Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Về việc ban hành qui chế về thanh tra công tác Tổ chức cán bộ Nhà nước tỉnh Lâm Đồng
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;
Căn cứ Quyết định số 147/TCCP-TTCP ngày 21/11/1995 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ. Về việc Ban hành qui chế công tác thanh tra của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ;
Căn cứ công văn số 135/TCCP-TTCP ngày 26/9/1997 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, về việc đẩy mạnh thanh tra công tác tổ chức cán bộ Nhà nước;
Theo đề nghị của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Lâm Đồng,
-
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo Quyết định này: "Qui chế về thanh tra công tác tổ chức căn bộ Nhà nước" tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, thủ trưởng các sở - Ban - Ngành, chủ tịch UBND các huyện, Thị xã và thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng căn cứ Quyết định thi hành./.
QUI CHẾ VỀ THANH TRA CÔNG TÁC
TỔ CHỨC CÁN BỘ NHÀ NƯỚC TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1859/Quyết định-UBTC
Ngày 8/12/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Phần I
NỘI DUNG CÔNG TÁC THANH TRA
1. Để phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý các vi phạm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ trong công tác Tổ chức Cán bộ Nhà nước tỉnh Lâm Đồng, đã được Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Tỉnh Uỷ Lâm Đồng phân cấp quản lý.
2. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định nội dung thanh tra, kiểm tra các sở, ban, ngành, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) thuộc tỉnh Lâm Đồng, trong việc thực hiện chính sách, chế độ quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực Tổ chức Cán bộ.
3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nội dung công tác thanh tra bao gồm những vấn đề sau:
a. Việc thi hành các Quyết định về thành lập, sát nhập, giải thể, chia tách các phòng, ban, tổ... trực thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Lâm Đồng.
b. Việc tổ chức, hoạt động của các Hội được thành lập tại địa phương.
c. Việc thực hiện các qui định về đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển và đánh giá công chức, viên chức.
d. Việc thực hiện chế độ nâng lương thường xuyên hàng năm, xếp ngạch, nâng ngạch lương và chính sách, tiêu chuẩn nghỉ hưu, nghỉ thôi việc một lần đối với công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
e. Việc thực hiện chỉ tiêu biên chế, quản lý công chức, viên chức, quỹ tiền lương ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
f. Việc thực hiện các Quyết định của Nhà nước về chính sách, chế độ cán bộ xã, phường, thị trấn. Thực hiện các Quyết định của Nhà nước về phân vạch, cắm mốc địa giới hành chính trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
g. Tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và công dân thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ.
Phần II
QUY TRÌNH CÔNG TÁC THANH TRA
4. Công tác thanh tra được tiến hành theo hai hình thức: Thanh tra định kỳ và Thanh tra bất thường.
Thanh tra định kỳ tiến hành theo chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra do Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đề nghị. Đơn vị là đối tượng thanh tra định kỳ được thông báo trước 10 ngày.
Thanh tra bất thường tiến hành khi cần thiết hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức về lĩnh vực tổ chức cán bộ.
5. Công tác thanh tra được tiến hành theo các chương trình sau:
Thành lập đoàn thanh tra.
Cơ quan thanh tra làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra.
Thanh tra thông qua báo cáo bằng văn bản cụ thể đối tượng thanh tra.
6. Các thủ tục cần tiến hành trước khi thanh tra.
Quyết định nội dung thanh tra.
Quyết định thành lập đoàn thanh tra gồm: Trưởng đoàn, các thành viên và nhiệm vụ của đoàn thanh tra.
Thông báo cho đơn vị là đối tượng thanh tra.
7. Trong trường hợp không thành lập đoàn thanh tra, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quyết định nội dung và chỉ định Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh cử cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra.
8. Trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra. Đoàn thanh tra phải lập biên bản bao gồm các nội dung: Tóm tắt sự việc, quá trình tiến hành thanh tra, nhận xét, kết luận của đoàn thanh tra. Biên bản thanh tra phải có chữ ký của trưởng đoàn và đại diện của đơn vị đối tượng thanh tra.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
9. Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh có nhiệm vụ:
a. Xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra định kỳ và kiến nghị những nội dung thanh tra bất thường. Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cụ thể từng thời gian.
b. Làm trưởng đoàn hoặc thành viên của đoàn thanh tra, tuỳ theo nội dung, yêu cầu thanh tra Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cụ thể.
c. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có liên quan để tiến hành thanh tra định kỳ hoặc bất thường.
d. Tiến hành thanh tra một số vụ việc thông qua việc xét đơn khiếu nại, tố cáo.
e. Thông qua việc thực hiện công tác thanh tra. Thủ trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đề xuất ý kiến với Uỷ ban Nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban và kiến nghị những vấn đề cần giải quyết thuộc thẩm quyền của Ban TCCB Chính phủ.
Trên cơ sở kết luận của đoàn thanh tra. Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn được giao cho Ban.
Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về tình hình thực hiện công tác thanh tra tổ chức cán bộ theo định kỳ 06 tháng hàng năm hoặc theo yêu cầu.
10. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cử thành viên tham gia Đoàn kiểm tra, kiểm tra hoặc phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ.
11. Cơ quan đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu tư liệu cần thiết theo yêu cầu của Đoàn thanh tra./.