Tài liệu: Trung Quốc - Tỉnh Tứ Xuyên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ở Tứ Xuyên có những điểm du lịch rất độc đáo như Cửu Trại Cầu - một kỳ quan thiên nhiên với núi vực, rừng cây, đồng cỏ, thác nước, suối hồ...
Trung Quốc - Tỉnh Tứ Xuyên

Nội dung

Tỉnh Tứ Xuyên

Ở Tứ Xuyên có những điểm du lịch rất độc đáo như Cửu Trại Cầu - một kỳ quan thiên nhiên với núi vực, rừng cây, đồng cỏ, thác nước, suối hồ... kéo dài mấy trăm km vô cùng kỳ ảo ở tây bắc Thành Đô; núi Thanh Thành với những di tích và huyền thoại về Đạo giáo và Nga Mi Sơn, một trong Tứ đại Phật Sơn của Trung Quốc...

Nga Mi Sơn

Cách Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) khoảng 160 km về phía Tây Nam có 2 dãy núi nằm đối nhau như đôi mày ngài nên được gọi là Nga Mi Sơn. Nga Mi Sơn được xếp trong danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới không chỉ vì phong cảnh tuyệt đẹp mà còn vì sự bảo tồn, lưu giữ hầu như nguyên vẹn nhiều dấu tích của nền văn hóa 5.000 năm lịch sử Trung Quốc.

Nga Mi Sơn từng là thánh địa của Phật giáo, Đạo giáo và võ thuật Trung Hoa. Ngoài ra Nga Mi Sơn còn được ví như một đại bảo tàng viện thiên nhiên của muôn loài sinh vật, cây cỏ và địa chất.

Kim Đỉnh cao 3.077 m là một trong những đỉnh cao nhất của dãy Nga Mi (chỉ sau đỉnh Vạn Phật cao 3.099 m). Trên Kim Đỉnh có một biểu tượng rất độc đáo: hai cái khóa móc chặt không rời cùng in bóng lên hai trái tim đỏ tươi đang lồng vào nhau. Ở đây có đến hàng vạn cái khóa đôi được mắc khắp nơi trên những hàng rào, những sợi dây xích chung quanh khu vực này. Và ở đây lúc nào cũng có những cái khóa chưa khóa vào nhau được bày sẵn để bán với giá khoảng 40 - 50 tệ (70.000 - 90.000 đồng Việt Nam) với ý nghĩa khoá để giữ lấy tình yêu bền chặt.

Theo tục lệ, khi đến đây, một đôi nam nữ sẽ mua hai chiếc khóa, khóa lại vào nhau và vào một sợi dây cố định rồi ném hai cái chìa khóa vô dụng xuống vực thẳm. Rơi từ độ cao này, mấy cái chìa khóa ấy chắc chắn sẽ không còn cơ hội quay lại để tháo rời tình yêu. Và cái còn lại trên đỉnh thiêng là những đôi khóa không bao giờ chia tách...

Nhưng lời mời gọi hấp dẫn nhất và nổi tiếng nhất của Kim Đỉnh chính là ''Phật quang Nga Mi''. Đó là một khoảnh khắc, đứng trên đài cao nghìn dặm ta chợt thấy một cầu vồng hình tròn bảy sắc rực rỡ hiện lên trên không trung giữa mây ngàn như hào quang của bồ tát hiển linh hiện hình trong niềm tin vào cõi vĩnh hằng.

Dĩ nhiên không phải ai đến đây cũng có cơ duyên được chiêm ngưỡng Phật quang: một năm chỉ có khoảng 70 ngày có thể xuất hiện hiện tượng ánh sáng đặc biệt này trong những khoảnh khắc hết sức bất ngờ dưới ánh mặt trời trên núi cao.

Đường lên Kim Đỉnh rất hiểm trở, qua hơn 52 km đường đèo liên tiếp nối vào nhau những đoạn chữ S, chữ Z, chữ U. Đến cây số thứ 45, người ta phải lắp xích vào bánh xe để có thể lăn bánh trên đường đèo trơn trợt vì băng tuyết... Khi xe dừng là đến một khu trượt tuyết với một mùa đông hoạt động sôi nổi mà dấu tích còn hiện rõ trên những băng rôn vui nhộn căng khắp nơi với biểu tượng một chú khỉ Nga Mi đang chơi trò trượt tuyết. Chung quanh biển tuyết lấp lóa. Sau đi hai cây số là sẽ đến một trạm xe cáp, mỗi chiếc có thể chứa đến 55 người khách và một người hướng dẫn, Xe cáp sẽ đưa khách đến Kim Đỉnh sau 10 phút ''bay'' lên trời.

Tại đây, mây dồn tụ lại thành biển treo ngang đỉnh núi. Từ trên cao nhìn xuống, trời xanh trong vạn dặm nối với biển mây bằng một đường chân trời thanh khiết vô biên. Biển mây tầng tầng lớp lớp vô bờ như khối bạc khổng lồ mênh mông không biết từ nguồn đâu chảy về khơi đâu, có lúc sôi lên như dòng thác, có lục gối lên như núi đá... Biển mây cuồn cuộn sóng bạc không có thanh âm nhưng vẫn dội vào lòng ta tiếng vỗ của sự lặng thinh.

Chân núi Nga Mi có một con đường, đi về phía đông khoảng 30 cây số sẽ gặp một thị trấn tên Lạc Sơn. Thị trấn này nhỏ nhưng được nhiều người biết đến nhờ vào bức tượng Phật Di Lặc lộ thiên lớn nhất thế giới được tạc vào vách đá của ngọn Lăng Vân thuộc dãy Lạc Sơn. Trước đây, người ta thường coi tượng Phật Pamiang ở Apganistan là lớn nhất thế giới nhưng trên thực tế, pho tượng đó còn thấp hơn tượng phật Lạc Sơn 18 m. Dáng Phật ngồi, mặt hướng về Tây phương, nhìn về một vùng sông nước mênh mang là nơi hợp lưu giữa ba dòng Mân Giang, Thanh Y Giang và Đại Độ Giang.

''Sơn thị nhất tôn Phật - Phật thị nhất tòa sơn'' (núi là một vị Phật - Phật là một ngọn núi). Kích thước của Lạc Sơn Đại Phật thật là kỳ vĩ: tượng cao 71 m (đầu Phật là 14 m với 1.021 lọn tóc, vai rộng 28 m, gối cao 28 m, tai dài 7 m). Tượng được hoàn thành trong 90 năm (713 - 803 thời nhà Đường) bằng ý chí phi thường của ba người: hòa thượng Hải Thông khởi xướng (làm đến vai), tiết độ sứ Trương Cầu (làm đến gối) và Vi Cao (làm nốt đến chân). Hai bên tượng Phật đều có lối đi lên dãy núi bên trên. Điều đáng lưu ý là trên pho tượng khổng lồ này đều được thiết kế một hệ thống thoát nước vô cùng khéo léo và kín đáo để tránh sự xói mòn của nước mưa. Chính vì vậy, trải qua bao sương gió và nắng mưa của hàng ngàn năm, tượng phật Lạc Sơn vẫn hoành tráng và ung dung thư thái tọa lạc giữa phong cảnh núi sông hùng vĩ.

Theo Kinh Phật, tượng Phật Di Lặc Lạc Sơn là tượng ''Phật tương lai'', là hóa thân tương lai của ánh sáng, cát tường và hy vọng.

Ở đây, tiếng chuông hòa với tiếng chim, tiếng nước chảy từ đá và những bức phù điêu chạm khắc trên vách núi. Kỳ hoa dị thảo chen với vô số những tượng Phật, khám Phật, am miếu và những lầu nghinh phong nép mình bên núi đón gió từ ngã ba sông mênh mông thổi bừng lên vẻ đẹp của sơn thanh thủy tú.

Năm 1989, nhiếp ảnh gia Phan Hồng Trung đã chụp ảnh từ ngoài ngã ba sông nhìn vào. Lạ kỳ thay, qua bức ảnh, người ta thấy dãy Lạc Sơn với ba ngọn ô Vân Sơn, Lăng Vân Sơn, Qui Thành Sơn trông giống như dáng Phật Tổ đang nằm mà ngay chính giữa (ngọn Lăng Vân Sơn) lại có tượng Phật Di Lặc đang ngồi. Phát hiện ấy như phả thêm vào đây sự linh thiêng của một triết lý xác tín: ''Phật tại tâm, tâm hữu Phật''.

Và hơn ngàn năm qua, đứng trước uy nghiêm của Đại Phật Di Lặc, dân gian cũng đã tạc niềm tin vào chốn Phật thiêng này. Tương truyền vùng ngã ba sông vốn trước kia thường xuyên có nước xoáy, sóng dữ, đắm thuyền, đắm người nhưng từ khi có tượng Phật đã biến thành khúc sông hiền hòa và cảnh sông từ đấy trở thành nguồn ân phước vô tận trong tình yêu vô biên của Phật pháp.

Theo các bậc thang lên núi sẽ đến được Hải Sư Đường - điện thờ hòa thượng Hải Thông, Trương Cầu, Vi Cao - những tác giả chính của cuộc tạo tác vĩ đại của con người, của niềm tin với Phật pháp vô biên. Trên núi có một ngôi chùa hình tháp mang tên Linh Bảo cao 38 m, gồm 13 tầng được xây từ đời nhà Tống. Mái mỗi tầng tháp đều có chuông gió treo ở bốn góc. Tổng cộng có 52 chuông đang ngân rung theo gió trời.

Hoàng Long - Tiên cảnh trần gian

Hoàng Long là một thắng cảnh tuyệt vời với màu xanh khổng tước rực rỡ trên bầu trời xen lẫn với màu trắng bạc lấp lánh của ngọn núi Tuyết Sơn mỹ lệ... Từng khu làng trại dần hiện ra trong vẻ đằm thắm yên bình. Cô gái dân tộc Tạng mặc áo thêu ngũ sắc đong đưa múa theo tiếng nhạc êm tai, trông như là tiên nhân giáng thế trên hồ ngọc. Hoàng Long đẹp mê hồn khiến người đến đây phải ngẩn ngơ dừng chân...

Ngũ Thái Trì (Hồ Ngũ Sắc)

Tuy không sâu như Đại Hải, không dài bằng Trường Giang và cũng không sặc sỡ đủ màu như biển hoa Cửu Trại, nhưng khi đặt chân đến nơi đây, hướng đến hồ nước nguồn của Hoàng Long, bạn mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp tuyệt diệu hiếm thấy của nơi đây.

Sáng sớm, mặt trời nhẹ nhàng ló mình sau đám mây trắng rồi lướt ra khỏi những ráng mây, đem ánh sáng rắc vẩy thành sợi vàng óng, xếp san sát nhau như hình răng lược trải dài trên dải núi Hoàng Long, chiếu ánh nắng xuống mặt hồ khiến nơi đây như được phủ đầy những tinh thể lấp lánh giống hạt sương. Cả đồi núi, dòng sông và hồ nước tưởng chừng đang say mình trong giấc mộng ngọt ngào.

Dưới ánh sáng mặt trời, Ngũ Thái Trì như một thùng nhuộm lớn đầy màu sắc. Màu đá sapphire xanh ngắt của những "hạt sương” trên mặt hồ; xanh lá cây của những khu rừng sâu thẳm bao quanh; màu đỏ chói chang chứa đựng cả mùa hè rực rỡ; vàng lóng lánh đọng lại từ ánh dương và đen huyền bí ẩn tàng cả một khung cảnh thiên nhiên vô hạn. Ngũ sắc làm sống động tầng tầng lớp lớp cảnh quan nơi đây. Trời xanh, mây trắng, nước vàng và khóm núi um tùm xanh mướt hoà nhau tương giao bắt sáng, đẹp lộng lẫy dưới ánh nắng chứa chan.

Suối nước nằm gọn trong từng bờ cát như những bồn nước trong xanh màu ngọc. Cảnh Ngũ Thái Trì đẹp như trong tranh, nước rung rinh trên mặt hồ gợn lên vô số làn sóng nhỏ lăn tăn. Đường xương sống bao bọc và ngăn chia Ngũ Thái Trì thành những bồn nước nhỏ là dải cát vàng dài hơn 2,5 km. Từ trên nhìn xuống, “đường xương sống” chạy dài kết hợp với những vảy sóng vàng óng trông như một khổng lồ bay xuống từ trên đỉnh núi Tuyết Sơn. Cái tên Hoàng Long Câu cũng từ đó mà có.

Nơi đây có một bồn nước lớn rộng khoảng 1200 m2 và một bồn nước nhỏ chỉ chừng vài mét vuông. Dòng nước chảy xuyên qua rừng, qua rãnh, dạo chơi qua từng tầng bậc của những dải cát. Đi đến những bồn nước đầu tiên của Hoàng Long Câu, ta bắt gặp những ráng màu đẹp mắt nổi bật giữa khu rừng xanh tươi. Xuyên qua đám lá màu ngọc bích, hơn 20 bồn nước dần hiện ra trong làn sóng lấp lánh, gợn tí tách tí tách vui tai trên mặt hồ.

Hồ ngũ sắc có kích cỡ không giống nhau, hình dáng dị biệt, màu sắc ẩn hiện và luôn thay đổi. Lạ mắt là có những bồn còn mọc lên cây tùng, cây bách. Có cây cao khỏi mặt nước, có cây còn nằm dưới đáy hồ. Quang cảnh tuyệt diệu của những hồ ngọc cùng với vẻ bao la vô hạn của núi đồi bao quanh khiến cho người đến đây phải trải dài tầm mắt, tận hưởng cái mênh mông vô tận mà rực rỡ đầy sắc thái thần tiên.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556172164395987/Du-lich/Tinh-Tu-Xuyen.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận