Tài liệu: Thành phố Esfahan

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Esfahan bao phủ một diện tích khoảng 104.650 km2, dân số khoảng trên 1 triệu người. Esfahan, nằm giữa 3216 và 3430 vĩ độ Bắc và giữa 4.930 và 5550 kinh độ Đông (theo Greenwich), về phía Nam Téhéran trên sông Zandé Roud,
Thành phố Esfahan

Nội dung

Thành phố Esfahan

Esfahan bao phủ một diện tích khoảng 104.650 km2, dân số khoảng trên 1 triệu người. Esfahan, nằm giữa 3216 và 3430 vĩ độ Bắc và giữa 4.930 và 5550 kinh độ Đông (theo Greenwich), về phía Nam Téhéran trên sông Zandé Roud, ở độ cao 1.530m, là một thành phố đẹp có truyền thống lịch sử lâu đời của Iran, nơi có đến 130 lâu đài, đền thờ Hồi giáo, lăng tẩm. Mặc dầu có nhiều kiến trúc hiện đại ngày càng phát triển, nhưng các công trình Saljuqide được xây thế kỷ XI- XII và Éfevide xây thế kỷ XV - XVIII, vẫn được bảo tồn. Các công trình kiến trúc khác như lâu đài Ali Qâpou hay Cổng Cao (của nhà thờ Hồi giáo Ngày thứ sáu), nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia Masdjed - é- Djemeh hay các nhà thờ Hồi giáo Masdjed - é- Shah, Masdjed -é- Cheik Latfellah, ngày ngày tín đồ Hồi giáo vẫn đến thỉnh đạo. Các tháp: Ali, xây thế kỷ XIII - XIV, Tháp Sarebân xây thế kỷ XII - XIII, nhà thờ Armenie (1606 - 1654), các lăng tẩm khu chợ, các toà giám mục Thiên Chúa giáo, Toà giám mục Arménie được nhân dân bảo vệ tôn tạo.

Ngoài những công trình kiến trúc vĩ đại, phong cảnh Esfahan đẹp tuyệt vời luôn luôn hấp dẫn du khách.

Theo các nhà sử học, từ thiện niên kỷ thứ III TCN, tại Esfahan đã có con người tới cư trú. Họ lập ra những ngôi làng. Sự tồn tại của các pháo đài, thành luỹ của các nhóm người nay, những công trình có cổng hẹp và nhỏ, đủ nói lên Esfahan - một thành phố cổ.

Khoảng thế kỷ V TCN, dưới thời cai trị của triều đại Achaemenian, thành phố Esfahan gọi là Ragaba (Gabian) hay Gey.

Vào năm 640 sau CN, Esfahan bị người Ả Rập chiếm đóng suốt 300 năm. Người Ả Rập lấy Esfahan làm nơi đặt trụ sở Chính phủ của họ. Nhờ vậy Esfahan có bước phát triển mạnh, nhanh.

Sau người Ả Rập là các triều đại Daymite thay nhau thống trị Esfahan. Vào thế kỷ IV sau CN, triều đại Daylamite coi Esfahan là thủ đô của họ. Thành phố được xây dựng nhiều pháo đài, vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Thế kỷ XII, Esfahan là thủ đô của triều đại Saljuq và Esfahan được xếp vào một trong những thành phố quan trọng và thịnh vượng của thế giới thời bấy giờ. Người ta cho xây dựng ở đây nhiều thành quách, nhà thờ Hồi giáo, những tượng đài.

Trong nửa đầu thế kỷ XIII, Esfahan bị quân Mông Cổ xâm lược. Quân Mông Cổ đã đốt phá tàn sát dã man dân chúng Esfahan.

Vào cuối thế kỷ XIV, khoảng 70.000 người dân thành phố bị quân của Thiết Mộc Nhĩ (Amir Teymur Gurkali) giết hại. Quân xâm lược đã dùng những chiếc xương sọ nạn nhân dựng thành chiếc tháp cao lồng lộng. Sau đó Esfahan lại rơi vào tay thống trị của bộ lạc Qara - Qoyuntoo. Đến đầu thế kỷ XVII, Esfahan bị đặt dưới sự thống trị của Safavid và một lần nữa Esfahan trở thành thủ phủ và trải qua một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Trong những năm tháng này Esfahan trở thành trung tâm chính trị và thương mại quốc tế. Các cường quốc như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan đều có đặt đại diện thương mại và ngoại giao ở Esfahan. Tầm quan trọng đó đã mang lại cho Esfahan danh hiệu “một nửa thế giới” (Nesf- e- Jahan).

Trong thời gian này, xảy ra một sự kiện quan trọng là Shah Abbas I đưa một số người Armenia từ Jolfa (Bắc Iran) về Esfahan và Esfahan trở thành một thành phố sầm uất. Nhiều công trình kiến trúc thi nhau mọc lên. Một nhà sử học Pháp cho biết thời đó ở Esfahan có hơn 102 nhà thờ, 273 nhà tắm công cộng, 1802 quán trọ, nơi ăn nghỉ của các thương gia.

Tại thành phố Esfahan, Shad Abbas I* cho xây Meidan Emam, còn gọi là Quảng trường Shah. Để trở thành một trung tâm ông cho xây ở đây một trung tâm thương mại lớn hình chữ nhật dài 1/3 dặm và xung quanh có nhiều toà nhà tráng lệ. Mọi hoạt động ngoại giao, thương mại, cầu kinh... đều diễn ra gần nhau trên Quảng trường Shah.

Phía Nam Quảng trường ông cho xây một nhà thờ Hồi giáo dành cho nhà vua, đặt nhà thờ hướng về Thánh địa Mecca.

Ngôi đền Ali Qapou có mái vòm cao 177 feet. Mái nhà ở phòng cầu kinh, các ngọn tháp được trang trí những đường diềm hoa và đá ốp.

Năm 1722, Esfahan bị quân đội Afganistan xâm lược, đã giáng cho thành phố một đòn chí mạng, thành phố trở nên tiêu điều, kinh tế suy thoái. Tuy vậy các công trình Hồi giáo vẫn còn tồn tại.

Di tích lịch sử lâu đời nhất có từ thời kỳ tiền Hồi giáo của Esfahan là cây cầu Sharestan, cách cầu Khaju khoảng 3km, về phía Đông tại Quận Jey.

Nhà thờ Hồi giáo Jame của Esfahan cũng có từ thời Tiền Hồi giáo, cách nay 14 thế kỷ.

Esfahan có vô số di tích lịch sử, văn hoá không thể nào kể hết. Có một số bị hư hại, nhưng hiện vẫn còn tồn tại nhiều và đang xuống cấp. Vì thế trong suốt thế kỷ XX, các nhà phục chế đã và đang lắp ghép lại, trùng tu sửa chữa để xứng đáng với danh hiệu “Esfahan là một nửa của thế giới” mà vua Shah Abbas I từng tuyên bố.

Thành phố Esfahan được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1979.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4112-02-633704656706162500/I-Rang/Thanh-pho-Esfahan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận