Văn bản pháp luật: Quyết định 416/2002/QĐ-UB

Nguyễn Thị Mùi
Hà Tây
STP tỉnh Hà Tây;
Quyết định 416/2002/QĐ-UB
Quyết định
11/04/2002
11/04/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Hà Tây

Phó Chủ tịch
2.002
UBND tỉnh Hà Tây

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo

chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Hà Tây

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân do Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo 127/ĐP và Quy chế hoạt động của Ban;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại công văn số 387 CV/TCCB ngày 30/11/2001 về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Hà Tây.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản trước đây của ủy ban nhân dân tỉnh quy định về vấn đề này chấm dứt hiệu lực thi hành.

Điều 3: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành./.

QUI CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHỐNG BUÔN LẬU HÀNG GIẢ

VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TỈNH HÀ TÂY

(Ban hành kèm theo quyết định số 416 QĐ/UB ngày 11/4/2002 của UBND tỉnh)

I. QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Dưới đây gọi tắt là Ban chỉ đạo 127/ ĐP) thành lập theo Quyết định số: 756 QĐ-UB của UBND tỉnh nhằm tổ chức tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương trong tỉnh theo những nhiệm vụ, quyền hạn đã được UBND tỉnh giao.

Điều 2: Ban chỉ đạo 127/ĐP hoạt động theo nguyên tắc tập thể bàn bạc và Trưởng ban Quyết định trên cơ sở nhất trí giữa các Uỷ viên. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các Uỷ viên, Trưởng ban xem xét Quyết định nếu vượt quá thẩm quyền được giao báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét Quyết định.

Điều 3: Hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo 127/ĐP theo chế độ kiêm nhiệm, mỗi thành viên chịu trách nhiệm công tác theo sở, ngành mình phụ trách và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Ban chỉ đạo.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Ban chỉ đạo 127/ĐP có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

Giúp UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các sở, ngành và UBND huyện, thị xã trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Theo dõi đôn đốc các sở, ngành và UBND huyện, thị xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều Sở, Ngành địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Tổng hợp tình hình đánh giá kết quả hoạt động chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại của sở, ngành và UBND huyện, thị xã báo cáo Trưởng ban và UBND tỉnh; Kiến nghị với UBND tỉnh về các chủ trương biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trong trường hợp cần thiết, Ban chỉ đạo 127/ ĐP thành lập tổ công tác kiểm tra trực tiếp các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban đề ra và giải quyết tốt các biện pháp tình thế để ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sau đó báo cáo UBND tỉnh.

Điều 5: Trách nhiệm của Trưởng Ban.

Tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo 127/ ĐP theo nhiệm vụ và quyền hạn nói ở Điều 4 trên và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hoạt động của Ban chỉ đạo. Phó ban thường trực thay mặt Trưởng ban điều hành, giải quyết công việc khi Trưởng ban vắng.

Điều 6: Trách nhiệm của Uỷ viên Ban

Nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đánh giá kết quả hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của sở, ngành địa phương mình phụ trách tổng hợp báo cáo (Định kỳ và đột xuất) đúng nội dung, yêu cầu và kịp thời gian quy định về Ban chỉ dạo.

Thông qua hoạt động chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do sở, ngành địa phương mình phụ trách kiến nghị với Ban chỉ đạo 127/ĐP những chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được thống nhất trong Ban và theo sự phân công của Trưởng ban.

Điều 7: Tổ chức hoạt động của Ban

1. Tổ chức các phiên họp của Ban.

Ban 3 tháng họp một lần vào tháng cuối Quý (thời gian từ ngày 25-30 hàng tháng) không kể đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh do Trưởng ban triệu tập.

Phiên họp vào tháng 6 hàng năm tổ chức sơ kết, sau một năm Ban chỉ đạo 127/ ĐP tiến hành họp tổng kết.

Tuỳ theo tính chất của phiên họp Trưởng ban có thể Quyết định mời đại diện các sở, ngành và UBNĐ huyện, thị xã tham dự.

2. Chế độ báo cáo.

Báo cáo của Ban chỉ đạo 127/ĐP thực hiện định kỳ theo từng tháng, sáu tháng và một năm không kể trường hợp đột xuất báo cáo tháng được xác lập vào ngày 25 hàng tháng, báo cáo 6 tháng vào ngày 5/7 và báo cáo năm vào ngày 5/01 năm sau.

Báo cáo của từng thành viên trong Ban chỉ dạo 127/ĐP theo định kỳ báo cáo này được xác lập vào ngày 20 của tháng, báo cáo 6 tháng được xác lập vào ngày 25 tháng sáu. Báo cáo năm được xác lập vào ngày 30/12 của năm báo cáo.

Các báo cáo nói trên của các thành viên gửi về bộ phận thường trực Ban chỉ đạo 127/ ĐP theo yêu cầu và mẫu biểu quy định.

3. Thành lập tổ công tác kiểm tra.

Căn cứ vào yêu cầu hoạt động và tổ chức thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Trưởng ban quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra trực tiếp một số vụ việc phức tạp hoặc một số địa bàn trọng điểm.

Thành phần tổ công tác kiểm tra do Trưởng ban Quyết định theo hướng vụ việc liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở, Ngành, đơn vị nào thì Uỷ viên của sở, ngành đơn vị đó cử cán bộ tham gia.

Điều 8: Tổ chức hoạt động của bộ phận thường trực giúp việc Ban.

1. Bộ phận thường trực đặt trụ sở tại Chi cục Quản lý thị trường Hà Tây phố Trần Đăng Ninh- phường Quang Trung- Hà Đông và được sử dụng con dấu của Chi cục Quản lý thị trường.

2. Phụ trách bộ phận thường trực giúp việc Bản chỉ đạo 127/ ĐP là một đồng chí Phó chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường, các thành viên của bộ phận thường trực bao gồm 1 số cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường và cán bộ cấp phòng, ban do các Uỷ viên đại diện các sở, ngành đơn vị cử sang.

3. Nhiệm vụ của bộ phận thường trực.

Đôn đốc và tiếp nhận các báo cáo của các Sở, Ngành đơn vị và địa phương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để phân tích, nhận định, đánh giá và tổng hợp thành báo cáo trình Ban chỉ đạo 127/ ĐP.

Giúp Trưởng ban xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong từng thời kỳ, trong lĩnh vực cụ thể để Ban chỉ đạo xem xét quyết định.

Đề xuất các giải pháp về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để Ban chỉ đạo 127/ĐP xem xét quyết định.

Giúp Trưởng ban tổ chức tốt các kỳ họp (định kỳ hoặc đột xuất) của ban thực hiện công việc hành chính và quản lý tài chính, tài sản của Ban chỉ đạo 127/ĐP.

Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động của Ban và theo yêu cầu của Trưởng ban.

Điều 9: Kinh phí hoạt động

1. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ dạo 127/ĐP do Ngân sách Nhà nước cấp và từ nguồn khác theo quy định của Nhà nước.

2. Hàng năm Ban chỉ đạo 127/ĐP dự trù kế hoạch kinh phí hoạt động để sở Tài chính-Vật giá xem xét cấp.

Ban chỉ đạo được trích lập quĩ từ nguồn thu do kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật (nếu có) và nguồn thu tiền thưởng khác theo qui định hiện hành.

Điều 10: Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã, Ban chỉ đạo 127/ĐP có trách nhiệm tổ chức thực hiện kể từ ngày ban hành./.


Nguồn: vbpl.vn/hatay/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=21128&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận