Tái thiết nước Anh
Sau khi mất vô số sinh mạng trong hai cuộc Đại chiến thế giới, Anh phải đồng thời tái thiết kinh tế và phát triển dân số. Tái thiết kinh tế là một quá trình chậm, thế nhưng, với sự trợ giúp tài chính của các tổ chức quốc tế mới hình thành (như Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới) kinh tế Anh một lần nữa phát triển. Đến năm 1957, Thủ Tướng Anh Harold Macmillan đã có thể mạnh dạn tuyên bố: ''Nước Anh chưa bao giờ mạnh như bây giờ''. Tuy nhiên, việc phát triển dân số diễn ra chậm chạp hơn nhiều. Chính phủ thành lập ra Quỹ phúc lợi nhà nước, thành lập các tổ chức như Tổ chức Dịch vụ y tế quốc gia và thực hiện giáo dục miễn phí để khuyến khích và hỗ trợ các gia đình. Những chính sách này dẫn đến việc số trẻ em mới sinh tăng nhanh, tuy nhiên số người ở tuổi lao động để tái thiết kinh tế trong thời gian ngắn vẫn không đủ. Anh đã hướng đến các thuộc địa và khuyến khích người nhập cư từ các thuộc địa đến sống và làm việc ở Anh. Hàng nghìn người, chủ yếu là người Ấn Độ, Pakistan, vùng Caribê đến định cư ở London cũng như các thành phố công nghiệp lớn ở miền Trung Anh như Birmingham, Sheffield và Manchester. Người nhập cư không chỉ có công giúp nước Anh khôi phục kinh tế mà còn biến đất nước này thành một xã hội đa văn hóa như ngày nay.
Đến những năm 1960, với nền kinh tế phát triển mạnh và văn hóa phồn vinh, nước Anh lại một lần nữa biểu lộ sức mạnh. Những năm này được gọi là ''Những năm 60 sôi động''. Giai đoạn này đã sản sinh ra những biểu tượng đẹp nhất của nước Anh như ôtô mini, âm nhạc Beatles, Rolling Stone và chức vô địch bóng đá World Cup năm 1966.