Tài liệu: Trung Quốc - Núi Vân Đài – Tỉnh Giang Tô

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Núi Vân Đài nằm vắt ngang thành phố cảng Liên Vân tỉnh Giang Tô, xưa gọi là núi Uất Châu.
Trung Quốc - Núi Vân Đài – Tỉnh Giang Tô

Nội dung

Núi Vân Đài – Tỉnh Giang Tô

Núi Vân Đài nằm vắt ngang thành phố cảng Liên Vân tỉnh Giang Tô, xưa gọi là núi Uất Châu. Núi Vân Đài bao gồm rất nhiều núi và đảo trông giống như đài mây. Trước, giữa, sau núi liền với các đảo Đông, Tây, có tất cả 136 ngọn, kéo dài hơn 30 cây số, diện tích vào khoảng 150 km2.

Cảnh sắc núi Vân Đài rất đẹp, có tới hơn 130 địa điểm tham quan nổi tiếng như nhà thờ Lão Quân, núi Trúc Tiết, đài Thập Bát, cửa Phượng Môn, cửa Nam Thiên, cầu Cửu Long, núi Lí Ngư, thông Phiên Long, thông Mỹ Nhân..., trong đó có thác suối, cổ thụ, hoa quý, di tích chùa cổ, vách núi khắc bia, động phủ thần tiên, đẹp không sao kể xiết, được coi là "Thắng cảnh hàng đầu biển Đông''.

Phong cảnh núi Vân Đài được gọi là “Ba mươi sáu cảnh Vân Đài'', chủ yếu tập trung ở dải Hoa Quả Sơn, miền nam núi Vân Đài. Nơi đây quanh năm sương mù biển bao quanh, núi non tắm mình trong gió biển. Đặc biệt là đào trắng, đào đỏ, đào trắng cao chỉ, đào phiên, rất nhiều loại nổi tiếng khác nhau, dù ở tiết đông, tuyết bay khắp trời, trên cây vẫn còn những quả đào đông thanh chín muộn, nước nhiều, vị ngọt, là giống đào quý, được gọi là "đào tiên”.

Điều đặc biệt khiến mọi người chú ý là dáng núi vô cùng kì lạ, đủ mọi hình lơ lửng trên vách núi. Trên cửa chính đi vào khu phong cảnh Hoa Quả Sơn có một ngọn núi như hình con khỉ ngửa mặt trông lên nên núi có tên là núi Mom Khỉ. Đỉnh núi có một núi đá lạ giống hệt con khỉ, sau lưng và đỉnh núi có một khe nứt, người ta gọi là ''Khỉ canh cổng''. Trong núi cong có ''núi Sa Tăng'' có hình người đầu đội mũ nhà sư rất uy nghiêm. Đứng trên đỉnh xanh Hoa Quả Sơn nhìn sang núi Đường Tăng ờ phía Đông, thấy pho tượng đá Đường Tăng đầu đội mũ nhà sư ngay ngắn, trên cổ đeo chuỗi tràng hạt, người mặc chiếc áo cà sa rộng, nếp áo như bay bay trong gió. Vì vậy, từ cổ xưa đã có câu: ''Không thấy vẻ đẹp trong núi Vân Đài thì làm sao hiểu được vẻ đẹp trong thiên hạ''.

Động đá trên Hoa Quả Sơn càng đặc biệt, phần lớn khe đá trên núi là do bào mòn của nước biển và nước xói lở tạo nên. Hang động tuy không lớn nhưng khúc khuỷu sâu thẳm, trong động lại có hang, có lúc phải cúi rạp xuống để lách người qua. Trên vách đá thiên nhiên có khắc bốn chữ “Thất thập nhị động”, gồm những động lớn, động nhỏ, động cao, động thấp như động Nhị Tiên, động Ngộ Thiên, động Phục Long, động Ba mươi hai, động Thiên Hải, động Mây Réo, động Triều Dương, động Không Đáy..., tất cả đều kì bí, gợi sự liên tưởng đến câu chuyện Tôn Ngộ Không hàng phục bảy mươi hai động ma.

Hang động nổi tiếng nhất là động Thuỷ Liêm. Trong ''Tây du kí'', Ngô Thừa Ân đã mô tả rất sinh động: “men theo khe leo lên núi, cho tới tận chỗ nguồn nước vẫn là một dòng suối chảy xiết. Nhưng tại đây, một dải cầu vồng trắng, sóng tuyết bay nghìn tấm, gió biển thổi không ngừng, trăng vẫn chiếu trên sóng, hơi lạnh ngăn chặn núi, dòng chảy tưới cây xanh, róc rách chảy thành màn, thật như tấm màn rủ”. Trên vách đá phần nóc động, nước thấm rỏ giọt liên tục, trong như hạt ngọc pha lê, chẳng khác gì những tấm rèm nước che kín cửa động. Trong động có giếng đá, quanh năm có nước, nước ngọt thơm, gọi là “linh tuyền''. Vách phía trước có viết ba chữ lớn “Thuỷ Liêm động''.

Trong bảy mươi hai động, tối và sâu nhất là động Hải Thiên, cách động Thuỷ Liêm 100 mét về phía Đông, trong động có "nhà'', có "buồng" nằm được, ngồi được. Động có ba tầng, vòng vèo uốn khúc, cửa trước có núi đá tự nhiên chống đỡ, trên là xà ngang bằng đá, vách khắc chữ “Hải Thiên động”. Phải khom người mới có thể đi vào được, đường đá khấp khểnh cao thấp. Trong động có nhiều hang ngách lớn nhỏ, sáng tối, từ vách đá theo từng bậc đi lên sẽ tiến vào động tối. Nếu vịn vào thang gỗ đi lên tiếp thì sáng dần ra, du khách sẽ đến được đình Chiếu Hải. Đình có hai tầng, nếu lên tầng lầu trên cao nhìn xuống sẽ thấy cảnh quan vô cùng đa dạng, khoáng đạt. Phía sau lưng đình có núi đá lớn như miệng cá, đi vào trong "miệng cá” sẽ lên được đỉnh núi.

Động Không đáy ở phía bắc động Thuỷ Liêm. Qua cầu tiên đi xuống sẽ có một hang đá tự nhiên, cửa trên là cả một vùng trời, cửa dưới nhìn xuống khe sâu, vách đá cheo leo liền nhau, cây cỏ thưa thớt, cảnh vật mờ mờ. Động có tên là Không đáy vì có hai động, động trên động dưới thông nhau, sâu hơn 11 mét. Từ cửa động trên nhìn vào trong tối om không thấy đáy. Tiến vào theo cửa động trên, theo bậc đá đi xuống, trước hẹp và tối, đi dần tới đáy động, rẽ sang trái, bất chợt thấy cảnh vật sáng bừng. Ra khỏi cửa động là có thể thấy thắng cảnh Hoa Quả Sơn nằm gọn trong tầm mắt với cảnh quan kì thú vô cùng.

Trên đỉnh Thanh Phong, nơi cao nhất của Hoa Quả Sơn, phía đông động Hải Thiên có một ngọn núi cao hơn 1 mét, tựa như văng ra từ núi lớn rồi bị chặn lại ở đó, trên đó có ba chữ ''Oa di thạch'', truyền thuyết kể rằng đây là tảng đá còn sót lại khi sau bà Nữ Oa đội đá vá trời.

Núi Vân Đài từng là một trong bốn Đại Linh Sơn trong của Trung Quốc theo quan niệm của nhân dân từ thời Tuỳ, Đường tới nay.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556182026895987/Du-lich/Nui-Van-Dai--Tinh-Giang-To.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận