Tỉnh Quảng Tây
Nếu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến thu hút khách du lịch ở những công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ thì Quảng Tây lại làm du khách đắm say ở nét riêng của mình, đó là du lịch trên sông nước.
Phong cảnh miền bắc Quảng Tây rất tươi đẹp và yêu kiều. Đến đây, khách du lịch có thể ngắm cảnh sơn thủy hữu tình. Trong mấy năm gần đây, tuyến du lịch trên sông Ly thật là nóng bỏng khác hẳn trước đây.
Ở miền Đông Quảng Tây, khách thường thích kiểu du lịch ''trôi dạt thám hiểm''. Ở huyện Tư Nguyên, ngoài sông nước hữu tình ra còn có một nơi triển khai môn thể thao ''trôi dạt” tại sông Tử Giang. Hàng năm người ta sẽ tổ chức hoạt động ''trôi dạt'' quốc tế ở đây.
Miền Trung Quảng Tây lại đậm đà bản sắc dân tộc. Khách du lịch tới đây sẽ có cơ hội thưởng thức phong tục tập quán dân tộc của người H'mông, đi thuyền trên sông Bối, ngắm nhìn cảnh vách đứng vực sâu và tre trúc hai bên bờ sông thật hữu tình. Khi lên bờ, khách có thể uống ''rượu đón khách'' của người H'mông, say đắm cùng bản làng với những phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc.
Nếu muốn thay đổi cảm xúc, bạn có thể xuôi về miền Đông Quảng Tây, đi thuyền đến Ngô Châu, xuôi dòng ra biển. Dọc đường bạn có thể trông thấy các kiến trúc cao tầng đồ sộ, cảm nhận được sức hấp dẫn của nền văn minh hiện dại.
Miền Nam Quảng Tây nằm sát bờ biển có nhiều hòn đảo. Đến đây, bạn sẽ có dịp đắm mình trong gió biển trong lành và ánh nắng rực rỡ, tìm hiểu cảnh quan dung nham từ núi lửa phun ra cách đây hàng vạn năm và những vùng đất bị nước biển xâm thực và xói mòn. Quảng Tây - những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đầy sức sống đã làm say đắm bao du khách.
Long Thắng - Thiên hạ đệ nhất... ruộng
Long Thắng nằm ở phía Đông Bắc khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nổi tiếng nhất là ruộng bậc thang Long Tích, đến nay đã có hơn 650 năm lịch sử, là một trong 21 cảnh quan kỳ thú của Quảng Tây. Đi vòng theo đường mòn bạn có thể lên tận đỉnh của thửa ruộng trên núi này. Mất hơn 30 phút bạn sẽ được ngắm toàn bộ ''thất tinh bán nguyệt'' của bảy thửa ruộng bậc thang. Khi có ánh nắng chiếu xuống, tầng cao nhất của thửa ruộng như tấm gương to soi rọi bầu trời trong xanh. Phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh Long Tích, bạn mới cảm nhận hết công phu của người xưa khi tạo ra ''đệ nhất ruộng'' này.
Hồ nước nóng Long Thắng
Hồ nước nóng Long Thắng có núi non bao bọc, không khí trong lành, dòng nước tinh khiết, là nơi nghỉ mát, du lịch bảo vệ sức khỏe lý tưởng. Hồ nước nóng có tác dụng trị nhiều bệnh cho người lớn tuổi, đem lại sức khỏe cho thanh niên. Từ hồ nước nóng đi về phía tây bắc là công viên rừng rậm, cây cối dày đặc, cảnh sắc mê người. Trong công viên có cầu treo cheo leo hiểm trở.
Long Thắng - Bản sắc dân tộc
Một điểm đặc sắc của Long Thắng nữa là nơi đây đậm nét dân tộc. Tộc Choang với tục ''phủi bụi quần áo'', đem lại niềm vui cho cuộc sống và ''múa sư công'' - điệu múa cổ thần bí. Tộc Đông với bộ dân ca ''Đa thánh'', tục “tân nương tát nước''. Tộc Dao với ''vũ trường cổ'' và nhiều tục lễ, điệu múa kỳ lạ, thú vị rất đặc sắc đều biểu thị sự mong muốn, kỳ vọng của con người đối với cuộc sống thần thánh, thiên nhiên...
Thưởng thức thức ăn ở nơi đây cũng thật có ý nghĩa vì nơi đây có nhiều món rất độc đáo. Món ''Trân châu'' trà dầu vừa thanh vừa thơm của người Miêu, chất thơm ngọt ''rượu nước Long Tích” của tộc Choang. Với món ăn ''cù ba ba, cù ma ma'' hơi khó ăn gồm có hạt gạo, bánh phồng tôm, sợi miến đều bẻ nhỏ chiên giòn, khoai môn sắt nhỏ, tất cả cho vào chén trà dầu (trà xanh nấu với dầu ăn) ăn cùng một loại bánh chiên có nhân đường. Tuy khó ăn, nhưng món này ăn rồi sẽ để lại hương vị thật khó quên. Nếu đến với gia đình người Dao, bạn sẽ được thử món ''cơm nấu ống tre, ống trúc''.
Lương Sơn Bạc
Tinh Đảo Hồ
Nằm trong vùng bán sơn địa Nam Châu cách thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây 48 km về hướng tây, Tinh Đảo Hồ có được diện mạo tuyệt đẹp như ngày nay trước tiên nhờ vào việc ngành du lịch đầu tư xây dựng trong năm năm để biến một khu đầm lầy thành hồ nước ngọt với dung lượng hơn 700 triệu m3 và có độ sâu 28 - 35 m.
Chen chúc trên diện tích mặt nước khoảng 70 km2 là 1.026 đảo lớn nhỏ được phủ kín bởi những cánh rừng thông bốn mùa xanh hơi. Hàng ngày, dưới ánh nắng dịu dàng của buổi ban mai, những hòn đảo lấp lánh tựa như hàng ngàn tinh tú trên mặt hồ nên thắng cảnh này được mệnh danh Tinh Đảo Hồ (hồ nước có các đảo như những vì tinh tú).
Bước phát triển kế tiếp của Tinh Đảo Hồ diễn ra khá lâu sau đó: năm 1993, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim truyền hình dài 43 tập tái hiện pho tiểu thuyết kinh điển Thủy Hử. Đạo diễn Trương Thiệu Lâm đã chọn Tinh Đảo Hồ để dựng thủy trại, giang sơn của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Với mục đích tái tạo sống động những kiến trúc mang dấu ấn thời đại Bắc Tống hơn 700 năm về trước, đoàn làm phim phải mời nhà thiết kế bậc thầy Tiền Viễn Tuyển, chuyên gia hàng đầu về thiết kế công trình kiến trúc cổ, làm cố vấn, đồng thời đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ xây dựng phim trường Thủy Hử thành.
Thủy trại Lương Sơn
Nằm chếch về hướng đông Tinh Đảo Hồ, đúng y như trong tiểu thuyết, địa thế của thủy trại Lương Sơn dựa vào sông rạch chằng chịt, đồi núi lô nhô, rừng già rậm rạp... Càng vào sâu đường thủy càng bị hẹp dần, hai bên bờ dày đặc loài thông cổ thụ kết thành chiến lũy vững chắc, thỉnh thoảng sau mỗi khúc rẽ lại xuất hiện tháp canh, vọng gác, cờ trận phất phới, thể hiện khí thế dũng mãnh của hào kiệt Lương Sơn thuở nào. Lướt qua ba cửa ải, là đến cửa thủy trại, đây chính là ngoại cảnh dàn dựng đoạn phim ''Báo tử đầu Lâm Xung lỡ vận lên Lương Sơn'' và ''Chủ trại Tống Giang tiễn đưa Túc thái úy''.
Vượt nhiều bậc thang đá là đến con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi. Từ đây phóng tầm mắt nhìn bốn hướng, toàn cảnh Tinh Đảo Hồ hiện ra đẹp đến mê hoặc. Rồi bất ngờ chắn ngang trước mắt du khách là bức tường thành đồ sộ với hai cánh cửa gỗ kiên cố được đóng 108 cây đinh lớn bằng đồng trên bề mặt. Bước qua cửa thành, không gian mở ra là khoảng sân rộng dùng làm giáo trường luyện võ, chung quanh trưng bày những binh khí từng được các tài tử nhập vai anh hùng hảo hán Lương Sơn sử dụng trong phim. Giữa sân sừng sững một cột cờ cao vút bên trên treo lá cờ vàng lớn đề chữ ''Thế thiên hành đạo''.
Chiếm vị trí trung tâm là Tụ Nghĩa Đường và tòa Trung Nghĩa Đường, nơi là bối cảnh của những cảnh phim thể hiện sự tụ hội, kết nghĩa huynh đệ, thương nghị... giữa các hảo hán và cũng là nơi thể hiện khí tiết trung liệt của các nghĩa sĩ từ khi bắt đầu dựng nghiệp cho đến lúc Lương Sơn Bạc tan tác qua hình ảnh quân sư Ngô Dụng treo cổ tuẫn tiết.
Không lâu sau khi bộ phim được phát sóng, ở Trung Nghĩa Đường đã hình thành một khu lưu niệm trưng bày 108 tượng hảo hán Lương Sơn trong đủ các tư thế: cưỡi ngựa, đi quyền, múa binh khí... Mỗi tượng đều có lai lịch, sự tích, chiến công... như những tượng đài anh hùng có thật trong lịch sử.
Rời khỏi sơn trại, du khách có thể men theo đường núi về hướng tây tiếp tục ngoạn cảnh Dung Kim Môn hoặc nếu muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn sự hùng vĩ của công trình, có thể dong thuyền ngược ra giữa hồ rồi tiến dần vào cửa thành. Tầm vóc Dung Kim Môn có phần khiêm tốn hơn so với các kiến trúc trên nhưng đây lại là đại cảnh hoành tráng nhất của bộ phim Thủy Hử.
Ngao du thăm thú nơi đây chỉ trong một ngày là ''cưỡi ngựa xem hoa'', đó là chưa nói nếu du khách chưa từng đọc ''Thủy Hử” e khó lòng cảm nhận được hết vẻ hoành tráng cũng như những cảm xúc mà thắng cảnh Tinh Đảo Hồ mang lại. Tinh Đảo Hồ đóng góp rất nhiều ngoại cảnh tuyệt vời cho phim ''Thủy Hử'' nhưng ngược lại, nhờ vào bộ phim lừng danh này Tinh Đảo Hồ trở thành khu du lịch nổi tiếng không chỉ của tỉnh Quảng Tây mà cả với đất nước Trung Quốc.
Suối Phun
Suối Phun ở Quảng Tây ngày nào cũng phun ba lần vào 8 giờ, 12 giờ và 17 giờ, mỗi lẫn phun từ 50 - 60 phút. Nếu suối phun cao đến khoảng 3 m là báo hiệu sắp có mưa. Khi suối phun, tôm cá cùng theo dòng nước nhảy ra.
Suối phun Sữa
Con suối này có một đặc điểm rất kì lạ, hàng ngày vào 9 giờ sáng và 9 giờ tối, nước từ dòng suối này lại phun ra trông như dòng sữa trắng.