TÂY SAMOA (WESTERN SAMOA) – QUẦN ĐẢO CỦA NHÀ HÀNG HẢI
1. Nguồn gốc tên gọi
Tây Samoa có tên đầy đủ là “nước Độc lập Tây Samoa”, nằm ở nam Thái Bình Dương, trung tâm quần đảo Polinesia. Toàn lãnh thổ có hai đảo lớn Savai'i và Upolu cùng với 7 đảo nhỏ xung quanh. Nước này nằm ở phía tây quần đảo Samoa nên có tên là “Tây Samoa”. Tên Samoa có nhiều nguồn gốc khác nhau:
· Năm 1772, nhà hàng hải người Hà Lan, Jacob Roggeveen là người đầu tiên đến đây. Năm 1768, nhà hàng hải Pháp - Louis De Bougenville trên đường đi tàu vòng quanh thế giới cũng đã đến gần quần đảo này, thấy bờ biển có nhiều thuyền độc mộc bèn đặt tên là “Navigators”, có nghĩa “quần đảo của những người đi biển”. Tên hiện nay do từng tiếng “Sa - ia – moa” đọc thành, mang ý sùng bái một loài chim lớn đã đưa người dân đến đây. Thuyết khácc cho rằng, người Maori từ New Zealand đến đây, kinh ngạc khi thấy rất nhiều loài chim lớn (thuộc bộ đà điểu, hiện nay đã bị tuyệt chủng), đã gọi chúng là “Samoa”. Loài chim nay có thể là “totem” (vật sùng bái) của dân cư bản địa.
· Bắt nguồn từ “câu chuyện của gà” (tiếng địa phương cũng là “Samoa”). Tương truyền, ngày xưa có một người tên là Rodi mở một trại nuôi gà, để gà mình nuôi không bị ăn trộm, bèn gọi gà là “sa” có nghĩa “cấm chế”, kêu người nhà mình trông giữ cẩn thận. Một hôm, người Taharoalaki từ phía tây đến ăn trộm gà. Rodi đuổi theo họ lên chín tầng mây. Khi đấy các thần trên trời khuyên Rodi không nên đuổi nữa và hứa gả con gái họ cho anh ta, Rodi mới thôi. Sau khi lấy được vợ và sinh một người con trai, Rodi bèn đặt tên là “Samoa” để kỷ niệm cuộc kỳ duyên. Đứa trẻ lớn lên và sáng lập ra bộ tộc Samoa và lên ngôi vua. Tên đảo Samoa có từ lúc đó.
Người Samoa đã sinh sống trên đảo từ 3000 năm trước. Cách đây 1000 năm, người Samoa bị người Tonga lân cận chinh phục. Năm 1250, gia tộc Malietuoa trên đảo đánh đuổi kẻ xâm lược Tonga, thành lập quốc gia độc lập Samoa. Giữa thế kỷ XIX, các nước Anh, Mỹ, Đức liên tục chiếm đóng và phân chia Samoa. Theo điều ước năm 1899, Anh đem phần mình thống trị nhường cho Đức, từ đó Đức thống trị cả vùng Tây Samoa, còn Mỹ thống trị vùng Đông Samoa. Tây Samoa đến năm 1954 bắt đầu tự trị, ngày 1 tháng 1 năm 1962, tuyên bố độc lập.
2. Quốc kỳ - quốc huy
· Quốc kỳ
Hình chữ nhật. Nền cờ màu đỏ, phía trên bên trái là một hình chữ nhật màu lam. Trong hình chữ nhật có 5 ngôi sao năm cánh màu trắng, trong đó có một ngôi sao tương đối nhỏ. Màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, màu lam tượng trưng cho tự do, ngôi sao năm cánh màu trắng biểu tượng cho chòm sao Chữ thập nam. Ngày 1 tháng 1 năm 1962; Samoa tuyên bố độc lập (sau đổi thành ngày 1 tháng 6) và sử dụng quốc kỳ này.
· Quốc huy
Hình trung tâm là tấm lá chắn. Nửa dưới màu lam chiếm 2/3 tấm lá chắn, phía trên phần màu lam là vân sóng màu lục, tượng trưng cho biển cả; ở giữa là một cây dừa, tượng trưng cho thiên nhiên xanh tươi của Samoa, dừa là nông sản chủ yếu của đảo quốc này. Phía trên mặt tấm lá chắn là một chữ thập đỏ chiếu sáng bốn phương, tượng trưng cho vị trí quan trọng của Cơ đốc giáo trong cuộc sống của nhân dân. Bên ngoài tấm lá chắn là hai hình tròn đồng tâm, tượng trưng cho trái đất, đường ngang màu đỏ ở giữa tượng trưng cho xích đạo. Bên ngoài đường tròn đồng tâm được bao bởi cành ôliu. Tương tự như cành ôliu trên huy trưng của Liên hiệp quốc, nó tượng trưng cho dải lụa trắng, trên đó có một câu cách ngôn, ý nghĩa là “Xin Thượng đế vì chúng con mà sáng lập Samoa”.
3. Quốc ca
Samoa, vương miện của Người chính là lá quốc kỳ, hãy mau giương cao nó lên. Samoa, vương miện của Người chính là lá quốc kỳ, hãy mau giương cao nó lên, hãy nhìn kìa, những ngôi sao trên lá quốc kỳ đang bay phấp phới mới đẹp làm sao, biểu thị Samoa có thể mở mày mở mặt. Ơi Samoa! Ơi Samoa, đặt vững chủ quyền ta sẽ mãi không bao giờ vứt bỏ tự do. Tự do mà chúng ta yêu quý, Người không có gì phải sợ, Người dựa vào Thượng đế. Samoa, vương miện của Người chính là lá quốc kỳ, hãy mau mau giương cao nó lên.