Giới thiệu
Nhật Bản thuộc một trong những khu vực có hoạt động địa chất mạnh nhất trên thế giới. Địa hình đất nước này rất đáng chú ý với hàng chục ngọn núi lửa vẫn đang hoạt dộng, những rặng núi trẻ và rất nhiều suối nước nóng. Sự kết hợp của những đặc điểm tự nhiên này biến Nhật Bản thành một đất nước tươi đẹp, nhưng đó cũng là mối nguy cơ thường trực - mặt đất thường rung chuyển vì động đất và ngập lụt bởi những con sóng thần mà người Nhật gọi là tsunami.
Tiêu nước cho Nhật Bản là những con sông ngắn, dốc và có tốc độ dòng chảy nhanh - con sông dài nhất, sông Shinano, đổ ra biển Nhật Bản ở Niigata, chỉ dài 367 km. Đặc tính dốc của những con sông này khiến chúng dễ bị ngập tràn vào mùa mưa, do đó nhiều khúc sống dưới hạ lưu được bảo vệ bằng những công trình phòng chống lũ lụt được xây dựng công phu và tốn kém.
Sự hình thành dải đảo hình cung
Nhật Bản nằm trên đường ranh giới giữa bốn làng kiến tạo địa chất của trái đất. Nhưng quan trọng là mảng Thái Bình Dương đang tiến về phía mảng Âu - Á và chúi xuống dưới mảng này. Chuyển động này diễn ra không mấy êm ả và có thể dẫn tới những xung động đột ngột mà kết quả là động đất. Khi mảng Thái Bình Dương chìm xuống, các lớp trầm tích bề mặt vỡ ra và bị biến dạng. Thậm chí lớp vỏ đại dương cũng sẽ bị tan chảy thành dung nham dâng lên bề mặt, phun trào thành vô số các ngọn núi lửa. Sự phun trào cùng với quá trình trầm tích tạo thành một chuỗi các hòn đảo nhiều núi - một dải đảo hình cung.
Ngọn núi lửa nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là núi Phú Sĩ (Fuji), hay còn được người Nhật gọi là Fuji-san, cao 3.776 m. Sự dốc đứng và dạng hình nón gần như hoàn hảo của ngọn núi biến nó thành một cảnh tượng kỳ thú có thể thấy được từ Tokyo. Núi Phú Sĩ là một điểm du lịch được ưa thích và hàng năm có nhiều người leo lên đỉnh ngọn núi này. Ngọn núi lửa này phun trào lần cuối vào năm 1707 và ngủ yên từ đó đến nay. Tuy nhiên, tháng 8 năm 2000, các nhà khoa học đã phát hiện có những chấn động nhẹ bên dưới núi Phú Sĩ. Các chấn động này đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cũng đủ để đưa ra lời cảnh báo. Tháng 6 năm 2001, người ta đã tiến hành một cuộc diễn tập sơ tán khẩn cấp trên quy mô lớn.
Tất cả những ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nhật Bản đều được giám sát nghiêm ngặt để có thể đưa ra những lời cảnh báo sơ tán kịp thời. Các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (hệ thống giao thông liên lạc và các công trình công cộng thiết yếu) ở những khu vực có núi lửa hoạt động đều được thiết kế sao cho có thể giảm tới mức tối đa những thiệt hại do núi lửa gây ra. Ở một vài khu vực, người ta còn xây dựng cả đập tràn để ngăn dòng dung nham chảy vào các khu dân cư. Ở Nhật Bản cũng có nhiều suối nước nóng (người Nhật gọi là 0nzen). Các con suối này không những cung cấp nguồn năng lượng địa nhiệt cho Nhật Bản mà còn là những điểm du lịch chủ yếu: du khách đến đây với mong muốn thử chữa bệnh nhờ những tính năng của nguồn nước nóng. Beppu và Yufuin là những suối nước khoáng được ưa thích, thu hút du khách từ khắp mọi miền của Nhật Bản.
Núi Aso
Một khu vực núi lửa hoạt động mạnh là tổ hợp núi lửa Aso trên đảo Kyushu. Tại đây đã xảy ra nhiều đợt phun trào và một trong những ngọn núi lửa chính, đỉnh Nakedake, vẫn tiếp tục phun khí sunphua và đôi lúc có vụ nổ núi lửa. Mặc dù khách du lịch có thể đến gần miệng núi lửa song vẫn cần có những biện pháp bảo vệ cần thiết nhằm tránh bất kỳ mối nguy hiểm nào có thể xảy ra. Trên con đường dẫn lên núi, có một cánh cổng an toàn cách miệng núi lửa một đoạn để trong trường hợp khẩn cấp có thể đóng cửa con đường. Khi khí độc bốc lên từ miệng núi, khách tham quan sẽ được trang bị mặt nạ phòng độc. Xung quanh miệng núi là những nơi trú ẩn khẩn cấp phòng khi đột ngột xảy ra một vụ phun trào. Mặc dù có những biện pháp phòng ngừa như vậy, du khách vẫn được báo trước về một cảnh tượng kinh hoàng. Những màn sương khí sunfua bốc lên giữa đám đá nham thạch cổ đầy màu sắc và nước hồ trên miệng núi lửa ánh lên kỳ quái một màu xanh thép hầu như luôn sôi sục ở nhiệt độ khoảng 9000C.