TẾT - NHỮNG NGÀY LO SỢ NHẤT TRONG NĂM
CỦA NGƯỜI MANHA MEXICO - MÊHICÔ
Manha là một tộc người có một nền văn hóa cổ rất phát triển và một nền văn minh rực rỡ. Vào khoảng thế kỷ VI - VII, họ đã tính toán được chính xác sự vận động của Trái đất và Mặt trời, tính được một năm có 365 ngày. Họ chia một năm ra làm 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, 5 ngày dư ra được đặt vào cuối năm. Năm ngày đó được gọi là những ngày “rủi ro” và là những ngày họ luôn lo sợ và cúng tế. Tại sao lại như vậy?
Người Manha cho rằng, 5 ngày của năm cũ này là thời điểm ''giao ban" giữa vị Thần bảo hộ của năm cũ và vị Thần bảo hộ của năm mới. Những ngày này, vị Thần của năm cũ thì lơ là, trút bỏ công việc mà đi, còn vị Thần năm mới thì mải vui chơi chưa đến nhận nhiệm vụ. Do đó, khoảng thời gian này con người không có vị Thần nào bảo hộ nên rất dễ gặp phải những điều rủi ro, bất hạnh. Vì vậy, thời điểm này họ luôn cầu khẩn vị Thần năm cũ hãy cố gắng làm hết trách nhiệm cho đến ngày cuối cùng và vị Thần năm mới hãy đến nhận nhiệm vụ đúng thời hạn. Những vị trưởng thôn và thầy cúng phải tiến hành nhiều nghi lễ thỉnh cầu hai vị Thần linh để không có khoảnh khắc nào con người bị bỏ rơi.
Cách làm lịch của Manha cũng giống như âm lịch của Việt Nam. Họ lấy các năm theo tên các con vật như: chuột, trâu, hổ,…Mỗi năm lại có một vị Thần bảo hộ. Ví dụ: năm thì Thần Ngọc Mễ, năm thì Thần Thái Dương. Căn cứ vào vị Thần bảo hộ của năm đó là Thần nào mà người Manha tiến hành những nghi lễ đón khác nhau. Ví dụ như nghi thức đón Thần Ngọc Mễ.
Sau khi tháng thứ 18 trôi qua, người ta đem tượng Thần Gió đặt lên trên một đống đá nhân tạo ở đầu đường phía Nam của làng. Còn trong nhà trưởng làng, người ta đặt lên trên bàn thờ tượng của Thần Ngọc Mễ. Sau đó, tại các gia đình, người ta sửa sang bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, sửa soạn đồ lễ rồi tất cả già, trẻ, gái, trai ra tụ tập trước pho tượng Thần Gió. Ông thầy cúng sẽ đốt nhanh rồi dâng cúng Thần một con gà trống đã chặt mất đầu. Tiếp đến, mọi người vừa múa hát vừa hô hoán rồi chuyền tay nhau đem tượng Thần Gió về nhà ông trưởng làng, đặt đối diện với tượng Thần Ngọc Mễ. Sau đó, ông thầy cúng lâm râm cầu khấn, những người khác đem rượu và đồ cúng dâng hai vị Thần.
Cúng xong, tất cả mọi người đem đồ cúng ra ăn, trừ thầy cúng là không được ăn. Đợi cho tất cả ăn xong, ông thầy cúng hạ lệnh cho mọi người cứa tai mình, lấy máu tươi từ tai bôi lên tượng Thần. Thần Gió còn được hưởng một đãi ngộ đặc biệt: Người ta đem bột gạo nặn thành hình những bồ đựng thóc lúa, đặt trước Thần rồi cúng. Việc cúng tế đã hoàn thành. Mọi người ai trở về nhà nấy. Từ giờ phút đó, nhà nhà đóng cửa cài then. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, họ chỉ sợ làm những điều gì không phải với Thần và tai họa sẽ xảy ra. Suốt 5 ngày đó, trong nhà trưởng làng, hương khói nghi ngút không ngớt. Qua hết 5 ngày cấm kỵ, mọi người mới được tự do hoạt động. Buổi sớm ngày năm mới việc đầu tiên tất cả dân làng phải làm là đến nhà trưởng thôn rước pho tượng Thần Ngọc Mễ đến miếu của làng. Còn Thần Gió được đem đặt ở bên ngoài cửa phía Đông của miếu. Người Manha cho rằng, phương vị của Thần Ngọc Mễ là ở phương Đông, bây giờ đem Thần Gió vốn bản địa là phương Nam quay về phương Đông thì cũng chính là Thần Gió cùng với vị Thần năm cũ phải rời bỏ đi. Còn vị Thần Ngọc Mễ (tức vị Thần của năm mới) bắt đầu trị vì.
Xuất phát từ quan niệm trên, cho nên những ngày tiễn đưa năm cũ và đón năm mới, người Manha luôn luôn lo sợ bị các Thần bỏ rơi mà từ đó họ sẽ chịu những rủi ro, bất hạnh.