UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt NamQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Về việc ban hành bản "Quy định trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng".
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994
Căn cứ luật bảo vệ và phát triển rừng ban hành ngày 19/8/1991.
Căn cứ nghị định số 22/CP ngày 9/8/1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm và Giám đóc Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hàng kèm theo quyết định này bản quy định trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 2269 ngày 23/11/1995 cuả UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Những quy định trước đây của UBND tỉnh trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn Phòng UBND tỉnh, Thủ tướng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Các chủ rừng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 1019/ QĐ-UB ngày 18 tháng 7 năm 1997 của UBND tỉnh)
I. Những quy định chung:
Điều 1: Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, cháy rừng là một thảm hoạ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, tài sản và tính mạng của nhân dân, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường. Bảo vệ rừng, chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây viết tắt là PCCCR) là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang và mọi công dân trong tỉnh. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong rừng và ven rừng.
Điều 2: UBND các cấp phải chỉ đạo thực hiện công tác PCCCR trong phạm vị địa phương mình. Các chủ rừng phải thực hiện các quy định về PCCCR và chịu trách nhiệm về rừng do mình quản lý khi bị cháy (trừ trường hợp được xác minh là bất khả kháng). Lực lượng kiểm lâm tham mưu giúp chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện PCCCR. Các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm lâm trong công tác PCCCR.
Điều 3: Công tác phòng chống cháy rừng phải chú trọng biện pháp lâm sinh kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác.
Điều 4: Nghiêm cấm mọi hành vi phá rừng, đốt rừng huỷ hoại các công trình PCCCR hoặc có hành vi khác gây tổn hại cho tài nguyên rừng.
II- Trách nhiệm, tổ chức và kinh phí PCCCR:
Điều 5: Trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm
Chi cục kiểm lâm, hạt kiểm lâm giúp UBND cùng cấp chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác PCCCR.
Tổ chức tốt công tác dự báo cháy rừng với từng thời kỳ theo cấp dự báo cháy rừng, quy hoạch xác định trọng điểm cháy, xây dựng kế hoạch, biện pháp và hướng dẫn cơ sở lập phương án.
Chi cục kiểm lâm giúp UBND tỉnh thẩm định thiết kế các công trình PCCCR đối với các dự án trồng rừng, chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc thường xuyên tiến hành tuyên truyền giáo dục về PCCCR dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đồng thời hướng dẫn kiểm tra chặt chẽ đối với các chủ rừng về PCCCR, đặc biệt chú trọng trong mùa khô hành, tổ chức lực lượng và trang thiết bị, các phương tiện chữa cháy rừng cần thiết cho cơ sở.
Lực lượng kiểm lâm phải có mặt kịp thời khi xảy ra cháy rừng hoặc có tin báo cháy rừng để tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo chữa cháy và xử lý các tình huống phức tạp, giải quyết các hậu quả và làm rõ nguyên nhân cháy rừng theo thẩm quyền.
Tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên và đột xuất.
Điều 6: Trách nhiệm của các chủ rừng:
Các chủ rừng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định hiện hành.
Khi thiết kế trồng rừng, phải thiết kế các công trình phòng cháy chữa cháy rừng. ở những nơi đã trồng rừng nhưng chưa có thiết kế phòng cháy chữa cháy rừng, phải được thiết kế bổ sung kịp thời.
Đối với các khu vực trồng rừng tập trung, khu vực trọng điểm dễ cháy như: Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà…phải xây dựng các công trình phòng cháy (đường ranh cản lửa, chòi canh lửa, biển báo, biển cấm lửa, hệ thống thông tin liên lạc, cải tạo xây dựng hồ, đập, suối, kênh mương để dự trữ nước chữa cháy rừng).
- Những khu rừng phân tán của nhiều chủ rừng, các chủ rừng phải thống nhất đề nghị cơ quan kiểm lâm xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng và cùng đóng góp kinh phí để thực thi phương án.
- ở các khu rừng có loại cây dễ cháy như thông, các loại cây họ đậu khác, cần áp dụng các biện pháp lâm sinh như trồng rừng hỗn giao nhiều tầng hoặc xây dựng các đường băng trắng, đường băng xanh cản lửa.
- ở các vùng trọng điểm dễ cháy, nếu có điều kiện, có thể áp dụng biện pháp tu bổ, chăm sóc, vệ sinh rừng hoặc đốt (có điều khiển) vào trước mùa khô hanh để làm giảm nguồn Vật liệu cháy.
-Cùng với cơ quan kiểm lâm, từng bước trang bị những thiết bị phương tiện PCCCR cần thiết.
-Trong mùa khô hanh, phải tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng mà lực lượng tuần tra không phát hiện được để tổ chức việc chữa cháy thì những người được phân công tuần tra phải bị truy cứu trách nhiệm.
- Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời huy động lực lượng và phương tiện hổ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn.
Điều 7: Trách nhiệm của chính quyền địa phương:
a-UBND các huyện, thành, thị:
- Tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng đến mọi người dân nhận thức sâu sắc về vị trí, tác dụng nhiều mặt của rừng, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc PCCCR trong phạm vi địa phương mình.
- Phê duyệt, tổ chức tập dượt phương án PCCCR do cơ quan kiểm lâm xây dựng và chỉ đạo việc triển khai thực hiện đến cơ sở, nhất là những vùng trọng điểm có rừng dễ cháy.
- Các huyện có rừng phải thành lập ban chỉ đạo PCCCR do đồng chí phó chủ tịch làm trưởng ban, kiểm lâm làm phó ban thường trực và đại diện một số ngành liên quan tham gia.
Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc công tác PCCCR, huy động mọi lực lượng, mọi phương tiện để nhanh chóng dập tắt cháy rừng, sau mỗi vụ khô hanh phải có tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo cho mùa khô sau.
- Phải gắn công tác PCCCR với việc tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp, giao đất, giao rừng, vận động định canh, định cư, sớm chấm dứt nạn đốt phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện.
- Chỉ đạo việc phối kết hợp giữa các xã và các cơ quan chức năng của huyện với các ngành chức năng của tỉnh trong công tác PCCCR, trong việc huy động lực lượng và phương tiện để chữa cháy rừng...
b-UBND các xã:
- Các xã (nơi có rừng) thành lập Ban chỉ đạo PCCCR do đồng chí phó chủ tịch (trưởng công an xã) làm trưởng ban và nhất thiết phải có đội hoặc tổ PCCCR: thường xuyên sẵn sàng, chủ động xử lý mọi tình huống khi có cháy rừng xảy ra.
- Đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn, tạo điều kiện để các chủ rừng trên địa bàn xã thực hiện tốt các qui định về PCCCR.
- Phối kết hợp chặt chẽ cùng lực lượng kiểm lâm triển khai phươnh án PCCCR: Có trách nhiệm cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, xử lý, điều tra các vụ vi phạm qui định trong công tác PCCCR trên địa bàn xã.
- Chấp hành nghiêm lệnh huy động về lực lượng, phương tiện của cơ quan có thẩm quyền để ứng cứu khi xảy ra cháy rừng cả ở trên địa bàn xã cũng như các khu vực xung quanh.
Điều 8: Trách nhiệm của lực lượng Công an:
-Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm xây dựng phương án PCCCR.
-Phối hợp với kiểm lâm hướng dẫn các chủ rừng mua sắm các loại trang bị, phương tiện chuyên dùng về PCCCR.
- Hướng dẫn và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ thuật PCCCR cho lực lượng PCCCR.
- Tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng.
- Tiến hành điều tra hoặc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm để điều tra xác định nguyên nhân cháy rừng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
- Thường xuyên phối hợp với kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR của các cơ sở và chủ rừng.
Điều 9: Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân:
- Mọi tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động ở trong rừng và ven rừng phải tuân thủ theo các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR.
- Khi phát hiện cháy rừng phải báo ngay cho củ rừng hoặc cơ quan kiểm lâm gần nhất, đồng thời phải triển khai ngay các biện pháp dập lửa.
- Mọi tổ chức, cá nhân phải chấp hành lệnh huy động về người và phương tiện để chữa cháy rừng.
- Cung cấp đầy đủ các thông tin cho cơ quan điều tra về vụ cháy rừng mà mình biết.
Điều 10: Nghiêm cấm đối với các trường hợp sau:
Đốt lửa ở các khu rừng dễ cháy như thông, các loại cây họ đậu, rừng tre, nứa, rừng trồng, rừng non tái sinh, những đồi cỏ tranh, lau sậy dễ cháy lan vào rừng trong mùa khô hanh.
- Đốt lửa ở khu vực bãi gỗ.
- Đốt lửa trong các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
- Các hành vi dùng lửa hoặc các hành vi gây ra lửa khác mà không được phép của cơ quan Kiểm lâm.
Điều 11: Đồng bào ở những vùng núi như Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà, Thanh Ba, Sông Thao, Tam Thanh, Đoan Hùng,... khi phát nương, làm rẫy phải tuân theo quy hoạch và hướng dẫn của cơ quan kiểm lâm không để xảy ra cháy rừng lây lan.
Điều 12: Các khu rừng đặc dụng mang tính nghiên cứu, tham quan như Xuân Sơn, Đền Hùng phải có nội quy, trong đó quy định rõ về PCCCR. ở những vị trí cần thiết, xây dựng hệ thống biển bảo vệ rừng, Ban quản lý các khu rừng nới trên có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục công tác PCCCR trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 13: Về kinh phí: Hàng năm Sở Tài chính Vật giá đưa vào cân đối và kịp thời cho công tác PCCCR từ nguồn kinh phí sự nghiệp đối với các khu rừng do Kiểm lâm quản lý.
-Đối với rừng trồng, kinh phí PCCCR sẽ được thanh toán vào giá thành trồng, chăm sóc rừng hàng năm.
-Đối với rừng, diện tích đất lâm nghiệp mà các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đứng ra nhận khoán thì chủ rừng phải lập kế hoạch PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí.
II. Khen thưởng và xử lý vi phạm:
Điều 14:
Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc PCCC sẽ được xét thưởng.
Người nào vì tham gia chữa cháy rừng mà thiệt hại về tài sản, sức khoẻ hoặc tính mạng sẽ được xem xét trợ cấp và hưởng các chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành.
Điều 15: Tổ chức, cá nhân nào vi phạm những quy định về PCCCR hoặc cố tình bao che cho kẻ đốt rừng, gây cháy rừng thì tuỳ theo mức độ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
III- Tổ chức thực hiện:
Điều 16: Giao cho Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương có rừng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện quy định này trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh, các cấp ngành, tổ chức và cá nhân đề xuất ý kiến (qua Chi cục kiểm lâm) báo cáo UBND tỉnh xem xét để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.