Cung điện của hoàng đế Temmu
Đây là cung điện bằng gỗ của vị hoàng đế nổi tiếng vào thế kỷ VII, người đã đặt nền móng cho chế độ phong kiến tập quyền của Nhật Bản.
Những gì tìm thấy tại một ngôi làng ở Asuka, cách thủ đô Tokyo 400 km đã tiết lộ chi tiết về cấu trúc và sơ đồ của một khu cung điện, đền đài từng được coi là thủ đô của Nhật Bản vào thời cổ đại.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một chiếc sân to bằng dá, một cái ao và những hố trồng cột gỗ nằm trong khu dinh cư của hoàng đế Temmu, còn được gọi là cung điện Asuka Kiyomihara. Vị hoàng đế này đã thống trị trong hơn 10 năm và được ghi nhận là người thiết lập chế độ phong kiến tập quyền dựa trên mô hình của Trung Quốc. Những cuộc khai quật trước cũng làm lộ ra dấu tích của các tường thành, cổng và những phần nằm bên ngoài cung điện Kiyomihara.
Chiếc sân được lát hơn 2.000 tảng đá gran-ite và ao là một phần trong khu vườn cấm nối liền với hoàng cung làm bằng gỗ dài 24 m và rộng 12 m. Khu vườn mới thực sự là nơi ở của hoàng đế Temmu.
Cung điện Kiyomihara đã được miêu tả chi tiết trong cuốn lịch sử chính thống đầu tiên của Nhật Bản, bắt đầu vào thời kỳ cai trị của Temmu và hoàn thành trong 40 năm sau vào năm 720 sau Công nguyên. Đó là một cung điện nguy nga với phòng thiết triều, các khu ở của quan lại và một hệ thống dẫn nước phức tạp
Trong thời gian đó, Nhật Bản đã bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá khác nhau từ Trung Quốc, bao gồm cả đạo Phật. Sau cái chết của Temmu vào năm 686 sau Công nguyên, vợ ông tiếp tục trị vì tại Asuka cho đến năm 694 sau Công nguyên, khi đó thủ đô của Nhật đã được chuyển tới một nơi gần thành phố ở miền tây Kashihara ngày nay.