Văn bản pháp luật: Quyết định 2129/QĐ-UB

Trần Huy Năng
Hải Phòng
STP Hải Phòng;
Quyết định 2129/QĐ-UB
Quyết định
12/09/2001
12/09/2001

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành "Quy chế tạm thời chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý và giảng viên hệ đại học ở Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng"

Chủ tịch
2.001
UBND thành phố Hải Phòng

Toàn văn

Quyết định số 2129/QĐ-UB

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Về việc ban hành "Quy chế tạm thời chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý

và giảng viên hệ đại học ở Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng"

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-UB ngày 26/3/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phân cấp quản lý công tác tổ chức bộ máy cán bộ và biên chế tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp Nhà nước thành phố Hải Phòng;

Xét Tờ trình số 338/TT-QĐ ngày 20/8/2001 của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Hiệu trưởng trường ĐHSP Hải Phòng về việc xin thực hiện "Quy định tạm thời chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý và giảng viên dạy hệ đại học Trường ĐHSP Hải Phòng",

 

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1: Ban hành "Quy định tạm thời chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý và giảng viên hệ đại học ở Trường ĐHSP Hải Phòng".

Điều 2: Giao cho Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn Trường ĐHSP Hải Phòng thực hiện theo đúng quy định đã ban hành.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và ông Hiệu trưởng Trường ĐHSP căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY
HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SU PHẠM HẢI PHÒNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2129/QĐ-UB ngày 12 tháng 9 năm 2001
của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Điều 1: Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi.

Chế độ ưu đãi quy định tại văn bản này được áp dụng cho các đối tượng sau:

1.1) Giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, giảng viên chính, giảng viên có học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ có trình độ chuyên môn khá, phẩm chất đạo đức tốt và được tập thể tín nhiệm (không phân biệt là cán bộ cũ hay mới) đang đảm nhiệm các chức vụ từ Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc trở lên.

1.2) Giảng viên trực tiếp giảng dạy hệ đại học chính quy.

1.3) Sinh viên mới tốt nghiệp đại học chính quy, có quá trình học tập và tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, giỏi hoặc có giấy chứng nhận thi đỗ vào học thạc sỹ, nghiên cứu sinh được tuyển chọn để trở thành giảng viên giảng dạy hệ đại học chính quy ở những ngành nhà trường có nhu cầu.

Điều 2: Nội dung chế độ ưu đãi.

1- Về nhà ở:

Đối với Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đang làm quản lý hoặc trực tiếp giảng dạy hệ đại học chính quy hoặc thuyên chuyển từ cơ quan, địa phương khác về công tác lâu dài ở Trường ĐHSP Hải Phòng, nếu chưa có nhà ở được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường ĐHSP xác nhận và nhất trí đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định thì được tạo điều kiện mua nhà ở trong thành phố và được trợ cấp mua nhà với mức sau:

Giáo sư, Phó Giáo sư: 40 triệu đồng.

Tiến sỹ khoa học: 30 triệu đồng.

Tiến sỹ chuyên ngành: 20 triệu đồng.

2- Hợp lý hoá gia đình:

Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ là công tác quản lý hoặc trực tiếp giảng dạy hệ đại học chính quy ở Trường ĐHSP lâu dài, nếu có vợ (hoặc chồng) là cán bộ, công chức có nguyện vọng về công tác ở Hải Phòng sẽ được xem xét cụ thể để tiếp nhận; bố trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn, nghề nghiệp tại thành phố Hải Phòng.

3- Các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 1, 2 trên đây phải cam kết bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân thành phố (qua Ban Tổ chức chính quyền thành phố) về thời hạn công tác ít nhất 5 năm tại Trường ĐHSP Hải Phòng. Đồng thời có trách nhiệm thực hiện các quy định của Trường ĐHSP Hải Phòng, đảm bảo mối quan hệ giữa chế độ ưu đãi được hưởng với trách nhiệm đối với nhà trường, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên ổn định, lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng tốt hơn.

4- Trợ cấp thêm ngoài lương:

Trợ cấp thêm ngoài lương cho các đối tượng dưới đây được thực hiện hàng tháng đối với những người hoàn thành các định mức công tác, giảng dạy theo quy định của Nhà nước. Mức trợ cấp được tính trên lương cơ bản, không kể các khoản phụ cấp (nếu có) và không sử dụng để tính các chế độ phụ cấp khác như: Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

4.1) Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ được trợ cấp thêm ngoài lương bằng 20% mức lương cơ bản hàng tháng đang hưởng.

4.2) Thạc sỹ, giảng viên chính làm công tác quản lý hoặc giảng dạy hệ đại học chính quy được trợ cấp thêm ngoài lương bằng 10% lương cơ bản hàng tháng đang hưởng.

5- Về đào tạo, bồi dưỡng:

5.1) Cán bộ, giảng viên được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ (không phân biệt hệ chính quy hay tại chức) được cấp kinh phí đào tạo; Hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian đi học tập trung tại nơi đào tạo với mức 10.000 đồng/ngày/người đối với nam, 15.000 đồng/ngày/người đối với nữ và được thanh toán công tác phí 1 lần đi về mỗi đợt tập trung.

5.2) Cán bộ, giảng viên hàng năm được cử đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở các tỉnh, thành phố khác: Trong thời gian đi bồi dưỡng được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương (nếu thời gian đi học từ 01 tháng trở lên thì không được hưởng mức trợ cấp ngoài lương quy định tại mục 4 văn bản này) và được hỗ trợ sinh hoạt phí 10.000 đồng/ngày/người.

5.3) Cán bộ, giảng viên hàng năm được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được thanh toán toàn bộ học phí, kinh phí mua giáo trình môn học theo chương trình đào tạo (không bao gồm tài liệu tham khảo) khi có chứng từ hợp lệ.

5.4) Trợ cấp làm luận án: Cán bộ, giảng viên của Trường bảo vệ luận án đạt yêu cầu (được cấp bằng) được hưởng mức trợ cấp một lần:

10.000.000 đồng đối với luận án Tiến sỹ.

5.000.000 đồng đối với luận án Thạc sỹ.

2.000.000 đồng đối với giảng viên được công nhận giảng viên chính.

5.5) Giảng viên được phong hàm Giáo sư hoặc Phó Giáo sư được hưởng trợ cấp một lần:

15.000.000 đồng đối với Giáo sư.

10.000.000 đồng đối với Phó Giáo sư.

5.6) Các đối tượng đã hưởng ưu đãi quy định tại điểm 5 nói trên không được hưởng thêm phụ cấp quy định tại các văn bản chế độ khác của Nhà nước và của địa phương.

Điều 3: Với giảng viên thỉnh giảng.

Những cán bộ, giảng viên được mời về trường giảng dạy hệ đại học chính quy được thanh toán tiền giảng dạy theo chế độ hiện hành và được phụ cấp thêm kinh phí với mức: 100% giá biểu giờ giảng đối với Giáo sư, Tiến sỹ khoa học; 70% giá biểu giờ giảng đối với Phó Giáo sư, Tiến sỹ chuyên ngành.

Được bố trí ăn, ở tại trường miễn phí.

Điều 4: Kính phí thực hiện.

Kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định này được bố trí trong kế hoạch kinh phí sự nghiệp giáo dục và tỷ lệ hộ phí hỗ trợ cho công tác đào tạo hàng năm của Trường ĐHSP Hải Phòng.

Điều 5: Điều khoản thi hành.

Quy định tạm thời này có hiệu lực từ ngày ký Quyết định ban hành.

Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi nếu không thực hiện đúng cam kết trách nhiệm sẽ phải bồi hoàn về kinh tế và chịu trách nhiệm hành chính trước nhà trường và Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc và tuỳ theo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, sự phát triển của Trường ĐHSP Hải Phòng sẽ có những thay đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=21291&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận