Cách thức học tập
Các học sinh của Đức không khác nhiều so với học sinh ở những nước khác trên thế giới. Một số đặc điểm về tổ chức trong trường học ở đây:
+ Từ năm thứ 5 đến năm thứ 10 học sinh học theo từng nhóm với phòng học riêng.
+ Ở đa số các trường, hầu hết các môn (ngoại trừ môn thể dục, nghệ thuật, khoa học và âm nhạc) được học trong phòng học này, và giáo viên bộ môn sẽ di chuyển từ lớp này đến lớp khác.
+ Thường thì các trường ở Đức không có nhân viên bảo vệ và cũng không cần các tủ có khóa.
+ Học sinh ngồi học ở các bàn, được sắp xếp theo hình vòng cung.
+ Mối quan hệ giữa giáo viển và học sinh rất cởi mở, thậm chí là thân mật.
+ Không có đồng phục, không có phù hiệu.
+ Trong các đề tài học tập thường có sự thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đối nghịch nhau.
+ Có giờ giải lao trong các buổi học, nhưng không có giờ nghỉ trưa vì các trường thường tan học vào lúc 1 giờ 30 chiều.
+ Thường thì không có bài kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, học sinh chỉ làm các bài viết.
+ Ở cuối cấp học các học sinh sẽ tham dự một kỳ thi viết và một kỳ thi vấn đáp.
Năm học
Năm học thường bất đầu vào khoảng tháng 8, tháng 9 dương lịch và được chia thành 2 học kỳ. Trong một năm học sinh có 12 tuần nghỉ, trong đó có 2 tuần vào mùa Thu, 2 tuần vào dịp Giáng sinh và năm mới, 2 tuần vào mùa Xuân và 6 tuần vào mùa Hè.
Phiếu liên lạc ghi kết quả học tập của học sinh được phát hành 2 lần trong năm, vào cuối mỗi học kỳ. Học sinh sẽ được đánh giá theo 6 mức độ, được ghi bằng số 1 đến 6, trong đó mức 1 là mức “Xuất sắc” và mức 6 là mức “Không đạt yêu cầu”. Những học sinh không đạt những tiêu chuẩn tối thiểu của một năm học phải học lại năm đó. Tỉ lệ học sinh lưu ban là gần 5% một năm.
Nội dung học tập trường Gymnasium
Trong dạng trường Gymnasium, mỗi tuần học sinh học 36 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút. Có khoảng 12 môn học bắt buộc: 2 ngoại ngữ trong đó một môn phải học 9 năm và môn còn lại học trong 3 năm, Vật lý học trong 5 năm, Sinh vật học trong 7 năm, Hóa học học trong 3 năm, và các môn Toán, Âm nhạc, Nghệ thuật, Lịch sử, Tiếng Đức, Địa lý, Thể dục học trong 9 năm. Các hoạt động ngoại khóa thường được tổ chức vào buổi chiều.
Từ năm thứ 11 đến năm thứ 13 học sinh sẽ học 2 môn chính. Các môn này sẽ được giảng dạy hàng ngày. Các môn khác học sinh sẽ học mỗi tuần 3 tiết. Việc học ở dạng trường Gymnasium sẽ chiếm rất nhiều thời gian của học sinh. Có những điểm khác biệt giữa các bang trong mô hình học tập cơ bản này. Ở cuối cấp học, học sinh sẽ tham dự kỳ thi Abitur để lấy chứng chỉ tốt nghiệp.
Mẫu giáo
Kể từ 01/ 08/ 1996, tất cả những trẻ em Đức trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi đều có quyền đăng ký chỗ học trong các trường mẫu giáo. Những trường này có nhiệm vụ giáo dục và chăm sóc các trẻ từ 3 tuổi cho đến khi chúng vào học tiểu học. Những trường này được tài trợ bởi chính quyền địa phương và và các tổ chức từ thiện cũng như các nhà thờ, và đôi khi bởi các công ty và các đoàn thể. Phụ huynh cũng được yêu cầu đóng góp cho hoạt động của những trường này dưới hình thức học phí, nhưng học phí ở đây được qui định tùy theo mức thu nhập của họ. Thường thì trẻ chỉ đến trường mẫu giáo trong vòng buổi sáng.
Chỉ có một số trường mẫu giáo, hầu hết là ở các bang phía Đông, có chương trình học cả ngày. Tất cả các bang đều có những nhà trẻ để chăm sóc những trẻ ở tuổi mới biết đi, mặc dù chỉ những bang ở phía Đông là đáp ứng một cách hoàn hảo cho nhu cầu này. Một số bang cũng có dạng trường trung gian giữa mẫu giáo và tiểu học để phục vụ cho các trẻ đã đủ lớn nhưng chưa đủ tuổi để bắt buộc vào tiểu học và những trẻ đủ tuổi nhưng lại chưa đủ lớn để vào cấp học này.
Tiểu học
Thường thì trẻ em đến trường tiểu học vào lúc 6 tuổi và theo học tại cấp này trong thời gian 4 năm, nhưng riêng ở Berlin và Brandenburg thì thời gian là 6 năm. Ở hầu hết các bang, trong 2 năm đầu tiên việc học của trẻ chưa được chấm điểm mà chỉ được đánh giá chung dưới hình thức bản báo cáo. Trong năm học 2002-2003 có 3,1 triệu học sinh theo học ở cấp tiểu học. Kể từ năm 1997 số lượng học sinh ở cấp học này đã sụt giảm và khuynh hưởng này sẽ còn tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2015.
Sau khi hoàn tất cấp tiểu học, học sinh sẽ tiếp tục việc học ở giai đoạn 1 của giáo dục trung học. Lớp 5 và lớp 6 là giai đoạn định hướng cho thời kỳ giáo đục tiếp theo. Trong hầu hết các bang giai đoạn định hướng này nằm trong khuôn khổ của những dạng trường trung học khác nhau, nhưng ở một số bang thì đây lại là một giai đoạn độc lập không thuộc các dạng trường trung học này. Việc quyết định cho học sinh vào học ở dạng trường nào thường được dựa trên sự tư vấn của trường tiểu học, thành tích của học sinh và nguyện vọng của các phụ huynh.
Trường Trung học phổ thông
Trong năm học 2002-2003 có khoảng 1,1 triệu học sinh vào học trung học sau khi đã hoàn tất cấp tiểu học. Ở cấp học này học sinh được truyền đạt những kiến thức phổ thông, kể cả các môn về nghệ thuật, chính trị và thể dục. Việc tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giúp cho các học sinh tham gia vào các chương trình đào tạo hướng nghiệp, mở cửa cho học sinh vào nhiều nghề nghiệp khác nhau trong ngành thủ công và công nghiệp vốn đòi hỏi một sự đào tạo bài bản.
Trường Trung cấp
Trường trung cấp nằm ở mức độ lưng chừng, giữa trường trung học phổ thông và trường grammar (Gymnasium). Trong năm học 2002-2003 có khoảng 1,3 triệu học sinh theo học ở dạng trường này. Dạng trường này cung ứng một nền giáo dục phổ thông toàn diện cho học sinh. Thường thì thời gian học là 6 năm, từ lớp 5 đến đến 10, và khi tốt nghiệp học sinh sẽ được cấp chứng chỉ để theo học ở những trường có trình độ cao hơn, chẳng hạn như các trường ''Berufsfachshule'' hay các trường cao đẳng hướng nghiệp, hoặc tiếp tục học ở giai đoạn cao ở các trường grammar.
Trường Grammar
Đây là một dạng trường trung học có nội dung đào tạo bài bản. Dạng trường này có chương trình kéo dài trong 9 năm học, và trong năm học 2002-2003 có khoảng 2,3 triệu học sinh theo học. Ở đây học sinh sẽ được truyền thụ những kiến thức phổ thông ở mức độ đào sâu. Giai đoạn cấp cao của dạng trường này bao gồm từ lớp 11 đến lớp 13 và được tổ chức dưới dạng một hệ thống các môn học thay vì dạng học theo năm học bình thường. Sau khi hoàn tất lớp 13 và đậu trong các kỳ thi viết và thi vấn đáp, học sinh sẽ được cấp chứng chỉ Abitur để có thể vào học tiếp ở cấp đại học.
Trường hỗn hợp
Một dạng trường khác cung ứng giáo dục sau tiểu học là trường hỗn hợp. Trong năm học 2002-2003 có khoảng 550.000 học sinh theo học dạng trường này. Trường này có cả 3 hình thức của giai đoạn 1 trong các trường trung học, và cấp phát các loại chứng chỉ của trường trung cấp và trường trung học phổ thông. Nếu như trường hỗn hợp nào có cả chương trình cấp cao của các trường grammar thì học sinh có thể dự cả kỳ thi Abitur. Trong quá trình học, các học sinh, phụ huynh và giáo viên sẽ cùng nhau quyết định loại hình chứng chỉ tốt nghiệp nào là phù hợp nhất với từng học sinh, dựa trên sở thích, nguyện vọng và năng lực của những học sinh này.
Trường Đặc biệt
Những học sinh thiểu năng mà nhu cầu của chúng không thể được đáp ứng đầy đủ bởi các trường trung học phổ thông sẽ đến các trường '' Sonderschulen'' hay còn gọi là các trường đặc biệt. Có nhiều loại trường đặc biệt khác nhau dành cho những dạng thiểu năng khác nhau. Những yêu cầu về cưỡng bách giáo dục vẫn áp đụng cho các trẻ thiểu năng và không có một ngoại lệ nào. Trong năm học 2002-2003 có khoảng 430.000 học sinh theo học tại các trường đặc biệt này.
Trường Cao đẳng và Đại học
Các trường đại học ở Đức là một phần của hệ thống giáo dục miễn phí của nhà nước, có nghĩa là có rất ít các trường đại học và cao đẳng tư thục. Cơ cấu tổ chức của những trường này được áp dụng theo những cuốc cải cách giáo dục đại học do Wilhelm von Humboldt đề xướng từ đầu thế kỷ 19. Các sinh viên đại học cớ quyền chọn lựa chương trình học cho mình và các giáo viên đại học cũng có quyền chọn lựa môn học để nghiên cứu và giảng dạy. Hệ thống tùy chọn này thường dẫn tới tình trạng sinh viên ở lại trường thêm một thời gian khá lâu trước khi tốt nghiệp, và hiện nay đang được xem xét lại. Nhưng tình hình này hiện nay vẫn đang tồn tại, do đó không có một lớp học cố định nào trong đó các sinh viên học chung với nhau từ đầu đến cuối và cùng tốt nghiệp với nhau. Các sinh viên thường chuyển trường theo sở thích của họ và theo thế mạnh của từng trường đại học. Đôi khi một sinh viên theo học hai, ba hay nhiều trường đại học khác nhau trong chương trình học của mình. Sự lưu động này nói lên tình trạng tự do và tính chất cá nhân ở môi trường đại học tại Đức, một điều không hề có ở Mỹ, Anh hay Pháp.
Một điểm khác biệt nữa là ở Đức khái niệm ''cao đẳng'' không giống như ở Mỹ. Những gì được giảng dạy tại trường cao đẳng ở Mỹ thì ở Đức đã được giảng dạy một phần ở trung học. Đó là lý do tại sao thời gian học ở trường phổ thông kéo dài đến 13 năm. Hai hoặc ba năm cuối ở trung học tại Đức giống như hai năm đầu trong các trường cao đẳng tại Mỹ. Một khi đã tốt nghiệp trung học, các học sinh học tiếp ở đại học, tức là các trường có chương trình chuyên nghiệp. Ở đó họ được đào tạo để trực tiếp trở thành các luật sư, bác sĩ, v.v... Việc tốt nghiệp ở các trường Gymnasium (chứng chỉ Abitur) mở đường cho các học sinh vào đại học. Thường thì không có kỳ thi tuyển sinh, vì điểm số của chứng chỉ Abitur (GPA) là đủ để sinh viên đăng ký vào một trường nào đó. Tất nhiên là điểm GPA không nhất thiết là có thể giúp học sinh vào bất kỳ một đại học nào, vì nếu có quá nhiều ứng viên họ sẽ phải được xét theo điểm xếp loại trong chứng chỉ. Chẳng hạn như một học sinh muốn theo học y khoa phải có xếp loại GPA từ 1,0 đến 1,5 (tương đương với điểm của Mỹ từ 4,0 đến 3,5).
Một điểm khác biệt nữa giữa các trường đại học ở Đức và ở Mỹ cũng như châu Âu: ở đây không có chế độ tín chỉ. Ở cuối mỗi giai đoạn học sinh viên sẽ có trong tay hàng loạt giấy chứng nhận, trong đó các giáo viên xác nhận rằng sinh viên đó đã học tốt môn học của mình. Một khi sinh viên thu thập đủ số giấy chứng nhận theo yêu cầu thì có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp.
Ở các trường Gymnasium học sinh luôn được các giáo viên giám sát nghiêm ngặt, và việc đến lớp của họ được điểm danh thường xuyên. Trong khi đó ở trường đại học thì hầu như không có ai quan tâm đến việc các sinh viên có đến lớp hay không. Các sinh cũng thường không biết nhau. Việc học đại học tại Đức mang tính ẩn danh và có tính chất cá nhân cao độ. Đặc biệt là ở các ngành khoa học nhân văn sinh viên thường chỉ tham dự các bài giảng và các hội thảo mà họ thích và cuối cùng tham gia các kỳ thi. Mỗi một sinh viên đều có quyền tự quyết định xem mình đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp hay chưa. Một số sinh viên học trong thời gian tối thiểu là 4 năm, nhưng hầu hết phải mất từ 5 đến 6 năm để tốt nghiệp, thậm chí có người mất đến 10 năm (thường là do họ thay đổi môn học nhiều lần). Những sinh viên này, sau thời gian 13 năm trung học, cộng với thời gian học đại học và 1 năm nghĩa vụ quân sự, thường ra đời đi làm lúc đã gần 30 tuổi
Tuy nhiên ở Đức cũng có một dạng giáo dục sau đại học giống như kiểu đào tạo đại học, gọi là Fachhochschulen (Đại học Khoa học ứng dụng), trong đó sinh viên có thể trở thành những kỹ sư hay nhà quản trị. Những trường này rất giống với trường cao đẳng ở chỗ mọi người cùng bắt đầu với nhau và cùng tốt nghiệp với nhau, đồng thời có rất ít tùy chọn trong thời khóa biểu học tập. Thực chất đây là một hình thức đào tạo hướng nghiệp. Chỉ sau 3 năm sinh viên có thể tốt nghiệp và đi thẳng vào môi trường lao động chuyên nghiệp.
Hầu hết các chương trình học kết thúc với các loại bằng gọi là Diplom hay Magister, cùng với bằng Cao học và bằng Tiến sĩ. Những thay đổi gần đây đã đưa thêm vào một hệ thống được quốc tế công nhận nhiều hơn, trong đó có bằng Cử nhân và bằng Cao học. Nhưng cho đến nay các sinh viên của Đức vẫn không thích học theo hệ thống mới này vì họ biết rằng các nhà tuyển dụng ở Đức vốn không quen thuộc với nó và vẫn thích hệ thống cũ hơn. Ngoài ra còn có những chương trình để sinh viên tham dự các kỳ thi quốc gia, chẳng hạn đối với các luật sư và giáo viên, để có thể làm công chức nhà nước. Tuy nhiên những chứng chỉ cấp phát từ những kỳ thi này không được các nước khác công nhận là một loại bằng cấp học thuật, mặc dù nội dung học đôi khi giống hệt như các chương trình đại học.