Các sản phẩm nông trại
Mặc dù có sự thay đổi về cơ cấu, tỷ lệ đất canh tác và đất đồng cỏ ở Đức ít thay đổi vì thực chất nông nghiệp chỉ phụ thuộc nhiều vào chất đất và khí hậu. Tuy nhiên, cơ cấu các loại cây trồng đã thay đổi rất nhiều. Đó là do những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và chính sách nông nghiệp chung. Khi các chủ nông trại Đức nhận thấy khó bán lúa mì và lúa mạch đen, họ đã chuyển hướng sang sản xuất thức ăn khô cho gia súc như ngô, đậu tằm và ngũ cốc thương phẩm như đại mạch và yến mạch. Họ cũng đáp ứng nhu cầu về thịt tăng lên bằng cách trồng nhiều hơn những cây làm thức ăn cho ngựa, bò và lợn.
Diện tích đất dùng để trồng những cây lấy dầu, đặc biệt là cây cải dầu và hoa hướng dương ngày càng tăng, và việc sản xuất bơ sữa vẫn là một ngành công nghiệp phát đạt, các chủ nông trại cũng được khuyến khích để bỏ hoá đất (không canh tác) nhiều hơn, khi có sự dư thừa sản xuất lương thực ở EU.
Chính sách nông nghiệp chung – Quá khứ và hiện tại
Chính sách nông nghiệp chung (CAP) được đưa ra trong những năm 1960. Mục tiêu của nó là tăng năng suất nông nghiệp - cũng là tăng thu nhập cho nông dân - và cung cấp cho người tiêu dùng lương thực có chất lượng cao với giá cả hợp lý. Tất cả những điều này đã được thực hiện trong những thập kỷ tiếp sau đó, khi nông dân được chính phủ tài trợ và khuyến khích để tăng sản lượng bằng cách đẩy mạnh thâm canh. Các công việc như hợp lý hoá, mở rộng sản xuất, cơ khí hoá, chuyên môn hoá, thuốc trừ sâu, phân bón, lai tạo gia súc và tạo ra các giống cây trồng mới, tất cả đã trở thành những khâu then chốt.
Tuy nhiên, việc cung các sản phẩm quan trọng đã nhanh chóng vượt quá cầu. Các hạn ngạch đã được áp dụng năm 1992 để hạn chế trồng các loại cây trồng truyền thống. Các khâu trợ cấp cho ngành bơ sữa và cho các nông trại (một phần quan trọng của chính sách ban đầu) bị cắt bỏ. Các biện pháp khác cũng được áp dụng nhằm khuyến khích thâm canh và khai thác nông nghiệp có tính sinh thái bền vững hơn. Trong quá trình cải cách này, 8% đất canh tác đã được bỏ hoá để tự phục hồi.
Những thay đổi tiếp theo của CAP đang được thảo luận. Trong những năm gần đây, do nhiều vụ tai tiếng về lương thực đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế nông trại (ví dụ, BSE, bệnh lợn đóng dấu và các dịch bệnh gia cầm, lượng dư thuốc kháng sinh và hóc môn trong các sản phẩm thịt...) nên các trợ cấp sẽ chỉ được cấp cho những nông dân cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và nuôi gia súc của họ trong các điều kiện an toàn đạt tiêu chuẩn.
Việc áp dụng các hạn ngạch đã gây khó khăn cho nông dân. Nhiều người đã quyết định từ bỏ công việc nông trại, làm cho ngành nông nghiệp thêm giảm sút. Một số khác chuyển đổi cây trồng hay chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch, không dùng hoá chất.