Tài liệu: Thuỵ Sĩ - Cơ sở hạ tầng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nguồn thủy điện dồi dào của Thụy Sĩ chiếm khoảng 60% nguồn điện năng nội địa, hay 16% tổng lượng năng lượng theo nhu cầu của nước này.
Thuỵ Sĩ - Cơ sở hạ tầng

Nội dung

CƠ SỞ HẠ TẦNG

NĂNG LƯỢNG

Nguồn thủy điện dồi dào của Thụy Sĩ chiếm khoảng 60% nguồn điện năng nội địa, hay 16% tổng lượng năng lượng theo nhu cầu của nước này. Hơn một nửa nhu cầu năng lượng của Thụy Sĩ được đáp ứng bởi dầu thô và khí thiên nhiên, tất cả đều nhập khẩu. Trong thập kỷ 1970 Thụy Sĩ đã chuyển nhanh sang nguồn năng lượng hạt nhân để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng, và ngày nay nguồn năng lượng này đã chiếm khoảng 37% tổng số điện năng sản xuất trong nước. Sản lượng của tất cả các nguồn trong năm 2001 là 68,7 tỉ kilowatt giờ.

Hai nguyên tắc chính trong chính sách năng lượng của Thụy Sĩ là xúc tiến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và khích lệ nâng cao năng suất. Chính quyền đã coi điều này là đặc biệt quan trọng để đối phó với tình trạng tự do hóa trong thị trường năng lượng ở châu Âu mà Thụy Sĩ không thể tránh được. Sự cạnh tranh cao hơn có khuynh hướng làm hạ giá các loại nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ làm gia tăng lượng sử dụng, và từ đó có những tác dụng có hại cho môi trường, có nghĩa là Thụy Sĩ phải quyết định cắt giảm lượng khí CO2 vào năm 2010 xuống còn 90% của mức năm 1990.

Có khoảng 23% nhu cầu về năng lượng của Thụy Sĩ được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân và 16% từ các nhà máy hydro. Khí thiên nhiên chiếm khoảng 9% trong nhu cầu này. Những nguồn năng lượng khác (năng lượng mặt trời, gió, khí sinh học, v.v.) chỉ chiếm 1% trong tổng nhu cầu của nước này.

VẬN TẢI

Thụy Sĩ có một hệ thống vận tải phát triển cao, với một mạng lưới đường bộ dày đặc và tiện nghi, cùng với hệ thống đường sắt rất có hiệu quả. Trong mặt bằng đồi núi lởm chởm này có hàng trăm những đường hầm và những cây cầu được xây dựng với kỹ thuật cao. Đặc biệt quan trọng trong số này là những đường hầm xuyên qua núi cho phép người ta có thể di chuyển quanh năm qua rặng núi Alps, một dãy núi mà trước kia vốn là một rào cản kiên cố trong việc di chuyển giữa phía Bắc và phía Nam châu Âu. Trong số những đường hầm này có đường hầm xe lửa Saint Gotthard và Lotschberg, và đường hầm trên đường bộ Saint Gotthard, vốn là hầm dài nhất trên thế giới dành cho ô tô và là con đường huyết mạch xuyên núi ở châu Âu.

Một khối lượng khổng lồ các loại xe cộ đã lưu thông trên những tuyến đường đó, tạo ra sự ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn, từ đó dẫn đến các kế hoạch mở rộng những đường hầm hiện hữu và xây mới thêm các đường hầm khác. Dự án lớn nhất trong số này là đường hầm Saint Gotthard Base, một đường hầm xe lửa dài đến 57 km, dự tính sẽ khánh thành vào năm 2014. Năm 1994 các cử tri của Thụy Sĩ đã thông qua một kế hoạch nhằm bảo vệ các khu vực vùng núi khỏi những tác dụng có hại của giao thông. Chính quyền ở đây đã phải hạn chế lượng giao thông bằng đường bộ xuyên qua núi và chuyển hầu hết lượng hàng hóa này sang đường sắt.

Công ty Đường sắt Thụy Sĩ do chính quyền liên bang sở hữu đã điều hành phần lớn mạng lưới đường sắt có tổng chiều dài 5.000 km, trong đó hầu hết đều chạy bằng điện. Ngoài ra Thụy Sĩ cũng có một lượng lớn những đường sắt nội bộ, trong đó nhiều tuyến do các chính quyền địa phương sở hữu. Có rất ít nơi ở Thụy Sĩ cách xa các trạm xe lửa. Để khắc phục độ cao tại đây những đường sắt của Thụy Sĩ đã tận dụng các loại đường hình chữ chi và đường vòng. Quan trọng hơn trong việc leo lên những điểm cao là loại đầu máy xe lửa có răng cùng với đường ray cũng có răng. Loại đầu máy xe lửa có răng của Thụy Sĩ đã cho một cảnh tượng ngoạn mục trong loại hình giao thông này, trong đó có tuyến xe Glacier Express chạy từ Zermatt đến Saint Moritz, và tuyến Bernese Oberland leo từ Interlaken đến Jungfraujoch, trạm xe lửa cao nhất của châu Âu với độ cao 3.454 mét. Việc đúng giờ của các chuyến xe lửa vốn là một chuẩn mực quốc gia tại đây.

Hệ thống xa lộ của Thụy Sĩ cũng xếp vào đẳng cấp hàng đầu như đường sắt. Trong năm 2001 tổng số chiều dài đường bộ là 71.176 km. Tỉ lệ ô tô tính trên dân số cũng cao và ngày một gia tăng. Trong năm 2000 đã có một ô tô trên hai đầu người ở Thụy Sĩ. Sự gia tăng lượng xe cộ đã tận dụng hệ thống đường bộ tại đây, và hầu hết những tuyến đường chính đều đông nghẹt xe, đặc biệt là đến những thời gian du lịch vào mùa Hè và mùa Đông. Xe buýt cũng là một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực giao thông công cộng tại đây. Đường thủy hình thành một bộ phận khác trong mạng lưới giao thông tại Thụy Sĩ. Sông Rhine và con sông lớn nhất có thể giao thông của đất nước này, nhưng nó chỉ phù hợp cho giao thông thương mại trong đoạn đường 19 km từ Basel đến Rheinielden. Một sông đào nối liền sông Rhine và sông Rhône có tầm quan trọng rất lớn cho việc vận chuyển của các tàu bè công nghiệp. Nhiều hồ nước ở đây được sử dụng cho giao thông và giải trí; và các chuyến tàu tham quan giải trí là đặc biệt phổ biến ở những hồ này. Mặc dù Thụy Sĩ nằm hẳn trong đất liền, ngành hàng hải của nước này cũng có 25 tàu lớn và rất nhiều sà lan, được điều hành từ các cảng ở nước ngoài và cảng Basel trên sông Rhine.

Những tuyến bay quốc tế do hãng Hàng không Quốc tế Thụy Sĩ cung ứng, một hãng do các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân kết hợp sở hữu. Thụy Sĩ có những sân bay quốc tế như Zurich, Geneva và Basel.

VlỄN THÔNG

Chính quyền Thụy Sĩ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ bưu chính và viễn thông trong khắp cả nước. Trong thập kỷ 1990, để đáp ứng với việc bãi bỏ các qui định về thị trường quốc tế, Thụy Sĩ đã tiến hành những cuộc cải cách để làm cho dịch vụ bưu chính và viễn thông trở nên linh hoạt hơn và có khuynh hướng thị trường hơn. Ngành bưu chính và viễn thông của nước này được chia thành hai đơn vị Bưu điện Thụy Sĩ, vẫn là một cơ sở do liên bang sở hữu, phụ trách về thư tín. Công ty Viễn thông PTT, vốn đã được tư hữu hóa một phần, cung ứng các dịch vụ về viễn thông và duy trì mạng lưới truyền âm thanh và dữ liệu. Công ty Phát thanh và Truyền hình Thụy Sĩ cung ứng các chương trình truyền thanh và truyền hình bằng tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý và cơ quan Phát thanh Quốc tế Thụy Sĩ truyền đi những chương trình phát thanh đến các nước khác. Trong năm 1997 cứ 1.000 người Thụy Sĩ có 979 radio và 542 ti vi. Thụy Sĩ có 81 tờ nhật báo, trong đó những tờ có tiếng tăm quốc tế bao gồm tờ Neue Zurcher Zeitung xuất bản ở Zurich và tờ Joumal de Gcnève, xuất bản ở Geneva.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2226-02-633501641092968750/Kinh-te/Co-so-ha-tang.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận