Tài liệu: Singapore - Hệ thống giáo dục

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mô phỏng theo hệ thống của Anh, Singapore chia các cấp học từ tuổi nhà trẻ đến đại học như sau:
Singapore - Hệ thống giáo dục

Nội dung

HỆ THỐNG GIÁO DỤC

Mô phỏng theo hệ thống của Anh, Singapore chia các cấp học từ tuổi nhà trẻ đến đại học như sau:

MẪU GIÁO

Dành cho học sinh ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, chia ra 3 cấp lớp: Nhà trẻ, Mẫu giáo 1 và Mẫu giáo 2. Ở các trường mẫu giáo này học sinh học mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày khoảng từ 2 tiếng rưởi đến 4 tiếng.

Các trường mẫu giáo ở Singapore do các đơn vị tư nhân điều hành, như các tổ chức cộng đồng, tôn giáo, xã hội hoặc kinh doanh. Các trường mẫu giáo dành cho học sinh Singapore dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, ngoài ra thêm một ngôn ngữ thứ hai là tiếng mẹ đẻ sử dụng trong gia đình của học sinh.

TIỂU HỌC

Cấp Tiểu học có 6 lớp. Từ lớp 1 đến lớp 4 học sinh học chung các môn cơ sở, từ lớp 5 đến lớp 6 học sinh được chia theo chuyên ban. Độ tuổi chuẩn cho cấp học này là từ 6 đến 11 tuổi.

Chương trình của bốn năm đầu bao gồm các môn Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ, Toán, Âm nhạc, Nghệ thuật và Thủ công, Công dân, Đạo đức, Y tế, Xã hội và Thể dục. Hai năm cuối học sinh được chia chuyên ban dựa vào học lực ở lớp 4, trong đó hai khối EM1 và EM2 học sinh học Tiếng Anh, chương trình cao cấp về Tiếng mẹ đẻ, Toán và Khoa học Tự nhiên. Khối EM3 học Tiếng Anh cơ sở, Tiếng mẹ đẻ căn bản và Toán cơ sở.

Cuối năm lớp 6 học sinh sẽ dự kỳ thi ra trường để sát hạch trình độ vào trường trung học.

TRUNG HỌC

Chương trình Trung học kéo dài 4 đến 5 năm với độ tuổi chuẩn từ 12 đến 16. Học sinh đủ điểm vào trung học sẽ chọn một trong 3 chương trình tùy theo sở trường và sở thích: chương trình Đặc biệt (Special), chương trình Cấp tốc (Express) và chương trình Tiêu chuẩn (Nolmal). Đa số chọn các chương trình Đặc biệt và Cấp tốc, số còn lại theo chương trình Tiêu chuẩn. Khi hoàn tất chương trình trung học, học sinh sẽ dự kỳ thi cấp Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông (General Certificate of Education - GCE) do Singapore phối hợp với trường Cambridge ở Anh tổ chức. Những học sinh theo chương trình Tiêu chuẩn sẽ lấy GCE bằng “N”, còn những học sinh với trình độ cao hơn sẽ thi lấy GCE bằng “O”.

Các chương trình:

Chương Trình Đặc Biệt

Chương trình bốn năm này sẽ cho những học sinh có năng lực cơ hợi học tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ ở cấp độ cao hơn -tiếng Malay, tiếng Hoa hoặc tiếng Tamil. Cuối năm thứ tư học sinh sẽ thi lấy chứng chỉ GCE bằng “O”.

Chương Trình Cấp Tốc

Chương trình Cấp tốc cũng chuẩn bị cho học sinh thi lấy chứng chỉ GCE bằng “O”. Khác với học sinh của chương trình Đặc biệt, học sinh ở đây học tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ ở cấp độ bình thường.

Chương Trình Tiêu Chuẩn

Học sinh trong chương trình Tiêu chuẩn chuyên các môn văn hóa sẽ học các môn bắt buộc: tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ và Toán (những năm cuối sẽ kết hợp thêm về Nhân loại học và một môn bắt buộc khác). Cuối năm thứ tư những học sinh này thi lấy chứng chỉ GCE bằng “N”. Những học sinh đạt tiêu chuẩn sẽ học tiếp năm thứ năm. Sau đó nếu đạt điểm tốt trong kỳ thi chứng chỉ GCE bằng “O”, những học sinh này có thể thi vào các trường dự bị đại học, các trường bách khoa hay viện kỹ thuật. Những học sinh không thể theo học tiếp năm thứ năm có thể chọn vào các chương trình kỹ thuật hay học nghề.

Nội Dung Chương Trình

Ở giai đoạn đầu, các chương trình Đặc biệt và Cấp tốc bao gồm các môn tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Văn học Anh, Mỹ thuật, Thiết kế và Công nghệ, Kinh tế Gia đình, Giáo dục Đạo đức và Công dân, Thể dục và Âm nhạc. Đến giai đoạn sau, từ năm thứ ba học sinh có thể học thêm các môn tùy chọn ngoài các môn cơ bản. Học sinh có thể học một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật hoặc tiếng Malay.

Học sinh theo chương trình Tiêu chuẩn về văn hóa sẽ học các môn tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Văn học Anh, Mỹ thuật, Thiết kế và Công nghệ, Kinh tế Gia đình, Giáo dục Đạo đức và Công dân, Thể dục và Âm nhạc ở giai đoạn đầu. Sang giai đoạn hai, từ năm thứ ba học sinh cũng học thêm các môn tùy chọn ngoài những môn cơ bản.

Học sinh theo chương trình Tiêu chuẩn về kỹ thuật sẽ học các môn tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ, Toán, Ứng dụng Máy tính, Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế Gia đình, Xã hội học, Giáo dục Đạo đức và Công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục. Đến giai đoạn sau, từ năm thứ ba những học sinh này có thể chọn học thêm trong các môn như Kỹ thuật, Khoa học, Thực phẩm và Dinh dưỡng, Mỹ thuật và Thiết kế, Các Nguyên lý về Quản trị Văn phòng, ngoài các môn cơ bản là tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ, Toán và ứng dụng Máy tính. Chương trình cũng có những môn không phải thi sát hạch như Giáo dục Đạo đức và Công dân, Âm nhạc và Thể dục.

Các Hoạt Động Ngoại Khóa

Ngoài các môn học trong chương trình, học sinh trung học còn tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm mục đích phát triển sức khỏe, phát huy ý thức kỷ luật tự giác, tinh thần đồng đội và lòng tự tin. Từ đó học sinh cũng được phát triển về nhân cách và thể lực. Hoạt động ngoại khóa rất đa dạng. Học sinh có thể chọn trong số các môn thể thao và các trò chơi như điền kinh, bóng rổ, ten-nít... hoặc tham gia vào các tổ chức như Chữ Thập Đỏ, Đoàn Thiếu sinh Cảnh sát Quốc gia. Học sinh cũng có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa trong các nhóm múa dân tộc, câu lạc bộ kịch hay hội nhiếp ảnh, câu lạc bộ vị tính, câu lạc bộ làm vườn.

Các hoạt động ngoại khóa này đã bắt đầu được giới thiệu cho học sinh từ năm thứ tư ở cấp Tiểu học với hình thức tình nguyện. Ở cấp Trung học, học sinh bắt buộc phải chọn ít nhất một trong số những hoạt động ngoại khóa cơ bản. Hàng năm các trường đều có tổ chức hội thi về các hoạt động ngoại khóa ở cấp vùng hay cấp quốc gia. Trong đó có những cuộc thi như Giải Vô địch Liên trường cấp Quốc gia, Giải Vô địch Điền kinh và Bơi lội Quốc gia. Lễ hội Thanh niên Singapore được tổ chức hàng năm để thể hiện tài năng và sự sáng tạo của học sinh qua các bộ môn điền kịch, hát đồng ca, triển lãm thủ công mỹ nghệ, v.v...

DỰ BỊ ĐẠI HỌC

Sau khi tốt nghiệp trung học với chứng chỉ GCE “O”, học sinh có thể đăng ký vào một trường cao đẳng sơ cấp (junior college) với chương trình 2 năm hoặc vào một học viện với chương trình 3 năm dự bị đại học. Việc thu nhận sinh viên ở các trường này dựa vào kết quả của kỳ thi GCE “O”.

Cuối chương trình dự bị đại học sinh viên sẽ thi lấy chứng chỉ GCE “A” để làm cơ sở xét tuyển vào các trường đại học.

Nội dung và phương pháp giáo dục ở cấp dự bị đại học khác xa với cấp trung học. Đặc điểm nổi bật ở cấp độ này là sự linh hoạt. Chẳng hạn như những môn học mà học sinh theo học không bị áp đặt trước mà do học sinh tự chọn. Hệ thống tự diễn giảng và kèm cặp lẫn nhau tạo điều kiện cho học sinh giao lưu giữa các nhóm và có cơ hội diễn giảng, dạy kèm và làm các thí nghiệm. Ở đây học sinh có thể sử dụng rộng rãi các phương tiện học tập như thư viện, phòng đọc, trung tâm học sinh và các khu vực tự học trong khuôn viên trường. Có những học sinh chọn con đường học cá nhân, trong khi những học sinh khác thảo luận theo nhóm để có bầu không khí học tập năng động hơn và rèn luyện những kỹ năng giao tiếp.

Ngoài ra, trường dự bị đại học là môi trường để học sinh đi vào chuyên ngành. Sau khi đạt chứng chỉ giáo dục phổ thông và đã được trang bị cơ bản về nhân văn và khoa học, ở đây học sinh sẽ khám phá những sở trường và sở thích của mình để đi sâu vào những môn học chuyên ngành.

Trong các sinh hoạt ngoại khóa, cấp dự bị đại học cũng khác biệt so với cấp trung học. Học sinh phải phát huy tính độc lập sáng tạo trong các hoạt động, không còn chỉ thực hiện theo mệnh lệnh như ở trung học. Vì những học sinh dự bị đại học được đào tạo để lãnh đạo nên tính xông xáo, mạo hiểm ở đây được khích lệ. Cách thức những học sinh ở đây tham gia vào việc quản lý các vấn đề trong sinh hoạt, học tập cũng khác. Tất cả các trường đều có Hội đồng Học sinh do  các học sinh bầu ra. Hội đồng này lãnh đạo tất cả học sinh trong các chương trình và các hoạt động và là tiếng nói của học sinh trong mọi sinh hoạt ở trường.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2116-02-633492330422812500/Giao-duc/He-thong-giao-duc.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận