Tài liệu: Trung Quốc - Tỉnh Sơn Đông và Núi Thái Sơn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sơn Đông có núi Thái Sơn là đệ nhất kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ. Thái Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên tuyệt vời trên trái đất.
Trung Quốc - Tỉnh Sơn Đông và Núi Thái Sơn

Nội dung

Tỉnh Sơn Đông và Núi Thái Sơn

Sơn Đông có núi Thái Sơn là đệ nhất kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ. Thái Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên tuyệt vời trên trái đất. Với người Trung Quốc, Thái Sơn là kỳ quan đứng đầu ''ngũ nhạc'' (năm ngọn núi vĩ đại nhất) và là một trong bốn điểm du lịch hấp dẫn nhất đất nước.

Núi Thái Sơn cao 1545 mét so với mặt biển, nằm ở đồng bằng sông Hoàng Hà tỉnh Sơn Đông, là cái nôi của đất nước Trung Quốc. Núi Thái Sơn từ lâu đã là một hình tượng của truyền thống văn hoá cổ đại Trung Quốc thu nhỏ. Năm 1987, núi được UNESCO công nhận là một di sản thiên nhiên thế giới. Sau khi được công nhận là một danh lam thắng cảnh có giá trị của thế giới, năm 1991, một lần nữa nó được ngành du lịch Trung Quốc chọn là một trong bốn điểm du lịch hấp dẫn nhất của Trung Quốc.

Những kỳ quan thiên nhiên hiếm có Thật khó có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự hùng vĩ của núi Thái Sơn nếu như không leo lên đỉnh núi. Đường lên núi giống như một cái thang lên trời với 6.600 bậc đá, dẫn dắt du khách lên tới đỉnh. Thái Sơn quả thật một kỳ quan nhờ vào sự sáng tạo tuyệt diệu của bà mẹ thiên nhiên.

Theo các nhà địa chất thì núi Thái Sơn bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 2,45 tỉ năm trước đây. Càng lên cao, điều đầu tiên làm du khách kinh ngạc là sự hùng vĩ của núi và những tảng đá có hình thù kỳ lạ. Nhiều tảng đá xếp lại thành hình bông sen đang nở rộ hoặc hình con vật trong tư thế rất sinh động, phát ra những màu xanh, đỏ, vàng, trắng trông thật vui mắt. Xen giữa những khối đá kỳ lạ là một số cây đại thụ. Theo sử sách thì nơi đây có hơn 10.000 cây đã sống hơn một thế kỷ và ít nhất 3300 cây có tuổi từ 330 đến 1.000 năm hoặc hơn thế. Những cây thông ở đền Thánh Thái Sơn đã được Hán Vũ Đế (156 - 87 trước Công nguyên) triều đại Tây Hán 2100 năm trước đây trồng. Những di sản của sáu triều đại trong đền Phổ Minh đã chứng kiến đến 1500 năm lịch sử.

Từ trên đỉnh cao chót vót, núi mở ra thành những dòng suối tinh khiết. Những thác nước đột nhiên đổ xuống từ trên cao khiến cho du khách phải sững sờ vì vẻ đẹp hùng vĩ. Truyền thuyết kể rằng: Khi Triệu Hồng (968 -1022) - Hoàng đế của triều đại nhà Tống, tới núi Thái Sơn để dự buồi tế Thần, vì quá đắm say với trăng, nước mùa xuân nên ông đã ra lệnh dựng một cái lều thẳng đứng trên đá để nghỉ qua đêm.

Đứng trên đỉnh núi của ngọn Ngọc Đế (đỉnh cao nhất ở núi Thái Sơn), có thể thấy núi cuộn tròn dưới chân. Thật là may mắn nếu đến đây vào những ngày đẹp trời để thưởng thức thiên nhiên tuyệt đẹp: dải vàng lấp lánh của sông Hoàng Hà, biển sương mù, những đám mây bồng bềnh vào lúc bình minh cộng với sự lộng lẫy của đất trời, núi Thái Sơn như báo trước một điềm may mắn.

Lễ tế trời và đất

Đã từ lâu lắm rồi, người ta tin rằng miền đông là cái nôi của vạn vật trên trái đất bởi vì núi Thái Sơn nằm ở niềm đông Trung Quốc và được xem như một vùng thiêng sản sinh ra sự sống. Núi rất cao nên được coi là cầu nối giữa trời và đất và giúp cho Hoàng đế liên lạc được với Ngọc Hoàng.

Rất nhiều Hoàng đế của các triều đại đã tới núi Thái Sơn để khấn nguyện đấng cao xanh. Trong suốt quá trình nghi lễ được tổ chức, nếu thời tiết thuận hoà thì đó là điềm tốt, vua đã được sự đồng ý của các vị thần và chính thức được thừa nhận là Thiên tử. Nếu thời tiết xấu thì đó là điềm gở, Đức vua phải thay thế bằng một lễ khác.

Suốt các triều đại Hạ, Thượng và Chu đã có 72 Hoàng đế đến đây để thực hiện nghi lễ này. Buổi lễ thành công nhất được kể lại trong lịch sử là do Hoàng đế Tần Thủy Hoàng tiến hành. Riêng Hán Vũ Đế của triều đại nhà Hán đã phải tới núi Thái Sơn 8 lần để hành lễ.

Hoàng đế Nguyên Phong của triều đại nhà Đường đã cho dựng tượng những đoàn quân oai phong và 10 nghìn con chiến mã dọc suốt hàng trăm cây số khiến cho cảnh tượng nơi đây trở nên ngoạn mục. Trong triều đại nhà Thanh (16l6 - 1911), Hoàng đế Khang Hy (1662 - 1722) và Hoàng đế Càn Long (1736 - 1795) đều đã trèo lên đỉnh núi Thái Sơn. Riêng vua Càn Long đã tới đây ít nhất 10 lần và đã có 6 lần ông leo lên tới đỉnh. Tuy nhiên, mục đích của ông tới đây là cầu nguyện, bày tỏ lòng thành kính của mình tới Thánh núi nhiều hơn là để thưởng ngoạn.

Những dòng đề tặng trên vách đá và bia đá

Trên một vài mỏm đá, bia đá và hai triền của lối mòn quanh núi có rất nhiều dòng chữ đề tặng. Hầu hết tác giả là các Hoàng đế, những danh nhân và những người với tài viết chữ đẹp nổi tiếng.

Một tác phẩm khổng lồ ở núi Thái Sơn đã được khắc vào năm 29 trước công nguyên khi Hoàng đế Tần Thủy Hoàng tới đây làm lễ tế thần. Trải qua rất nhiều thế kỷ, 222 chữ chỉ còn lại có 29 chữ do bị hư hại bởi vụ cháy năm 1740 và chỉ còn lại hai đoạn gồm 10 chữ được tìm thấy vào năm 1949.

Bản sao của bộ kinh Kim Cương của đạo Phật nằm ở sườn đông đường mòn chính là tác phẩm lớn nhất trên vách đá Trung Quốc có đề ngày, tháng với 2799 chữ phủ kín 2064 m2 đá. Chữ có đường kính từ 35 - 55 cm, theo thuật viết chữ nổi tiếng cổ xưa. Văn phòng kỳ lạ và nghệ thuật viết chữ được du khách ca ngợi hết lời, được các nghệ nhân của rất nhiều thời đại trân trọng giữ gìn. Có thể tác phẩm chạm trổ này là do rất nhiều người tham gia sáng tác.

Trên vách đá dựng đứng ở đỉnh núi là tác phẩm của Hoàng đế Nguyên Phong nhà Đường năm 725 với chủ đề chính là tán dương sự thành công rực rỡ của các vua đời Đường.

Tác phẩm là một tấm bia cao 13,3 mét, rộng 5,3 m, gồm 996 chữ, được cắt ra từ bề mặt vách đá ngôn ngữ thanh tao và chữ viết trang nghiêm. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, những người làm công tác văn hoá đã tô điểm lại chữ trên bia.

Điện thờ các nhà tu hành

Có ba đạo cùng tồn tại hoà bình ở núi Thái Sơn là đạo Lão, đạo Phật và đạo Khổng, là ba trụ cột chính của nền văn hoá lâu đời Trung Quốc, và đó cũng là sự khác biệt với các vùng núi Trung Quốc khác. Đền Thánh Thái Sơn dưới chân núi đã được lập để thờ cúng Thượng đế và cũng là nơi các Hoàng đế tiến hành lễ tế thần. Theo sử sách, đền được xây dựng lần đầu tiên vào triều đại nhà Tần và Hán, dần dần biến đổi thành cấu trúc hiện nay sau khi mở rộng và sửa đổi qua nhiều triều đại, diện tích tổng cộng lên đến 96.400 m2, được bao bọc bởi bức  tường cao 10 m và phần bên trong kiến trúc theo kiểu cung điện. Tiền sảnh chính có mái ngói tráng men màu vàng cộng với hai mái chìa nghiêng và những khung tò vò. Đền là một trong ba toà lâu đài đẹp nhất Trung Quốc. Phía bắc, đông, tây của tường đền có trang trí các bức tranh lớn thuộc triều đại nhà Tống, cao 3,2 m, dài 62 m, miêu tả cảnh thần núi Thái Sơn bắt đầu đi duyệt quân. Có hơn 600 vật tượng trưng trên bức vẽ: chim, thú, dòng sông, đền đài, tháp..., tất cả đều rất sinh động. Điện thờ đạo Lão đã được xây dựng lại, gồm đền mây xanh, điện thờ Thánh Thái Sơn và điện Thần Hạnh Phúc.

Đền Puzhao - điển hình của văn hoá Phật giáo

Vùng Hoa Đảo mở rộng, núi cao, thung lũng hẹp. Ở đây, du khách có thể thưởng thức cảnh tượng kỳ lạ của đá núi, những cây thông cao tuổi, những thác nước dữ dội và những dòng suối xinh đẹp. Nơi đây còn có dây cáp để đưa du khách tới cổng trời phía nam.

Nằm trên dốc núi phía bắc là đền Foye, được xây dựng trong suốt triều đại Bắc Vệ (386 - 534). Tại đây có lâu đài tráng lệ, tượng 18 vị la hán, “thung lũng văn hoá'', công viên nguyên thủy quốc gia với rất nhiều trò giải trí.

Trong tương lai, núi Thái Sơn sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của Trung Quốc và thế giới.

Thái Sơn là một trong những mẫu hình cổ xưa nhất và quan trọng nhất của hàng chuỗi biến động địa chất ở thời cổ đại trên địa bàn miền đông Trung Quốc, rất phong phú về hoá thạch thuộc kỷ Cambri. Trong khu vực núi Thái Sơn đã tìm được tới 462 loại cây thuốc và nhiều cây cổ thụ sống tới hàng mấy trăm năm. Trên núi có 22 đền, chùa, 97 phế tích cổ xưa, 819 tấm bia đá, 108 bản khắc trên vách núi và rất nhiều di tích khác phản ánh di sản văn hoá phong phú của Trung Quốc.

Núi Thái Sơn là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Các nhà khoa học đã tìm thấy ở đây dấu vết hoạt động của con người cách đây 40 vạn năm ở thời đại đá mới (cách đây 5000 - 6000 năm). Trên mặt nam và mặt bắc của núi Thái Sơn phát triển hai nền văn hoá: văn hoá Đạt Văn Khẩu và văn hoá Long Sơn. Thời Chiến Quốc, khu vực này là địa bàn của hai nước đối địch Tề và Lỗ. Trong khoảng thời gian từ 770 đến 475 trước công nguyên, hai nước này đã sáng tạo được khá nhiều kỳ tích văn hoá. Hiện nay, ta còn có thể thấy dấu vết tích bức tường thành dài 500 km do nước Tề dựng lên. Một số đền, miếu, chùa chiền trên núi Thái Sơn như Ngọc Đế quán, Đầu Mẫu cung và Bích Hà từ đều là những trung tâm Phật giáo và Đạo giáo quan trọng.

Núi Thái Sơn đã được ghi vào Danh sách di sản thế giới năm 1987 do có sự kết hợp đặc biệt giữa những nhân tố văn hoá và tự nhiên.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556172834395987/Du-lich/Tinh-Son-Dong-va-Nui-Thai-Son.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận