Văn bản pháp luật: Quyết định 56/2002/QĐ-UB

Phan Văn Vượng
Hà Nội
STP thành phố Hà Nội ;
Quyết định 56/2002/QĐ-UB
Quyết định
26/04/2002
11/04/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Quận Cầu Giấy giai đoạn 2001 - 2003

Phó Chủ tịch
2.002
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Quận Cầu Giấy giai đoạn 2001 - 2003

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Chỉ thị số số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;

Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy giai đoạn 2001-2010 tại thông báo số 274/TB-KH&ĐT ngày 15/11/2001;

Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy tại tờ trình số 245/TTr-UB ngày 27/12/2001;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình 363 TTr-KH&ĐT ngày 9 tháng 4 năm 2002,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy giai đoạn 2001-2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy giai đoạn 2001-2010

Phát huy mọi nguồn lực và lợi thế của Quận vào phát triển kinh tế - xã hội; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - công nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; lấy khoa học - kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực làm động lực chủ yếu tạo đà tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế kếp hợp với xây dựng và quản lý đô thị, nâng cao chất lượng môi trường, phát triển văn hoá - giáo dục, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội bức xúc. Tập trung xây dựng, nâng  cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cấp chính quyền; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các chương trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hợp tác chặt chẽ với các quận, huyện lân cận, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

2.1. Kinh tế:

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2001 – 2010:12,5 - 13,5%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 12 - 13%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 13 - 14%/năm.

Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn:

Năm 2005: Công nghiệp mở rộng chiếm 60,60%; Dịch vụ 38,80%; Nông nghiệp 0,60%.

Năm 2010: Công nghiệp mở rộng chiếm 57,60%; Dịch vụ 42,00%; Nông nghiệp 0,40%.

Thu nhập bình quân đầu người của Quận năm 2010 cao hơn  bình quân chung của thành phố từ 1,2 - 1,3 lần.

2.2. Văn hóa - xã hội:

Phấn đấu đến năm 2005 phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 75 - 78% đối tượng trong độ tuổi qui định, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương vào năm 2010.

Đến năm 2010 có 90% trẻ em 3 - 5 tuổi được đến trường; 25% trẻ em trong độ tuổi đến nhà trẻ. Phấn đấu đến năm 2005 có 100% học sinh tiểu học  được học 2 buổi/ngày; đến năm 2010 có 100% học sinh trung học cơ sở được học 2 buổi/ngày.

Đến năm 2010, toàn bộ trẻ sơ sinh được lập phiếu theo dõi sức khoẻ; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 10,5% năm 2005 và dưới 10% năm 2010.

Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 1% vào năm 2005 và dưới 0,95% vào năm 2010. Đến năm 2005, dân số Quận khoảng 150.000 - 160.000 người; năm 2010 khoảng 190.000 - 200.000 người. Kiểm soát chặt chẽ dòng di dân cơ học vào địa bàn Quận.

Trong thời kỳ 2001-2010, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 2500-3000 lao động. Phấn đấu đến năm 2010, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 6%.

Đến năm 2010 trên địa bàn Quận cơ bản không còn hộ nghèo.

2.3 Đô thị:

Phấn đấu đến năm 2010, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông lên 2%; mật độ đường giao thông đạt 7,7km/km2; diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 4-5m2/người.

Đảm bảo 100% số hộ gia đình được cấp nước sạch sinh hoạt theo tiêu chuẩn 160lít/người/ngày-đêm vào năm 2005 và 180lít/người/ngày-đêm vào năm 2010; giảm tỷ lệ thất thoát kỹ thuật xuống khoảng 15-20%.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2005 là 7-7,5m2/người; năm 2010 là 9-10m2/người.

3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu

3.1 Phát triển kinh tế:

a. Công nghiệp:

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng trên địa bàn giai đoạn 2001-2010 bình quân khoảng 12-13%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 11,5-12,5%/năm và giai đoạn 2006-2010 là 12,5-13%/năm.

Nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn; đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất thuộc cụm công nghiệp Cầu Diễn - Nghĩa Đô; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào vận hành có hiệu quả khu công nghiệp vừa và nhỏ Dịch Vọng - Mai Dịch.

Chú trọng phát triển một số ngành và sản phẩm trọng điểm như chế biến thực phẩm, lương thực; sản xuất giấy truyền thống; sản phẩm cơ khí phục vụ xây dựng và tiêu dùng.

b. Dịch vụ:

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001-2010 khoảng 13,5-14%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 13-14%/năm và giai đoạn 2006-2010 là 14-14,5%/năm.

Xây dựng Quận thành một trong các trung tâm tiếp nhận và phát luồng hàng hoá lớn; đảm nhận vai trò đầu mối dịch vụ bán buôn phía Tây Thủ đô.

Phát triển dịch vụ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, xây dựng và tổ chức hoạt động dịch vụ đồng bộ, hiện đại, văn minh.

Ưu tiên phát triển một số loại hình dịch vụ: tư vấn, môi giới, xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ, khách sạn, nhà hàng, tài chính - tín dụng.

c. Nông nghiệp:

Thu hẹp dần sản xuất nông nghiệp truyền thống, tập trung phát triển một số sản phẩm có hiệu quả cao về kinh tế và môi trường; hướng tới nông nghiệp đô thị. Gắn việc thu hẹp sản xuất nông nghiệp với đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

3.2 Phát triển văn hoá - xã hội:

a. Giáo dục - Đào tạo

Xây dựng ngành giáo dục Quận với quy mô phù hợp, chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu về nhân lực, dân trí và nhân tài phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập cho hệ thống các trường trên địa bàn. Xây dựng một số trường trọng điểm, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia; phát triển hệ thống các trường ngoài công lập.

Đến năm 2005, phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 75-78% đối tượng trong độ tuổi quy định. Đầu tư xây dựng mới trung tâm dạy nghề; phấn đấu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 45-50%.

Phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi được chăm sóc dưới mọi hình thức, 90% trẻ từ 3-5tuổi được đến trường, 100% số trường tiểu học và trung  học cơ sở học 2 buổi/ngày; hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 65-70%.

Bổ sung, trẻ hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ giao viên và cán bộ quản lý giáo dục; phấn đấu đến năm 2010 có 100% số giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn.

b. Văn hoá - Thông tin:

Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá - thông tin trên địa bàn; đến năm 2005, hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà văn hoá thiếu nhi Quận, nhà văn hoá các phường Mai Dịch, Trung Hoà, Yên Hoà, Dịch Vọng, Quan Hoa; hình thành một số câu lạc bộ; xây dựng thư viện Quận; phát triển hệ thống công viên, các điểm vui chơi trên địa bàn; phấn đấu mỗi phường có một khu vườn hoa, vui chơi; bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá trên địa bàn Quận.

c. Y tế:

Nâng cao chất lượng hoạt động y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; đa dạng hoá các hình thức chăm sóc sức khoẻ. Tăng cường, đồng bộ hoá đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm y tế Quận.

Tổ chức giám sát chặt chẽ, chống dịch kịp thời; 100% trẻ sơ sinh được lập phiếu theo dõi sức khoẻ; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10,5% vào năm 2005 và dưới 10% năm 2010. Đảm bảo 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin; 100% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván và được khám thai từ 3 lần trở lên. Tăng cường công tác phòng chống các bệnh xã hội và bênh dịch nguy hiểm; phấn đấu đến năm 2005 có 12 giường bệnh và 22 bác sĩ trên 1000 người dân và năm 2010 có 13 giường bệnh và 22 bác sĩ trên 1000 người dân.

d. Thể dục thể thao:

Kết hợp phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng với phát triển thể thao thành tích cao.

Đầu tư xây dựng trung tâm thể dục thể thao Quận, một số công trình thể thao cấp phường.

Phấn đấu đến năm 2005 có 23% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; 15% số hộ đạt danh hiệu "gia đình thể thao"; 80% số trường học các cấp đảm bảo giáo dục thể chất có chất lượng; 50-60% cán bộ, công nhân viên chức rèn luyện thể lực thường xuyên. Đến năm 2010 có 38-40% dân số được tập luyện trong các câu lạc bộ thể thao hoặc các điểm tập có tổ chức; 28-30% số hộ đạt danh hiệu "gia đình thể thao"; 100% số trường học các cấp tập thể dục thể thao nội khoá 6 tiết/tuần; diện tích đất tối thiểu cho hoạt động thể dục thể thao từ 1-1,5m2/người.

3.3 Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Xây dựng đồng bộ mạng lưới đường giao thông của Thành phố và Quận với tổng chiều dài 94km (năm 2010); mật độ đường giao thông đạt tỷ lệ 7,7km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 20%; nâng tỷ lệ hành khách sử dựng các phương tiện giao thông công cộng lên 40-45%.

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước ngầm theo các đường phố, khu ở và khu sản xuất; xây dựng hệ thống cấp điện đồng bộ.

Phấn đấu 100% dân số được cấp nước sạch sinh hoạt với tiêu chuẩn 160 lít/người/ngày đêm vào năm 2005 và 180 lít/người/ngày đêm vào năm 2010; giảm tỷ lệ thất thoát kỹ thuật xuống khoảng 15 - 20%.

Phát triển các khu công viên, cây xanh tập trung. Nâng diện tích cây xanh bình quân đầu người lên 4 - 5 m2/người vào năm 2010.

3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái:

Đảm bảo đến năm 2005 thu gom được 90% và năm 2010 thu gom 100% rác thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trong ngày của toàn Quận; 100% nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, cơ sở sản xuất được sử lý trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của Quận; 100% chất thải bệnh viện phải đưa vào lò đốt tập trung; trước năm 2005 xây kín 100% đường mương, cống thoát nước thải và xóa toàn bộ hố xí hai ngăn trên địa bàn.

4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn.

Xây dựng, cải tạo hệ thống đường giao thông: đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Dịch Vọng), đường 32 (đoạn từ đường vành đai 3 đến Cầu Diễn), đường Hoàng Quốc Việt nối dài, đường Nguyễn Văn Huyên nối dài, đường Mai Dịch - Mỹ Đình; dự án xây dựng 4 nút giao thông trên địa bàn Quận.

Hoàn thành dự án siêu thị Bourbon, xây dựng siêu thị Cầu Giấy, hệ thống chợ: Đồng Xa - Mai Dịch, Yên Hòa...; làng quốc tế Thăng Long, các khu đô thị mới: Saprof, Trung Yên, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa - Nhân Chính; xây dựng điểm thông quan trên địa bàn. Triển khai xây dựng các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật ngoài khu công nghiệp vừa và nhỏ Dịch Vọng; hoàn thiện hệ thống cấp nước trên địa bàn; nạo vét, kè sông Tô Lịch; đầu tư xây dựng công viên Dịch Vọng - Yên Hòa, công viên Mai Dịch, Nghĩa Đô; xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi, trung tâm thể dục thể thao quận.

 

Điều 2: Tổ chức thực hiện qui hoạch

UBND quận Cầu Giấy có nhiệm vụ:

Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.

Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của Quận và Thành phố.

Nghiên cứu  ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, qui chế phù hợp các qui định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.

Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này.

Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà Quận có thế mạnh.

Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của Quận và Thành phố.

Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn quận Cầu Giấy trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và thành phố đóng trên địa bàn Quận có trách nhiệm cùng Quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch.

 

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20383&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận