NHỮNG NGÔI SAO NÀO ĐƯỢC SINH RA
Những đám mây phân tử, những ''nhà máy sản xuất sao'' chế tạo ra các sao đủ loại. Phạm vi khối lượng của những ngôi sao mớt sinh trải dài từ một vài phần trăm đến 100 lần khối lượng Mặt Trời, hơn nữa những ngôi sao nhỏ được hình thành thường xuyên hơn nhiều so với những ngôi sao lớn. Trung bình hàng năm trong Thiên Hà sản sinh ra khoảng một chục ngôi sao có khối lượng chung quãng năm lần khối lượng Mặt Trời.
Xấp xỉ một nửa số ngôi sao được sinh ra đơn độc những sao còn lại lập thành các hệ sao đôi, hệ chùm ba và các hệ phức tạp hơn. Các hệ càng nhiều thành viên thì càng ít gặp. Người ta đã biết đến những ngôi sao chứa đến bảy thành viên (chùm bảy), còn phức tạp hơn thì đến nay vẫn chưa phát hiện ra.
Những lý do của sự xuất hiện những sao kép và sao chùm rất dễ hiểu: sự quay ban đầu của mây khí không cho phép nó co lại để thành một ngôi sao đặc nhỏ. Mây càng co nhiều bao nhiêu thì nó càng quay nhanh bấy nhiêu(“hiệu ứng nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật” mà ta thường thấy là hệ quả của thuyết bảo toàn mô men động lượng). Lực ly tâm ngày càng lớn khi co lại lúc đầu làm cho đám mây dẹt ra như chiếc bánh, sau đó lại kéo dài ra như ''quả dưa bở'' rồi bị tách ra làm đôi. Từng nửa lại co tiếp và tiếp tục chuyển động theo quỹ đạo quanh tâm khối lượng chung. Nếu sự co tiếp theo không làm đứt rời chúng ra thành các mảnh thì sẽ hình thành sao đôi, còn nếu sự phân chia vẫn tiếp diễn thì sẽ hình thành hệ sao chùm phức tạp hơn.