Tài liệu: Socrates (469 - 399 TR.CN)

Tài liệu
Socrates (469 - 399 TR.CN)

Nội dung

SOCRATES (469 - 399 TR.CN)

 

Socrates (Sôcratơ) là nhà triết học lừng danh Hy Lạp Cổ đại, một trong những người khai sinh ra phép biện chứng với tư cách là phương pháp tìm tòi chân lý bằng con đường đặt ra những câu hỏi dẫn dắt mà người đời thường quen gọi là phương pháp Socrates.

Trong lịch sử triết học, hiếm có nhân vật nào được nhiều người truyền tụng như Socrates. Ngay ở thời Cổ đại, trong ý thức mọi người, ông đã trở thành biểu tượng của sự thông thái của lý tưởng đặt chân lý cao hơn tính mạng. Trước mắt người đời, Socrates đồng nghĩa với sự thông thái, sự dũng cảm về tư tưởng và nhân cách anh hùng. Hình tượng nhà tư tưởng Socrates đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật, bắt đầu từ Plato[1] cho tới nhà văn Hy Lạp hiện đại Kostas Varnalis. Ông tuy không để lại cho người đời một câu một chữ, song hậu thế đã viết về ông với một số lượng tác phẩm khổng lồ. . .

Ông là con người thợ điêu khắc Sophroniscus, mẹ là Phacnarete. Hồi trẻ, ông đã từng cầm dao trổ để làm việc. Tượng nữ Thần Sarit do ông điêu khắc vẫn được dựng trong vệ thành cho mãi tới tận ngày nay. Nhưng ông bỏ nghề thủ công cha truyền. Ông cho rằng, suốt ngày cầm dao trổ bên những phiến đá vô tri sẽ còn lại rất ít thời gian để quan tâm đến những việc quốc gia đại sự, ông quyết định đi theo con đường của các nhà hiền triết.

Các học trò của ông đã kể về ông như sau: ''Những người lần đầu tiên gặp Socrates khó có thể tin rằng ông già khoác chiếc áo ngoài rách nát, chân không giày dép kia lại là nhà triết học danh tiếng. Nhìn bề ngoài ông giống như pho tượng bụng to, trán hói, mũi hếch thường gặp trong mỗi gia đình”.

Có lần, một người bạn ông đến ngôi đền thờ Thần Mặt trời Apollon ở Delphes hỏi một nhà nữ tiên tri rằng: "Trên thế giới liệu có người nào thông thái hơn Socrates không?”. Bà ta trả lời rằng ''Không!".

Người ta đem chuyện này kể lại cho Socrates nghe.

Nghe xong, Socrates kinh ngạc và bối rối thực sự.

- Bà ấy nói sao? Ta thực quả không phải là kẻ có học thức. Ta chỉ biết mỗi một điều rằng, ta chẳng hiểu biết gì cả. Và cuối cùng, ông quyết định đi chu du thế giới, tìm người có học thức chân chính.

Từ chỗ nhà chính trị, Socrates chạy đến chỗ nhà thơ; từ chỗ nhà thơ ông chạy đến chỗ nhà họa sĩ. Nhưng đến đâu ông cũng chỉ thấy cùng một chuyện: ai ai cũng chỉ tinh thông công việc của mình. Người thì biết diễn thuyết trong hội nghị nhân dân người thì làm thơ tuyệt hay, người là nhà điêu khắc tài hoa. Nhưng sau khi mỗi người đã nắm được một nghề chuyên môn của mình rồi thì họ tự cho rằng, trong các lĩnh vực khác, mình cũng là người có học thức. Chính điều này đã cản trở họ trở thành người có học thức chân chính.

Socrates cứ đi đi lại lại trên đường phố Athènes như thế, thử thách và phỏng vấn mọi người, tìm kiếm người có học thức chân chính. Sau đấy, Socrates tiến vào trường đấu. Tại đây các thanh niên đang tập thể thao. Họ vui vẻ đón tiếp bạn già. Socrates ngồi trên ghế, các thanh niên vòng trong vòng ngoài vây quanh ông. Cuộc đàm đạo bắt đầu. Qua các buổi đàm đạo này, ông đã dạy học trò cách thức tìm tòi chân lý, đi từ cái riêng tới cái chung; rồi lại từ cái chung tới cái riêng. Trong quá trình đàm đạo, bằng một loạt câu hỏi nhất quán, Socrates đã dẫn dắt học trò tìm thấy mâu thuẫn trong tư tưởng của mình. Theo ông, thấy được mâu thuẫn sẽ loại trừ được sự hiểu biết giả dối, đồng thời thôi thúc con người tiếp tục đi sâu kiếm tìm chân lý. Ông cho rằng, chẳng có ai nguyện làm kẻ độc ác, sở dĩ có những hành động xấu xa chẳng qua chỉ vì người ta không hiểu biết...

Socrates lang thang suốt ngày trên khắp các nẻo đường và nói với mỗi người rằng:

- Thưa quý ngài đáng kính! Là công dân Thành Athènes, thành phố vĩ đại và quang vinh nhờ trí tuệ sức mạnh của mình, quý ngài đã không tiếc công chạy ngược chạy xuôi hối hả suốt ngày, nhưng để làm giàu tri thức, chân lý và tinh thần thì quý ngài lại chẳng hề chạy ngược chạy xuôi và chẳng chút băn khoăn.

Nhiều người không muốn nghe Socrates, vậy mà ông vẫn cứ nói mãi không thôi; ông cho rằng, luôn luôn quấy rối mọi người, thức tỉnh những lương tâm đang ngủ, đó là nhiệm vụ của ông.

Ông nói:

- Anh hãy suy nghĩ về tâm hồn của anh, anh hãy hiểu biết bản thân anh. Anh hãy suy nghĩ dù chỉ là một lần, về mình chứ không phải về những cái của mình, về bản thân thành phố chứ không phải những cái của thành phố…

Socrates chế giễu các nhà Bác học. Ông nói, bọn họ chỉ suốt ngày cãi vã, người thì cảm thấy Vũ trụ là đơn nhất, người thì cảm thấy sự biến đổi ở Vũ trụ là vô tận. Người thì quả quyết tất cả đã sinh ra rồi sẽ bị tiêu diệt; người thì nói bất kỳ lúc nào, bất kỳ cái gì cũng đều không thể sản sinh ra, cũng đều không thể tiêu diệt được. Bọn họ muốn hiểu thấu các hiện tượng tự nhiên. Nhưng khi cần đến gió và mưa, liệu có thể gọi được gió và mưa không? Con người không thể hiểu được những sự việc của Thần linh. Vậy cần nghiên cứu cái gì? Cần nghiên cứu những sự việc của chính con người chứ không phải các sự việc của Thần linh, cần nghiên cứu tâm hồn của con người chứ không phải thiên nhiên. Hãy nhận thức bản thân mình! Chỉ những kiến thức như vậy mới đem lại lợi ích cho con người.

Nhận thức sự nguy hại về học thuyết của ông, các bạo chúa cấm chỉ không cho Socrates nói chuyện với thanh niên. Vì ông đã dạy thanh niên khinh mạn chế độ hiện hành. Ông ta còn nguy hiểm hơn cả những bọn giết người cướp của. Vũ khí của bọn giết người cướp của là dao kiếm, nhưng vũ khí của ông còn sắc bén hơn. Ông hoàn toàn nắm vững phép biện chứng, nghệ thuật khuyên răn và nghệ thuật phân biệt khái niệm.

Theo luật pháp thì không thể trực tiếp kết tội Socrates, thế là bọn họ quy tội khác cho ông: nói ông đầu độc thanh niên và ông tạo ra những vị Thần mới.

Cuối cùng, Socrates bị đưa ra tòa. Trước vành móng ngựa, Socrates dõng dạc tuyên bố:

- Các ngươi bảo ta yên lặng ư? Ta đâu có làm được chuyện ấy. Đối với ta, hạnh phúc lớn nhất của con người là hàng ngày bàn luận về đạo đức, ngẫm mình và ngẫm người. Nếu không làm như thế, cuộc sống sẽ không phải là cuộc sống!

Các quan tòa bàn bạc. Bản án được tuyên bố. Socrates bị kết án tử hình. Ông nói câu cuối cùng:

- Cái chết đã đuổi kịp tấm thân già nua, chậm chạp của ta... và cũng đã đến lúc cần đi: ta đi đến cái chết, còn các người đi đến sự sống.

Socrates bị giam trong ngục thất. Bạn bè và học trò của ông đều ngạc nhiên tại sao trong pháp đình ông không tự bào chữa cho mình. Khi hỏi tại sao ông lại làm như thế, ông trả lời:

- Ta chết là thượng sách!

Ngày xử tử đã đến. Socrates đàm luận lần cuối cùng với bạn bè và các môn sinh tụ tập ở cạnh giường ông. Ông nói với họ về cái chết và bất tử. Dù cho số phận của tinh thần như thế nào, dù cho nó tiêu tan sau khi cơ thể đã chết hoặc nó vẫn tiếp tục sinh tồn, Socrates vẫn dũng cảm đợi chờ cái chết. Ông nói:

- Nếu thuốc độc đã sẵn, hãy mang lại đây cho ta!

Một người tay bưng chén thuốc độc bước vào.

Socrates đỡ lấy chén thuốc độc, đưa lên miệng...

Tay ông không run, mặt ông không hề biến sắc. Ông vẫn sáng suốt và tươi tỉnh như mọi ngày. Trong đám học trò, một người ít tuổi nhất không cầm được nước mắt. Anh ta lấy vạt áo che mặt. Và, những người khác cũng nước mắt đầm đìa.

Socrates nói:

- Ồ, những con người kỳ lạ, làm gì vậy các con! Người sắp chết cần được nghe những lời tốt đẹp, các con hãy yên lặng một chút nào!

Khi thuốc độc ngấm đến tim, ông nói: “Thôi, ta đi đây!”.

Và ông dặn lại: ''Nhớ trả lễ thầy thuốc chữa bệnh và thuốc độc Asclepios một con gà trống đấy nhé!”.

Trong khoảnh khắc, mắt ông đờ ra, môi ông bất động...

Đó cũng là lời trối trăng cuối cùng của ông.

NNC. THẾ TRƯỜNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1059-02-633389382667378278/Nhung-nha-tu-tuong-va-triet-gia-noi-tieng...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận