Chỉ thị số 07/CT-UBQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Về việc ban hành Quy chế xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định đối tượng tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua;
Xét đề nghị của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Điều 2. Quy chế có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Hội thành phố, các cá nhân, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG NGUYỄN BỈNH KHIÊM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2992/QĐ-UB ngày 26 tháng 10 năm 2001
của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
CHƯƠNG I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là giải thưởng cao nhất của thành phố Hải Phòng để xét tặng cho những công trình xuất sắc nhất thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật có đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Điều 2.
1- Những công trìn nghiên cứu, ứng dụng, sáng tác thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật của cá nhân, tập thể là công dân Việt Nam hay tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, tuân thủ pháp luật Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của thành phố đều được xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
2- Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng cho một công trình hay một cụm công trình của một tác giả hay của một tập thể tác giả của công trình.
"Công trình khoa học công nghệ" là một thành tựu nghiên cứu có tính chất khoa học độc lập, có mục tiêu cụ thể nhằm phát hiện quy luật của tự nhiên, xã hội hoặc ứng dụng các thành tựu khoa học, các phương pháp sản xuất tiến tạo ra sản phẩm mới.
"Công trình văn học - nghệ thuật" là một sáng tạo có tư tưởng tiến bộ, giàu hình tượng nghệ thuật, phản ánh chân thực hiện thực khách quan một cách điển hình, có giá trị thẩm mỹ cao và tác dụng rõ rệt.
"Cụm công trình" phải là tập hợp những công trình trong cùng một lĩnh vực có liên quan nội tại mật thiết với nhau cùng một vấn đề dưới đây gọi chung là "công trình".
Điều 3.
1- Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của thành phố được xét thưởng năm năm một lần cho các công trình xuất sắc thuộc hai lĩnh vực:
a- Lĩnh vực khoa học - công nghệ (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học quản lý)
b- Lĩnh vực văn học - nghệ thuật
2- Mỗi lĩnh vực được xét chọn một giải xuất sắc nhất đạt tiêu chuẩn giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
3- Để khuyến khích phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và sáng tác văn học - nghệ thuật, đồng thời làm cơ sở cho việc xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố tổ chức xét thưởng 02 năm một lần cho hai lĩnh vực: Khoa học - công nghệ và Văn học - nghệ thuật. Tên của hai giải thưởng này là:
Giải thưởng Khoa học - công nghệ Hải Phòng
Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Hải Phòng
(Có quy định riêng)
Điều 4.
1- Tác giả hoặc tập thể tác giả có công trình được tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm được cấp Giấy chứng nhận và Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cùng với số tiền kèm theo là 25.000.000 đồng (nếu là công trình tập thể thì cá nhân chủ trì được hưởng 50%, tập thể và các cộng sự được hưởng 50%).
2- Những công trình được Hội đồng giải thưởng chuyên ngành đề nghị trao giải nhưng không đạt tiêu chuẩn giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ được thưởng theo quy định của thành phố.
Điều 5. Kinh phí tổ chức việc xét chọn các công trình đề nghị trao giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và tiền thưởng trao cho các loại giải lấy từ quỹ khen thưởng thành phố
CHƯƠNG II
THỦ TỤC, ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC HỒ SƠ XÉT THƯỞNG
Điều 6.
Điều kiện xét thưởng
1- Những công trình khoa học - công nghệ, văn học - nghệ thuật đề nghị xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm phải là công trình đã được công bố, xuất bản, áp dụng với chất lượng và hiệu quả rõ trong sản xuất và đưa vào thực tế cuộc sống ít nhất 03 năm.
2- Những công trình trước khi đề nghị xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiềm phải được xem xét, đánh giá ở Hội đồng giải thưởng chuyên ngành, các Tiểu ban chuyên ngành giúp việc cho Hội đồng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm thành phố và đã được thành phố trao giải trên lĩnh vực khoa học - công nghệ hoặc văn học - nghệ thuật Hải Phòng.
Điều 7.
1- Tiêu chuẩn chung:
Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng cho những công trình có giá trị cao về khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, có tác dụng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng tốt đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, có tác dụng lớn trong việc phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
2- Tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực:
a- Đối với các công trình khoa học (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học về xã hội và nhân văn, khoa học quản lý).
Đảm bảo tính sáng tạo mang lại hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế cao của công trình trong phạm vi cả nước và thành phố.
Có báo cáo khoa học được công bố trong và ngoài nước.
Công trình có đóng góp vào cơ sở lý luận về vấn đề nghiên cứu.
Công trình đã đóng góp vào các chủ trương, quyết sách về kinh tế - xã hội của thành phố
b- Đối với các công trình kỹ thuật và công nghệ:
Đảm bảo tính sáng tạo của công trình trong phạm vi cả nước và thành phố
Có báo cáo khoa học được công bố trong hoặc ngoài nước và kết quả công trình đó được ứng dụng ở thành phố.
Công trình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
c- Đối với các công trình văn học - nghệ thuật:
Đảm bảo nội dung tư tưởng tốt, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phản ánh chân thực cuộc sống bằng hình thức nghệ thuật độc đáo.
Có tác dụng thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng, góp phần xây dựng con người mới trong thời kỳ đổi mới.
Công trình có ảnh hưởng sâu sắc, rộng rãi và hiệu quả cao trong thành phố hoặc một số địa phương khác.
Điều 8. Hồ sơ xét thưởng lập thành 05 bản gồm:
Bản báo cáo công trình
Các văn bằng, chứng chỉ (nếu có).
Xác nhận của cơ quan chủ quản, địa phương.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC QUY TRÌNH XÉT THƯỞNG
Điều 9.
1- Ở cơ sở:
Các cá nhân, tập thể có công trình đăng ký, gửi hồ sơ công trình đề nghị xét thưởng cấp cơ sở (các huyện, quận, thị xã và Sở, Ban, ngành, cơ quan, đoàn thể).
Đối với các công trình của các Hội Khoa học và Kỹ thuật, tập thể và cá nhân, người nước ngoài, các cá nhân đã nghỉ hưu hoặc không nằm trong sự quản lý của cơ quan ban ngành nào thì đăng ký và gửi hồ sơ tới Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố nếu là công trình thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật công nghệ hoặc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (nếu là công trình văn học - nghệ thuật).
2- Xét ở cấp Hội đồng giải thưởng chuyên ngành:
Khi nhận được danh sách đề nghị và hồ sơ hợp lệ cảu cơ sở, cơ quan thường trực giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm thành phố là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố đề xuất lên Chủ tịch Hội đồng giải thưởng thành phố lập Hội đồng giải thưởng chuyên ngành có các Tiểu ban chuyên môn giúp việc thẩm định đánh giá theo từng lĩnh vực sẽ xây dựng thang điểm và được Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm thành phố phê duyệt có trách nhiệm đánh giá từng công trình.
Sau khi đánh giá, Hội đồng giải thưởng chuyên ngành lập danh sách các công trình được đề nghị xét giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi lên Hội đồng thành phố (kèm theo hồ sơ, biên bản đánh giá công trình)
3- Xét ở cấp thành phố:
Căn cứ vào báo cáo và danh sách đề nghị của Hội đồng giải thưởng, Hội đồng giải thưởng thành phố sẽ lựa chọn công trình theo từng lĩnh vực: Khoa học - kỹ thuật và công nghệ; văn học-nghệ thuật. Mỗi lĩnh vực chọn một công trình xuất sắc nhất đạt tiêu chuẩn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Điều 10. Các cơ quan sau đây có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức xét chọn giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật thành phố phối hợp để làm thường trực, làm tham mưu về lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Sở Văn hoá và Thông tin và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật phối hợp để làm cơ quan thường trực, làm tham mưu về lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm có trách nhiệm phổ biến điều lệ, hướng dẫn các thủ tục một cách rộng rãi để các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước có thể tham gia đông đảo.
Điều 11. Hội đồng giải thưởng thành phố.
Hội đồng giải thưởng thành phố xét tặng giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố phụ trách Khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật làm Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên bao gồm:
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường thành phố
Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin thành phố
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố
Chủ tịch các Hội đồng chuyên ngành
Một số chuyên gia có uy tín và am hiểu về lĩnh vực các công trình đề nghị xét thưởng được mời tham gia tư vấn cho Hội đồng.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.
Điều 13. Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố hướng dẫn thi hành Quy chế xét giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố tổ chức thực hiện Quy chế này./.