Nghề đi biển
Từ “Người đi biển” bao gồm toàn bộ những nghề có liên quan đến ngành hàng hải, từ thủy thủ đến thuyền trưởng. Cho dù là tàu buồm chở khách, chở hàng, hay những chiếc tàu chở dầu khổng lồ đi nữa, thì tuỳ theo kích cỡ và chức năng của mình, những chiếc tàu vận tải đều phải cần tới một lượng nhân lực đông đảo và đa dạng để điều khiển chúng. Ngày nay, việc dẫn đường bằng vệ tinh đã thay thế các máy lục phân và hướng đi của tàu đều do máy tính tính toán. Song những rủi ro vẫn chưa có cách gì tránh được, và mỗi lần xảy ra thì trách nhiệm lại thuộc về người thuyền trưởng. Để trở thành thuyền trưởng, phải trải qua những năm tháng dài học tập và thực hành, khi đó anh mới có khả năng làm chủ con tàu của mình và khi thi hành nhiệm vụ, xung quanh anh còn có các thủy thủ tinh thông trợ giúp: nhân viên trực ca, nhân viên kỹ thuật, nhân viên boong, thợ cơ khí, nhân viên ảnh vô tuyến, kỹ thuật viên vô tuyến điện tử, thợ điện, thợ hàn, đầu bếp, tiếp viên. Nhưng tất cả những ai đã chọn cho mình công việc trên tàu, đều có một điềm chung: họ yêu biển. Và có thể, ngay từ tuổi 14, họ đã bắt đầu học nghề đi biển. Họ phải tuân theo kỷ luật của cuộc sống cộng đồng: chia theo “ca” làm việc và “chấp nhận” rời đất liền trong những chuyến đi vài ngày hoặc nhiều tháng. Một cuộc sống nay đây mai đó đã ít nhiều chia cắt họ với gia đình trong khoảng thời gian dài, chẳng hạn đối với thủy thủ ngành hàng hải ven bờ hoặc ngành hàng hải viễn dương. Duy chỉ có hoa tiêu là luôn gắn mình ở một vị trí bởi vì họ có trách nhiệm dẫn lái cho những con tàu đến tận cảng neo đậu của chúng. Các thuyền trưởng viễn dương dày dạn kinh nghiệm có thể nhận biết được mọi vũng tàu.