Tình yêu trên dòng thời gian
Ngày xửa ngày xưa, tình yêu được coi như hình phạt của thần linh giáng xuống con người. Ngày nay, dù khoa học có vẻ như đã lý giải được tất cả những câu hỏi hóc búa của nhân loại, nhưng tình yêu vẫn mãi là một huyền nhiệm.
Trong cuốn Bữa tiệc, triết gia Hy Lạp Platon thuật lại bài thuyết pháp của Aristophane về tình yêu như sau: “Khởi thủy, con người có thân hình tròn quay với bốn tay và ngần ấy chân, hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau đặt trên một cái cổ tròn, hai cơ quan sinh dục... và phần còn lại giống như chúng ta ngày nay”. Có thể nói đó là một sự kết hợp hoàn hảo (cũng như nhiều loài động vật có đời sống lưỡng tính). Nhưng những con người đầu tiên ấy vì rất mạnh mẽ nên đâm ra ngạo mạn, “coi trời bằng vung”, khiến các vị thần trên núi Olympus lo ngại. Vì vậy, để trừng phạt con người, thần Zeus quyết định chẻ đôi họ ra “như người ta cắt quả trứng luộc bằng một sợi tóc”... và bi kịch bắt đầu. Kể từ đó, mỗi người cứ mải miết tìm kiếm nửa đã mất của mình, quấn quýt với nhau và “khao khát hòa nhập vào nhau”...
Đó là huyền thoại về tình yêu của người xưa để lý giải tại sao người ta sống có lứa có đôi.
Thế nhưng, trước khi có huyền thoại về tình yêu, người ta đã yêu nhau rồi. Tình yêu bắt nguồn từ cái thuở con người vừa thoát ra khỏi đêm tối u minh để nắm vận mạng của mình và làm chủ thế giới. Qua dòng thời gian, lịch sử nhân loại chứng kiến biết bao mối tình cảm động đẫm nước mắt lẫn hạnh phúc, trong đó có cá những kẻ bị nguyền rủa như Ulysse và Penelope, Medee và Jason, Helose và Abelard. Romeo và Juliet... đôi tình nhân yêu nhau đến cuồng si ấy, nói như Shakespeare, đầy “âm thanh và cuồng nộ”, nhưng bất diệt và cảm động như một bài thơ tình bất hủ.
Và chỉ có Thượng đế mới biết có bao nhiêu kẻ yêu mà không được yêu, hay đúng hơn là có bao nhiêu mối tình đơn phương, lầm lạc trải qua hàng bao thế kỷ. Bị ngăn chặn, chịu gông cùm, sỉ nhục, bị coi như một hiểm họa, một dã thú cần phải thuần hóa. Ngay cả triết gia Platon cũng từng nghi ngờ tình yêu bởi vì ông cho rằng thân xác con người là “tù ngục của linh hồn. Hơn nữa, thần Tình yêu, con trai thần Vệ nữ lại là một đứa trẻ mù quáng và nghịch ngợm, luôn ngẫu hứng bắn những mũi tên yêu đương khiến người ta đâm ra mất hết lý trí. Theo triết gia này nói riêng và dân Hy Lạp nói chung, điều quan trọng đối với con người là tự do, nghĩa là làm chủ chính mình. Vì vậy, triết lý, khoa học và chính trị là những khía cạnh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Đam mê không có chỗ đứng trong những con người tự do.
Cựu ước hình như cũng nghi kỵ tình yêu. Sách Huấn ca dạy rằng: “Hãy tránh đừng nhìn người phụ nữ nhan sắc, cũng đừng ngắm nhìn một giai nhân xa lạ. Vì sắc đẹp phụ nữ mà bao kẻ đảo điên và cũng vì thế mà ái tình bừng lên như lửa”? Tuy nhiên qua các khe hở và không khí, nọc độc tình yêu đã len lỏi vào tận bên trong dù đó là một lâu đài kín cổng cao tường hay túp lều tranh và làm đảo lộn tất cả mọi người từ các bậc công hầu khanh tướng cho đến thứ dân. Lòng ham muốn với một mãnh lực không thể cưỡng nổi trỗi dậy khiến người ta mất hết lý trí: Samson vì quá say mê sắc đẹp của nàng Delilah nên phải chuốc lấy hậu quả thảm thương, Amnon vì quá si mê đến độ cưỡng hiếp cô em gái cùng cha khác mẹ là Tamar, còn vua David thì không ngại giết chết chồng của Bethsabee để cưới nàng, Judith nhờ sắc đẹp mà giết được tướng giặc là Holopherne, Salomon nổi tiếng là nhà thông thái bậc nhất mà cũng không tránh khỏi mù quáng... cũng chỉ vì yêu. Chính vì vậy mà suốt thời gian dài, Kitô giáo không mấy mặn mà với chuyện yêu đương, chỉ đề cao tình yêu thuần lý và hướng về Thượng đế. Tình yêu giữa hai con người từng bị coi là hư hỏng, kém thanh cao và thậm chí là tội lỗi.
Nhưng trái đất vẫn mãi là tổ ấm của các đôi uyên ương. Suốt hàng thế kỷ liền, nhân loại luôn phải hứng chịu chiến tranh, loạn lạc, đói kém, dịch bệnh... Người ta phải tìm cách sống sót chứ không còn thời gian cho chuyện yêu đương. Hơn nữa, thời Trung đại, chính quyền còn đè nặng lên cả đời tư của con người. Tình yêu thanh cao thời Trung đại và cả tình yêu đầy kiểu cách của giới quý tộc hồi thế kỷ 17 chỉ tồn tại trong văn chương, nghệ thuật hơn là trong đời thực. Tình yêu chỉ là một ảo mộng.
Mãi sau này tình yêu mới lên ngôi, mới được coi như là một chân lý, một sự cần thiết, là chìa khóa để mở cửa hạnh phúc và dẫn đến thiên đường. Thế kỷ ánh sáng mở đường cho tôn giáo hiện đại này bằng cách lấy tự do thay cho quyền lực, cá nhân thay cho dân tộc, hạnh phúc thay cho định mệnh, nói như Saint-Just đây là “tư tưởng mới mẻ ở châu Âu”. Các triết gia muốn vượt qua bức tường của những thành kiến và luân lý tự nhiên chịu ảnh hưởng của luận lý Kitô giáo vốn không mấy mặn mà với chuyện tình cảm. Một số triết gia viết rằng “Luôn luôn có một chút nhục cảm trong những tình cảm cao thượng nhất và trong sự âu yếm thanh khiết nhất của chúng ta”. Trong khi đó ở mục Tình yêu trong Từ điển triết học, Voltaire lại lạnh lùng mô tả chuyện yêu đương của con người chẳng khác gì hành động tính giao của loài vật. Phải chăng tình yêu cũng chỉ là ham muốn và bản năng? Những kẻ tôn thờ đời sống phóng đãng lại lấy tình dục thay cho tình yêu, thú vui thay hạnh phúc, khoảnh khắc thay cho lâu bền.
Sau thời kỳ tình dục không tình yêu đến thời kỳ tình yêu không tình dục ngự trị. Năm 1789, giới tư sản thay thế cho giới quý tộc mở màn cho kỷ nguyên của thanh tịnh, đức hạnh và cảm tính, đổi chỗ cho tự do, nhục cảm và lý trí. Trào lưu lãng mạn thắng thế, cùng với trào lưu này là cuộc tìm kiếm tuyệt đối, trở về với cảm thức tôn giáo. Tình yêu được nuôi dưỡng bằng những giá trị tâm linh. Thiên hạ tôn thờ, thần thánh hoá những kẻ yêu đương. Tình cảm được nâng lên tận mây xanh: “Có những tháng ngày em sẽ là nữ thần..., hỡi em người đàn bà hiện tại”, Baudelaire thốt lên những lời ấy với nàng thơ của mình là mệnh phụ Sabatier sau một đêm chung chăn gối với người đẹp. Tình yêu chân thực không được nhuốm màu nhục dục.
Đến thế kỷ 20, lại xảy ra cuộc hoà giải giữa xác thịt và tâm linh, giữa ham muốn và tình cảm, giữa thể xác và linh hồn. Thế kỷ 20 dù là thế kỷ của những cuộc giết chóc tàn bạo nhất lịch sử nhân loại, nhưng cũng là thế kỷ của những mối tình nồng thắm nhất. Báo chí, tiểu thuyết, truyền thanh, điện ảnh... tất cả đều nói về tình yêu, mời gọi yêu thương. Một tình yêu “điên cuồng”, “vĩ đại”, “chân thực” phải bao hàm cả thể xác lẫn tâm hồn không chỉ tồn tại trong nghệ thuật mà cả trong đời sống thường nhật. Người ta không thể nào quên những nụ hôn bất hủ: Nụ hôn điên cuồng của Clark Gable và Vivien Leigh trong Cuốn theo chiều gió (1939), nụ hôn chóng mặt của Cary Grant và Ingrid Bergman trong Những kẻ bị trói buộc (1946), nụ hôn ướt át của Burt Lancaster và Deborah Kerr trong Bao lâu còn có con người (1953).
Tuy vậy con người vẫn do dự, vẫn nghi ngờ, vẫn dao động giữa tình cảm và ham muốn. Họ đặt ra hàng triệu câu hỏi. Tình yêu vĩ đại, chung thủy, duy nhất, tuyệt đối... Tư tưởng tuyệt vời thật đấy nhưng liệu đó có phải là sự tự hủy hoại hay không? Một chiếc mặt nạ mới của những điều cấm kỵ? Phải chăng đó là sự chế ngự những ham muốn và cuồng si của con người? Thập niên 1950-1960, từ châu Âu cho đến châu Mỹ, khắp nơi đều bao phủ lên không khí chán nản, phiền muộn. Nhưng từ những năm 1968, tình yêu bỗng cất cánh tung bay trên bầu trời của tự do. Lại một lần nữa, tình dục muốn được giải phóng.
Tình yêu không bao giờ thỏa mãn, cứ mải miết lao vào cuộc tìm kiếm không có hồi kết. Tình yêu vẫn luôn bị kết án, nhất là khi vòng nguyệt quế thuộc về bóng ma Sida vẫn chưa có cách nào chế ngự? Chưa bao giờ nhân loại được nhiều tự do như con người ngày nay, nhưng chúng ta lại có được quá ít hạnh phúc, chuyện chăn gối quá dễ dàng nhưng lại vắng bóng tình yêu. “Nửa còn lại” của linh hồn chúng ta vẫn không ngừng gia tăng, chia nhỏ thành nhiều mảnh vụn vặt lẫn lộn, khuất lấp trong muôn vàn vật thể tầm thường khác và thật khó tìm thấy. Thế kỷ 20 qua đi, những rạn nứt trong tình yêu con người chẳng những không được hàn gắn mà dường như còn sâu rộng hơn. Chúng ta ít nhiều trở thành những phân tử tự do của một xã hội bị chia nhỏ tột độ, lạnh lùng hơn và mất mát niềm tin. Tuy nhiên, con người ngày nay vẫn không ngừng lặn ngụp trong tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc và tính toàn vẹn nguyên thủy của tình yêu trong tình yêu đôi lứa và tình yêu gia đình để cho tình yêu thăng hoa, mang lại hạnh phúc cho đời sống.
Tình yêu có thể giúp người ta vượt qua mọi trở lực nhưng không thiếu những vấp ngã. Tình yêu luôn mở ra trước mắt con người kỷ nguyên của những hy sinh và tan vỡ. Tình yêu không còn bị thần Zeus hay Thượng đế trừng phạt nữa. Tình yêu trở thành một trong số những thần tượng của con người thời nay. Tình yêu là một vị thần, nhưng là một vị thần đang mang thương tích, luôn không ngừng chiêm nghiệm, suy tư và băng bó vết thương cho mình. Trong khi đó những mũi tên tình yêu vẫn cứ tiếp tục được bắn loạn xạ trong nhân gian và làm cho bao trái tim không ngừng chảy máu.