Tài liệu: Quân đoàn La Mã mất tích

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Quân đoàn là những đoàn quân mà La Mã sử dụng để xâm chiếm đầu tiên là Ý, sau đó mở rộng thành một đế quốc bao la, ở đỉnh điểm, đế quốc này từ Scotland đến tận sa mạc Sahara, từ Tây Ban Nha đến vịnh Ba Tư.
Quân đoàn La Mã mất tích

Nội dung

Quân đoàn La Mã mất tích

Thời điểm: thế kỷ ½ sau CN

Địa điểm: đế quốc La Mã

Khi vào Quân đoàn Đại bàng

(Như thể chuyện của ngày hôm qua)

Tôi hôn một thiếu nữ ở Clusium

Trước khi lên đường hành quân xa

ROSEMARY SUTCLIFF, 1954

Quân đoàn là những đoàn quân mà La Mã sử dụng để xâm chiếm đầu tiên là Ý, sau đó mở rộng thành một đế quốc bao la, ở đỉnh điểm, đế quốc này từ Scotland đến tận sa mạc Sahara, từ Tây Ban Nha đến vịnh Ba Tư. Mỗi quân đoàn gồm khoảng 5000 người, ban đầu tuyển quân ở Rome và Ý, nhưng sau này tuyển từ các tỉnh thành bị xâm chiếm và các khu vực gần với nơi quân đoàn đóng quân thường trụi ngay sau khi bắt đầu chiếm đóng dọc theo hay gần đường biên. Dưới thời các hoàng đế La Mã trị vì, tất cả chiến binh đều chuyên nghiệp, thời gian tại ngũ 25 năm. Từ tư liệu lịch sử, quan trọng hơn từ khảo cổ và khoa nghiên cứu văn khắc, chúng ta có thể biết họ đóng quân ở đâu, ai phục vụ, sự thuyên chuyển từ tỉnh hay biên giới này sang tỉnh hay biên giới khác, sự tham gia trong các cuộc chiến khác và tổ chức nội bộ. Người ta biết đến nhiều pháo đài của họ, đã và đang được khai quật, đến mức chúng ta có khả năng tái hiện một bức tranh về cách sống của các chiến binh khẩu phần, dụng cụ và vũ khí.

Tượng tìm thấy ở Xanten, Đức, tưởng nhớ Marcus Caelius, viên sĩ quan chỉ huy một trăm quân của quân đoàn thứ 18, người “ngã xuống trong chiến tranh Varian” năm 9 sau CN.

Đồng tiền do Caligula phát hành kỷ niệm sự thành công của người cha Germanicus, nhất là việc ông tìm thấy hai chim đại bàng của các quân đoàn Varus. năm 15-16 sau CN.

Vận may trong chiến tranh

Một số quân đoàn tồn tại khoảng 400 năm hay lâu hơn, thay đổi tên gọi và nguồn nhân sự, thích nghi với điều kiện, áp lực và hiểm nguy đang thay đổi qua nhiều thập kỷ và thế kỷ. Các quân đoàn khác có tuổi thọ ngắn hơn, bị tử trận hay giải tán sau khi bất tuân lệnh hay tai tiếng, hoặc sau khi nhận thấy mình thường gặp xui xẻo, thua liên tục trong nội chiến. Chẳng hạn, ba quân đoàn (XVII, XVIII và XIX) bị thua trận trong các cánh rừng ở Đức năm 9 sau CN, dưới sự chỉ huy của thống chế Quinctilius Varus (thường gọi là thảm họa Varian), các con số này không hề dùng đến. Sự kiện được các sử gia ghi chép tỉ mỉ, nhất là tác động tâm lý đến vị hoàng đế cao tuổi Augustus, và năm 1987 địa điểm chiến bại do một sĩ quan quân đội Anh dò tìm kim loại phát hiện trên cánh đồng ở Kalkriese, bắc Osnabruck. Các quân đoàn I Germanica (“Thắng lợi trước người Đức”), IV Macedonica (“thắng lợi trước người Macedonia”), XV Primigenia (“Con đầu lòng”), XVI Gallica (“Thắng lợi trước người Gaul”) và V Alaudae (“Chim sơn ca”), tất cả đều cứ thua trận trong cuộc nội chiến năm 69 sau CN (năm Tứ Đế). Các quân đoàn bị giải thể (I, V và XV), hay được tổ chức lại (IV và XVI) với tên gọi mới (Flavia), phản ánh lòng trung thành với bên giành chiến thắng, vương triều Flavia.

Một mũ sắt của chiến binh quân đoàn tìm thấy ở pháo đài Brigetio (Hungary). Có niên đại vào đầu thế kỷ 2 sau CN, mũ có phần che gáy rộng và che gò má.

Mất tích trong khi hành quân?

Theo sử sách có vài quân đoàn mất tích không một học giả hiện đại nào có thể nhận dạng bối cảnh lịch sử chính xác: XXI Rapax (“Grasping”, như một loại chim săn mồi bất ngờ tấn công con mồi) bị mất tích khoảng cuối thế kỷ 1 sau CN. Đồn trú ở biên giới Danube, có thể bị tiêu diệt trong các cuộc chiến chống người Dacia, thuộc Romania ngày nay khoảng 86-92 sau CN. Quân đoàn XXII Deiotariana, có nguồn gốc do Deiotarus, vua Galatia (miền trung Thổ Nhĩ Kỳ) gửi lực lượng tăng cường và trang bị như các quân đoàn viễn chinh vào giữa thế kỷ 1 tr. CN, lần cuối cùng biết tin tức ở Ai Cập năm 119 sau CN, rất có thể đã bại trận trong khi chiến đấu ở Judea chống lại phiến quân do Banr Kokhba lãnh đạo năm 132-5 sau CN.

Quân đoàn thứ chín

Sự mất tích của quân đoàn khác, quân đoàn IX Hispana, trong nhiều thập niên khiến giới học giả phải đau đầu, và trong trí tưởng tượng của nhiều người xem đây là ví dụ điển hình về một quân đoàn “bị mất tích”. Thứ Chín, có nguồn gốc trong một quân đoàn, dưới quyền chỉ huy của Julius Caesar tham gia chiến dịch ở Gaul từ 58 đến 49 tr. CN, có thời gian phục vụ ở Tây Ban Nha, do đó mới có tên Hispana, “thuộc Tây Ban Nha”. Vào năm 13 tr. CN quân đoàn này chuyển đến bán đảo Balkans, lưu lại đây một thời gian thuộc nước Croatia ngày nay, sau đó năm 43 sau CN, được chọn làm một bộ phận của lực lượng đổ bộ ở Anh, sau đó thuộc một bộ phận đồn trú thường xuyên của tỉnh mới Britannia.

Hoạt động của quân đoàn ở Britain có thể tái hiện từng phần: khoảng năm 60 sau CN, đóng quân ở Lincoln, nơi sót lại một số bia mộ chiến binh tại ngũ, từ khoảng năm 70 sau CN, đóng quân ở York, lại tìm thấy bia mộ và bàn thờ chứng nhận họ có mặt ở đây. Chắc chắn quân đoàn tham gia vào các chiến dịch thành công dưới quyền thống đốc Julius Agricola ở bắc nước Anh và các chiến binh phải có mặt trong chiến thắng tột đỉnh ở Mons Graupius, một nơi nào đó ở đông bắc Scotland, năm 83 sau CN. Sau đó lại trở về York, được xác nhận bằng việc xây dựng cổng vào của một pháo đài mới xây bằng đá trên sông Ouse (ngày nay là nhà thờ York) năm 107-8 sau CN. Sau đó, bặt tăm.

Mảnh văn khác đính trên công trình xây dựng ở York, có niên đại 108 sau CN, ghi lại việc xây dựng cổng của Quân đoàn thứ chín, chứng cứ có ghi niên đại sau cùng về sự hiện diện của họ ở Anh.

Bia mộ tường nhớ L. Duccius Rufinus, người cầm cờ hiệu trong Quân đoàn thứ chín, từ Vienne, miền nam nước Pháp đến. Ông chết ở York.

“Chim đại bàng của quân đoàn thứ chín”

Nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để vẽ bản đồ hành quân trong những năm cuối cùng của Quân đoàn thứ chín và giải thích sự mất tích. Cho đến thời gian khá gần đây, nói chung người ta chấp nhận rằng quân đoàn đã bị tiêu diệt ở Anh, có lẽ trong thời kỳ rối ren ở vùng biên giới phía bắc của tỉnh năm 115-17 sau CN, chúng ta cũng biết rằng vị hoàng đế mới Hadrian lệnh cho một quân đoàn khác VI Victrix (“khải hoàn”), đến Anh năm 122 sau CN, có lẽ thay cho quân đoàn thứ chín. Một giả thuyết cho rằng quân đoàn hành quân về hướng bắc vào khu sương mù Scotland ở bắc Anh, rồi hoàn toàn mất tích. Phiên bản giải thích sự kiện này đã được dư luận chú ý, và dùng làm chủ đề chính trong tiểu thuyết The Eagle of the Ninth của Rosemary Sutcliff (1954). Tựa đề tiểu thuyết đã lấy cảm hứng từ phát hiện cách đó khá lâu một chim đại bàng nhỏ bằng đồng ở Silchester, Hampshire, tác giả chọn đó làm cờ hiệu của Quân đoàn thứ chín. Có lẽ chứng cứ ở Silchester thuộc về một tượng thờ thần Jupiter hay thuộc tượng của một vị hoàng đế. Hình dáng thực ra không khớp với cờ hiệu đại bàng của quân đoàn theo mô tả ở đồng tiền và tác phẩm chạm nổi.

Đoàn vệ binh phố Ermine, hình mũi nhọn, nhiệm vụ tấn công đối phương dẫn đầu là viên sĩ quan chỉ huy một trăm quân với nhiều họa tiết quân sự. Thành viên trong nhóm tái tạo này được trang bị áo giáp, mũ sắt và khiên của quân đội La Mã vào cuối thế kỷ 1 sau CN.

Ngày càng phát hiện ra nhiều chi tiết nghề nghiệp của sĩ quan và chiến binh trong quân đoàn thứ chín, như trong bia khắc, khiến người ta hoài nghi có thể quân đoàn bị mất tích vào đầu năm 115-17 sau CN. Gần đây hơn, chứng cứ càng cho thấy quân đoàn, hay một bộ phận quân đoàn, có thời gian đồn trú ở Nijmegen, một tỉnh vùng đồng bằng Đức, thuộc La Mã kiểm soát, nhưng ngày tháng đóng quân ở đó vẫn chưa chính xác. Một số lập luận sau đó quân đoàn hành quân về phía đông, đến sông biên giới Euphrates ở Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ), hay thậm chí đến Judea, và kết thúc số phận ở đây. Chúng ta hoàn toàn không đủ thông tin để biết điều gì diễn ra. Nếu không có chứng cứ thuyết phục cho rằng quân đoàn bị bại trận hay giải tán ở Anh, thì cũng không có chứng cứ ngược lại. Vấn đề vẫn chưa sáng tỏ.

Tượng nhỏ hình chim đại bàng bằng đồng, tìm thấy ở Silchester, Anh - nguồn cảm hứng cho “Chim đại bàng của quân đoàn thứ 9”,  mặc dù đây có thể là một bộ phận tượng thờ thần Jupiter.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4328-02-633766122837968750/Cac-nen-van-minh-co/Quan-doan-La-Ma-mat-t...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận