Nguyên nhân thay đổi
Cũng như hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu, tỷ lệ gia tăng dân số của Pháp đang chậm lại. Đây là kết quả của hai thành phần thay đổi: thay đổi mang tính tự nhiên và di cư. Thay đổi mang tính tự nhiên là kết quả của sự cân bằng giữa tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Các tỷ lệ này thường được thể hiện bằng số người trên 1000 dân. Khi tỷ lệ sinh cao hơn tỷ lệ chết, ta có tăng dân số tự nhiên. Khi tỷ lệ chết cao hơn tỷ lệ sinh, ta có giảm dân số tự nhiên. Năm 2004, tỷ lệ sinh của Pháp là 12,34/1000 dân và tỷ lệ chết là 9,06/1000 dân, như vậy tỷ lệ tăng tự nhiên là 3,28/1000 dân. Trong năm qua, tỷ lệ tăng tự nhiên giảm dần.
Thay đổi tự nhiên
Các tỷ suất sinh sẽ giúp chúng ta lý giải sự suy giảm trong tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Pháp và dự báo xu hướng tương lai. Tỷ suất sinh là số trẻ mà một phụ nữ có thể sinh ra trong cả cuộc đời của mình. Giả thiết là số trẻ trai và trẻ gái sinh ra là bằng nhau, như vậy một phụ nữ cần sinh tối thiểu 2 con để đảm bảo có 1 bé gái thay thế. Mức thay thế này rất quan trọng nếu muốn dân số tiếp tục gia tăng. Ví dụ, nếu 100 phụ nữ chỉ sinh được 90 bé gái và số bé gái này có tỷ suất sinh giống mẹ thì sau một thời gian, dân số sẽ giảm. Tỷ suất sinh hiện đang ở dưới mức thay thế.
Để duy trì dân số, mỗi hà mẹ cần sinh tối thiểu 2 con. Vì một số trẻ gái chết sớm nên mức sinh thay thế thường là 2,1. Trong giai đoạn 2000 - 2005, tỷ suất sinh của Pháp ước tính khoảng 1,9, thấp hơn mức sinh thay thế. Năm 1970, tỷ suất sinh là 2,5. Mặc dù tỷ lệ chết của trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay là dưới 5 trẻ/1000 trẻ sinh ra còn sống (năm 1990 là 9/1000) song Pháp vẫn chưa có đủ số nữ giới trong các nhóm tuổi trẻ.
Nhập cư
Do tỷ lệ tăng tự nhiên và tỷ suất sinh giảm nên cán cân di cư ngày càng quan trọng. Mặc dù có hàng nghìn người di cư hàng năm, song số dân nhập cư vào Pháp cũng rất lớn. Điều này có nghĩa là số người vào Pháp nhiều hơn số người di cư khỏi Pháp. Ví dụ, trong những năm 1990, số người đến Pháp nhiều hơn số người di cư khoảng 40.000 - 50.000 người/năm. Năm 1998, có 2,4 triệu dân nhập cư từ các nước không thuộc Liên minh châu Âu sinh sống tại Pháp, chiếm tới hơn 4% dân số. Con số này ở Đức là 4,3 triệu và ở Anh là 1,3 triệu.
Từ xa xưa, người nước ngoài đã nhập cư vào Pháp. Điều này khiến nước Pháp ngày nay trở thành một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa. Gần 1/4 dân Pháp có ít nhất bố (mẹ) hoặc ông (bà) là dân nhập cư. Trong hơn 50 năm qua, số dân nhập cư chủ yếu đến từ ba vùng. Nhóm lớn nhất chiếm trên 40% tổng số dân nhập cư, đến từ Bắc Phi, đặc biệt là từ Angiêri và Marốc. Cả hai quốc gia này đều từng là thuộc địa của Pháp. Nhóm thứ hai đến từ Nam và Đông Âu, chủ yếu là Italia, Ba Lan và Rumani. Nhóm thứ ba đến từ Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam (trước đây cũng là một thuộc địa của Pháp). Dân nhập cư là người Philippin và Sri Lanka chiếm số lượng ít hơn.
Dân nhập cư vì mục đích kinh tế
Đa số dân nhập cư đến Pháp vì lý do kinh tế, tìm việc muốn có được cuộc sống tốt hơn. Do số thanh niên Pháp giảm nên lực lượng lao động là người nhập cư đóng vai trò quan trọng. Nhiều dân nhập cư được cấp giấy phép làm việc tạm thời. Một số được nhập quốc tịch, song phần lớn vẫn là dân nhập cư bất hợp pháp. Hầu hết dân nhập cư sống tại các thành phố công nghiệp lớn. Cứ 3 người dân nhập cư thì có 1 người sống ở Paris và Marseille. 10% dân số Marseille là người nhập cư, hầu hết là người Angiêri. Các cộng đồng có nhiều người nhập cư khác tập trung ở Lyon và Touiouse.
Trong những năm gần đây, số lượng dân nhập cư tăng dẫn tới nhiều vấn đề, nhất là tại một số khu chung cư lớn ở các đô thị. Ngoài ra, trong những năm 1990, số dân cư trú chính trị cũng tăng, ví dụ như người tị nạn và xin cư trú của các nước Đông Âu và vùng Bancăng. Do áp lực và khó khăn ngày càng tăng, chính phủ Pháp đã thực hiện chính sách kiểm soát nhập cư chặt chẽ và hiện nay rất khó nhận được giấy phép lao động. Tuy nhiên, Pháp đang thiếu lao động. Chính phủ Pháp ước tính trong thập kỷ tới, mỗi năm Pháp cần thêm 150.000 lao động. Người dân từ các nước thuộc Liên minh châu Âu có thể đến Pháp làm việc, nhưng Pháp có thể vẫn cần người nhập cư từ các quốc gia xa hơn.
Di cư trong nước
Khi người dân chuyển nhà và thay đổi việc làm, phân bố dân cư của một quốc gia cũng thay đổi. Hơn 30 năm qua, ở Pháp có 5 xu hướng chính di cư trong nước:
1. Rời khỏi các khu công nghiệp cũ ở Đông Bắc Pháp.
2. Rời khỏi các vùng nông thôn hẻo lánh ở các vùng như dãy Massil Central và Pyrénées.
3. Dù chậm lại nhưng dân số quanh Paris vẫn tiếp tục tăng.
4. Di cư gần, từ trung tâm các đố thị lớn ra ngoại ô và các thành phố nhỏ phụ cận.
5. Di cư ngày càng tăng về Tây Nam và miền Nam nước Pháp, nơi có các ngành công nghiệp mới và chất lượng môi trường tốt.