Tuyến phòng thủ Amsterdam
Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, là một đô thị đầy kênh rạch dọc ngang soi bóng những dãy nhà cổ kính, được hình thành vào thế kỷ XIII, trên cơ sở của một làng đánh cá, nhưng có đường thông thương ra biển thuận lợi. Nhờ đó, Amsterdam chẳng bao lâu trở thành trung tâm kinh tế và văn hoá quan trọng của châu Âu. Quá trình phát triển này gắn liền công cuộc đắp đê, lấn biển, mở rộng lãnh thổ của người Hà Lan đã được cả thế giới ca ngợi như là một kỳ tích vĩ đại. Tên nước Hà Lan, Netherland, có nghĩa là “đất thấp” và tên thủ đô Amsterdam có nghĩa “đê sông Amster” (dam = con đê).
Quá trình lấn biển của người Hà Lan được tiến hành rất công phu qua nhiều bước: đầu tiên đắp đê ngăn nước, bơm hút nước ra ngoài đê, đổ cát tôn nền. Ban đầu lợi dụng lúc thuỷ triều xương, nước trong đê được thoát ra qua các cửa van. Khi nước trong và ngoài đê ngang bằng, dùng máy bơm cánh quạt chạy bằng sức gió để bơm nước ra ngoài đê. Các máy bơm hoạt động suốt ngày đêm để rút nước cho những vùng đất thấp hơn mặt biển 4 đến 5 mét và được bảo vệ bởi những con đê hùng vĩ, có chiều dài tổng cộng hơn 30.000 mét. Con đê ngăn nước này chính là tuyến phòng thủ của đất nước Hà Lan. Nhờ công cuộc đắp đê ngăn nước này mà người dân Hà Lan đã có thêm những vùng đất bao la để sinh sống và các cối xay gió cho máy bơm nước hoạt động đã trở thành biểu tượng của đất nước Hà Lan.
Riêng tuyến phòng thủ Amsterdam được xây dựng năm 1883 và 1920, bao quanh thủ đô Amsterdam dài 135 km. Đây là một pháo đài chống lại nước biển, nói đúng hơn nó là con đê biển rất xung yếu. Bởi thế ngay từ thế kỷ XVI, người dân Hà Lan đã có những kiến trúc đặc biệt trong việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhằm bảo vệ đất nước, chống nước biên tràn vào.
Tuyến phòng thủ Amsterdam đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hoá thế giới năm 1996, vì ý nghĩa lớn lao của công trình và vì nghệ thuật kiến trúc xây dựng kỳ vĩ của nó.