Văn bản pháp luật: Quyết định 124/2003/QĐ-BTC

Trương Chí Trung
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 124/2003/QĐ-BTC
Quyết định
02/09/2003
01/08/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế Thống kê nhà nước về Hải quan

Thứ trưởng
2.003
Bộ Tài chính

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Về việc ban hành Quy chế Thống kê nhà nước về Hải quan

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH 

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 19 tháng 5 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ  Nghị định 96/2002/NĐ-CP ngày19/11/2002 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;

Căn cứ  Quyết định số 141/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển thống kê Việt nam đến 2010;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

 

QUYẾT ĐỊNH:         

 

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Thống kê nhà nước về Hải quan.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Bãi bỏ Quy chế công tác Thống kê nhà nước về Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TCHQ ngày 21 tháng 12 năm 1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

QUY CHẾ THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 124/2003/QĐ-BTC

ngày  01  tháng  08  năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

CHƯƠNG I

Những quy định chung

 

Điều 1: Thống kê nhà nước về Hải quan là quá trình thu nhập, xử lý, tổng hợp, quản lý, phân tích và cung cấp thông tin thống kê phản ánh tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của đất nước, phục vụ yêu cầu của Nhà nước, nhu cầu thông tin của các đối tượng khác theo quy định, do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện.

 

Điều 2: Thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được tổng hợp từ tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, các chứng từ kèm theo hồ sơ hải quan và các thông tin bổ sung theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan quản lý là cơ sở dữ liệu quốc gia.

 

Điều 3:.Công tác thống kê nhà nước về Hải quan được cải tiến và hoàn thiện theo hướng ứng dụng phương pháp thống kê hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, phù hợp với hệ thống tự động hoá thủ tục Hải quan, với các tiêu chuẩn, thông lệ thống kê quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

 

Điều 4:

1.  Thống kê nhà nước về Hải quan phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời và thống nhất trong phạm vi toàn quốc về:

Phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin thống kê;

Các chỉ tiêu, phương pháp tính, nội dung và biểu mẫu thống kê trong ngành Hải quan phù hợp với phương pháp thống kê của cơ quan thống kê nhà nước đã ban hành.

2.  Trong công tác Thống kê nhà nước về Hải quan, nghiêm cấm:

Sử dụng thông tin của các loại tờ khai, chứng từ, biểu mẫu không hợp lệ để cập nhật và báo cáo;

Cố tình không đưa đầy đủ vào hệ thống các tờ khai hải quan và các thông tin của tờ khai hải quan;

Làm lộ bí mật các thông tin thống kê.

 

CHƯƠNG II

Phạm vi và nội dung thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

 

Điều 5: Phạm vi số liệu thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

1. Toàn bộ hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (xuất khẩu) làm giảm hoặc đưa vào lãnh thổ của Việt Nam (nhập khẩu) làm tăng nguồn vật chất của Việt Nam đều thuộc phạm vi thống kê.

Những hàng hoá chỉ đơn giản vận chuyển qua lãnh thổ của Việt Nam mà không làm tăng hoặc giảm nguồn vật chất của Việt Nam thì không thống kê vào hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Hàng hoá xuất khẩu: gồm toàn bộ hàng hoá có xuất xứ trong nước, hàng hoá tái xuất, được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài hoặc gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu.

Trong đó:

Hàng hoá có xuất xứ trong nước là hàng hoá được sản xuất, kinh doanh, khai thác, chế biến trong nước;

Hàng hoá tái xuất là những hàng hoá đã nhập khẩu, sau đó lại xuất khẩu nguyên dạng hoặc chỉ sơ chế, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi bản chất của những hàng hoá đó.

3. Hàng hoá nhập khẩu: gồm toàn bộ hàng hoá nước ngoài, hàng hoá tái nhập, được nhập khẩu để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, gia công, tiêu dùng trong nước và để tái xuất, kể cả hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp chế xuất ở trong và ngoài khu chế xuất.

Trong đó:

Hàng hoá nước ngoài là những hàng hoá được nhập khẩu trực tiếp từ các nước, kể cả hàng hoá của Việt Nam được gia công ở nước ngoài sau đó nhập vào trong nước và những hàng hoá nhập vào trong nước từ  kho ngoại quan.

Hàng hoá tái nhập là những hàng hoá của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài, sau đó được nhập khẩu trở lại nguyên dạng hoặc chỉ sơ chế, đóng gói lại, bản chất hàng hoá không thay đổi.

 

Điều 6: Những hàng hoá được tính trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam:

1.     Hàng hoá mua bán, trao đổi với nước ngoài thông qua các hợp đồng thương mại, hợp đồng gia công, đổi hàng, hợp tác kinh tế, hợp tác đầu tư, liên doanh với nước ngoài, được ký giữa Chính phủ, các doanh nghiệp hoặc các cá nhân;

2.     Hàng hoá thuộc các chương trình viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các hình thức viện trợ nhân đạo khác;

3.      Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập;

4.     Vàng phi tiền tệ (có mã HS là 710811, 710812, 710813);

5.     Tiền giấy (có mã HS là 49070020), tiền xu (có mã HS là 7118) không dùng trong lưu thông, séc không phát hành (có mã HS là 49070030), các bộ sưu tập tiền xu hoặc tiền giấy (có mã HS là 97050090);

6.     Hàng hoá cho thuê hoặc đi thuê với thời hạn trên một năm (chẳng hạn như: thiết bị nhà thầu, máy bay, tàu thuyền,...);

7.     Hàng hoá đưa ra nước ngoài để sửa chữa, hoàn thiện và hàng hoá của nước ngoài đưa vào Việt Nam để sửa chữa, hoàn thiện (chỉ tính lượng, trị giá phụ tùng thay thế khi sửa chữa);

8.     Hàng hoá đưa đi tham dự hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài sau đó được bán, tặng, trao đổi ở nước ngoài và ngược lại, hàng hoá của nước ngoài nhập vào nước ta với các mục đích trên, sau đó không tái xuất khẩu;

9.     Hàng hoá mua bán của cư dân biên giới với các nước có chung đường biên giới;

10.   Hàng hoá vượt quá tiêu chuẩn hành lý cá nhân do Chính phủ Việt Nam qui định    khi xuất cảnh, nhập cảnh;

11.   Điện, khí đốt, nước mua bán giữa Việt Nam với các nước;

12.   Xăng dầu cho máy bay, tàu thuyền trong giao thông quốc tế;

13.   Hàng hoá là vật mang tin (như băng từ, đĩa từ, CD…) đã ghi âm, ghi hình, dữ liệu hoặc phần mềm máy tính được sản xuất phục vụ nhiều đối tượng sử dụng hoặc để mua/bán thông thường (trừ loại chứa bản gốc được sản xuất theo yêu cầu riêng);

14.   Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử.

 

Điều 7: Những hàng hoá không được tính trong thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam mà được thống kê riêng:

1.    Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các cửa hàng miễn thuế;

2.    Hàng hoá kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu (mua của một nước, sau đó bán cho một nước khác, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam hoặc chỉ làm thủ tục gửi vào kho ngoại quan của Việt Nam); hàng hoá quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;

3.    Hàng hoá quản lý tạm thời thông qua thủ tục hải quan tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập như: hàng hoá tham dự triển lãm, hội chợ, mẫu chào hàng, dụng cụ, súc vật phục vụ các chuyến biểu diễn xiếc, nghệ thuật, thi đấu thể thao sau đó lại tái xuất hoặc tái nhập;

4.    Hàng hoá cho thuê hoặc đi thuê dưới một năm;

5.    Hàng hoá của Chính phủ gửi cho các đoàn ngoại giao, các đại sứ quán;

6.    Vàng tiền tệ: vàng thuộc giao dịch của các ngân hàng hoặc cơ quan tiền tệ hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu cho mục đích dự trữ, cân đối tiền tệ (có mã số HS là 710820);

7.    Tiền xu, tiền giấy và tiền séc đã phát hành và đang trong khâu lưu thông;

 

Điều 8: Thời điểm thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là thời điểm cơ quan Hải quan chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan.

Trong những trường hợp đặc biệt thời điểm thống kê khác với thời điểm này sẽ được quy định riêng.

Thời gian quy định trong thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tính theo  năm dương lịch.

 

Điều 9: Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong thống kê:

Mã số hàng hoá trong thống kê hải quan được sử dụng theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

 

Điều 10: Trị giá thống kê:

1.      Xác định trị giá: trị giá sử dụng để thống kê là trị giá của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do người khai báo khai trên tờ khai hải quan tại thời điểm được cơ quan hải quan chấp nhận đăng ký.

2.      Loại giá sử dụng trong thống kê:

Trị giá hàng hoá xuất khẩu được tính theo giá FOB hoặc giá giao hàng tại biên giới của Việt Nam;

Trị giá hàng hoá nhập khẩu tính theo giá CIF hoặc giá khi nhận hàng hoá tại biên giới Việt Nam.

Nếu hợp đồng thương mại áp dụng điều kiện giao hàng khác với điều kiện xuất khẩu FOB, nhập khẩu CIF thì cần sử dụng các chứng từ  như  hợp đồng vận tải, bảo hiểm, để tính toán và qui về giá theo điều kiện FOB, CIF.

3.      Trị giá hàng hoá cho các loại hình đặc thù như:

Hàng hoá gia công, chế biến, lắp ráp: tính đầy đủ trị giá hàng hoá là nguyên liệu trước khi gia công, chế biến, lắp ráp và toàn bộ trị giá thành phẩm hoàn trả sau gia công, chế biến lắp ráp.

Hàng hoá làm thủ tục hải quan đăng ký tờ khai 1 lần: khi thanh khoản tờ khai thì  điều chỉnh trị giá theo trị giá thực thanh toán. 

Điều 11: Đồng tiền sử dụng trong thống kê:

Đồng tiền dùng trong thống kê hải quan về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam là đồng Đôla Mỹ.

Tỷ giá qui đổi giữa các ngoại tệ khác sang Đôla Mỹ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

Điều 12: Đơn vị tính:

Đơn vị tính sử dụng trong thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

 

Điều 13: Nước đối tác trong thống kê:

Nước xuất khẩu: là nước cuối cùng hàng hoá của Việt Nam được xuất khẩu đến, không tính nước mà hàng hoá trung chuyển.

Nước nhập khẩu: là nước mà từ nước đó hàng hoá được chuyển đến Việt Nam, không tính nước mà hàng hoá được trung chuyển qua.

Nước xuất xứ: thống kê theo nước xuất xứ  tuân thủ các quy định và quy tắc xuất xứ hàng hoá của Việt Nam.

Mã nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và nước xuất xứ  tuân thủ theo hệ thống mã tiêu chuẩn quốc tế ISO.

                                                       

                                                       CHƯƠNG III

Quy định về thu thập, điều tra và báo cáo thống kê

Điều 14: Quy định về việc thu thập thông tin thống kê:

Việc thu thập thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được tổ chức thực hiện từ cấp Chi cục Hải quan, cấp Cục Hải quan và Tổng cục Hải quan.

Cấp Chi cục Hải quan thực hiện thu thập, cập nhật số liệu về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ngay sau khi chấp nhận đăng kí tờ khai hải quan.

Cấp Cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu từ  các Chi cục Hải quan trực thuộc và truyền về Tổng 0cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan thực hiện việc xử lý, tổng hợp, lưu trữ, phân tích thông tin thống kê được truyền lên từ các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và thông tin từ các nguồn khác.

Tổng cục Hải quan quy định cụ thể thời hạn thu thập, chế độ báo cáo thông tin thống kê của ngành Hải quan. 

 

Điều15: Điều tra thống kê hải quan:

Trong những trường hợp cần thiết, Tổng cục Hải quan quyết định điều tra thống kê đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. Các tổ chức, cá nhân trong phạm vi điều tra thống kê phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Việc điều tra thống kê được tiến hành đúng phương pháp chuyên môn nghiệp vụ của điều tra thống kê do cơ quan thống kê nhà nước quy định.

 

Điều 16: Báo cáo thống kê hải quan:

Thực hiện chế độ báo cáo thống kê là yêu cầu bắt buộc đối với các cấp Hải quan từ  Chi cục Hải quan đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm ban hành quy định hệ thống các mẫu biểu báo cáo thống kê về hàng hoá xuất nhập khẩu để thu thập thông tin thống kê đối với những chỉ tiêu thống kê quốc gia và các chỉ tiêu thống kê bổ sung để đảm bảo thống nhất về nội dung, thể thức và thời gian báo cáo.

Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Hải quan, các tổ chức, cá nhân lập và ký duyệt các báo cáo thống kê phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời của những thông tin thống kê thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.


CHƯƠNG IV

Qui định về lưu giữ và cung cấp thông tin thống kê

 

Điều 17: Tổng cục Hải quan có trách nhiệm đầu tư, quản lý kho dữ  liệu quốc gia về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở từng bước ứng dụng công nghệ tin học hiện đại, tích hợp các thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử để đảm bảo thuận tiện cho lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin thống kê.

 

Điều 18: Thời hạn lưu giữ các báo cáo thống kê và kho dữ  liệu quốc gia về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

 

Điều 19: Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo Chính phủ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hoá của Việt Nam, cung cấp các thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan thống kê nhà nước, các Bộ, Ngành và các đối tượng sử dụng thông tin khác theo đúng quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin cho các tổ chức nước ngoài sẽ thực hiện theo quy định riêng.

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố được cung cấp những thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi địa bàn phụ trách cho cơ quan thống kê tỉnh, thành phố và các cơ quan Nhà nước khác đóng tại địa phương. Khi cung cấp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin đó theo quy định của pháp luật.

 

 

CHƯƠNG V

Trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác thống kê

Điều 20: Thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp thống kê:

1. Tổng cục Hải quan:

Tổ chức, xây dựng quy trình chuẩn bị thông tin thống kê, hướng dẫn và kiểm tra  các đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện việc thu thập, xử lý, quản lý, báo cáo thông tin Thống kê nhà nước về Hải quan;

Tổ chức, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

Thực hiện công tác xử lý, phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thống kê về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho các đơn vị trong và ngoài ngành theo quy định của pháp luật;

Ban hành quy định về hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê nhà nước về hải quan;

Tổ chức và thực hiện điều tra thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các cuộc điều tra thống kê khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, Ngành theo quy định về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Ban hành Niên giám Thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác thống kê Hải quan.

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

Tổ chức thực hiện công tác thống kê trong phạm vi địa bàn phụ trách, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ nghiệp vụ cần thiết để chế độ thống kê được chấp hành đầy đủ;

Chịu trách nhiệm trước Tổng cục Hải quan về việc tổ chức thực hiện công tác thống kê và các quy định về chế độ thống kê trong phạm vi quản lý;

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác thống kê tại các Chi cục Hải quan;

Tổ chức thu thập, kiểm tra số liệu thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu từ các Chi cục Hải quan trực thuộc;

Thực hiện công tác báo cáo thống kê thường xuyên và định kỳ về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.

3. Chi cục Hải quan cửa khẩu và tương đương:

Đảm bảo và tạo điều kiện cho đơn vị chấp hành đầy đủ, thực hiện thuận lợi chế độ thống kê theo quy định;

Tổ chức triển khai cập nhật số liệu của tờ khai hải quan ngay từ khâu đầu tiên trong quy trình nghiệp vụ hải quan, với đầy đủ các chỉ tiêu trong tờ khai; 

Thực hiện công tác báo cáo thống kê thường xuyên và định kỳ về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.

 

Điều 21: Công chức hải quan làm công tác thống kê được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thống kê và có trách nhiệm tuân thủ những qui định trong lĩnh vực thống kê.

 

Điều 22: Các tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm khai báo, cung cấp

thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ công tác thống kê và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin cung cấp.

 

CHƯƠNG VI

    Khen thưởng và xử lý vi phạm

 

Điều 23: Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thống kê nhà nước về Hải quan và thực hiện tốt Quy chế này được xét khen thưởng hàng năm theo chế độ chung của Nhà nước.

 

Điều 24:. Đơn vị, cá nhân nào vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VII

Tổ chức thực hiện

 

Điều 25: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc  tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này tới các đơn vị, cá nhân có liên quan.

 

Điều 26: Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế này và gửi báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan (qua Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan) để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.

 

Điều 27: Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có điểm nào vướng mắc hoặc không còn phù hợp với thực tế thì Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân gửi ý kiến về Tổng cục Hải quan (qua Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan) và Văn phòng Bộ Tài chính để xem xét, kiến nghị, sửa đổi cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19758&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận