SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ TRONG QUAN SÁT THIÊN VĂN
Bất cứ đồng hồ cơ khí nào, dù có được điều chỉnh tốt đến đâu chăng nữa khi chạy vẫn có thể nhanh hoặc chậm. Ngoài ra, mọi đồng hồ chạy không đều: khi nhanh, khi chậm, phụ thuộc vào trạng thái xóc, lắc, vào nhiệt độ, áp suất không khí, bụi bẩn, sự già cũ của cơ cấu sự điều hưởng và nhiều nguyên nhân khác. Từ đó rút ra quy tắc đầu tiên của Phlamxtit: phải thường xuyên kiểm tra đồng hồ, nên mỗi ngày kiểm tra vào một giờ nhất định.
Trước kia các nhà thiên văn làm việc này dựa theo các ngôi sao, sau đó chuyển thời gian sao sang thời gian Mặt Trời trung bình mà các đồng hồ vẫn theo. Ngày nay họ sử dụng các tín hiệu thời gian đặc biệt, chính xác hơn các tín hiệu âm thanh trên đài phát thanh hoặc đồng hồ trên màn ảnh truyền hình, vì các nhà thiên văn cần sự chính xác đến phần nghìn giây. Các nhà thiên văn nghiệp dư trong phần lớn các quan sát chỉ cần chính xác cỡ một giây.
Quy tắc thứ hai: kiểm tra không phải là vặn lại kim đồng hồ hàng ngày. Điều quan trọng là nghiên cứu "tính nết" và các "tật" của nó, xác định trị số hiệu chỉnh đồng hồ và ghi sự hiệu chỉnh này vào nhật ký quan sát từ đó rút ra biến thiên sai số một ngày đêm của đồng hồ.
Vào thời điểm có tín hiệu thời gian chính xác T, nên ghi lại chỉ số đồng hồ T1 với độ chính xác đến giây. Còn tốt hơn nữa nếu phân biệt được đến 1/2, 1/3 hoặc 1/4 giây. Sau đó tính trị số hiệu chỉnh của đồng hồ. Trị số hiệu chỉnh của đồng hồ là trị số cần phải thêm vào chỉ số đồng hồ để có được thời gian chính xác. Trong ví dụ ở bảng dưới đây đồng hồ chạy chậm nên trị số hiệu chỉnh có dấu dương (+). Ở các đồng hồ chạy nhanh nó có dấu âm (-).
Quy tắc thứ ba: cần phải nghiên cứu sai số chạy (vận hành) ngày đêm của đồng hồ và sự biến thiên của nó.Trong một ngày, từ 26 đến 27- 1 đồng hồ chậm 1,2 s. Giữa ngày 28 và 30-1 không kiểm tra đồng hồ. Sau 2 ngày đồng hồ lại chậm thêm 1,9 s, nhưng cần phải ghi sai số chạy một ngày đêm, tức là nửa con số đó: + 1,0 s. Ngày 31-1 kiểm tra không vào giờ đã định, mà vào 12 h. Như vậy sau 3,4 ngày đêm từ lần kiểm tra trước đồng hồ đã chậm 0,6 s, nhưng xét sai số chạy một ngày đêm (3/4 + 1/4 ngày đêm) thì phải ghi +0,8 s. Thế là ra kết quả thử đồng hồ đầu tiên. Sai số chạy một ngày đêm trung bình là +0,86 s, có nghĩa là trung bình một ngày đêm đồng hồ chậm chưa đến 1s và từ ngày này sang ngày khác đồng hồ chạy với sai số (biến thiên) khá đều (+0,2 s). Rõ ràng là đồng hồ với biến thiên như vậy là khá tốt để quan sát thiên văn nghiệp dư.
Bây giờ nói về cách sử dụng đồng hồ làm công cụ quan sát. Giả sử, vào đêm rạng sáng 1-2 bạn quan sát qua ống nhòm hiện tượng trăng che sao. Đồng hồ ở trước mặt bạn. Khi ngôi sao bị lấp sau vành trăng vô hình, bạn chộp ngay thời điểm: 09 s (nhìn phần giây trước) rồi nhìn tiếp 00 h 03 m. Thời gian quan sát chính xác sẽ là bao nhiêu?
Ta tính toán như sau. Đến thời điểm quan sát, ta cộng trị số hiệu chỉnh từ nhật ký ngày 31- 1 và phần hiệu chỉnh cho khoảng thời gian 12 giờ từ lần kiểm tra cuối cùng: (+0,8 s:2 = 0,43 s). Như vậy thời gian chính xác khi quan sát là: 00 h 03 m 09 s + 3 m 03,8 s + 0,4s = 00h 06 m 13,2 s.
Khi ghi vào nhật ký thời gian quan sát hãy bỏ đi phần lẻ 0,2s, bởi vì bạn đã chộp thời gian bắt đầu xảy ra hiện tượng với độ chính xác chỉ đến 1s. Những nhà thiên văn có kinh nghiệm sử dụng đồng hồ như vậy đấy.