Tài liệu: Thái Lan - Nghệ thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Người Thái thích âm nhạc. Nhạc dân gian của Thái Lan có nét đặc trưng hấp dẫn của nó và luôn thay đổi theo sự hoà trộn với phong cách âm nhạc của Mỹ, châu Âu và vùng Nam Á
Thái Lan - Nghệ thuật

Nội dung

NGHỆ THUẬT

Người Thái thích âm nhạc. Nhạc dân gian của Thái Lan có nét đặc trưng hấp dẫn của nó và luôn thay đổi theo sự hoà trộn với phong cách âm nhạc của Mỹ, châu Âu và vùng Nam Á, trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng độc đáo của Thái.

Trong thời gian sau này phổ biến loại nhạc nhảy rất giống với nhạc của châu Âu. Các loại nhạc gốc bản xứ thì có luk thung mor lam, pha trộn giữa những giai điệu dân gian và tiết tấu của nhạc rốc. Luk thung có xuất xứ từ các thể loại nhạc của địa phương và đặc biệt phổ biến trong giới nông thôn và những người nông thôn nhập cư vào thành phố. Lời nhạc thường xoay quanh các chủ đề về đời sống thôn dã và những vấn đề mà người Thái nông thôn vào thành phố lớn sinh sống thường gặp phải. Một cuộc biểu diễn nhạc luk thung thường rất hoành tráng với dàn vũ nữ, dàn hợp xướng, ánh sáng sân khấu và những bộ trang phục cầu kỳ.

Còn loại nhạc mor lam thì lại bắt nguồn từ vùng Đông Bắc Isan với những cuộc thi hát đối đáp giữa hai nhóm nam nữ. Ngày nay thể loại này vẫn giữ nhịp điệu nhanh của những người hát thi và được đệm bằng những loại nhạc khí như khèn, kèn ống.

Trước gia hoàng gia Thái có loại nhạc cung đình gọi là pi phat. Ngày nay nhạc này được biểu diễn ngoài phạm vi cung đình, và vẫn giữ hầu hết đặc tính của pi phat ngày xưa. Nhạc cụ để biểu diễn gồm có pi là một loại tương tự như kèn ô boa, các loại cồng chiêng, mộc cầm và trống. Nhạc này có xuất xứ từ trung Hoa, pha trộn với một số ảnh hưởng của Ấn Độ, mặc dù âm thanh của cồng chiêng lại là nét đặc trưng của vùng Nam Á.

Một loại hình biểu diễn nghệ thuật rất phổ biến đối với người Thái là khon. Đây là một thể loại tương tự như tuồng, chèo của Việt Nam, trong đó nhân vật nam mang mặt nạ, còn nữ thì trùm khăn có mạ vàng; một dàn nhạc đệm cho các điệu múa và lời thoại. Khon bắt nguồn từ các điệu múa dân gian và phát triển thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn và thưởng thức trong cung đình của nước Xiêm ngày trước.

Likay là hình thức biểu diễn có xuất xứ từ đạo Hồi. Người Thái đã du nhập và biến đổi thành một loại hài kịch dân gian có hát và múa, thường phục vụ cho quần chúng phổ thông. Về sau các nghệ sĩ likay thường hay xen vào những pha chế giễu mang tính chính trị. Những người có văn hóa ở Bangkok coi loại hình nghệ thuật này là thô thiển, tuy nhiên ngày càng có nhiều người thích và coi như một hình thức nghệ thuật chính thức.

Múa rối bóng là một môn nghệ thuật truyền thống của Thái Lan. Hiện nay môn múa rối này còn được biểu diễn ở  một số vùng phía Nam. Có hai loại múa rối bóng, một gọi là  nang yai và một loại gọi là nang thalung. Nang thalung được phổ biến hơn với những con rối làm bằng da bò có dây buộc để điều khiển. Khi biểu diễn, những con rối cử động cùng với  âm nhạc và những lời thoại hài hước. Nang yai tương tự như nang thalung nhưng con rối rất lớn, thường cao đến 2 mét và bề ngang trên 1 mét.

Sinh hoạt về đêm ở Bangkok không phải chỉ có những phòng trà và quán rượu. Trung tâm Văn hóa Thái Lan và Nhà hát Quốc gia Thái Lan là những nơi phục vụ các buổi biểu diễn sân khấu rất đa dạng, từ ca kịch đến hòa nhạc, múa, múa rối, v.v... Ở một số nhà hàng người ta cũng tổ chức sân khấu tại chỗ cho các buổi trình diễn văn hóa. Ở đây thường có múa cổ điển cùng với những nhạc cụ truyền thống, trong đó các diễn viên trang phục lộng lẫy, biểu diễn các điệu múa mềm mại trong các vũ kịch cổ điển tinh túy của dân tộc Thái.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2158-02-633493178856093750/Van-hoa---Xa-hoi/Nghe-thuat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận