Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức được ký kết trong vài ngày nữa.
Trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, cơ quan này đã thống nhất với Ủy ban Thương mại châu Âu về việc sẽ ký kết chính thức Hiệp định EVFTA giữa các bên vào ngày 2/12. Bên lề Hội thảo về Chống biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ngày 20/11, tân Đại sứ Phái đoàn EU Bruno Angelet cũng khẳng định điều này. Ông cho biết, thời gian các nước EU phê chuẩn để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực sẽ là từ 1 đến 1,5 năm.
Mức cam kết cao chưa từng có
Khởi động đàm phán vào tháng 6/2012, sau gần ba năm với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, hai bên đã kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định EVFTA vào tháng 8/2015. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế của Việt Nam sang EU và sau bảy năm, sẽ nâng lên 99,2% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Gồm 28 quốc gia thành viên, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.030 dự án còn hiệu lực đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36 tỷ USD. Các nhà đầu tư trong khối có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo rằng một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.
Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ... cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng. Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.
Một bằng Hai mươi tám
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng Mười, Đại sứ Bruno Angelet chia sẻ, tất cả các nước thành viên EU mong mỏi EVFTA được thông qua và nhận thức được văn kiện sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trong dư luận EU, tỷ lệ ủng hộ EVFTA khá lớn, Việt Nam sẽ chỉ ký một hiệp định mà không khác gì ký 28 hiệp định với 28 quốc gia thành viên.
Viết về thị trường Việt Nam, báo chí Italy và Anh quan tâm hơn đến thương mại còn báo chí Đức quan tâm đến đầu tư. Tờ HNA của Đức cho rằng, Việt Nam là nơi hấp dẫn đáng để các doanh nghiệp tới xây dựng nhà máy. Đối với các nhà đầu tư châu Âu thì Việt Nam ngày càng có sức cạnh tranh tốt hơn Trung Quốc. Bằng chứng là, một nửa số điện thoại hãng Samsung bán ra trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, không chỉ Samsung hay LG của Hàn Quốc, ngay cả Mỹ cũng tới Việt Nam sản xuất chip Intel.
Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Carlo Calenda bình luận trên tờ 24 Ore, EVFTA là bước đi quan trọng của châu Âu với Việt Nam, một nước đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội cho hệ thống sản xuất hàng hóa của Italy. Giày da cao cấp và quần áo thời trang của Italy sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong khi đó, mảng dịch vụ lại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía doanh nghiệp Áo. Dịch vụ vốn là thế mạnh của những nước nhỏ ở châu Âu như Áo, Luxembourg...Với hiệp định này, mảng dịch vụ còn được dự báo sẽ tăng mạnh hơn cả thương mại và đầu tư, vì Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường tài chính và viễn thông.
Tất nhiên, bức tranh sẽ không chỉ toàn "màu hồng", EVFTA được ký cũng đòi hỏi Việt Nam phải cải cách quản lý ở cấp độ quốc gia. Cải cách này được nhận định là đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách cơ cấu kinh tế, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn nhằm thu lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU.
Phan Thanh