Tài liệu: Tháp London

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tháp London là một trong những di tích lịch sử được nhiều du khách đến tham quan nhất ở quần đảo Anh quốc.
Tháp London

Nội dung

Tháp London

Tháp London là một trong những di tích lịch sử được nhiều du khách đến tham quan nhất ở quần đảo Anh quốc. Mỗi năm nó tiếp đón hơn 2,5 triệu khách du lịch. Nơi thu hút nhiều khách nhất ở tháp là Jewel House, tại đó trưng bày nhiều ngọc ngà châu báu của Hoàng gia Anh.

Tháng 3-1994, một Jewel House mới đặt tại tầng một khu Waterloo, được Nữ hoàng Elizabeth II khánh thành. Tại đây có nhiều tủ kính trình bày đồ trang sức. Trên các tủ kính là những tấm màn hình khổng lồ giới thiệu lịch sử các châu báu và nghi thức đăng quang nói lên chức năng nghi lễ long trọng của chúng.

Khách tham quan được xem bộ Vương trượng, bộ kèn đồng và thanh Đại quốc kiếm, thanh kiếm đính ngọc ngà châu báu mà Tổng giám mục Canterbury thắt vào lưng quốc vương trong lễ đăng quang. Chiếc bình và chiếc thìa vàng dùng trong lễ xức dấu thánh cho quốc vương. Trên một trong những cây vương trượng lấp lánh ngôi sao châu Phi, viên kim cương mài lớn nhất thế giới.

Bên cạnh Jewel House là tòa tháp đồ sộ do William xây dựng vào thế kỷ XI. Ông vua Norman này, sau khi đánh bại vua Saxon Harold II tại Hasting, đã khuếch trương chiến thắng của mình bằng cách cho xây nhiều pháo đài khắp nước Anh. Ở London, nhà vua chọn địa điểm một doanh trại cũ của người La Mã trên bờ sông Thame và năm 1078 nhà vua giao cho Gundulf, giám mục giáo phận Rochester xây dựng tòa tháp mà được xem là “tòa tháp cao nhất và quyền thế nhất”. Tháp London được xây bằng đá lấy ở xứ Kent, ngoài ốp một lớp đá hoa cương trắng lấy từ Caen về.

Tòa tháp trắng với lớp áo bằng đá Caen và 4 chòi. Tháp mái vòm ở 4 góc. Qua nhiều thế kỷ, nhiều hạng mục công trình được xây bổ sung, tới nay toàn bộ khu này có tới 13 chòi tháp ở vòng trong và 6 chòi tháp cùng với tường thành ở vòng ngoài.

Xưa kia lối vào duy nhất trên đất liền là một lối đi hai bên tường xây, rộng 30m dẫn đến cổng của Tháp Sư tử, nơi nuôi bầy dã thú của nhà vua Constable. Ngày nay Tháp Sư tử không còn nữa và các con dã thú đã được đưa về vườn thú ở London vào năm 1843. Lối đi bây giờ qua cổng của tháp giữa, rồi theo một lối đi khác nhỏ hơn qua đường hào xây đá, được tát khô năm 1843, dẫn đến tháp Byward có lính gác bên ngoài mặc áo choàng đỏ đội mũ có lông chim đen. Những nghi lễ long trọng và mọi việc đại sự quốc gia đều được bàn bạc và quyết định tại đây trong những bức tường này. Nhưng chức năng nguyên thủy của Tháp London được nhà văn John Stowe miêu tả năm 1598 như sau: “Tòa tháp này là một thành trì bảo vệ thành phố... là một cung điện cho các cuộc hội họp và kí kết các hiệp ước; một nhà tù quốc gia cho những tội phạm nguy hiểm nhất, xưởng đúc tiền duy nhất hiện có ở nước Anh, một kho vũ khí... một kho tàng để những đồ trang sức và châu báu của Ngai vàng và là nơi lưu trữ hầu hết các biên bản của các tòa án của nhà vua tại Westminster”.

Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại lâu đài Windsor năm 1993, vụ Phụ trách các cung điện lịch sử của Hoàng gia Anh đã cho trổ ở tầng hai một lối thoát, mỗi khi có hỏa hoạn cho khách tham quan. Người ta cũng đặt một bộ phận phát hiện và báo động khi có cháy, Jewel House là trung tâm đặt các thiết bị phòng chống cháy cho toàn bộ Tháp London.

Nhà nguyện Thánh John chiếm một phần tầng hai và ba của Tháp Trắng, làm bảo tàng cho những bộ sưu tập áo giáp phong phú châu Âu do vua Henri VIII khởi xướng. Ở tầng hai trưng bày những bộ áo giáp thời Trung cổ và thời Phục hưng, còn ở tầng một trưng bày những trang bị dùng trong các cuộc thi đấu.

Phía bên trải Tháp Trắng trên bãi cỏ có tên Tower Garden (vườn tháp) có một tấm bảng bằng đồng, được đặt theo lệnh của Nữ hoàng Victoria, để đánh dấu địa điểm đặt máy chém, chặt đầu những tên tội phạm cao cấp, bị quy tội lăng mạ hoặc mưu toan tiếm đoạt Ngai vàng. Hai người vợ của Henry VIII đã bị hành hình tại đây.

Theo truyền thống tối nào cũng vậy, viên quan phụ trách canh tháp, cùng với một viên đội và ba lính gác mặc áo choàng đỏ, đầu đội mũ có chòm lông chim đen, tiến hành “nghi lễ chìa khoa. Ông bắt đầu khóa cổng ngoài, đóng cửa Tháp giữa và cuối cùng đóng cửa Tháp Byward. Khi trở lại sân trong thì viên sĩ quan tuốt gươm chặn lại, những viên lính gác bồng súng và viên quan Phụ trách canh tháp ngả mũ đáp lại: “Cầu chúc gìn giữ Nữ hoàng Elizabeth”. Cùng lúc đó những quả chuông tháp vang lên báo giờ, một chiếc kèn đồng thổi bản nhạc “The last post” vang vọng qua 900 năm trong màn đêm.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4050-02-633702264732100000/Anh/Thap-London.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận