Tài liệu: Trung Quốc - Tôn giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trung Quốc có đất đai rộng lớn và dân số đông đúc, do đó nhiều tôn giáo đã hình thành và phát triển tại đây.
Trung Quốc - Tôn giáo

Nội dung

TÔN GIÁO

Trung Quốc có đất đai rộng lớn và dân số đông đúc, do đó nhiều tôn giáo đã hình thành và phát triển tại đây. Hiện nay ở Trung Quốc có 5 tôn giáo chính, bao gồm đạo Phật, đạo Lão, đạo Hồi, đạo Thiên chúa và đạo Cơ đốc. Khổng giáo là một triết thuyết hơn là một tôn giáo đã thống trị Trung Quốc hơn 2.000 năm. Ngoài ra còn có một số tôn giáo nhỏ của các dân tộc ít người.

Đạo Phật đã được truyền đến Trung Quốc từ đời nhà Hán và đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Đạo Lão là đạo bản xứ của Trung Quốc, ra đời cũng và đời Hán. Đạo Hồi bắt đầu ở các thành phố miền biển Trung Quốc vào đời Đường và sau đó dần dần lan truyền sang các vùng khác. Đạo Thiên chúa được truyền đến Trung Quốc vào năm 635, vào đời Đường, và sau đó suy yếu. Đến đời Nguyên tôn giáo này trở lại trong một thời gian ngắn. Sau đó đến đời Minh, linh mục người Ý là Matteo Ricci được phép xây nhà thờ ở đây. Sau cuộc chiến tranh nha phiến, Thiên chúa giáo bắt đầu phát triển mạnh ở Trung Quốc. Còn đạo Cơ đốc được đưa vào Trung Quốc năm 1930, khi có lần sóng các hội truyền giáo đến đây.

PHẬT GIÁO

Phật giáo được truyền đến Trung Quốc vào đời nhà Hán và chẳng bao lâu đã trở nên thịnh tại đây. Đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Đạo Phật ở đây được chia ra Phật Hán, Phật Tây Tạng và Phật miền Nam. Phật Hán và Phật Tây Tạng là những bộ phận quan trọng vì hai phái này còn giữ được những loại kinh kệ quan trọng được dịch từ tiếng Sanskrit, mà những loại kinh này không còn ở Ấn Độ nữa.

Phật Hán

Phật Hán dùng để chỉ đạo Phật được truyền vào từ đời nhà Hán và hòa trộn với văn hóa Hán triều. Trong thời Tam Quốc, những vị sư xuất sắc và các nhà học giả đạo Phật đã tiến hành một chương trình lớn nhằm dịch thuật các loại kinh kệ. Dưới thời Nam Bắc Triều, vì hầu hết các vị vua đều tin vào đạo, đạo Phật đã phát triển nhanh chóng. Đến thời Bắc Ngụy, số Phật tử đã lên đến 2 triệu người. Đến thời Bắc Tề, con số này là 4 triệu.

Nhiều vị sư người nước ngoài đã đến Trung Quốc để hoằng dương đạo pháp, và nhiều vị sư Trung Quốc đã đến Ấn Độ tu học và mang về nhiều kinh kệ. Sau khi nhà Tùy thành lập, đạo Phật càng nở rộ hơn dưới sự che chở và ủng hộ của hoàng gia. Việc dịch kinh Phật tiếp tục phát triển. Đến đời Đường thì đạo Phật đạt đến thời hoàng kim. Rất nhiều chùa được lập ra và những vị sư nổi tiếng được mời dịch kinh. Cũng trong đời Đường đạo Phật được truyền đến Tây Tạng. Đến đời Tống thì Phật Hán phát triển chậm lại vì không có sự ủng hộ của hoàng tộc. Đời Nguyên và đời Thanh, đạo Phật Tây Tạng chiếm được sự ủng hộ của triều đình.

Phật miền Nam

Đạo Phật miền Nam là đạo Phật Pali được đưa vào từ Miến Điện vào thế kỷ thứ 7. Thuở đầu chưa có chùa và kinh kệ được truyền khẩu. Đến thế kỷ thứ 11, đạo bị lu mờ vì chiến tranh. Sau, khi chiến tranh chấm dứt, đạo lại được truyền cho người Dai đến từ thái Lan và Miến Điện. Kinh Pattra được viết bằng tiếng Dai lần đầu xuất hiện khi chữ viết được hình thành năm 1277. Sau đó các chùa chiền được xây dựng và người Dai và một số dân tộc thiểu số bắt đầu theo đạo Phật Pali.

Ngày nay đạo Phật miền Nam được chia thành 4 nhánh. Những trẻ em người Dai phải đi tu khi đến tuổi đi học. Chúng sẽ trong các tu viện và sẽ ra khỏi đây khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ xuất sắc có thể ở lại và học tiếp để trở thành sư chính thức. Trong đạo Phật miền Nam người ta có thể thăng tiến và người nào lên đến bậc cao nhất sẽ là người lãnh đạo tôn giáo.

Đạo Phật Tây Tạng

Đạo Phật Tây Tạng, còn được gọi là Lạt ma giáo, được thành lập từ thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên đạo Phật lần đầu được truyền vào đây từ thế kỷ thứ 7, khi vua Songtsen Gampo lấy công chúa, một người Nê pan và một người Trung Quốc, cả hai đều là Phật tử và mang theo đến Tây Tạng nhiều kinh kệ và tượng Phật. Thế rồi đạo Phật bắt đầu hòa trộn với văn Tây Tạng. Tuy nhiên dưới triều vua Landama, đạo Phật bị đoán và phế bỏ và phải đợi đến thế kỷ thứ 10 mới được phục hồi trở lại. Thế là đạo Phật ở đây dần dần chiếm ưu thế và truyền sang các tỉnh và các nước lân cận.

Đạo Phật ở Tây Tạng sử dụng các lễ nghi của đạo Phật Tantric và đạo Bon ở vùng bán xứ này. Đạo Phật này thần bí hơn các hình thức đạo Phật khác do ảnh hưởng của đạo Tantric và đạo Bon, dựa vào mudras (nghi lễ), mantras (thánh truyền) và yantras (thánh thuật ).

KHỔNG GIÁO

Khổng giáo do Khổng Tử ở thời Xuân Thu lập ra, và sau đó được Mạnh Tử bổ sung, nên người ta thường gọi là đạo Khổng Mạnh. Vào thời nhà Hán, Khổng giáo được áp dụng để củng cố vương triều. Rồi sau đó Khổng giáo thịnh hành và chiếm ưu thế về lịch sử và văn hóa ở Trung Hoa trong suốt 2 ngàn năm. Sau đó nó còn được truyền sang Triều Tiên và Nhật Bản và đã có ảnh hưởng lớn trong văn hóa tại các nước này. Khổng Tử và Khổng giáo đã có tác động lớn đến nền văn minh Trung Hoa đến nỗi người ta khó có thể tưởng tượng được văn hóa và lịch sử Trung Quốc sẽ ra sao nếu không có Khổng giáo. Trong suốt hai ngàn năm, Khổng giáo đã ảnh hưởng đến thái độ sống của người Trung Hoa, đặt ra các mẫu mực cho cuộc sống và các chuẩn mực cho xã hội, hình thành các tiêu chuẩn để đào tạo các quan chức triều đình, và tạo nền tảng cho các lý thuyết và thể chế chính trị của Trung Hoa.

Khổng Tử tên là Trọng Châu, hiệu là Trọng Ni và được người Trung Hoa trọng vọng gọi là Khổng Tử hay Khổng Phu Tử. Ông là một nhà triết học và nhà giáo dục xuất sắc ở cuối thời Xuân Thu. Ông sinh ra trong cảnh nghèo túng, nhưng lại có được một nền học vấn tốt. Tương truyền rằng đến tuổi năm mười ông làm đến chức tể tướng nước Lỗ. Tuy nhiên những kẻ thâm thù ông đã mưu hại, buộc ông phải từ chức, ở tuổi 55. Sau đó ông đã dẫn các đệ tử của mình đi chu du khấp thiên hạ để dạy học và khuyên nhủ các nhà vua cách trị dân. Vào cuối đời, ông dành hết sức cho việc dạy học, với hơn 3.000 đệ tử. Ông mất năm 479 trước công nguyên.

Về mặt chính trị, ông chủ trương một sự phân cấp xã hội nghiêm khắc để giữ gìn trật tự và duy trì đạo đức, đồng thời chống đối sự bạo ngược trong cách cai trị của các vua chúa. Điểm chính về đạo đức mà ông truyền bá là lòng nhân. Về lý thuyết giáo dục, ông nhấn mạnh sự kết hợp giữa học hỏi và suy nghĩ Khổng giáo là một hệ thống triết lý và chủ nghĩa nhân văn thay vì là một tôn giáo, mặc dù nó có một số đặc tính của tôn giáo. Khổng Tử và Mạnh Tử không bao giờ có ý nghĩ thành lập một tôn giáo, mặc dù họ được sùng bái ở khắp nơi trong nước.

Khổng Tử sống trong một thời kỳ hỗn loạn về xã hội và đạo đức, khi những giá trị thông thường bị phủ nhận hoặc bị coi thường. Khi người ta hoang mang và sợ hãi trước những vị chỉ huy, Khổng giáo đã nở rộ và cuối cùng chuyển biến xã hội Trung Hoa bằng giá trị của nó và thống trị suýt nhiều thế kỷ. Vì Khổng Tử nhìn thấy sự khác biệt rõ nét giữa một bên là sự phân rã và thiếu hòa hợp tồn tại trong một xã hội chao đảo, một bên là sự hòa hợp và trật tự của thiên nhiên, triết lý của ông là tìm cách phục hồi những giá trị và quy phạm nguyên thủy.

Trong thời nhà Tần, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã giết hại những người theo Khổng học, đến sách của Khổng Tử để duy trì những tư tường hỗn loạn của mình hầu giữ vững ngai vàng. Tình trạng đó chẳng bao lâu đã lật ngược. Đến triều nhà Hán dưới thời vua Võ đế Khổng giáo được thừa nhận như một ý thức hệ chính thống, và những ý thức hệ khác bị cấm chỉ hầu duy trì luật lệ, trật tự xã hội theo các giá trị của Khổng Tử. Từ đó trở đi, các hệ tư tưởng khác không bao giờ có dịp trở lại nữa.

Lý do để Khổng giáo chiếm được ưa thế là nó phù hợp với các nhu cầu của giới cầm quyền. Nó đưa ra một thế giới cho cả giai cấp cai trị lẫn thường dân. Theo Khổng giáo, người cai trị là cha của dân, cần phải chăm sóc cho những nhu cầu cơ bản của dân chúng. Nó khuyến khích các quan lại trung thành với vua, chủ trương quyền lực tuyệt đối của nhà vua đối với thần dân, của chồng đối với vợ, và của cha đối với con. Nó cũng đưa ra năm giá trị của con người là nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Mặc dù Khổng giáo bị chỉ trích ở một số quan điểm, nó đã khắc sâu vào người dân Trung Quốc và cuộc sống của họ.

LÃO GIÁO

Nguyên thủy Lão giáo là một trường phái triết học trong số hàng chục những trường phái khác, chứ không phải và một tôn giáo ở thời Xuân Thu. Triết gia xuất sắc của Lão giáo là Lão Tử và Trang Tử. Họ là những khuôn mặt quan trọng trong việc phát triển triết lý Lão và xem ra không hề có ý định thành lập một tôn giáo. Lão Tử tên là Lí Nhĩ, có một thời đã giữ thư viện cho nhà Chu. Ông đã viết ra cuốn Đạo Đức Kinh, sau này trở thành kinh của Lão giáo. Sau này Trang Tử phát triển tiếp Lão giáo và viết một quyển sách khác trùng tên với ông, quyển Trang Tử. Tuy nhiên, trước đời nhà Hán, nó chưa phải là một tôn giáo. Nó xuất hiện như một tôn giáo vào cuối thời Đông Hán, và chẳng bao lâu sau chia ra thành nhiều trường phái khác nhau. Sau đó Lão giáo bị Phật giáo lấn át. Vào các thời Đưởng, Tống, Nguyên, Minh, Lão giáo thịnh hành do sự ủng hộ của triều đình. Đến giữa thời nhà Thanh, Lão giáo bị mất sự ủng hộ của triều đình và bắt đầu suy tàn. Tuy thế trong nước vẫn còn rất nhiều người theo.

Lão giáo rất khó hiểu, tuy nhiên nó nói lên nhiều chân lý và thể hiện sự khôn ngoan.

Trung tâm của Lão giáo là khái niệm về Đạo, tức là trật tự tự nhiên của mọi vật và không thể giải thích vì nó vượt qua mọi ý nghĩa, tư tưởng và mọi sự tưởng tượng. Để hiểu nó cần thiền định và trầm tư mặc tưởng, và chỉ có thể biết được nó qua trực giác thần bí. Theo nghĩa đen thì Đạo là 'con đường'. Đạo là con đường tự nhiên của vũ trụ, là sức mạnh lèo lái trong thiên nhiên, là trật tự phía sau mọi hình thái sống và là lực lượng lèo lái phía sau tất cả mọi vật thể sống. Nó bao hàm mọi thứ và hoạt động ngoài lô gích của con người. Lão giáo tin rằng Đạo là nguyên thủy của vũ trụ và tạo ra mọi vật thể sống, do đó những người theo Lão giáo thờ cúng tất cả mọi sinh linh trong vũ trụ và tất cả những gì do thiên nhiên tạo ra, từ đó thờ cúng thiên nhiên. Lão giáo khuyến khích người ta cộng tác với thiên nhiên thay vì chống lại nó. Lão giáo dạy về ‘vô vi’, khuyên người ta không nên cố gắng kiểm soát thiên nhiên mà phải thích nghi với nó.

Lão giáo biện chứng cho rằng sự chuyển động của Đạo là sự tác động lẫn nhau không ngừng giữa hai cực Âm và Dương của vũ trụ Một bên không thể tồn tại nếu không có bên kia, và chúng thường biểu thị sự đối nghịch trong quan hệ với nhau. Âm có nghĩa là giống cái, bóng tối, cái ác và đất, trong khi Dương là giống đực, ánh sáng, cái thiện và trời. Thuyết này rất giống với thuyết Âm Dương trong thảo mộc học hoặc trong Kinh Dịch.

Lão giáo chủ trương vô vi. Khái niệm này không có nghĩa và không làm gì cả theo như nghĩa đen của nó. Nó có nghĩa là theo dòng chảy tự nhiên của thiên nhiên và để cho mọi sự việc xảy ra theo hình thức tự nhiên của nó.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2294-02-633505202938797500/Van-hoa---Xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận