No tileQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt diều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30
tháng 9 năm 1992;Căn cứ Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại Công văn số 58/TT- UB ngày 19 tháng 12 năm 2000 và của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2355/BXD-KTQH 20 tháng 12 năm 2000,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
Xác định vị trí, chức năng của thành phố Hải Phòng trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nhằm góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp giữa xây dựng đô thị với bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữa cải tạo với xây dựng mới để từng bước xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vai trò là một đô thị trung tâm cấp quốc gia.
2. Phạm vi nghiên cứu và định hướng phát triển không gian:
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng với diện tích khoảng 1.520 km2 và những khu vực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của thành phố với diện tích khoảng 4.000 km2.
3. Tính chất:
a) Thành phố Hải Phòng là đô thị trung tâm cấp quốc gia; là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của cả nước và của vùng Duyên hải Bắc Bộ.
b) Là thành phố cảng, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước;
c) Là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của thành phố Hải Phòng trực thuộc Trung ương, có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng.
4. Quy mô dân số.
Quy mô dân số đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2020 khoảng 1.350.000 người, trong đó dân số đô thị trung tâm khoảng 1.100.000 người; dân số các đô thị vệ tinh Minh Đức, Đồ Sơn, Núi Đèo, An Lão, Kiến Thụy, Cát Bà và các thị trấn khác khoảng 250.000 người.
5. Quy mô đất đai:
a) Đến năm 2005: Đất xây dựng đô thị khoảng 7.359 ha với chỉ tiêu 103,6 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 3.202 ha với chỉ tiêu 70m2/ người.
b) Đến năm 2020: Đất xây dựng đô thị khoảng 16.000 ha với chỉ tiêu 145,4 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 6.875 ha với chỉ tiêu 68,5 m2/người.
6. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị:
a) Hướng phát triển thành phố:
Phát triển và cải tạo khu vực nội thành trên cơ sở khai thác tận dụng các quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, kết hợp mở rộng và phát triển thành phố ra vùng ven đô, đặc biệt là khu vực Bắc sông Cấm, khu Tây Bắc, khu Đông Nam, phía Quốc lộ 14 và ven biển phía Đông thành phố.
b) Về phân khu chức năng:
Các khu dân cư bao gồm:
Khu hạn chế phát triển gồm các ô phố cũ trong đô thị trung tâm được xây dựng từ trước năm 1954; giới hạn từ đường Tô Hiệu - Lê Lợi, Nguyễn Trãi đến sông Cấm; một phần trung tâm quận Kiến An.
Tại các khu vực này cần hạn chế xây dựng công trình cao tầng để tránh tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng; từng bước di chuyển một số nhà máy, xí nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm môi trường; giảm dân số, tăng chỉ tiêu sử dụng đất và cải thiện môi trường đô thị.
Khu phát triển mở rộng bao gồm: 7 xã phía Nam thành phố thuộc huyện An Hải như Tràng Cát, Đông Hải, Nam Hải, Đằng Lâm, Đằng Hải, Dư Hàng Kênh, Vĩnh Niệm; phía Tây Nam thành phố gồm quận Kiến An; phía Tây Bắc thành phố gồm 2 phường thuộc quận Hồng Bàng và các xã thuộc huyện An Hải; khu đô thị mới Bắc sông Cấm gồm các xã thuộc huyện Thủy Nguyên.
Các khu công nghiệp, kho tàng:
Tổng diện tích đất công nghiệp là 2.400 ha, gồm các khu:
Khu công nghiệp Tây - Tây Bắc thành phố.
Quy mô 368 ha, trong đó: khu Nomura 158 ha, khu công nghiệp Vật Cách 210 ha, phát triển công nghiệp kỹ nghệ cao, thép, cơ khí và dịch vụ kho tàng.
Khu công nghiệp Thượng Lý - Sở Dầu (quận Hồng Bàng): Quy mô 150 ha, phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng và kho tàng, bến bãi, vật liệu xây đựng, chế biến sản phẩm xăng dầu và công nghiệp nhẹ.
Khu công nghiệp Quán Trữ: Quy mô 25 ha, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ, lắp ráp điện tử, sản xuất bao bì, hàng mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí, dệt may.
Khu công nghiệp Cống Đôi - Văn Tràng: Quy mô 25 ha, phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp nhẹ.
Khu công nghiệp Tiên Hội: Quy mô 20 ha, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp nhẹ.
Khu công nghiệp Đông Hải: Quy mô 300 ha, phát triển công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, sản phẩm cơ khí, lắp ráp điện tử, hóa chất.
Khu công nghiệp Đình Vũ: Quy mô 937 ha, phát triển công nghiệp tổng hợp dịch vụ cảng biển và kho tàng, bến bãi phục vụ cảng.
Khu công nghiệp Minh Đức - Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên): Quy mô 100 ha, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất, sản xuất xi măng.
Khu công nghiệp Bến Rừng: Quy mô 405 ha, phát triển công nghiệp phá dỡ tầu cũ, khí hóa lỏng, nhiệt điện, công nghiệp đóng tầu và các sản phẩm tương tự.
Khu công nghiệp Vĩnh Niệm: Quy mô 20 ha, phát triển các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ nhỏ các ngành cơ khí, lắp ráp điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng.
Khu công nghiệp Hải Thành: Quy mô 50 ha, phát triển công nghiệp sạch: sản xuất giầy dép, lắp ráp điện tử, các sản phẩm phục vụ du lịch, đồ gia dụng.
Hệ thống các trung tâm:
Hệ thống trung tâm dịch vụ: Được tổ chức thành các cấp phục vụ hàng ngày, định kỳ và không thường xuyên. Các công trình phục vụ không thường xuyên (cấp thành phố) được bố trí phân tán, phi tập trung; các công trình dịch vụ định kỳ được bố trí gắn với hệ thống trung tâm các khu thành phố (quận) và các khu ở; các công trình phục vụ hàng ngày được bố trí gắn với các đơn vị ở.
Trung tâm hành chính - chính trị của thành phố: Trước mắt bố trí tại các cơ sở đã có thuộc quận Hồng Bàng; dọc các đường Hoàng Văn Thụ - cầu Đất - Lạch Tray; dải trung tâm từ cảng chợ Sắt; trong tương lai bố trí tại đô thị mới Bắc sông Cấm.
Các khu du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí: Tại khu vực nội thành: Gồm các công viên trung tâm An Biên quy mô 40 ha; công viên Đông Khê quy mô 100 ha; công viên Dư Hàng, công viên Bắc sông Cấm (Tân Dương - Vũ Yên) quy mô 600 ha; công viên rừng đồi Thiên Văn (Kiến An) quy mô 100 ha.
Khu vực ven đô: Gồm 3 khu vực cây xanh - thể dục thể thao - di tích lịch sử là: khu Đình Vũ; khu núi Voi (An Lão) và trung tâm thể dục thể thao phía Quốc lộ 14; làng văn hóa Hải Phòng tại Đồ Sơn.
Các khu du lịch nghỉ dưỡng và vùng bảo vệ thiên nhiên ngoại thành gồm: Khu cảnh quan Bắc Thủy Nguyên (sông Giá); khu du lịch Đồ Sơn; khu du lịch đảo Cát Bà, kết hợp với rừng nguyên sinh Cát Bà và vịnh Hạ Long.
Các trung tâm chuyên ngành:
Khu ở cho người nước ngoài: Ngoài các cơ sở làm việc hiện có tại đường Hồ Xuân Hương, khi có nhu cầu, bố trí thêm một số khu tại đường Văn Cao, đường Lạch Tray, đường trục ngã Năm - sân bay Cát Bi và khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Các trường đào tạo, viện nghiên cứu và trụ sở cơ quan nhà nước: Các trường đại học được bố trí tại khu vực từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cầu Rào trên đường Lạch Tray. Các trường chuyên nghiệp, sư phạm bố trí tại Kiến An. Các viện nghiên cứu bố trí phía Quốc lộ 14 từ cầu Rào đi Đồ Sơn. Các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả các cơ quan thuộc lực lượng an mnh, quốc 'phòng cần được sắp xếp, bố trí lại nhằm khắc phục tình trạng phân tán hiện nay trên các tuyến ngã Năm - sân bay Cát Bi, đường Hồ Sen kéo dài đến cầu Rào 2 và tại các khu đô thị mới.
Các trung tâm y tế, nghỉ dưỡng và dưỡng bệnh: Bệnh viện Việt - Tiệp là trung tâm y tế cấp thành phố và chữa bệnh cho người nước ngoài, được cải tạo nâng cấp và mở rộng sang phía trại giam. Trong tương lai, bệnh viện sẽ được chuyển tới địa điểm thích hợp khác ở vùng ngoại ô. Xây dựng một số bệnh viện chuyên khoa nghỉ dưỡng, chữa bệnh cấp vùng.
Các trung tâm thể dục thể thao: Sân vận động trung tâm hiện nay tại khu đô thị cũ được nâng cấp và hoàn thiện, có sức chứa từ 1,5 đến 2 vạn người. Hình thành khu liên hợp thể thao cấp vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô khoảng 70 ha, gắn với trục đường Hải Phòng - Đồ Sơn.
Các trung tâm thể dục thể thao từng khu vực có quy mô từ 5 đến 10 ha được bố trí trong các khu đô thị.
Các khu an ninh, quốc phòng: Trên cơ sở các khu vực có công trình thuộc lực lượng an mnh, quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy hoạch bố trí các khu quân sự, khu an ninh phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung và với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần bảo vệ chặt chẽ vành đai xanh của thành phố, là vùng đất nông nghiệp bao quanh đô thị trung tâm, có tác dụng bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị; vùng cây xanh phòng hộ ngập mặn ven biển theo tuyến Quốc lộ 14 - Đồ Sơn; vùng đất cây xanh lưu không bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối của đô thị như ven chân cầu vượt sông, Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, phễu bay của sân bay Cát Bi.
c) Về kiến trúc và cảnh quan đô thị:
Đối với khu vực hạn chế phát triển (khu vực nội thành cũ): Phải giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị; cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng; tăng diện tích cây xanh, diện tích các công trình phục vụ công cộng; có thể xây dựng một số nhà cao tầng ở vị trí thích hợp, nhưng không làm biến dạng hình ảnh và môi trường văn hóa truyền thống của đô thị; di dời ra ngoại thành những cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm; từng bước cải tạo môi trường đô thị;
Đối với khu vực mở rộng phát triển đô thị: Bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh, các hồ và mặt nước thoáng dọc các trục sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Bạch Đằng, ven biển, dọc Quốc lộ 14, thị xã Đồ Sơn, núi Đèo, núi Voi, Cát Bà, nhằm tạo các hành lang xanh thông thoáng cho thành phố.
Phát triển các khu đô thị mới hiện đại có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hợp lý với tỷ lệ diện tích cây xanh cao, ưu tiên đất cho không gian thông thoáng; phát triển nhà cao tầng tại các khu trung tâm và trục đường chính để tăng tỷ lệ tầng cao, giảm mật độ xây dựng, đồng thời đô thị hóa các làng xóm hiện có gắn với cơ cấu Quy hoạch chung của thành phố.
Khu vực ngoại thành: Phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp tiên tiến, kết hợp xây dựng các khu vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
7. Về quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a) Quy hoạch giao thông:
Đến năm 2020, đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả giao thông động và giao thông tĩnh phải đạt diện tích bình quân 17 m2 /người với tỷ lệ 11,6% đất xây dựng đô thị.
Về đường bộ:
Cải tạo và mở rộng các tuyến quốc lộ hướng vào thành phố: Quốc lộ 5 qua thành phố Hải Phòng, từ km 77+650 tới Đình Vũ, trở thành đường phố chính cấp I đô thị: Quốc lộ 10 trong tương lai là đường cấp II đồng bằng trên toàn tuyến.
Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đường vành đai:
Vành đai 1: Thượng Lý - Bạch Đằng - Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông - Lê Lai - Tô Hiệu;
Vành đai II trùng với một đoạn Quốc lộ 5: Thượng Lý - Dư Hàng Kênh - Chùa Vẽ;
Vành đai III: Minh Đức - Vật Cách - Kiến An -Đồ Sơn - Đình Vũ - Minh Đức.
Hoàn chỉnh mạng lưới đường đô thị hướng tâm gồm: tuyến đường từ Khu đô thị mới Bắc sông Cấm - Núi Đèo - Bến Rừng; tuyến Hải Phòng - Đồ Sơn; tuyến cầu Niệm - Kiến An - Vĩnh Bảo; tuyến Ngã Ba Chùa Vẽ - Đình Vũ - Cát Bà; tuyến Ngã Ba Xi măng theo Quốc lộ 5 đi Hà Nội.
Cải tạo và xây dựng hệ thống đường nội thị theo quy hoạch.
Về đường sắt:
Về cơ bản, thống nhất với Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1993, gồm các tuyến đường sắt gắn với hệ thống cảng: Vật Cách, Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Đình Vũ, khu công nghiệp Minh Đức và đô thị mới Bắc sông Cấm.
Ga lập tầu: Bố trí ở Cam Lộ;
Ga hành khách: Giữ nguyên địa điểm hiện nay;
Các tuyến đường sắt gồm: Tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng là đường đơn, dành đất để mở rộng đường đôi khi có nhu cầu; tuyến hướng vào nội đô là tuyến đi phía Bắc song song với đường Hoàng Diệu, đi trên cao, qua hai cầu: sông đào Thượng Lý và Tam Bạc; tuyến đi đô thị mới Bắc sông Cấm qua sông Cấm về khu công nghiệp Minh Đức; tuyến đi Đồ Sơn khi có cảng nước sâu Nam Đồ Sơn.
Về đường thủy:
Đường biển: Phát triển cụm cảng Hải Phòng gắn bó chặt chẽ với cụm cảng Đông Bắc. Nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu cho tầu từ 3 đến 5 vạn tấn tại vị trí thích hợp, bảo đảm tính kinh tế, kỹ thuật, vệ sinh môi trường và gắn bó hợp lý với cơ cấu Quy hoạch chung thành phố.
Mở mới luồng tầu biển cho tầu 1 vạn tấn vào cảng Hải Phòng qua Lạch Huyện- kênh Cái Tráp vào sông Bạch Đằng bảo đảm mức nước sâu 7,7 m.
Đường sông: Đầu tư nạo vét, duy tu độ sâu, bảo đảm vận tải thông suất theo cấp kỹ thuật trên các tuyến sông cấp I đến cấp IV; nạo vét, kè, làm đường ven các tuyến sông đào Thượng Lý, sông Tam Bạc, sông Cấm; quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông đường sông Hải Phòng phù hợp với quy hoạch giao thông đường sông quốc gia; xây dựng hệ thống cảng sông Vĩnh Niệm, Kiến An; cảng khách đi Cát Bà, Cát Hải, Quảng Ninh và cảng khách cầu Niệm đi Thái Bình, Nam Hà.
Về đường hàng không:
Nâng cấp sân bay Cát Bi trở thành sân bay quốc tế cấp vùng duyên hải với diện tích 600 ha; quy mô đường băng 3.200 m; lượng khách hơn 2 triệu khách/năm.
Xây dựng sân bay du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn; giữ nguyên sân bay quân sự Kiến An.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật, đất đai:
Bảo đảm độ dốc nên quy hoạch từ 0,01 đến 0,002 để thoát nước được thuận lợi;
Cao độ nền xây dựng: Đối với khu đô thị cũ từ + 4,2 đến + 4,7m; đối với các khu đất ven sông dự kiến xây dựng cảng, công nghiệp, kho bãi từ + 5,0m trở lên.
Thoát nước mưa: Đối với khu đô thị cũ, nước mưa và nước bẩn chảy chung, dần dần tách riêng khi có điều kiện; đối với các khu đô thị và khu công nghiệp mới, tách riêng mạng lưới thải nước mưa và thải nước bẩn.
c) Về cấp nước:
Nguồn nước cấp cho đô thị trung tâm là nguồn nước mặt của hệ thống An Kim Hải tại Vật Cách cung cấp từ sông Sải, sông Đa Độ và sông Giá.
Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2005 là 150 lít/người/ngày với 90% dân số đô thị được cấp nước; đến năm 2020 là 180 lít/người/ngày với khoảng 90% đến 95% dân số đô thị được cấp nước.
d) Về cấp điện:
Nguồn điện từ hệ thống điện quốc gia là Nhà máy điện Phả Lại, xây dựng các trạm nguồn Vật Cách, Đình Vũ; cải tạo và xây dựng các trạm giải áp chính 110 kv.
e) Về thông tin, bưu chính viễn thông:
Hiện đại hóa mạng thông tin liên lạc theo dự án của ngành Bưu điện; hoàn chỉnh mạng lưới trạm bưu cục khu vực, mạng điện thoại công cộng; phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông tiên tiến; đến năm 2020 có khoảng 22 đến 24 máy điện thoại /100 dân.
f) Về thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
Nước thải công nghiệp phải được xử lý cho từng nhà máy có quy mô và tính chất đặc biệt, hoặc xây dựng trạm xử lý cho một cụm khu công nghiệp, bảo đảm đạt yêu cầu về vệ sinh theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước mới được xả ra sông, hồ.
Nước thải sinh hoạt trong đô thị và nước thải bệnh viện được xử lý triệt để trước khi xả ra kênh, mương và sông, hồ.
Bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh:
Khai thác sử dụng bãi rác Tràng Cát với quy mô 60 ha cho đô thị trung tâm; mở rộng bãi rác Đồ Sơn hiện nay lên 6 ha; xây dựng mới các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại Xuân Sơn (huyện An Lão) với quy mô 10 ha; tại Gia Minh phục vụ cho khu đô thị Bắc sông Cấm; tại xã Đại Bản phục vụ cho khu đô thị Tây Bắc; tại vị trí gần phà. Khu phục vụ cho các thị trấn Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.
Nghĩa trang: Không tiếp tục khai thác mở rộng nghĩa trang Ninh Hải; mở rộng nghĩa trang cát táng Phi Liệt (huyện Thủy Nguyên).
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng:
Phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2020, công bố để nhân dân biết, kiểm tra và thực hiện; tổ chức việc thực hiện Quy hoạch nêu trên theo quy định của pháp luật;
Ban hành Điều lệ Quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng thành phố Hải Phòng sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng;
Nghiên cứu Đề án hình thành và phát triển cảng nước sâu trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo sự hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.