Tài liệu: Trung Quốc - Núi Tam Thanh - Giang Tây

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Núi Tam Thanh còn có tên là ''Đệ nhất non tiên Giang Tây'' có nguồn gốc từ lâu đời. Núi nằm ở đoạn giữa dãy Hoài Ngọc, đông bắc Cống, nơi giáp ranh bốn tỉnh Cống, Chiết, Mân, Hoản,
Trung Quốc - Núi Tam Thanh - Giang Tây

Nội dung

Núi Tam Thanh - Giang Tây

Núi Tam Thanh còn có tên là ''Đệ nhất non tiên Giang Tây'' có nguồn gốc từ lâu đời. Núi nằm ở đoạn giữa dãy Hoài Ngọc, đông bắc Cống, nơi giáp ranh bốn tỉnh Cống, Chiết, Mân, Hoản, rộng tới trên 200 km2, là nơi tập trung các kì quan thiên hạ, những danh thắng tuyệt vời nhất.

Núi Tam Thanh hiểm trở, kì vĩ và ít phải chịu sự tàn phá của con người nên tất cả cảnh trí trên núi, nơi nào cũng vô cùng hấp dẫn. Trong đó tuyệt vời nhất là núi đá, thông cổ thụ, khung cảnh huyền ảo và cảnh rừng nguyên sinh.

Núi Tam Thanh còn nổi tiếng thế giới về cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, bốn mùa trong năm khác biệt rõ ràng. Cuối xuân, hoa thơm cỏ lạ đua nhau khoe sắc thắm. Giữa mùa hạ, cây cối xanh tươi mơn mởn, gió mát dịu dàng. Mùa thu vàng thì mây trắng vờn bay, lá đỏ một màu khắp núi. Đông đến, cả núi tuyết trắng xoá. Ở đây lại thêm núi non đặc biệt kì vĩ khe động lung linh thăm thẳm, thác nước muôn hình muôn vẻ, biển mây biến hoá khôn lường, tạo nên bức tranh tuyệt vời.

Trong núi còn có hơn 50 kiến trúc cổ như tháp đá, cung quán Lão giáo như quán Phúc Long, nơi ở cũ của Hàm Ngọc Cữu thời Tống, di chỉ quán Tam Thanh thời Nguyên, cung Tam Thanh, điện Long Hổ, quán Ngọc Linh, đài Phi Tiên đời Minh. Những kiến trúc này cổ kính phóng khoáng, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, tạo ra những nét thần kì cho núi Tam Thanh. Những đỉnh núi kì lạ lô nhô san sát như núi "Tiên chỉ đường'', núi Quả Tiên, núi Tiên Bảo, cầu treo Thanh Đô lai mang vẻ độc đáo riêng. Toàn vùng núi có thể chia thành 7 khu, 35 điểm thắng cảnh, 237 cảnh quan, cảnh vật, 252 bia đá chạm khắc như núi Thê Vân, đỉnh Ngọc Kinh, cung Tam Thanh, cửa Tam Động, động Ngọc Băng, đài Tây Hoa, quán Ngọc Linh, tổng diện tích khu cảnh quan trung tâm là 71 km2.

Có nhiều tuyến đường dẫn vào núi Tam Thanh. Thông thường du khách sẽ vào núi từ cửa Tử Hồ, chân phía tây nam núi Tam Thanh. Theo con đường đá xây vào thời Minh, vòng qua suối rồi đi lên, đi qua núi "Lão Tử xem kinh'', núi ''Tiên chỉ đường”, núi "Quả tiên'', núi “thiên không'' sẽ đến núi Tam Thanh. Cửa gió là yết hầu của khe núi hiểm, nơi đây gió mây biến đổi rất thất thường.

Đường núi quanh co, ngoặt qua một sườn núi, xa xa phía trước trên một đỉnh núi xuất hiện hai đỉnh núi liền kề bên nhau, bên trái trông như một vị sư già ôm đàn tỳ bà ngồi hát, bên phải như một quan âm đại sĩ đang đứng nghe, gió núi dìu dịu, bên tai vẳng lên tiếng đàn. Người dân gọi đây là cảnh "Quan âm nghe đàn tỳ bà'', một trong những thắng cảnh của núi Tam Thanh.

Tiếp tục leo lên, đi qua cửa Thiên Bộ, cửa Bách Bộ là tới núi Thiên Môn, nơi đây vừa là ngọn Xung Hư trụ cao chọc trời, vừa có khe sâu chẳng khác gì cổng lớn thông tới Thiên cung, nên gọi là "núi Thiên Môn''. Núi này gồm 7 ngọn, có ngọn như bó đuốc dâng cao, có ngọn như lô cốt sừng sững, có ngọn như cá chép vượt long môn, có ngọn như tiên nữ ôm Vương mẫu, trăm vẻ nghìn dáng.

Leo lên đỉnh Thiên Môn sẽ thấy ngay trước mắt là nhà bia đá Thiên Môn, được xây dựng vào những năm Cảnh Thái đời Minh. Nhà bia đã trải qua mấy trăm năm mưa gió nhưng những chữ khắc trên hoành phi, câu đối vẫn còn rõ nét.

Xuống núi Thiên Môn, lại đi tiếp theo đường núi dốc là tới đất lành Tam Thanh. Nơi đây cây cổ thụ rất nhiều, xanh tốt xúm xuê, nước suối róc rách. Cung Tam Thanh được xây tại đây. Trước cung là lầu cổng cổ kính bằng đá, trên bức hoành phi bằng đá xanh dài có khắc ba chữ lớn "Tam Thanh cung''.

Mé đông nam cung Tam Thanh là tháp Phong Lôi, được xây dựng vào đời Tống. Nền tháp là một khối đá cao 7 mét, vuông rộng 3 mét. Tháp chỉ cao 2 mét, có tất cả 7 tầng, đều xây bằng đá mài nhẵn mà không dùng hồ vữa. Cửa sổ tháp cao, có khắc chạm hình vẽ hoa văn.

Tiếp tục leo tiếp sẽ tới đỉnh Ngọc Hoàng. Đỉnh Ngọc Hoàng là một núi cao của núi Tam Thanh, cao 1564 mét, chung quanh núi là vách dựng khe sâu, sông núi cực đẹp, dáng nhọn, giống như "sống lưng cá chép''. Trên đỉnh Thiên Đô, Hoàng Sơn, đường đi vô cùng hiểm trở. Nhìn ra xa phía đông có một núi đá hình trụ, cao khoảng 130 mét, vòng sườn khoảng 10 mét, đầu to phình lại hơi cong, phần cổ hơi nhỏ rồi to dần, núi màu đỏ trông tựa như mãng xà đã ở lâu trong hang, vươn ngẩng cao đầu chen giữa mây mù cuồn cuộn, người ta đặt tên là "Mãng xà ra khỏi núi''.

Nhìn sang hướng khác là thấy cảnh núi đá chia thành hai phần, phần dưới giống như cô gái đẹp nằm nghiêng, vì vậy được ví là "Bạch nương nương say rượu hiện nguyên hình'', phần trên như một đồng tử 10 tuổi ngồi trên vai ông cụ, hai mắt nhìn thẳng phía trước, giống như cha cõng con vội vã đến trường thi, nên được ví như ''Mong con thành đạt''. Quá lên phía bắc có ba đỉnh kề bên nhau, một cao hai thấp, được gọi là ''Ba rồng đùa trên biển''.

Từ đây chuyển tầm mắt lên phía đông bắc, bạn sẽ được ngắm thắng cảnh núi Thần Nữ. Núi cao hơn 50 mét, rất giống dáng nhìn nghiêng của một thiếu nữ xinh đẹp, đoan trang, xinh xắn, hai tay bưng hai cây thông cổ thụ xanh tốt xúm xuê, đang đăm chiêu suy nghĩ mặc cho biển mây bồng bềnh. Ngắm kĩ phần đầu sẽ thấy nàng có sống mũi cao, miệng nhỏ xinh xinh, làn tóc rủ trước trán, bộ ngực nở nang. Tại đây còn thường xuyên thấy “ánh sáng thần Tam Thanh” do mây mù bị ánh sáng mặt trời chiếu vào, tạo ra một quầng sáng bảy màu, bóng người đứng xem cũng bị chiếu vào trung tâm quầng sáng.

Từ mé đông cung Tam Thanh, men theo bậc đá nghiêng trên vách núi cheo leo đi lên núi sẽ tới được ngọn chính núi Tam Thanh – núi Ngọc Kinh. Đứng trên đó nhìn ra xa, núi sông ngút tầm mắt, nghìn dăm ẩn hiện, ruộng đồng ngang dọc chằng chịt.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556183123145987/Du-lich/Nui-Tam-Thanh---Giang-Tay.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận