Tài liệu: Nicolas Boileau - Despréaux (1636 - 1711) nhà phê bình văn học cổ điển Pháp

Tài liệu
Nicolas Boileau - Despréaux (1636 - 1711) nhà phê bình văn học cổ điển Pháp

Nội dung

NICOLAS BOILEAU DESPRÉAUX (1636 - 1711)

NHÀ THƠ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỔ ĐIỂN PHÁP

 

Nicolas Boileau - Despréaux (Nicôla Boalô Đeprêô) là nhà lý luận văn học, nhà thơ cổ điển Pháp. Ông sinh tại Paris. Cha là một viên chức cao cấp. Boileau có tới 15 anh chị em. Khi người cha qua đời, ông được thừa hưởng một phần gia tài. Sau một thời gian theo nghề luật sư, ông chuyển sang viết văn. Ban đầu ông vốn làm thơ, đi theo xu hướng bình dân và phê phán mạnh mẽ thói hư tật xấu của lớp nhà thơ bề trên, châm biếm loại thơ văn cầu kỳ, giáo điều, xa đọa, phóng đãng. Sau này Boileau tìm mọi cách gần gũi, cầu thân với quý tộc cung đình và tự đánh mất phong cách thơ giàu tính chiến đấu của chính mình. Ông từng sáng tác Thư bằng thơ ca ngợi Vua Louis XIV, được nhà Vua ban thưởng bổng lộc. Năm 1667, ông trở thành quan Ngự sử. Đến năm 1684, Boileau được vào Viện Hàn lâm. Cũng trong khoảng thời gian này, Boileau đứng về phái cũ (cùng với Racine, La Bruye. . .) tham gia cuộc Tranh luận giữa phái cũ và phái mới, và cho rằng hiện tại sẽ không có những tác phẩm vượt được mẫu mực nghệ thuật Hy Lạp và La Mã Cổ đại. Những năm cuối đời, Boileau đấu tranh quyết liệt với dòng phái Jésus - lực lượng nhà thờ lộng quyền muốn sáp nhập bộ máy Nhà nước Pháp và La Mã.

Tác phẩm của Boileau không nhiều. Tập Thơ châm biếm (1666) sáng tác thời kỳ đầu chứng tỏ ông còn phần nào gần gũi với đời sống hiện thực, có nhiều tư tưởng tiến bộ, có dũng khí đấu tranh với quyền cường, thẳng thắn, bênh vực lẽ phải. Khi hệ lụy bổng lộc và quyền lực, ông trở thành kẻ xu phụ, dâng những lời đường mật tụng ca Vương triều, tụng ca Thánh đế và thôi không quan tâm đến giòng thi ca dân gian và những tinh hoa của tầng lớp bình dân nữa. Về sau này đi sâu vào các cuộc đấu tranh tư tưởng và thâm nhập vào thực tiễn hoạt động sáng tác và phê bình văn học, Boileau đã viết được công trình lý luận Nghệ thuật thơ (1674) thật xuất sắc. Có thể coi đây là bước đột khởi của tư duy khoa học trong ông, một sự tổng kết trên căn cứ thực tiễn văn học quá khứ và đương thời. Tác phẩm Nghệ thuật thơ là một tập tiểu luận được thể hiện với hình thức thơ ca bao gồm bốn khúc ca. Khúc ca thứ nhất nói về nghệ thuật làm thơ nói chung: nhà thơ phải có tài năng, kiên trì lao động nghệ thuật và phác qua tiến trình lịch sử phát triển của thi ca Pháp. Khúc ca thứ hai bàn về các quy tắc sáng tác các thể thơ nhỏ, đoản thiên. Khúc ca thứ ba nói về, các thể trường thiên như anh hùng ca, bi kịch, hài kịch. Khúc ca cuối là những lời khuyên nhủ các nhà thơ phải có bản lĩnh, phải có tình yêu nghệ thuật, tránh xa mọi cám dỗ của hiền tài và danh vọng. Ngoài ra, đóng góp quan trọng của Boileau về mặt thi pháp là việc đề ra quy tắc tam duy nhất, dựa trên cơ sở các sáng tác kịch cổ điển: kịch chỉ xảy ra trong thời gian 24 giờ, trong phạm vi không gian nhất định. Điều này xuất phát từ quan niệm của chủ nghĩa duy lý, cho rằng của sự vật là vĩnh hằng bất biến cho nên tính cách cá nhân vật tĩnh tại, ổn định, không phát triển... Nhìn chung, trên cơ sở tổng kết hàng loạt các hiện tượng văn học lớn đương thời, Boilèau xứng đáng là một đại biểu xuất sắc của mỹ học văn học Cổ điển Pháp.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389422681284528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận