CH? TH? C?A B? TRU?NGCHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
V/v triển khai công tác phòng chống hạn hán đảm bảo sản xuất
vụ đông xuân 2006 - 2007 ở các tỉnh Bắc bộ
Khu vực Bắc bộ đang bước vào mùa khô; lượng mưa 10 tháng đầu năm 2006, khu vực miền núi đạt 80 - 95%, trung du, đồng bằng đạt 60 - 75% lượng mưa trung bình nhiều năm cùng kỳ; dòng chảy trên các sông suối ở mức thấp, đỉnh lũ cao nhất trên sông Hồng tại Hà Nội chỉ đạt 9,52m (ở mức báo động 1); một số hồ chứa vừa và lớn ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tây có mực nước thấp, dung tích đạt 50 - 70% thiết kế. Hiện tại, mực nước các sông suối giảm nhanh, trên sông Hồng tại Hà Nội những ngày đầu tháng 11/2006 dao động từ 2,8 - 3,1m (thấp hơn cùng kỳ 2005 từ 0.7 - 0.8m và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,8 - 2,1m).
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thuỷ văn, vụ đông xuân 2006 - 2007 có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm; dòng chảy các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%, hạ lưu sông Hồng từ 20 - 50%, mực nước Hà Nội có khả năng ở mức 1.40m (tháng 2, tháng 3/2007). Để chủ động phòng chống hạn hán, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2006 - 2007, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương khẩn trương thực hiện những nội dung sau:
a) Kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là hồ chứa, cống, trạm bơm tưới và sửa chữa ngay hư hỏng, chống mất nước; tập trung nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước, bể hút trạm bơm, kênh mương các cấp và phát động phong trào ra quân làm thuỷ lợi nội đồng, đảm bảo thông nước tới mặt ruộng.
b) Đánh giá và theo dõi nguồn nước ở các sông suối, hồ, đầm ao, công trình thuỷ lợi và nước ngầm để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ hợp lý và ưu tiên nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước của các hồ chứa.
c) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án phòng chống hạn hán, có kế hoạch bổ sung các trạm bơm dã chiến để cấp nước khi cần thiết; tổ chức kiểm tra đồng ruộng, lập lịch tưới luân phiên, áp dụng tưới tiết kiệm nước phù hợp với thực tế.
d) Những diện tích không đủ nguồn nước tưới suốt vụ, phải chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn sử dụng ít nước nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất.
e) Có kế hoạch và giải pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là vùng núi cao, vùng sâu, vùng ven biển, không được để tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
f) Bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, ngân sách dự phòng và dự trữ tài chính hàng năm của địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, sửa chữa công trình, hỗ trợ chuyển đổi...
g) Chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống hạn. Biểu dương, khuyến khích những cơ sở chủ động và có những sáng kiến trong công tác phòng chống hạn.
h) Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan và đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn, thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Cục Thuỷ lợi phối hợp với Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, các Sở nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan theo dõi, tổng hợp diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, hạn hán và vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất; kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tốt các phương án phòng chống hạn.
3. Cục Trồng trọt và các Cục, Vụ chức năng có liên quan phối hợp với Cục Thuỷ lợi giúp Bộ chỉ đạo và giải quyết các khó khăn để các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất đông xuân 2006 - 2007./.