Tài liệu: Trung Quốc - Lăng Mộ Nhà Tần

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khu lăng mộ nhà Tần được phát hiện vào năm 1976, nằm cách Tây An 160 km về phía Tây.
Trung Quốc - Lăng Mộ Nhà Tần

Nội dung

Lăng Mộ Nhà Tần

Khu lăng mộ nhà Tần được phát hiện vào năm 1976, nằm cách Tây An 160 km về phía Tây. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, nơi đây không chỉ có khu mộ mà có cả một kinh đô nước Tần tráng lệ và huyền bí. Khu lăng mộ gồm có hai phần chính: phần lăng tẩm và phần phế tích của cung điện có tường thành bao quanh với diện tích khoảng 11 km2.

Sau khi khám phá ra khu lăng mộ này, Quốc vụ viện Trung Quốc ra quyết định xây dựng Viện Bảo tàng binh mã đời Tần ngay trên khu di chỉ. Có ba ngôi nhà được dựng lên vừa để phục vụ công cuộc khai quật, vừa để làm bảo tàng trưng bày hiện vật. Nhà ở hầm số 1 có diện tích 15485 m2, dùng xà thép hình tam giác làm khung có mái che và dược hoàn thành vào tháng 12 năm 1978. Nhà bảo vệ hầm số 3 xây dựng cuối tháng 5 - 1977 và hoàn thành vào cuối năm 1989 có diện tích kiến trúc là 1714 m2. Hầm thứ 2 cũng được triển khai tiếp tục xây nhà bảo vệ, bảo tàng với tổng diện tích là 17015 m2, kết cấu khung rộng 96 m2. Tất cả các ngôi nhà trên đều được kiến trúc theo hình phễu, thể hiện sự bề thế chắc chắn, hiện đại nhưng mang tính truyền thống theo kiến trúc cổ. Đến cuối năm 1991, các công trình cơ bản đã hoàn thành.

Một điểm đáng lưu ý là số tượng người và ngựa ở trong 3 hầm đều lớn bằng người thật và ngựa thật. Mới nhìn, các tượng hầu như có một màu xanh xám, nhưng đây lại không phải màu thật của tượng, đó là màu của công đoạn cuối cùng được quét lên mà thôi. Theo đó, màu sắc còn lưu lại trên tượng người, ngựa gồm các màu đỏ tươi, phấn hồng, phấn lục, phấn lam, màu mận chín, phấn tím, vàng vừa, vàng quất trắng, đen, đỏ sẫm... Các màu đều được chế tạo từ khoáng vật thành màu trong suốt.

Tượng người màu sắc rất đa dạng: áo quần có màu phấn hồng hay phấn lục, xanh lam. Chân tay và mặt màu phấn trắng. Lòng trắng mắt được phủ bằng phấn trắng. Con ngươi, lông mày và râu được quét mực nho, còn tóc bôi một lớp màu đỏ sẫm hay xanh xám. Màu sắc trên mình ngựa là màu đỏ sẫm, đuôi màu đen, móng màu trắng, lưỡi phấn hồng, bờm màu trắng. Một điều đáng tiếc là màu sắc các hiện vật bị phai mờ nhiều theo thời gian.

Đây là một công trình điêu khấc độc đáo, đồ sộ. Tượng đời Tần là một quần thể điêu khắc thực dụng, một tổ hợp bảo vệ lăng tẩm. Nó thể hiện quân uy hoàng quyền, bỏ qua những chi tiết độc lập cá tính rõ nét. Phải nhìn nó trong tổng thể mới thấy được thủ pháp ''lấy cái tĩnh biểu hiện cái động''. Điều hấp dẫn là toàn bộ số tượng người được các nghệ nhân khấc hoạ các khuôn mặt rất đa dạng, tinh tế của từng nét mặt với 8 loại hình thể khác nhau, theo hình chữ của Trung Quốc. Ví dụ: Chữ ''Do'' miêu tả bộ mặt dưới to, trên nhỏ là hình tượng võ sĩ ''không vũ” đầy sức sống, còn hình tượng chữ ''Giáp” thì dưới nhỏ, trên to, biểu thị tính chất thông minh mẫn cán của nhân vật; hình tượng chữ ''Thân'' thì mặt nhỏ, dài, bộ mặt nghiêm túc, thần chí thông minh đầy dũng khí; mặt chữ ''Điền'' thì thật thà, đôn hậu. Nhìn chung, trên nét mặt tượng Tần đều lấy chữ "Quốc'' làm chủ tạo thành cái “Đồng'' (giống nhau) trong khối tổng thể.

Tượng ngựa được tạo hình chắc chắn, khoẻ đẹp chân trước như cái trụ, chân sâu hình cung tỉ lệ thích hợp, được bố trí như ngựa đang trong chuồng ngựa đời Tần (người ta đã phát hiện được xương ngựa ở thôn Thượng Tiên với số lượng lớn được đào lên. Qua phân tích, xác định niên đại là vào đời Tần, qua đo đạc độ cao thấp, dài, ngắn... thì tỷ lệ tương đương với tượng ngựa). Điều đó thể hiện tính xác thực của lịch sử và trình độ siêu việt về kĩ xảo điêu khắc của các nghệ nhân đời Tần.

Những giá trị đích thực của khu lăng mộ nhà Tần là không thể bàn cãi. Năm 1987, lăng của Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng được đưa vào danh sách di sản thế giới, được coi như kì quan thứ tám của thế giới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2925-02-633556183697989737/Du-lich/Lang-Mo-Nha-Tan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận