưu mẹo, sức lực để điều khiển con cá nhưng lạ lùng thay nó không hề đuối sức mà càng ngày càng khoẻ lên. Chiếc thuyền rời xa bờ lao sâu vào vùng biển mênh mông cùng con cá. Đêm xuống, ông lão Santiago mệt mỏi, nhưng không ăn, không ngủ được vì phải chống chọi với con cá, tay và vai ông đầy những vết cứa ứa máu. Ngày hôm sau sức ông lão yếu dần, chân tay bị chuột rút, có lúc lại ngủ thiếp đi những vẫn không chịu buông tha con cá. ''Mình sẽ cho nó biết sức của con người có thể làm được gì và chịu đựng được đến đâu'', ông lão nhủ thầm. Sang đến ngày thứ ba, con cá đuối sức, ông lão Santiago dùng lao đâm chết nó, buộc vào mạn thuyền và dong về. Đó là một con cá kiếm khổng lồ, dài hơn chiếc thuyền của ông lão, nặng khoảng sáu đến bẩy tấn. Tưởng đã được nghỉ ngơi và mừng thầm với kết quả lao động của mình, không ngờ ông lão lại phải chống chọi với đàn cá mập đói xâu vào rỉa thịt con cá ông đánh được. Ông lão Sanchiago chiến đấu dũng cảm, quyết liệt để bảo vệ thành quả lao động của mình, đã giết được nhiều con cá mập nhưng khi đàn cá mập bỏ đi thì con cá kiếm của ông chỉ còn là một bộ xương.
Sanchiago cho thuyền cập bến. Chú bé Manôlin chờ đón ở bãi biển, đưa ông lão về lều. Xót xa vì tiếc, vì mệt mỏi, ông lão Santiago ngủ thiếp đi với hình ảnh đàn cá mập đói lởn vởn trong giấc mơ.