Tài liệu: Trung Quốc - Lăng của Vua Tây Hạ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lăng vua Tây Hạ nằm ở chân phía đông núi Hạ Lan, phía bắc bắt đầu từ sông Tuyền Tề, phía nam tới đường Ngân Ba, dài khoảng 10 km, phía đông giáp sông Hạo Vương,
Trung Quốc - Lăng của Vua Tây Hạ

Nội dung

Lăng của Vua Tây Hạ

Lăng vua Tây Hạ nằm ở chân phía đông núi Hạ Lan, phía bắc bắt đầu từ sông Tuyền Tề, phía nam tới đường Ngân Ba, dài khoảng 10 km, phía đông giáp sông Hạo Vương, tây dựa vào núi Hạ Lan, chiều đông tây khoảng 5 km. Hiện ở đây còn 9 lăng vua và hơn 200 ngôi mộ chôn theo. Khu lăng gần với chân núi, địa thế khá cao, nền đất khá tốt, khuất gió, nhiều ánh nắng, lượng mưa hàng năm ít, nước lũ không nhiều. Lăng hướng ra bình nguyên Ngân Xuyên, tầm nhìn thoáng rộng.

Theo phân bố tự nhiên của lăng mộ, từ nam lên bắc chia thành 4 khu. Khu một gồm hai lăng vua, tức là lăng số 1 và lăng số 2, mộ chia theo 34 ngôi; khu 2 có hai lăng vua, tức là lăng số 3 và lăng số 4, mộ chia theo 56 ngôi; khu 3 gồm hai lăng vua, tức là lăng số 5 và lăng số 6, mộ chia theo 98 ngôi; khu 4 có 3 lăng vua, tức là lăng số 7, lăng số 8 và lăng số 9, mộ chia theo 20 ngôi.

Do đã bị hư hỏng và xói mòn lâu ngày, vườn lăng trở nên tồi tàn, nhưng khuôn hình cơ bản vẫn còn nhận ra được. Lăng số 1 là Dụ lăng của Thái Tổ Kế Thiên, lăng số 2 là Giang lăng của Thái Tông Đức Minh, lăng số 3 là Thái lăng của Cảnh Tông Nguyên Hạo, lăng số 4 là Yên lăng của Nghị Tông Lượng Tộ, lăng số 5 là Hiếu lăng của Huệ Tông Bỉnh Thường, lăng số 6 là Hiểu lăng của Sùng Tông Kiền Thuận, lăng số 7 là Thọ lăng của Nhân Tông Nhân Hiếu, lăng số 8 là Trang lăng của Hoàn Tông Thuần Hựu, lăng số 9 là Khang lăng của Tương Tông An Toàn.

Các lăng trên đều lưng quay về bắc, mặt hướng về nam, được xây trên đất bằng, bố cục mặt bằng cơ bản giống nhau, diện tích đều trên 10 vạn mét vuông. Vườn lăng chiều hình chữ nhật, đài lăng hình tháp tám góc lệch về tây bắc nội thành, vườn lăng về kiến trúc đơn thể đều có khuyết đài, nhà bia, nguyệt thành, thành nội, hiến điện, đường mộ hình sống lưng các có phủ đất, đài lăng, giác đài.

Mỗi vườn lăng tuy bố cục phần lớn đều giống nhau, nhưng mỗi nơi đều có đặc điểm riêng. lăng số 1 và lăng số 2 bố cục đặc biệt giống nhau, đều có tường bảo về ngoài kiểu khép kín, tường là đất nện đặc, ngoài xây gạch bao. Sau khuyết đài có ba toà nhà bia, phía đông hai nhà, trước nhỏ sau lớn, mé đông đầu tây bắc đường mộ phủ đất có đài đất nện cao khoảng 4 mét, cạnh mặt đáy dài 5 mét, chung quanh có nguyên vật liệu xây dựng như ngói lưu ly, là chỗ nền cột chiêng.

Lăng số 3 không có quách ngoài, tường bảo vệ theo kiểu đế tua; chỗ góc ngoặt thành nội rất đặc biệt (rất có thể là quần thể giác lâu tạo nên năm giác lâu lần lượt nhỏ dần); đất nện dùng cho kiến trúc mặt đất vườn lăng đều sạch sẽ mịn màng hơn đất dùng ở vườn lăng khác và khá đặc biệt.

Lăng số 4 cũng không có quách ngoài, ba mặt giáp núi, đài lăng chìa thành năm cấp (các đài lăng khác thường có 7 cấp), chính giữa tường bảo vệ của bốn mặt thành nội có thần môn, những trừ nam môn để ngỏ ra, ba cửa khác đều đắp cao liều với tường bảo vệ tới độ cao nhất định (khoảng 3 mét), sau đó bên trên chừa ra một cửa khuyết, không thể đi qua được; phía đông cuối đường mộ dường như cũng có nền cột chiêng.

Tường bảo vệ ngoài lăng số 5 có kiểu mở, nhưng không phải tường thẳng mà ở chỗ ba cửa thần đông, tây, bắc nhô ra phía ngoài một khoảng đất trống hình chữ nhật, trước hiến điện cũng có nền hai hàng tượng đá.

Lăng số 6 sát chân núi, tường bảo vệ ngoài cũng là kiểu mở, tường bảo vệ đất nện ngang thẳng liền nhau, chạy lăn phía trước tới hai mé đông, tây nhà bia; nơi cửa thần trung tại ba mặt đông, tây, bắc đều có bình phong đất bịt lại.

Lăng số 7 cũng có tường bảo vệ ngoài kiểu đóng kín, làm bằng đất nện hoàng thổ, phần lớn kiến trúc vườn lăng chỉ còn lại hai đài khuyết, hai nhà bia, nguyệt thành không hoàn chỉnh, thành nội, đài lăng, trong đó có nhà bia đông, tây đã không còn.

Lăng số 8 ở phía bắc khu lăng, toàn bộ vườn lăng đã bị nhà ở hiện đại, đường đi, quảng trường xâm lấn, đài lăng cũng bị chiếm dụng, kiến trúc mặt đất không còn gì, chỉ còn nửa đài lăng đứng trước nhà trong sân.

Lăng vua Tây Hạ còn rất nhiều mộ chôn theo, điều đó chứng tỏ rằng tập tục chôn theo là một phần quan trọng của quần thể lăng tẩm Tây Hạ. Quy mô, hình dáng, kích cỡ của mộ chôn theo rõ ràng không thể so với lăng vua được giữa các mộ chôn theo có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng.

Trong lăng Tây Hạ, thứ tự sắp xếp mô phỏng theo “lăng nhà Tống''. Vườn lăng đi theo chiều từ nam lên bắc. Hình thức chôn mộ đều là mộ huyệt đất, đường mộ dốc nghiêng dài (hoặc hình bậc thang), nhà mồ nhỏ hẹp đơn giản. Lăng vua là mộ bia nhà mồ (nhà chính và hai nhà phục trái, phải), bốn vách nhà mồ có tường bảo vệ; mộ chôn theo nhà mồ đơn, vách mộ bằng đất hoàng thổ, không có tưởng bảo vệ. Về tập tục an táng, do chịu ảnh hưởng văn hoá Hán, đã bắt đầu có tập tục địa táng, hoặc vừa địa táng vừa hoả táng, đồng thời vẫn giữ nguyên được bản sắc dân tộc. Rất nhiều đồ chôn theo là gia cầm, gia súc, hoặc những đồ mô phỏng như bò đồng, ngựa đá. Những bộ xương của dê, chó, gà còn nguyên vẹn đã phản ánh bối cảnh kinh tế xã hội lấy chăn nuôi làm chính của dân tộc Đảng Hạng.

Đài lăng là phần đẹp nhất lăng Tây Hạ, có hình tháp tám góc kiểu lầu gác hiên kép. Trên mặt nghiêng các cấp đài đất nện của sườn bảy tầng, tám mặt đã nện nén kỹ, phủ thêm ngói ống ngói tấm và ngói rãnh, tại chỗ góc cạnh sống nghiêng gắn những vật trang trí đầu thú, đầu hiên thì có ngói rãnh lưu ly và ngói ba góc. Phía ngoài phần đáy dài lăng xây gạch vây quanh, phần trên nền gạch phủ một lớp vữa trộn cỏ, mặt ngoài quét màu đỏ. Đài lăng Tây Hạ không ở trên nhà mồ mà ở phía sau cách khoảng 10 m, là tháp đặc hiên dày, kết cấu hỗn hợp gạch, gỗ đặc, đất nện, không đặt ở trung tâm thành nội mà chếch về góc tây bắc. Hình dáng đài lăng kì dị, vị trí độc đáo, thể hiện rõ kiến trúc đặc biệt của vườn lăng Tây Hạ. Hình tháp của kiến trúc đài lăng có quan hệ chặt chẽ với phong tục lâu đời và đức tin Phật giáo của dân tộc Tây Hạ, kèm thêm chút ít nhân tố mô phỏng hình dáng đài lăng của lăng vua Trung Nguyên.

Phía đông khu thứ tư lăng có di chỉ quần thể kiến trúc quay lưng về bắc, mặt hướng về nam, lệch sang đông 20 độ. Chiều đông tây rộng khoảng 200 mét, nam bắc dài khoảng 300 mét, diện tích chung là 6 vạn m2. Những di tích tường bao, nhà cửa, điện thờ trong di chỉ được nhận diện rõ ràng, bố cục mặt bằng rõ rệt.

Bia đá mộ lăng Tây Hạ về mặt đề tài, thủ pháp điêu khắc hay phong cách tạo hình và nghệ thuật đều thể hiện một nội dung phong phú, vừa có nét sâu sắc của khắc đá mộ đời Đường, sự tế nhị và nghiêm túc tạo hình lăng đời Tống, đồng thời lại thể hiện tập tục dân tộc nơi đây. Đề tài điêu khắc đa dạng, vật tưởng niệm có bia đá, tượng đá, cột đá khắc chữ; mang tính chất tuỳ táng có kèm theo chân bệ bia, ngựa đá, cột lan can; vật liệu kiến trúc có tảng cột, đầu ly, thú nhỏ. Các đề tài có thủ pháp điêu khắc khác nhau, có chạm tròn, chạm nổi và chạm tuyến. Cột thạch vọng là phù điêu ba mặt, hai con rồng bay lượn hý cầu trong biển mây, hình dáng sinh động, tượng đá quan văn khuôn mặt đầy đặn, trên bề đá tạc tượng lực sĩ ngồi quỳ gối, trợn mắt nghiến răng, hình dáng thô ráp, toàn thân để trần, ngực xệ xuống, hay tay to, thô...

Vật liệu kiến trúc vườn lăng Tây Hạ ngoài gạch, ngói ra thì các vật liệu khác đều là sành xám và ngói lưu ly, một số vật liệu là gạch ngói chất sứ. Đặc biệt là vật liệu kiến trúc có hình vẽ hoa sen liên quan chặt chẽ với Phật giáo và cấu trúc kiện ngói lưu ly gam màu nổi bật. Sống ngói Tây Hạ trang trí hình vẽ đơn giản, mặt ngói hình đầu thú há miệng nhe răng, hai má gồ lên, hai mắt rướn tròn, lông mày trợn ngược, tóc trán quăn lên, trông rất mạnh mẽ. Vành ngoài ngói có hoa văn chấm tròn, có hình các vật không cân đối khác biệt nhau. Phía ngoài xẻ rãnh hình tam giác, trang trí mặt thú hoặc hoa lá, hình vẽ mô phỏng hoa sen, quả thạch lựu, bố cục hình vẽ dày thưa cân đối, đường nét sinh động.

Các vật liệu trang trí nóc, nhất là sản phẩm ngói lưu ly màu sắc tạo dáng đẹp, tiêu biểu cho đặc điểm kiến trúc hoàng cung Tây Hạ. Hình chim cách điệu trang trí ở hai đầu nóc nhà, mắt lồi nhìn thẳng, lưỡi ép vào vòm trên mỏ, răng lộ rõ, vẩy bụng cân đối, trang trí lưng, đuôi rõ ràng, hình dáng sinh động, vẻ dữ tợn, là tác phẩm đẹp có giá trị nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra còn có bồ câu lưu ly, cá đầu rồng, thú bốn chân. Những động vật này thường được trang trí trên nóc điện thờ, một mặt để ngăn chặn tai hoạ, đổi dữ thành lành, có tác dụng trang trí, mặt khác chúng được nung cùng ngói nóc, có mục đích bảo vệ khe kẽ xà nóc, ngăn không cho nước thấm vào.

Đồ sứ, ngoài một số ít được tìm thấy ở các lăng mộ ra thì chủ yếu tập trung ở lăng ấp - di chỉ kiến trúc tông miếu, đều là đồ dùng sinh hoạt như bát, khay, mâm, chai, đĩa, vò. Vật bằng sứ trắng là nhiều nhất, sau đến sứ xanh và một số đồ sứ men vàng, đậm, nâu, xám. Đồ sứ trắng cơ bản là hoa văn men rạn, trắng, đồ sứ men màu vàng đậm, xanh phần nhiều có hoa văn. Rất nhiều đồ dùng trong lăng Tây Hạ bằng vàng, mạ vàng và bọc vàng.

Lăng vua Tây Hạ đã được gần 1000 năm tuổi ngày nay chỉ còn là một bãi hoang tàn, kiến trúc vườn lăng mặt đất hầu như bị phá huỷ, những thứ còn lại chỉ là những bệ tháp xen kẽ nhau. Khu tự trị dân tộc Hồi, Ninh Hạ và thành phố Ngân Xuyên đang có nhiều biện pháp bảo vệ, lập ra phòng quản lí du lịch văn vật ở khu lăng, đầu tư trồng cây xanh, xây dựng đường xá để khôi phục vườn lăng xưa trở thành thắng cảnh du lịch trong và ngoài nước.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556185525645987/Du-lich/Lang-cua-Vua-Tay-Ha.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận