Uỷ ban nhân dân QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Về việc ban hành Quy chế tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo; Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07-8-1999 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo;
Xét đề nghị của ông Chánh Thanh tra thành phố, ông Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của các ngành, cấp thuộc thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành trực thuộc có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn các đơn vị cơ sở tổ chức thực hiện việc tiếp công dân theo Quy chế này.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ TIẾP CÔNG DÂN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THEO THẨM QUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3023/QĐ-UB ngày 30-10-2001 của Uỷ ban nhân dân thành phố)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, đưa đơn khiếu nại, tố cáo được tiến hành tại nơi tiếp công dân.
Thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải tổ chức và quản lý nơi tiếp công dân của cơ quan mình; ban hành nội quy tiếp công dân, bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch tiếp công dân và nội quy tiếp công dân. Lịch tiếp công dân phải ghi cụ thể thời gian, chức vụ người tiếp công dân, nội quy tiếp công dân phải ghi rõ trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo.
Điều 2.
Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có trách nhiệm định kỳ trực tiếp tiếp công dân theo quy định tại Điều 76 của Luật Khiếu nại, tố cáo; lịch tiếp công dân phải được thông báo công khai cho công dân biết.
Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ, thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải tiếp công dân khi có yêu cầu khẩn thiết.
Đối với những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mà vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở giải quyết thì khi tiếp công dân thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì phải nói rõ thời hạn giải quyết, cơ quan cần liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết.
Việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải được ghi chép vào Sổ tiếp công dân và được lưu giữ tại nơi tiếp công dân.
Điều 3. Việc xử lý khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân phải được tiến hành như sau:
Đối với đơn khiếu nại thì xử lý theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 67/1999/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo; trường hợp công dân đến khiếu nại trực tiếp mà vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn họ viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ; nếu vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì hướng dẫn công dân khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với tố cáo thì người tiếp công dân phải tiếp nhận, phân loại và xử lý theo quy định tại các Điều 43, 44 và Điều 45 của Nghị định 67/1999/NĐ-CP ngày 07-8-1999 của Chính phủ.
Điều 4.
Thanh tra thành phố, các ngành: Công an, Ban Chỉ huy quân sự thành phố, Hải quan, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư , Xây dựng, Tài chính - Vật giá, Lao động Thương binh và Xã hội, Giao thông - Công chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Địa chính của thành phố có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân thường xuyên.
Các cơ quan khác của thành phố căn cứ vào quy định tại Chương 5 của Luật Khiếu nại, tố cáo và Chương IV của Nghị định 67 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo) và tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình quản lý để bố trí thời gian tiếp công dân.
Điều5.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố bố trí địa điểm chung để Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện tổ chức chính trị tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo; cử một cán bộ Phó Văn phòng hoặc cấp tương đương phụ trách nơi tiếp công dân để tổ chức thực hiện chế độ tiếp công dân thường xuyên.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã phải tổ chức nơi tiếp công dân và thực hiện như thành phố.
Điều 6.
Đối với những người đến khiếu nại, tố cáo có hành vi gây rỗi làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, của cá nhân có trách nhiệm hoặc hành vi khác vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo thì thủ trưởng cơ quan Nhà nước, người phụ trách trụ sở tiếp công dân yêu cầu cơ quan Công an phụ trách địa bàn có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 7.
Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan Công an trong việc bảo đảm trật tự, an toàn nơi tiếp công dân.
Uỷ ban nhân dân cấp xã, Công an tại các địa phương có trách nhiệm bảo vệ an toàn trụ sở tiếp công dân của các cơ quan trên địa bàn mà mình quản lý, trong trường hợp cần thiết thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật ở nơi tiếp công dân.
II. NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ TIẾP CÔNG DÂN
Điều 8.
Cán bộ tiếp công dân có nghĩa vụ:
1- Có thái độ đúng mực và hướng dẫn công dân thực hiện đầy đủ những điều đã quy định có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Lắng nghe và ghi chép vào Sổ tiếp công dân những ý kiến trình bày của công dân, giải thích hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
2- Cán bộ thực hiện công tác tiếp dân chỉ được tiếp công dân và nhận đơn khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân, đăng ký vào Sổ, theo dõi việc giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành, các đơn vị theo quy định của pháp luật.
3- Những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp, ngành mình giải quyết thì làm đầy đủ thủ tục tiếp nhận đơn và báo cáo thủ trưởng cơ quan để có kế hoạch xem xét, giải quyết.
Những vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì giải thích, hướng dẫn công dân gửi đơn hoặc đến trình bày ở nơi có thẩm quyền giải quyết.
Những vụ việc tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì chậm nhất trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và các tài liệu liên quan (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nếu đơn khiếu nại, tố cáo nhận được qua bưu điện thì xử lý theo phần 1, 2, 3 của Điều này.
4- Trường hợp đông người đến khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung sự việc thì yêu cầu cử người đại diện trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều mình đã trình bày.
Điều 9.
Cán bộ tiếp công dân phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cấp mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những biện pháp giải quyết, hướng dẫn của mình đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 10.
Khi tiếp công dân cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối không tiếp người đại diện không hợp pháp, người vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân, người không làm chủ được hành vi của mình đã làm mất trật tự hoặc xúc phạm cán bộ tiếp dân.
Điều 11.
Cán bộ tiếp dân phải theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo hàng tuần, tháng, hàng quý, 6 tháng, một năm về tình hình tiếp dân và việc giải quyết của các đơn vị những vụ việc qua tiếp dân để thực hiện công tác quản lý trong việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo.
III. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN
KHI ĐẾN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TẠI NƠI TIẾP CÔNG DÂN
Điều 12.
Công dân có quyền trình bày bằng lời, bằng văn bản về các nội dung khiếu nại, tố cáo của mình hoặc phản ánh việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Điều 13. Công dân có nghĩa vụ:
Xuất trình giấy tờ tuỳ thân với cán bộ tiếp dân; nếu là người được uỷ quyền, phải xuất trình Giấy uỷ quyền hợp pháp.
Phải chấp hành nội quy và mọi quy định tại nơi tiếp dân.
Cung cấp đầy đủ các tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo.
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo và các tài liệu, bằng chứng đã cung cấp của mình.
Thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo.
Ký biên bản khi cán bộ tiếp công dân yêu cầu./.