Tài liệu: Malaysia - Âm nhạc và khiêu vũ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Âm nhạc và khiêu vũ là hai hoạt động không thể tách rời nhau trong văn hóa Malaysia.
Malaysia - Âm nhạc và khiêu vũ

Nội dung

ÂM NHẠC VÀ KHIÊU VŨ

            Âm nhạc và khiêu vũ là hai hoạt động không thể tách rời nhau trong văn hóa Malaysia. Khi có thứ này thì thứ kia cũng phải lẩn quất đâu đó. Trong di sản văn hóa của Malaysia, có nhiều vũ điệu khác nhau, và nếu không du nhập trực tiếp từ một nước nào đó thì cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của một trong những thành tố văn hóa của Malaysia. Có nhiều điệu nhạc và điệu múa của Malyasia đã phát triển từ những nhu cầu cơ bản thành dạng thức phức tạp và quyến rũ ngày nay.

            Âm nhạc truyền thống ở đây xoay quanh chiếc gamelan, một loại đàn dây bắt nguồn từ Indonesia với loại âm thanh nghèn nghẹn, nghe như từ thế giới bên kia vọng về. Tiếng trống của Malaysia du dương, thôi miên người nghe hòa cùng liếng đàn gamelan, thường làm nền cho các điệu múa cung đình ở đây. Thực tế, những điệu trống đầu tiên của Malaysia phát sinh từ nhu cầu thực tế. Ở thời đại trước khi có điện thoại và fax, chiếc rebana ubi, một loại trống lớn, được sử dụng để giao tiếp giữa đồi này với đồi kia, cách nhau một đoạn đường dài. Thông báo đám cưới, tiếng kêu báo động nguy hiểm hay những mẩu thông tin khác được truyền đi bằng tiếng trống, mỗi loại có một nhịp riêng. Ngày nay chiếc rebana ubi được dùng chủ yếu như một nhạc cụ nghi lễ. Có một ngày hội gọi là Hội thi Đánh trống được tổ chức tại Kelantan vào tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm.

            Múa đèn là một nghệ thuật văn hóa biểu diễn đẹp mê hồn của Malaysia. Đèn được thắp trong những chiếc đĩa nhỏ, được cầm bởi một tay của người vũ công. Khi vũ công biểu diễn những đường múa cong mềm mại, ánh lửa đèn trở thành những dấu hiệu thôi miên người xem.

            Điệu múa Joget và điệu múa truyền thống phổ biến của Malaysia, với nhịp điệu nhẹ nhàng. Trong điệu múa này từng cặp múa với nhau theo những cử động duyên dáng và vui nhộn. Múa Joget bắt nguồn từ những điệu múa dân gian của Bồ Đào Nha, được du nhập vào Malacca trong thời kỳ mua bán gia vị.

            Trong số những loại hình văn nghệ truyền thống của Malay có kết hợp múa, kịch và âm nhạc, không có loại kịch múa nào thu hút bằng Mai Yong. Loại hình giải trí cung đình cổ xưa này là sự phối hợp những câu chuyện lãng mạn, những điệu hát ôpêra và sự hài hước.

            Điệu mú Datun Julud rất phổ biến ở Sarawak và minh họa cho truyền thống lâu đời về nghệ thuật kể chuyện trong múa. Điệu Datun Julud kể về hạnh phúc của một hoàng thân khi cầu nguyện ban phúc với cháu trai của mình. Từ câuchuyện này điệu múa đã lan tràn trong các bộ lạc Kenyah ở Sarawak. Một loại nhạc cụ gọi là Sape làm nền cho điệu múa cùng với tiếng hát và tiếng vỗ tay.

            Dondang Sayang

            Dondang Sayang là một dạng hát truyền thống của Malay vẫn tồn tại đến ngày nay và vẫn còn rất phổ biến. Đặc trưng của nó rất khác với loại hình hát truyền thống khác ở chỗ âm điệu dịu dàng, du dương như ru ngủ. Điệu hát này bắt nguồn ở Melaka nên những đặc điểm nghệ thuật của nó được sở hữu và lưu giữ bởi người Melaka. Dondang Sayang hiện nay không những chỉ phổ biến trong phạm vi người Malay, mà cả với người baba và nyonya ở Melaka, Penang và Singapore, cũng như với cả người Chetis và người Bồ Đào Nha ở Melaka.

            Dongdang Sayang được coi là đã tồn tại rất lâu trong cộng đồng người Malay Melaka, mặc dù người ta không biết rõ từ năm tháng nào. Một số ý kiến cho rằng nó bắt đầu từ thời cai trị của vua Mansor Shah, một vị vua của Melaka được biết đến do ảnh hường và quan hệ đối ngoại xuất sắc. Một số ý kiến khác thì cho rằng Dondang Sayang có xuất xứ từ Bồ Đào Nha và du nhập vào Melaka. Trong khi đó những ý kiến khác nữa lại cho rằng nó bắt nguồn ở Sumatra và phát triển ở đây thành một điệu hát cộng đồng truyền thống sau khi được biểu diễn nhiều lần ở cung điện. Ở giai đoạn đầu, Dondang Sayang được hát không có nhạc cụ đệm.

            Dondang Sayang thường được hát trong nhiều trường hợp khác nhau như: vào buổi tối, khi mọi công việc hàng ngày đã hoàn tất, khi bà mẹ muốn ru con ngủ, vào các cuộc lễ nghi hay đám cưới và vào dịp hội hè.

            Lời bài hát của điệu Dondang Sayang gồm các nhóm bốn câu. Những câu này khi được hát lên một cách thanh thoát và với giọng cao sẽ hút hồn người nghe. Thường thì một cặp hát hết bốn câu và nghĩ ra các câu trả lời đối đáp để hát tiếp, làm cho bài hát thêm phần sinh động.

            Một giàn nhạc Dondang Sayang thường có 6 người: một nhạc công vĩ cầm, hai người đánh trống rebana, một người đánh cồng và hai người hát. Tuy nhiên cũng có những giàn có số thành viên nhiều hơn, tùy theo số nhạc khí sử dụng. Số lượng ca sĩ cũng có khi là bốn người, hai nam và hai nữ. Nhóm ca sĩ có khi lại gồm ba nam và một nữ, nhưng dù sao thì cũng có ít nhất một nữ để làm cho không khí thêm phần vui tươi. Còn nhạc sĩ vĩ cầm thì đôi khi có đến hai người nếu như buổi trình diễn kéo dài đến sáng; điều này là tất yếu vì vĩ cầm giữ giai điệu chính cho Dondang Sayang.

            Trang phục cho các buổi biểu diễn Dondang Sayang là loại y phục biểu diễn truyền thống: nam thì mặc bộ Baju Melayu (bộ áo quần truyền thống của Malay), samping (mảnh vải trang điểm thắt quanh eo) và songkok (một loại khăn trùm đầu), còn đối với nữ thì mặc bộ baju kebaya (một loại váy áo truyền thống).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1997-02-633471484562656250/Van-hoa-xa-hoi/Am-nhac-va-khieu-vu.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận