quyết định của UBND tỉnh Nghệ An QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Về việc quy định tạm thời chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sửa chữa
thường xuyên công trình thủy lợi
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thôgn qua ngày 21/6/1994,
Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 90/TTLT/TC-NN ngày 19/12/1997 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp PTNT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo quyết định này quy định tạm thời về chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi thuộc doanh nghiệp thủy nông quản lý.
Điều 2: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm tổng hợp mức chi phí SCTX của các doanh nghiệp thủy nông xây dựng, làm việc thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá đưa vào kế hoạch thu chi thủy lợi phí của từng doanh nghiệp thủy nông trình UBND tỉnh giao kế hoạch hàng năm.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Giám đốc các doanh nghiệp thủy nông chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI CỦA UBND VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ SỬA CHỮA THƯỜNG XUYÊN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo QĐ số 2512/QĐ-UB.NN ngày 10/7/1998)
I. Những quy định chung:
1. Các công trình thủy lợi sau khi đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp thủy nông phải thực hiện kiểm tra công trình theo định kỳ, kiểm tra công trình trước và sau mùa lũ theo đúng quy phạm quản lý. Thông qua kiểm tra để xây dựng kế hoạch và thực hiện tu sửa công trình kịp thời, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất duy trì năng lực công trình, đảm bảo an toàn công trình và chống xuống cấp công trình.
2. Trong các khoản chi của doanh nghiệp thủy nông, tỷ lệ chi cho tu sửa TSCĐ chiếm tỷ trọng lớn. Hàng năm UBND tỉnh giao kế hoạch sửa chữa lớn TSCĐ và mức chi sửa chữa thường xuyên TSCĐ cho từng doanh nghiệp thủy nông. Đối với sửa chữa lớn TSCĐ thực hiện như xây dựng cơ bản. Đối với sửa chữa thường xuyên TSCĐ chế độ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định này.
3. Nội dung cụ thể về sửa chữa thường xuyên:
Sửa chữa thường xuyên là sửa chữa có khối lượng, kinh phí của từng hạng mục nhỏ bằng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên do UBND tỉnh giao hàng năm cho từng doanh nghiệp thủy nông để thực hiện.
a. Sửa chữa thường xuyên công trình, kênh mương bao gồm: Gia cố, áp trúc, tôn cao đập đất, bờ kênh, nạo vét cửa khẩu, công trình, kênh mương; Xử lý mạch đùn, thẩm lậu, hang cầy, tổ mối, lát mái đá, mái bê tông, trát, chít, ốp, vá bê tông, xử lý tầng lọc thay thế bộ phận công trình, thay thế cống tưới, tiêu nhỏ bị hỏng, làm mới cống tưới tiêu... nhỏ theo quy hoạch mà trong xây dựng cơ bản trước đây chưa làm được.
b. Sửa chữa thường xuyên máy móc thiết bị bao gồm: Sửa chữa thay thế linh kiện phụ kiện, phụ tùng như: bi, bạc, đai ốc, ống hút, ống đẩy, nắp lapê, crêbin máy bơm, cầu dao, dây dẫn, cáp ngầm, hệ thống chống sét, ánh sáng, thiết bị điện...
c. Sửa chữa thường xuyên nhà cửa bao gồm:
Đảo, thay ngói, tấm lợp, sửa chữa trần gỗ, hoặc trần bê tông chống dột, quét vôi, ve, thay cánh cửa, lát nền...
Cần phân biệt sửa chữa thường xuyên với bảo dưỡng công trình, bảo dưỡng công trình là những việc tương tự như sửa chữa thường xuyên, nhưng có khối lượng nhỏ từ 2m3 đất, 0,5m3 xây đúc trở xuống. bảo dưỡng máy móc thiết bị như: cạo hà, sơn, chống rỉ, bắt vít, xiết bu lông, thay đai ốc, sấy động cơ, tra dầu mỡ, vệ sinh công nghiệp, vận hành thử máy móc thiết bị. Bảo dưỡng là việc làm của công nhân thủy nông, công nhân vận hành máy móc... Các Giám đốc doanh nghiệp thủy nông phải huy động công nhân tạ làm và dc chi tiền vật tư... trong khoản chi nguyên vật liệu để vận hành bảo dưỡng công trình máy móc thiết bị cho dịch vụ tưới tiêu...
II. Mức chi phí sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi:
Mức chi phí sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi phụ thuộc vào:
- Giá trị TSCĐ của hệ thống thủy lợi.
- Loại hệ thống thủy lợi là trạm bơm hay hồ chứa, đập dâng.
- Điều kiện khí hậu, thủy văn, địa hình... của hệ thống thủy lợi.
- Thời gian sử dụng hệ thống thủy lợi.
- Trình độ tổ chức, quản lý...
Đối với:
- Công trình tưới bằng động lực tỷ lệ SCTX từ 18-22% tổng chi kế hoạch năm.
- Công trình tưới bằng trọng lực (tự chảy) tỷ lệ SCTX từ 24-28% tổng chi kế hoạch năm.
Hàng năm các doanh nghiệp thủy nông căn cứ yêu cầu thực tế và tỷ lệ Chính phủ SCTX được quy định xây dựng kế hoạch cho doanh nghiệp mình trình Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xét duyệt để thực hiện trong kế hoạch thu, chi hàng năm.
III. Trình tự sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi.
1. Lập kế hoạch danh mục SCTX:
- Các doanh nghiệp thủy nông căn cứ mức SCTX được UBND tỉnh giao kế hoạch để phân khai danh mục cho từng vụ sản xuất hoặc từng quý. Khái toán khối lượng, kinh phí từng danh mục theo từng Xí nghiệp, trạm, cụm trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
Trường hợp trong khi đang phục vụ sản xuất xảy ra sự cố làm hư hỏng đột xuất như vỡ lỡ kênh mương, sự cố về cơ điện... các doanh nghiệp thủy nông phải báo cáo kịp thời cho Sở Nông nghiệp và PTNT (Qua Chi cục quản lý nước và CTTL) biết và lập hồ sơ kỹ thuật xử lý khắc phục kịp thời phục vụ sản xuất, sau đó làm tờ trình bổ sung danh mục.
2. Lập hồ sơ kỹ thuật và dự toán.
Các doanh nghiệp thủy nông căn cứ vào danh mục SCTX đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê udyệt, lập hồ sơ kỹ thuật và dự toán từng danh mục.
a. Lập hồ sơ kỹ thuật:
Đối với từng hạng mục có khối lượng tương đối lớn, hoặc xử lý kỹ thuật tương đối phức tạp như: nạo vét áp trúc một đoạn kênh, xây lát một bộ phận công trình, xử lý trượt mái đập, mái kênh, thay thế hoặc làm mới một cống tưới tiêu, cầu qua kênh theo quy hoạch... phải có đủ tài liệu khảo sát, lập bản vẽ thi công, từ đó xác định khối lượng sửa chữa... Trường hợp hạng mục công việc không lập được đồ án, phải có sơ hoạ về thuyết minh kỹ thuật đồng thời phải lập biên bản xác nhận khối lượng tại chỗ, giữa phòng, tổ kỹ thuật doanh nghiệp với Xí nghiệp, với trạm cụm thủy nông.
Trường hợp công trình bị sự cố, hoặc do mưa lũ làm ngập lụt công trình, không đảm bảo lập kịp đồ án, hoặc lập khó chính xác, doanh nghiệp thủy nông phải mời Chi cục QLN-CTTL xuống hiện trường xác thực việc lập đồ án, cùng với việc thi công, để đảm bảo sửa chữa kịp thời phục vụ sản xuất.
b. Lập dự toán:
Do SCTX công trình thủy lợi là các hạng mục nhỏ, trả ra trên địa bàn rộng, vừa sửa chữa, vừa phục vụ sản xuất nên phải tuỳ theo đối tượng thi công tu sửa để lập dự toán cho sát đúng, tiết kiệm và hiệu quả cao. Nội dung cụ thể của dự toán SCTX công trình thủy lợi lập như sau:
+ Về chi phí trực tiếp: Gồm chi phí vật liệu, nhân công, máy... được xây dựng trên cơ sở: Khối lượng theo hồ sơ thiết kế và đơn giá XDCB của UBND tỉnh ban hành.
Riêng đối với những công trình sử dụng nhân công đào đắp đất, ký hợp đồng thi công với hợp tác xã, lao động thuê ngoài thì đơn giá nhana công theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá đơn giá XDCB của UBND tỉnh ban hành.
+ Về chi phí chung: Đối với những công trình kỹ thuật phức tạp, do doanh nghiệp xây dựng cơ bản thi công hoặc giao cho Xí nghiệp (đội sửa chữa) của doanh nghiệp thủy nông làm (Xí nghiệp đội sửa chữa có đăng ký hành nghề, hạch toán riêng và phải làm đầy đủ nghĩ vụ đối với Nhà nước) tỉnh theo chế độ xây dựng cơ bản.
- Đối với những công trình do hợp tác xã, lao động thuê ngoài, thi công chi phí chung tính bằng 15% chi phí nhân công trực tiếp.
+ Lãi định mức:
- Đối với những công trình do doanh nghiệp XDCB thi công hoặc do Xí nghiệp đội sửa chữa của doanh nghiệp thủy nông nói trên thi công tính theo chế độ XDCB.
- Đối với công trình do HTX lao động thuê ngoài thì không tính chi phí này.
+ Khảo sát thiết kế:
Chi phí khảo sát thiết kế, lập dự toán sửa chữa thường xuyên công trình tính bằng 1% giá thành công trình. Đối với các công trình phải lập đồ án tính bằng 50% mức quy định hiện hành.
+ Chi phí thẩm định:
Tính theo chế độ XDCB.
3. Phân cấp xét duyệt đồ án, dự toán SCTX:
- Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm xét duyệt đồ án, dự toán sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi.
4. Tổ chức thi công:
Các doanh nghiệp thủy nông được thực hiện các phương thức tổ chức thi công sau đây:
- Công trình có khối lượng tập trung, phải bằng cơ giới, công trình có kỹ thuật phức tạp, Công ty đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ định thầu theo quy định các doanh nghiệp xây dựng cơ bản hoặc tổ chức quản lý chuyên ngành thi công.
- Các doanh nghiệp thủy nông được giao cho Xí nghiệp đội sửa chữa của doanh nghiệp sửa chữa các hạng mục công trình còn lại phù hợp với khả năng thi công.
- Các doanh nghiệp thủy nông được hợp đồng với HTX, với tổ chức dịch vụ thủy nông cơ sở hoặc khoán cho các Xí nghiệp, trạm cụm thủy nông sử dụng lao động tại chỗ, lao động thuê ngoài để thi công gấp công trình kịp thời, phục vụ yêu cầu sản xuất theo dự toán được duyệt, có giám sát nghiệm thu, đảm bảo chất lượng thông nước tưới tiêu bình thường.
5. Nghiệm thu quyết toán:
Sửa chữa thường xuyên thuộc chi phí sản xuất; các doanh nghiệp thủy nông là chủ công trình, phải thực hiện nghiệm thu, quyết toán, theo đúng chế độ quy định. Định kỳ hàng quý và sau mỗi vụ sản xuất các doanh nghiệp thủy nông báo cáo kết quả thực hiện SCTX về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục QLN-CTTL).
IV. Tổ chức thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp - PTNT tổng hợp mức chi phí SCTX của các ngành doanh nghiệp thủy nông xây dựng kế hoạch SCTX toàn ngành, thống nhất với kế hoạch đầu tư tài chính vật giá để đưa vào kế hoạch thu chi thủy lợi phí của từng doanh nghiệp thủy nông trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chi cục QLN-CTTL giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT hướng dẫn các doanh nghiệp SCTX, kiểm tra tình hình thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy nông trong các trường hợp cần thi công gấp, kỹ thuật phức tạp để các doanh nghiệp thủy nông hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao.
Quy định tạm thời này áp dụng cho các doanh nghiệp thủy nông có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình có gì vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung cho phù hợp./.