TẠI SAO CHIM BAY LẠI TRỞ THÀNH
“KẺ THÙ” CỦA MÁY BAY PHẢN LỰC?
Sự cất cánh và hạ cánh của máy bay đương nhiên không thể tách rời khỏi sân bay. Trong quá trình xây dựng sân bay, ngoài các thiết kế bắt buộc còn phải chú ý đến một việc nữa, đó chính là xem gần sân bay có một đàn chim lớn nào không. Có thể bạn sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên. Con chim bé nhỏ lẽ nào có thể trở thành ''kẻ thù'' của máy bay?
Trên thực tế đúng là như vậy. Theo thống kê, chỉ tại Mỹ, bình quân mỗi năm có hơn 350 vụ làm nhân viên trên máy bay bị thương hoặc máy bay bị hỏng do máy bay và chim bay đâm vào nhau gọi là ''Chim đâm vào có tính phá hoại''.
Tại sao chim cứ thích ''đâm'' vào máy bay như vậy? Đó là do đa số những máy bay hiện đại đều là máy bay phản lực, động cơ của nó phải hấp thụ một lượng lớn không khí ở xung quanh mới có thể hoạt động, do vậy miệng hút khí của nó đều phải mở rất lớn. Khi máy bay bay lên, cái miệng này mở như một cái miệng há to, tham lam nuốt hết những luồng khí đối diện nó. Nếu đúng lúc đó mà chim bay gần máy bay thì nó sẽ cùng với luồng khí bị hút vào trong động cơ. Tốc độ bay của máy bay phản lực rất nhanh, cơ thể chim tuy mềm, nhưng va đập dưới tốc độ cao thì sức phá hoại của nó lại rất lớn; Thêm vào đó là kết cấu bên trong của động cơ phản lực rất chặt chẽ, sau khi chim bay vào thường sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình làm việc của động cơ, thậm chí còn làm động cơ dừng lại, làm máy bay mất đi động lực tiến lên phía trước, kết quả là gây nên tai nạn cho máy bay.
Đương nhiên sự đe doạ của chim đối với các máy bay phản lực hiện đại còn biểu hiện ở việc va đập trực tiếp giữa nó và vỏ ngoài máy bay. Do máy bay phản lực có tốc độ nhanh, có lúc sự va chạm này cũng gây nguy hiểm. Đã từng có một máy bay tiêm kích có tốc độ bay là 600km/h chỉ va chạm với một con nhạn trên không trung, kết quả là con chim này đã phá cửa đâm vào, và làm toàn bộ phi hành đoàn bị hôn mê. Những va đập trực tiếp nghiêm trọng như vậy tuy rất hiếm gặp, nhưng rõ ràng đã gây nguy hiểm rất lớn cho máy bay có tốc độ cao.
Theo tài liệu thống kê, việc máy bay phản lực hút và đâm phải chim thường xảy ra nhiều nhất ở châu Á, sau đó là châu Mỹ và ít thấy nhất ở châu Âu, mà những việc này chủ yếu xảy ra ở độ cao thấp dưới 900m, còn 600m trở xuống là khoảng không nguy hiểm nhất. Nói như thế cũng có nghĩa là vấn đề chủ yếu xảy ra vào lúc máy bay cất cánh và hạ cánh. Vậy thì làm thế nào để đối phó với lũ chim ở gần sân bay?
Con người đã nghĩ ra không ít biện pháp để đối phó với lũ chim. Chẳng hạn như bố trí những bù nhìn có thể chuyển động được trên sân bay hoặc trong quá trình cất hạ cánh của máy bay tạo ra âm thanh như tiếng súng nổ để xua đuổi chim chóc quanh sân bay; Cũng có thể trước khi máy bay chuẩn bị cất cánh hoặc hạ cánh đặt máy khuếch đại âm thanh tạo ra tiếng kêu thảm thiết của chim để đàn chim sợ hãi bay đi; Hoặc đặt các tiêu bản chim chết xung quanh sân bay làm cho chim chóc khi nhìn thấy sẽ sợ hãi mà bay mất. Ngoài ra, còn có thể vận dụng kỹ thuật điện tử hiện đại và kỹ thuật rađa, lắp đặt các rađa có tầm nhìn xa để kịp thời cảnh báo cho máy bay đang bay tránh kịp đàn chim; Trên sân bay thì sử dụng rađa xung đoản mạch để kiểm soát hoạt động của đàn chim trong vùng lân cận, để kịp thời hoãn máy bay cất cánh và hạ cánh. Đương nhiên, việc cải tiến máy bay và kết cấu động cơ làm sao để có đâm vào chim cũng không sợ, đây mới là biện pháp giải quyết cơ bản.