|
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo đầu tiên của TG&VN, tháng 11/2014. Tác giả đứng ở hàng đầu, thứ hai từ phải. |
Thấm thoắt, tờ báo của Bộ Ngoại giao đã vượt qua chặng đường hơn một phần tư thế kỷ. Nhớ lại ngày nào, anh Đinh Hoàng Thắng tìm đến tôi, khi đó đang làm Phó Tổng biên tập của tờ báo ngoại ngữ Tin Việt Nam (“Vietnam Courier”, cũng nằm trong Bộ) hỏi han chân tình và trao đổi hào hứng về nghề làm báo, về cách dựng tờ báo từ “viên gạch đầu tiên”... Sau này, những lúc vui vẻ, anh Thắng vẫn hay nhắc đến bài học đầu tiên mà anh gọi là “tôn chỉ”, “mục đích” mà báo nào cũng phải quán triệt.
Trở lại cái thuở ban đầu, do những nhân sự chủ chốt của tờ báo được Bộ Ngoại giao điều động đều là những cán bộ nghiên cứu ham viết lách nên họ đã có vốn liếng cơ bản mà nghề làm báo đòi hỏi - đó là viết được và thích viết.
Tạp chí Quan hệ Quốc tế (QHQT) ra đời vào 11/1989 đã được bạn đọc khắp nơi đón chào. Khi đó, món ăn “quốc tế”, “thế giới” đang thiếu, lại nghèo nàn và chưa “ngon lành” trên tấm thực đơn báo chí nên sự hoan nghênh đến độ vồ vập của độc giả trong nước là một điều có thể hiểu được.
QHQT ra hàng tháng và đi một mạch hơn ba năm. Số lượng phát hành của tạp chí khá cao. Với một đội ngũ nhân sự gọn nhẹ mà bộ máy ngoại giao dễ đáp ứng, thiết nghĩ, việc duy trì lâu dài một tạp chí chuyên về ngoại giao như thế là điều hợp lý.
Nhưng rồi một bước ngoặt đã diễn ra! Đó là giai đoạn cuối năm 1992, đầu 1993, thời điểm nảy sinh cơ hội đẩy tờ báo tăng định kỳ. Tạp chí quyết định chuyển từ nguyệt san thành tuần san.
Một ban biên tập nhỏ gọn là đủ cho một tờ tạp chí hàng tháng. Thế nhưng, nếu muốn xuất bản một tờ báo tuần thì cần dựng lên một tòa soạn chuyên nghiệp. Bước ngoặt là ở chỗ đó!
Thời điểm ra báo tuần cũng là lúc một đối tác kinh doanh báo chí nước ngoài muốn hợp tác. Theo thỏa thuận hợp tác, Ban Lãnh đạo tờ báo lúc này chỉ cần tập trung chăm lo nội dung sao cho đúng và hay, còn lương thưởng, nhuận bút và các khoản chi phí tòa soạn khác thì đã có đối tác lo. Điều đáng nói, so với mặt bằng lương bổng và nhuận bút chung của nước ta hồi đó, tờ báo của ta có phần nhỉnh hơn. Sinh hoạt tòa soạn nhờ vậy vui vẻ với một không khí làm việc phấn chấn. Đương nhiên phía liên kết được hưởng toàn bộ tiền bán báo và tiền thu quảng cáo.
Nhưng “tuần trăng mật” liên kết với tập đoàn Ringer Thụy Sỹ nói trên cũng không kéo dài được lâu. Hai bên sau một thời gian làm việc với nhau đã không tìm được tiếng nói chung. Năm 1996, hợp đồng liên kết chấm dứt, tờ báo lại trở về tự lo mọi khoản như bất cứ một cơ quan báo chí nào khác.
Sau thời gian liên kết với Ringer, anh Nguyễn Ngọc Trường rời “ghế nóng” để nhận nhiệm vụ Đại sứ ở Mexico. Anh Đinh Hoàng Thắng đảm nhận vị trí Tổng Biên tập trong tình cảnh nhiều khó khăn bủa vây. Tờ báo bước vào một giai đoạn cố gắng và cầm cự chứ khó nghĩ đến việc tiến lên và phát triển.
Cũng cần nói thêm là vào giữa năm 1993, khi bắt đầu bước vào giai đoạn ra báo liên kết, được hưởng “lương ngoại” thì tôi được Bộ điều động đi làm công tác ngoại giao thuần túy, chuyển sang một đơn vị adhoc của Bộ Ngoại giao để chuẩn bị Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ bảy. Cuối năm 1997, kết thúc công việc nơi mới thì đầu năm sau tôi được Bộ điều động trở lại tờ báo, sát cánh cùng anh Đinh Hoàng Thắng vực dậy tờ báo.
Nhớ khi bàn giao công việc để anh Đinh Hoàng Thắng lên đường đi Hà Lan làm Đại sứ, cả hai chúng tôi cùng dùng từ “báo động đỏ” cho không chỉ những số dư tài khoản mà còn một “lô xích xông” những điều bất cập cần giải quyết để tờ báo có cơ tiến lên. Nhờ quyết tâm của toàn đội ngũ, sự ủng hộ nhiệt tình của người tiền nhiệm trong quá trình bàn giao, bộ máy của tờ báo đã dần được sắp xếp lại. Hướng mà tờ báo chọn là chuyên nghiệp hóa cho từng khâu, công đoạn.
Tôi nghĩ rằng, dù là cán bộ ngoại giao làm báo thì chúng ta vẫn cứ phải tuân theo những quy luật của nghề nghiệp. Độc giả chỉ nhìn vào cái “sản phẩm báo chí” mà anh góp mặt và xem chúng có đặc sắc không, cạnh tranh được không? Vì thế, tòa soạn đã tìm hết cách để “gia tốc” các hoạt động báo chí (ấn phẩm tốt, tăng đầu ấn phẩm); rồi phối hợp các hoạt động phụ trợ ngoài báo chí (hoạt động xã hội, tổ chức Giải thể thao toàn quốc…) với cái đích là tôn cao hình ảnh và thương hiệu cho tờ báo ngoại giao cũng như thu hút tài trợ, quảng cáo…
Sự quyết tâm và say nghề đã được đền đáp. Trong thời kỳ từ 1999–2005, Báo Quốc Tế đã có một bước phát triển vượt bậc. Báo có nhiều ấn phẩm, như tạp chí hàng tháng Quốc Tế & Tiêu dùng đẹp mắt, hấp dẫn; phụ san Thế Giới ra hàng tuần đầy ắp tin tức nóng hổi bốn phương, được bạn đọc yêu thích. Dù ấn phẩm phụ này góp mặt với làng báo chưa đến năm năm nhưng đến thời điểm này, người đọc cả nước vẫn nhắc đến nó. Tòa soạn Thế Giới tự lập tự túc, không nhận kinh phí từ ngân sách mà vẫn “sống” được.
Gần mười năm nay, tên tờ báo đã chuyển thành Thế giới & Việt Nam. Tên mới nhưng mục đích-tôn chỉ tờ báo của chúng ta đâu có thay đổi. Tờ báo vẫn cung cấp thông tin về thế giới, về hoạt động ngoại giao, về những vấn đề trong quan hệ quốc tế… cho bạn đọc. Đó là điểm mạnh nhất cho tờ báo của ngành Ngoại giao chúng ta. Không nên khác, nếu không muốn nói là không được khác!
Trong cuộc đời, những năm 20-30 tuổi là lúc mà con người ta sung mãn nhất, chữ nghĩa gọi là tuổi tráng niên - trẻ trung, khỏe mạnh. Với Thế giới & Việt Nam, bản thân là người từng gắn bó với tờ báo tiền thân, tôi rất muốn nhân dịp “sinh nhật 26” này để ôn lại vài ba điều qua mấy chương sử tờ báo và chút chuyện nghề, để cùng chia sẻ cả niềm vui và nỗi lo đưa tờ báo phát triển hơn nữa với các bạn đồng nghiệp đang làm việc.
Chúc tờ báo đi đúng hướng để giữ mãi được lòng yêu mến của bạn đọc và sự tôn trọng của các tờ báo bạn!
Nguyễn Vĩnh
Tổng biên tập báo TG&VN thời kỳ 1998-2005