|
Loài ngựa Przewalski đã tạm thoát khỏi nguy cơ biến mất vĩnh viễn. |
Dù lừng lẫy tiếng tăm nhưng các kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn chưa bao giờ dám nghĩ tới việc thuần hóa những con ngựa Przewalski - loài ngựa hoang thật sự duy nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nay.
Sự biến mất của một huyền thoại
Những con ngựa hoang từng tung hoành trên thảo nguyên Mông Cổ mênh mông được đặt tên theo nhà thám hiểm người Nga Nikolai Przewalski (1839-1888). Chính ông đã phát hiện chúng tại sa mạc Gobi vào cuối thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, từ trước đó rất lâu, người Mông Cổ đã biết đến loài ngựa này. Họ gọi chúng Takhi (nghĩa là “linh hồn” trong tiếng Mông Cổ) và coi chúng như những sứ giả của thần linh. "Người dân địa phương xem loài ngựa này là một biểu tượng bất khả xâm phạm. Việc giết chúng là điều cấm kỵ đối với người Mông Cổ", TS. Claudia Feh, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn ngựa Przewalski (TAKH) cho biết.
Ngựa Przewalski có vẻ ngoài thấp bé nhưng rất cơ bắp. Một con ngựa trưởng thành nặng khoảng 300kg, cao 1,3m và dài 2m. Chúng có bộ lông đặc trưng màu nâu và chiếc bờm ngắn, dựng đứng. Đây cũng là loài ngựa có thời gian ăn cỏ lâu nhất trên thế giới: hơn 12 tiếng/ ngày.
Ngựa Przewalski có vòng đời tương đối dài, từ 20-25 năm. Đặc biệt, chúng có 66 nhiễm sắc thể thay vì 64 như những loài ngựa khác.
Trong những năm cuối thế kỷ XVIII, những đàn ngựa Przewalski đã di cư từ Nga về phía Đông, tới các thảo nguyên ở Kazakhstan, Mông Cổ và miền bắc Trung Quốc để sinh sống. Tuy nhiên, số lượng của loài này giảm mạnh trong vài thập kỷ vì nạn săn bắn bừa bãi. Việc mở rộng diện tích đất canh tác của con người cũng gây nên những tác động xấu đến môi trường sống của chúng. Vào thập niên 1970, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã chính thức đưa loài ngựa hoang này vào danh sách "tuyệt chủng trong tự nhiên".
Hành trình trở về tự nhiên
Những con ngựa Przewalski còn sót lại vào thời điểm ấy là 12 cá thể sống trong vườn thú. Để cứu loài ngựa hoang Mông Cổ này khỏi bờ vực tuyệt chủng, các nhà khoa học đã thực hiện một chương trình nhân giống đầy tham vọng. Nhờ thành công của dự án, vào đầu thập niên 1990, số lượng ngựa Przewalski đã tăng lên đến 1.500 cá thể.
Kể từ đó, các nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến việc đưa loài ngựa này trở về với môi trường sống đích thực của nó. Vào năm 1994, các cá thể ngựa đã được trả về tự nhiên tại các Khu bảo tồn ở Mông Cổ, Kazakhstan, Nga, Hungary và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hiệp hội TAKH lại đi theo một hướng khác trong việc bảo tồn ngựa hoang Mông Cổ. Sau một thời gian dài nghiên cứu tập tính của ngựa Przewalski, Tiến sĩ Claudia Feh tin rằng việc sinh hoạt bầy đàn có ý nghĩa sống còn đối với loài vật này. Vì thế, thay vì đưa hàng loạt con ngựa mới được nhân giống tới Mông Cổ, Hiệp hội nuôi chúng trong một thời gian dài tại cao nguyên Causse Méjean ở Pháp.
"Khí hậu ở đó khá khắc nghiệt. Tại đây, lũ ngựa sẽ được dạy cách tồn tại trong môi trường tự nhiên. Trong quá trình đó, chúng cũng sẽ được kết hợp thành các đàn nhỏ”, bà Feh cho hay. Năm 1996, TAKH đã đưa những lứa ngựa được huấn luyện trở về quê hương của chúng tại Mông Cổ.
Mối đe dọa tiềm ẩn
Năm 2009, Mông Cổ đã phải trải qua một mùa đông kinh hoàng với cái lạnh lên tới -47 độ C. Dù các nhà khoa học và người dân địa phương đã nỗ lực hết sức nhưng một nửa số ngựa Przewalski ở Vườn quốc gia Takhin Tal vẫn chết vì lạnh và thiếu thức ăn.
Bên cạnh mối nguy từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho các hiện tượng thời tiết biến chuyển theo chiều hướng cực đoan, thách thức không nhỏ đối với những nhà bảo tồn ngựa Przewalski còn đến từ ADN của chúng. Hầu hết số ngựa hoang Mông Cổ hiện nay là hậu duệ của 12 cá thể trong vườn thú trước đây. Điều đó có nghĩa là, mức độ đa dạng trong di truyền của loài động vật này quá ít. Thêm vào đó, nhiều cá thể ngựa hiện tại là sản phẩm của quá trình giao phối cận huyết. Vì thế, chúng sở hữu những gen có hại và rất dễ mắc bệnh di truyền.
Để cải thiện nòi giống cho ngựa Przewalski, TAKH đã tiến hành phối giống chúng với các loài ngựa khác ở Mông Cổ. Hiện tại, Hiệp hội này đã cho ra đời 350 cá thể lai. "Bắt đầu từ số 0 cách đây 25 năm, những gì mà chúng tôi làm được hiện nay đã là một thành công lớn", bà Feh chia sẻ. "Tuy nhiên, loài ngựa này vẫn cần được con người hỗ trợ trong nhiều năm tới để thích nghi tốt hơn với môi trường tự nhiên".
Các nhà bảo tồn nói chung và Hiệp hội TAKH nói riêng đã đạt được thành công bước đầu khi IUCN đã chuyển loài ngựa Przewalski từ cấp “tuyệt chủng trong tự nhiên” sang “bị đe dọa”. “Mục tiêu của dự án là nhân giống càng nhiều ngựa Przewalski càng tốt. Chúng tôi muốn những con ngựa mà mình tạo ra sẽ sống khỏe trong môi trường tự nhiên và cho ra đời nhiều thế hệ mới trong tương lai", Tiến sĩ Feh khẳng định.
Bích Trâm (tổng hợp)