Văn bản pháp luật: Quyết định 43/2002/QĐ-BNN

Bùi Bá Bổng
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 43/2002/QĐ-BNN
Quyết định
19/06/2002
04/06/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành tiêu chuẩn ngành

Thứ trưởng
2.002
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc ban hành tiêu chuẩn ngành

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 8 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ "Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá";

Căn cứ vào Quy chế lập, xét duyệt và ban hành kèm theo quyết định số 135/1999/QĐ-BNN-KHCN ngày 01 tháng 10 năm 1999;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành các tiêu chuẩn ngành sau:

1. 10 TCN 527-2002 Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê chè.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Quy trình kỹ thuật

trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê chè.

(The technical procedure for planting, maintenance and harvesting of Arabica Coffee)

1. Phạm vi áp dụng.

Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho các vùng trồng cà phê chè ở các tỉnh phía Bắc từ đèo Hải Vân trở ra. Riêng các tỉnh trồng cà phê chè ở phía Nam đèo Hải Vân, cần có độ cao 800m trở lên so với mặt nước biển với các giống cà phê chè thuần chủng; độ cao trên 400m với giống Catimor và các giống lai khác, có thời kỳ khô hạn ngắn và nhiệt độ thấp vào sau thời kỳ thu hoạch.

2. Tiêu chuẩn trích dẫn

- TCVN 4334-2001 (ISO 3509-1989): Cà phê và các sản phẩm của cà phê, thuật ngữ và định nghĩa.

- 10TCN 84-87: Quy trình kỹ thuật trồng cà phê.

- 10TCN 97-88: Cà phê quả tươi.

- 10TCN 98-88: Quy trình kỹ thuật chế biến cà phê.

3. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật

Thời kỳ kiến thiết cơ bản: 3 năm (1 năm trồng, 2 năm chăm sóc)

Năng suất bình quân trong suốt thời kỳ kinh doanh.

+ Trên đất nâu đỏ bazan và đất đá vôi: 2.0-2.5 tấn nhân/ha

+ Trên các loại đất khác: 1.5-2.0 tấn nhân/ha.

4. Quy trình kỹ thuật

4.1. trồng mới.

4.1.1. Thời vụ trồng.

Thời vụ trồng cà phê tuỳ thuộc vào khí hậu thời tiết từng vùng, bắt đầu vào đầu mùa mưa và kết thúc trước mùa khô 2-3 tháng.

- ở các tỉnh Tây Nguyên: Từ 15/5 đến 15/8.

- Các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ: Từ 15/8 đến hết tháng 10.

- Các tỉnh phía Bắc từ đèo Hải vân: Từ 15/7 đến hết tháng 9 và có thể trồng vào tháng 3-4 nếu có cây giống.

4.1.2. Đất trồng.

Các loại đất bazan, đất poocphia, đất đá vôi, đất granít, gnei, đất phiến thạch sét, phù sa cổ..., có tầng đất dày trên 70cm, thoát nước tốt, mực nước ngầm nằm sâu cách mặt đất trên 100cm; đất có độ dốc dưới 200, độ xốp trên 60%, lớp đất mặt 0-30cm, có hàm lượng hữu cơ tối thiểu 2,5%, độ chua pHKCL 4,5-6 đều trồng được cà phê chè. Trong thực tế thì đất bazan, đất đá vôi và độ dốc dưới 8 0 là thích hợp nhất.

Đất từ các vườn cây bạch đàn, keo tai tượng, vườn cây ăn quả lâu năm hết nhiệm kỳ kinh tế, vườn cà phê già cỗi hoặc bị bệnh thối rễ phải thanh lý thì phải xử lý đất bằng các biện pháp khai hoang, cày bừa, rà rễ, gieo trồng cây phân xanh họ đậu, cây đậu đỗ ăn hạt từ 2-3 vụ vùi thân lá vào đất để cải tạo đất, xử lý vôi, thuốc diệt trừ nấm bệnh kiểm tra tuyến trùng, rệp sáp và các loại nấm bệnh trước lúc trồng cà phê.

Đất đã bị thoái hoá (trồng cây ngắn ngày không có hiệu quả) thì phải bón nhiều phân hữu cơ, hoặc phải cải tạo đất bằng gieo trồng cây họ đậu có bón thêm phân hoá học (20N- 30P2O5/ha) thân lá vùi vào đất liên tục trong 2-3 vụ.

4.1.3. Thiết kế vườn cây

- Nếu khu đất có diện tích lớn, địa hình ít phân cắt, cần thiết kế thành từng khoảnh 10-15 ha, chiều dài theo đường đồng mức. Trong khoảnh chia ra thành từng lô khoảng 1ha (50x200m)

- Nếu khu đất hẹp, địa hình phân cách mạnh thì chia lô theo đường phân cách của địa hình

- Xung quanh khoảnh nên có đường vận chuyển rộng 4-5m.

- Giữa các lô tuỳ theo địa hình mà có các đường phân lô rộng 2-3 m theo đường đồng mức.

4.1.4. Mật độ, khoảng cách trồng và kích thước hố

Mật độ khoảng cách trồng phụ thuộc vào giống cà phê và độ dốc.

Xem bảng sau:

Giống cà phê

Độ dốc dưới 8 độ

Độ dốc trên 8 độ

Khoảng cách

(m)

Mật độ

(cây/ha)

Khoảng cách

(m)

Mật độ

(cây/ha)

Catimor và các giống thấp cây khác.

2 x 1,0

5000

 

2 x 0,8

 

6250

Các giống cà phê chè cao cây như

Typica, Bourbon

2,5 x1,5

 

2667

 

2,5 x 1,0

 

4000

Hàng cà phê phải trồng theo đường đồng mức, kích thước hố tối thiểu là:

- Dài 40cm, rộng 40cm, sâu 50 cm đối với các giống cà phê thấp cây.

- Dài 50cm, rộng 50cm, sâu 60 cm đối với các giống cà phê cao cây.

Trên đất có độ dốc lớn, thì hố trên các hàng đào lệch nhau tạo thành nanh sấu Khi đào thủ công thì đất đào để phía dưới dốc, lớp đất mặt để riêng một phía, sau này trộn với phân hữu cơ, phân lân để đưa xuống hố trồng.

4.1.5. Tiêu chuẩn cây giống.

Cây giống ươm bằng hạt, khi đưa ra trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau:

  • Tuổi cây: 6- 8 tháng
  • Số cặp lá thật: 5-7 cặp lá
  • Chiều cao cây (kể từ mặt bầu): 25-30cm
  • Thân mọc thẳng đứng
  • Màu lá xanh đậm
  • Đường kính gốc thân: 2-3mm
  • Cây không có dị tật, không bị sâu bệnh
  • Kích thước bầu: 12-13 x 20 - 23cm
  • Cây được đưa ra ánh sáng hoàn toàn 10-15 ngày trước lúc trồng.

4.1.6. Trồng mới

- Trộn đều lớp đất mặt với 5-6kg phân chuồng hoai mục, 0,2-0,3kg phân lân nung chảy rồi lấp đất xuống hố. Công việc này phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất 20 ngày.

- Khi trồng phải trộn đất và phân trong hố một lần nữa, sau đó cuốc một hố nhỏ sâu 25-30cm, rộng 15-20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước đó. Dùng dao xén túi bầu, cắt rễ cọc bị cong ở đáy bầu, đặt cây vào hố, điều chỉnh cây thẳng đứng và thẳng hàng, mặt bầu đặt sâu cách mặt đất 5-6cm; ở các tỉnh miền nam và Tây nguyên đặt mặt bầu cách mặt đất 10-15cm(trồng âm). Lấp đất từ từ, vừa lấp vừa dùng tay nén chặt đất vào thành bầu, sau đó dùng chân dẫm nhẹ xung quanh cho chặt, chú ý không được làm vỡ bầu, mỗi hố chỉ trồng một cây.

- Trên đất dốc sau khi trồng xong, tiến hành tạo ổ gà ở quanh gốc, nén chặt thành để tránh đất lấp cây cà phê, ổ gà rộng hơn hố cà phê.

Trồng dặm kịp thời những cây bị chết, cây yếu, trồng dặm vào đầu mùa mưa và chấm dứt trước kết thúc mùa mưa 01 tháng. Khi trồng dặm chỉ cần móc đất và trồng lại trên hố cũ. Cây giống trồng dặm cũng phải chọn cây tốt đủ tiêu chuẩn.

4.1.7. Trồng cây đai rừng, cây che bóng, cây trồng xen.

4.1.7.1 Đai rừng chắn gió.

- Đai rừng chắn gió thẳng góc, hoặc lệch 600 so với hướng gió chính, rộng 6-9m. Khoảng cách đai rừng tuỳ theo kích thước của khoảnh. Có thể trồng hai hàng cây muồng đen (Cassia seamia Lamk) hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m hoặc 3 hàng cây bạch đàn (Eucalyptus sp), cây tràm hoa vàng (Acacia auriculiformis), cây keo tai tượng (Acacia mangium) hàng cách hàng 1m, cây cách cây 1-2 m trồng nanh sấu, ngoài đai rừng chính còn có các đai rừng phụ trồng thẳng góc với đai rừng chính, một hàng cây keo tai tượng, tràm hoa vàng hoặc cây ăn quả.

- Thiết kế đai rừng kết hợp thiết kế lô khoảnh. Nếu có điều kiện thì trồng đai rừng trước lúc trồng cà phê 1-2 tháng. Trên đỉnh đồi nên trồng cây rừng dày đặc để hạn chế xói mòn.

4.1.7.2 Cây che bóng.

- Cây che bóng lâu dài dùng các loại sau đây:

Cây muồng đen: khoảng cách trồng 20 x 20 m/cây.

Cây keo giậu (Leucaena glauca Benth), cây muồng lá nhọn (Cassiatora) khoảng cách trồng 10 x 10 m/cây.

Các loại cây này được gieo trồng vào bầu và chăm sóc cẩn thận, khi đạt độ cao 30-40cm mới đem ra trồng. Vị trí trồng cây che bóng là ở trên hàng, giữa hai cây cà phê. Cây che bóng được trồng đồng thời với lúc trồng cà phê. Có thể dùng cành bánh tẻ của cây muồng lá nhọn trưởng thành cắm trực tiếp vào đất trong vụ mưa.

Khi cây che bóng phát triển tốt, phải thường xuyên rong tỉa bớt cành ngang, tán cây che bóng cách tán cà phê ít nhất 2 - 3m ở thời kỳ đầu và 4m trở lên ở thời kỳ kinh doanh.

Cà phê trong vườn hộ gia đình, sử dụng cây na, vải, nhãn, chuối, đu đủ, quế, hoè, mận, mơ....trồng xen hoặc trồng xung quanh vườn, khoảng cách trồng 20x15m/cây để tăng thu nhập kết hợp với làm cây che bóng, nhưng phải bón phân đầy đủ và rong tỉa cành ngang, tạo hình thích hợp theo từng loại cây

- Cây che bóng tạm thời: Cây cốt khí (Tephrosia candida DC), muồng hoa vàng (Casia surattensis Burm), đậu công (Flemingia congesta) là những cây che bóng chắn gió tạm thời, thích hợp cho cà phê kiến thiết cơ bản. Hạt gieo vào đầu mùa mưa giữa hai hàng cà phê, khoảng cách 2-3 hàng cà phê gieo một hàng cây che bóng, khi cây phát triển tốt, cành chen tán cà phê thì rong tỉa cành lá ép xanh vào gốc cà phê.

4.1.7.3 Trồng xen cây họ đậu.

Vườn cà phê chè ba năm đầu, cây chưa giao tán nên trồng xen cây đậu đỗ ăn hạt và cây phân xanh họ đậu giữa hai hàng cà phê để tăng thêm thu nhập, bảo vệ cải tạo đất và cung cấp sinh khối hữu cơ chất lượng cao cho cây.

Các cây đậu đỗ ăn hạt như lạc, đậu hồng đào, đậu tương, đậu đen......gieo vào đầu hoặc giữa vụ mưa, phải bón phân và chăm sóc theo yêu cầu của cây, sau khi thu hoạch củ, hạt xong thì tủ thân lá vào gốc cà phê hoặc đào rãnh vùi vào đất.

Các cây phân xanh họ đậu như muồng hoa vàng, đậu công, đậu chiều (Cajanus flavus DC); đậu mèo ngồi (Indigofera tinetoria), trinh nữ không gai (Mimosa invisa var inermis) gieo vào các tháng trong vụ mưa, khi ra hoa thì cắt thân lá vùi vào đất, một năm có thể cắt thân lá 2-3 lần.

Các cây trồng xen phải cách gốc cà phê 40-50cm, không gieo xen cây cốt khí, ngô, sắn, lúa vào vườn cà phê.

4.2. Chăm sóc

4.2.1. Làm cỏ.

Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, cà phê chưa giao tán, chỉ làm cỏ sạch dọc hàng cà phê với chiều rộng lớn hơn tán cà phê, chừa lại băng cỏ giữa hai hàng cà phê để chống xói mòn đất, mỗi năm làm cỏ 4-5 lần và phát ngọn cỏ không được để cỏ cao bằng cà phê.

Trong giai đoạn cà phê kinh doanh cần làm cỏ sạch toàn bộ diện tích, làm 3-4 lần trong năm. Tất cả thân lá cỏ và các tàn dư thực vật có trong vườn cà phê đều được chôn vùi vào đất để tăng độ xốp và cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Nếu có quá nhiều cỏ tranh, cỏ gấu, cỏ gừng, cỏ trai.... thì dùng thuốc Round up, Spark, Nufarm nồng độ 4-6 lít thuốc pha với 400-500 lít nước phun cho 1ha, phun vào lúc cỏ còn non, sinh trưởng mạnh.

4.2.2. Tạo bồn, tạo bậc thang dần.

Cách tạo bồn đơn giản là lấy đất quanh gốc, đắp thành bờ ở phía ngoài mép tán, nén chặt thành bờ, chỗ lấy đất không được sâu quá 15cm và được lấp đầy dần bằng cỏ, các tàn dư thực vật và đất phía trong gốc tự trôi xuống. Hàng năm bồn được mở rộng theo tán cà phê cho đến khi đạt kích thước 1-1,5m, thành bồn cao khoảng 10-15cm; việc vét đất làm bồn được tiến hành vào đầu mùa mưa và phải tránh làm tổn thương bộ rễ cà phê.

Đất có độ dốc trên 80 cần phải tạo bậc thang dần, công việc này được thực hiện từ khi đào hố, chuẩn bị đất trồng và suốt trong quá trình chăm sóc làm cỏ cà phê. Mỗi lần làm cỏ cần có ý thức dùng thân cỏ, cành cây cứng, đá tảng.... xếp thành hàng về phía dưới, rồi san dần đất phía trên dốc đưa xuống làm liên tục hai ba năm đầu sẽ thành bậc thang hẹp tương đối hoàn chỉnh.

4.2.3. Bón phân

4.2.3.1 Bón phân hữu cơ

Phân chuồng hoai mục được bón định kỳ 3-4 năm một lần với lượng 5-10kg/gốc. Nếu không có phân chuồng có thể bổ sung các nguồn phân hữu cơ khác, hoặc bằng các loại phân xanh.

Phân chuồng và các loại phân hữu cơ bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh đào một phía dọc theo thành bồn, rộng 15-20cm sâu 20-25cm, đưa phân xuống rãnh, lấp đất. Các năm sau rãnh đào về phía khác.

4.2.3.2 Bón phân hoá học

a. Liều lượng

Định lượng phân hoá học bón cho cà phê hàng năm theo bảng dưới đây:

Lượng phân nguyên chất (kg/ha/năm)

Tuổi cà phê

N

P2 05

K20

Trồng mới

40 - 50

150 - 180

30 - 30

Chăm sóc 1

Chăm sóc 2

70 - 95

160- 185

80- 90

80 - 90

50 - 60

180 - 210

Kinh doanh chu kỳ 1

255 - 280

90 - 120

270 - 300

Cưa đốn phục hồi

(bón nuôi chồi)

115 - 140

150 - 180

120 - 150

Kinh doanh chu kỳ 2

255 - 280

90 - 120

270 - 300

Ghi chú: Khi dùng các loại phân đơn hoặc phân hỗn hợp NPK, thì căn cứ vào tỷ lệ nguyên chất của các loại phân để tính cho đủ lượng bón.

b. Cách bón

- Với cà phê trồng mới: Khoảng 20-25 ngày sau khi trồng thì tiến hành bón thúc phân đạm và kali. Chia đều lượng phân trên bón làm 2 lần trong mùa mưa. Toàn bộ phân lân bón lót vào hố trước lúc trồng.

- Với các tuổi cà phê khác: 100% lân bón lần 1, rãi đều xung quanh trong phạm vi tán cà phê. Phân đạm và kali bón 4 lần theo bảng sau:

Thời kỳ và tỷ lệ bón phân khoáng bón trong năm

 

Loại phân

Tỷ lệ bón (%)

Lần 1

tháng 2-3

Lần 2

tháng 4-5

Lần 3

Tháng 6-7

Lần 4

tháng 9-10

Đạm

Lân

Kali

20

100

20

30

-

30

30

-

30

20

-

20

- Dùng dạng đạm sunfat amôn để bón lần 1, các tỉnh phía Nam bón lần 1 kết hợp với tưới nước.

- Đào rành xung quanh tán cà phê cách gốc 10-30cm, rộng 10-15cm, sâu 5cm, rải đều phân rồi lấp đất.

- Ngoài lượng phân quy định trên : để đảm bảo cho vườn cây bền vững, năng suất cao ổn định thì 2-3 năm có thể bón vôi 1 lần với lượng 500-1000kg vôi/ha, bón vào đầu vụ mưa, rải đều trong phạm vị tán cây.

ở giai đoạn kinh doanh hàng năm có thể bón thêm 10-15kg ZnSO4 và 10-15kg H3BO4 , trộn đều với đạm, kali bón hoặc phun trực tiếp lên lá với nồng độ 0,5 %..

4.2.4. Tưới nước.

Tây Nguyên vào mùa khô cần tưới khoảng 3-4 đợt, mỗi đợt tưới cách nhau 20-25 ngày, lượng nước tưới tuỳ thuộc vào tuổi cây: Năm trồng mới và hai năm chăm sóc tiếp theo cần tưới 200-300m3/ha/1 lần tưới.

Các năm kinh doanh cần 400-500m3/ha/1 lần tưới; Riêng đợt tưới đầu cho cà phê kinh doanh là vào thời điểm mầm hoa đã phát triển đầy đủ (cuối tháng 1) và phải tưới lượng nước 600m3/ha/đợt đầu.

Cà phê trồng ở các tỉnh phía Bắc: (Từ đèo Hải Vân trở ra) không cần tưới, những nơi có điều kiện thuận lợi nên tưới vào những thời điểm khô hạn kéo dài.

4.2.5. Tạo hình

- Cắt bỏ những chồi vượt mọc từ gốc hoặc từ nách lá trên thân kịp thời. Không để thêm thân phụ, trường hợp thân chính bị gẫy thì để một chồi vượt to khoẻ thay thế.

- Cắt bỏ cành tăm, cành vòi voi, cành chùm, những cành nhỏ ở phía giáp thân, cành bị sâu bệnh, cành khô, cành thứ cấp mọc hướng vào trong hoặc hướng xuống dưới, cành mọc sát thân chính ở đốt 1,2,3 trên cành cơ bản. Tỉa thưa bớt cành thứ cấp nếu thấy quá dày, cắt ngắn những cành già cỗi không có khả năng ra quả vụ tiếp, cắt bỏ cành cơ bản chạm sát mặt đất và cành mọc sát nhau.

Các công việc cắt cành tạo tán phải làm thường xuyên và phải đặc biệt chú ý cắt tỉa cành sau khi đã thu hoạch xong.

- Các giống Bourbon, Typica, Mundo Novo hãm ngọn lần 1 ở độ cao 1,4m sau 2-3 năm các cành cơ bản phát sinh cành thứ cấp và cành dưới già cỗi thì chọn một chồi vượt to khoẻ gần đỉnh tán để nuôi tầng thứ hai và hãm ngọn ở độ cao cả cây 1,6m-1,8m.

Các giống thấp cây, tán bé, khả năng phát triển chiều cao hạn chế như Caturra, Catuai, Catimor thì hãm ngọn một lần ở độ cao 1,8m.

Cần chú ý vặt bỏ các chồi vượt mọc lên sau khi hãm ngọn.

4.2.6. Cưa đốn phục hồi ( trẻ hoá vườn cây).

Vườn cà phê già không còn khả năng cho năng suất cao, không có hiệu quả kinh tế thì tiến hành cưa đốn phục hồi, chuyển sang chu kỳ kinh tế 2.

- Thời vụ cưa đốn: tháng 2,3 ở phía Bắc; tháng 3,4 ở Tây Nguyên thường là sau khi thu hoạch xong hoặc đầu mùa mưa.

- Dùng cưa cưa thân, để lại đoạn gốc cách mặt đất 20-25cm bề mặt cắt phải phẳng và vát một góc 450 không hướng về hướng tây, sau đó chuyển toàn bộ thân chính ra khỏi vườn. Rong tỉa cành cây che bóng để cho ánh sáng lọt vào khoảng 60-70%.

- Đào bỏ các gốc chết, bón 5-10kg phân chuồng và 0,2- 0,3kg lân nung chảy/hố trồng dặm vào mùa mưa năm đó hoặc năm tiếp theo.

- Rải đều 500-1000kg vôi/ha, cuốc xới toàn bộ đất giữa hai hàng gốc cà phê để trộn vôi vào đất và làm tơi xốp đất.

- Sau khi cưa 1-2 tháng, giữ lại 4-5 chồi to khoẻ phân bố đều trên thân gốc để giữ lại. Khi chồi này cao khoảng 20-30cm chỉ giữ lại một gốc 2 chồi để tạo thân, thường xuyên loại bỏ tất cả các chồi vượt phát sinh.

- Đầu mùa mưa tiến hành bón phân theo định lượng và phương pháp bón như đã trình bầy ở trên.

- Tiến hành gieo xen cây phân xanh họ đậu và cây đậu đỗ ăn hạt vào giữa hai hàng cà phê. Thân lá ép xanh, bón 5-10kg phân chuồng/gốc.

- Chiều cao hãm ngọn ở chu kỳ này là 1,6-1,7m và tiến hành các biện pháp tạo hình tỉa cành như chu kỳ đầu.

4.2.7. Biện pháp kỹ thuật hạn chế tác hại của sương muối.

1. Những vùng thường hay xuất hiện sương muối cần phải chú ý các biện pháp sau đây:

- Không trồng cà phê trên các địa bàn có tần suất sương muối dày (dưới 8 năm bị một lần), không trồng cà phê trên các sườn đồi đón gió lạnh và các thung lũng sâu.

- Vùng trồng cà phê nhất thiết phải có đai rừng chắn gió lạnh, trồng rừng phòng hộ. Được chắn ở phía đón gió và cần phải tạo lập các đai rừng quanh đồi cà phê hoặc các lô khoảnh cà phê.

- Phải có hệ thống cây che bóng chắn gió tầng cao và tầng thấp ngay trong vườn cà phê, hệ thống này dày hơn các vùng không có sương muối.

- Che tủ gốc cà phê tốt bằng các tàn dư hữu cơ, các phụ phế phẩm nông nghiệp (thân ngô, rơm rạ...). Khi có dự báo sương muối nếu có điều kiện thì tưới nước cho cà phê hoặc hun khói ở đầu hướng gió.

2. Khi vườn cà phê bị sương muối thì phải xử lý các biện pháp sau đây:

- Nhanh chóng cưa đốn loại bỏ thân cũ, cưa càng sớm càng tốt, độ cao gốc để lại tái sinh 7-10cm chỉ thực hiện với cà phê kinh doanh và cà phê đang chăm sóc năm thứ 2 trở lên.

- Bón vãi đều 500-1000kg vôi; 1000kg phân lân nung chảy; Cuốc, xới xáo sâu 5-10cm toàn bộ mặt đất giữa hai hàng cà phê trộn lấp phân. Gieo trồng xen cây phân xanh họ đậu, đậu đỗ ăn hạt, thân lá vùi ép xanh cho cà phê.

- Khi chồi cao 20-30cm loại bỏ hết chồi xấu, để lại 3-4 chồi to khoẻ phân bố quanh gốc và cuối cùng chỉ để một gốc 1-2 chồi làm thân chính.

- Bón phân và chăm sóc như cà phê cưa đốn phục hồi.

4.2.8 Phòng trừ sâu bệnh hại

4.2.8.1 Sâu hại

a. Sâu đục thân mình trắng (sâu Bore Xylotrechus quadripes).

Gây hại chủ yếu trên cây cà phê từ năm thứ ba trở đi. Sâu trưởng thành là một loài xén tóc dài từ 8-10mm, đẻ trứng vào các kẽ nứt của vỏ cây, sâu non có màu trắng dài 2-2,5mm, sâu non đục các đường lằn vòng vèo ngoài vỏ, sau đó ăn vào phần gỗ làm chết cây cà phê.

Phòng trừ: Thu gom các cây đã bị sâu hại đem đốt, trồng cây che bóng với mật độ phù hợp.

Theo dõi các đợt trưởng thành ra rộ của sâu và phòng trừ ở giai đoạn trứng và sâu non bằng một số loại thuốc sau:

- Supracid 40EC 0,25%+ dầu diezel 0,5%.

- Hoặc Diazinol 50EC 0,25% + dầu diezel 0,5% phun lên phần thân cây.

Dùng hỗn hợp sau đây quét lên phần hoá gỗ của thân cây và của cành lớn.: Supracid hay Sumithion : 1-2 phần

Phân trâu bò tươi: 5 phần

Đất sét: 10 phần

Nước lãi: 15 phần

Thường phòng trừ vào các đợt sâu đẻ trứng rộ tháng 4,5,10,11.

b. Sâu tiện vỏ (Dihammus cervinus Battes)

Sâu trưởng thành là một loại xén tóc, đẻ trứng ở phần gốc sát mặt đất. Sâu tiện vỏ đặc biệt gây hại trên cây cà phê chè ở năm thứ 1và 2 của KTCB. Sâu non có màu trắng, gặm phần vỏ và một phần gỗ ở gốc sát mặt đất quanh thân làm cây héo vàng rồi chết.

Phòng trừ:

- Dùng các loại thuốc và nồng độ như với sâu đục thân mình trắng, phun hoặc quét lên thân cây vào tháng 4 đến tháng 5 hàng năm ở giai đoạn KTCB.

c. Rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vẩy nâu (Saissetia Hemisphaerica)

Gây hại trên các lá non và chồi non, chích hút nhựa làm rụng lá và kéo theo nấm muội đen. Kiến là côn trùng giúp rệp phát tán.

Phòng trừ:

Làm sạch cỏ, cắt bỏ cành sát mặt đất để hạn chế kiến làm lây lan rệp. Không trồng các cây ký chủ của rệp như sắn, cam, ổi, quýt, xoài, chè trong vườn cà phê.

Dùng các thuốc Supracide, Diazinol, Pyrinex, Bi 58 nồng độ 0,15-0,2% phun lên cây có rệp. Cây bị nặng phun hai lần cách nhau một tuần.

d. Rệp sáp (Pseudococcus spp)

Rệp sáp có hình bầu dục, trên thân phủ một lớp sáp trắng xám mịn, gây hại ở nhiều bộ phận khác nhau: Cuống quả, chùm quả, chùm hoa, phần non của cây và dưới rễ gây thối quả, cháy lá và chết cây.

Phòng trừ:

Trên lá, quả: Phun Supracide 40 EC 0,15% hoặc Dimecron 100DD 0,15-0,2%, Diazinol 50EC 0,15%

Dưới rễ: Tưới vào gốc bằng một trong các loại thuốc trên, pha nồng độ 0,2% + 1% dầu hoả, lượng dùng 1lít dung dịch/gốc.

đ. Nhện đỏ (Red spider mite)

Xuất hiện và gây hại vào mùa khô, nhện đỏ chích hút dịch cây từ lá làm cho mặt lá thường gồ ghề, các lá non và lá bánh tẻ sau khi bị hại thường có màu nâu hung như bị cháy nắng. Lá bị hại rất dễ rụng.

Phòng trừ:

Trồng cây che bóng, bón phân hữu cơ đủ sẽ hạn chế phát triển của nhện đỏ.

Dùng một trong các loại thuốc sau để phun: Folidol E 605 0,1-0,2%; Diazinol dạng sữa có nồng độ 0,1-0,2%.

e. Sâu hồng (Zeuzera coffea )

Đục vào phần ngọn của thân và cành ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, thường mỗi cây chỉ có 1 con sâu non gây hại.

Phòng trừ: Bẻ cành đã bị hại (héo khô) chẻ cành diệt sâu kịp thời.

g. Mọt đục cành (Xyleborus morstatti) Mọt đục lỗ nhỏ bên dưới cành non làm cành héo dần và chết, mọt phát triển mạnh vào mùa khô, phòng trừ bằng cách cắt đốt kịp thời những cây bị hại.

h. Mọt đục quả: (Stephanoderes hampei)

Gây hại ở giai đoạn quả chín, đục lỗ từ núm quả chín vào trong đẻ trứng sau đó phá hoại hạt. Mọt còn phá hoại quả và nhân khô trong kho khi độ ẩm trên 13%.

Phòng trừ: Thu hái các quả ra trái vụ, nhặt quả rụng để tiêu diệt nguồn sâu (bằng cách đốt).

Dùng thuốc hoá học Supracide 0,15%, Thiodan 0,25% phun phòng trừ ở giai đoạn quả xanh chuyển sang chín, phun hai lần cách nhau 3-4 tuần

i. Mối ( Termes spp)

Mối làm tổ trong đất, mối ăn dần vỏ cây từ gốc lên, lâu ngày làm chết cây.

Phòng trừ: Làm đất kỹ trước khi trồng để phá các tổ mối. Khi thấy xuất hiện mối trên vườn cà phê phải đào đất tìm diệt mối chúa. Dùng thuốc Basudin dạng sữa 50% nồng độ 0,1-0,2% phun hoặc quét lên thân cây.

k. Bọ hũ (Maladera orientalis)

Trưởng thành còn được gọi là con bọ hung nâu, sâu non có màu trắng xám, đầu và răng có màu nâu luôn nằm cong hình chữ C, sâu non gặm ăn phần thân nằm dưới mặt đất gây chết cây ở thời kỳ KTCB, trưởng thành ăn các lá cây vào ban đêm.

Phòng trừ: làm cỏ, xới xáo đất có tác dụng diệt và hạn chế tác hại của sâu non.

Diệt sâu non bằng việc rắc thuốc Basudin vào gốc cà phê (10g/gốc), diệt sâu trưởng thành bọ hũ bằng thuốc Bi 58 nồng độ 0,15%.

4.2.8.2 Bệnh hại

a. Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix)

Bệnh gây hại trên lá cà phê làm rụng lá và mất năng suất. Các giống Bourbon, Caturra, Typica....bị nặng hơn các giống khác. Nấm ký sinh tạo thành các vết bệnh hình tròn với lớp bột phấn màu vàng nhạt sau đó là màu da cam ở dưới mặt lá. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 10,11,12 và tháng 3,4 năm sau.

Phòng trừ: Sử dụng những giống kháng bệnh, tăng cường bón phân hữu cơ, vệ sinh đồng ruộng (chôn vùi lá, tàn dư thực vật). Trường hợp cây bị bệnh quá nặng tàn rụi toàn bộ lá có thể ghép thay thế bằng một giống cà phê kháng bệnh (TN1, TN2, TH1). Loại bỏ cây con bị bệnh ngay từ vườn ươm.

Phun một trong các loại thuốc hoá học sau đây: Anvil 5SC 0,2%; Sumieight 12,5WP 0,05%, Baylenton 0,1%, Boocdo 1% phun 2 lần cách nhau 3 tuần, 0,5 lít dung dịch/cây vào đầu mùa bệnh.

b. Bệnh khô cành khô quả (Die Back)

Làm khô cành khô quả, khô lá thành từng mảng trên phiến lá. Bệnh có nguyên nhân cây thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị nấm Colletotrichum coffeanum gây nên.

Phòng trừ: Trồng cây che bóng hợp lý và tăng cường dinh dưỡng cho cây, cắt đoạn cành bị bệnh đã khô để đốt. Khi bệnh xuất hiện dùng các loại thuốc có gốc đồng như: Boocdo 1%, Benlate 0,2%, Deroral 0,1%, Carbenzim 0,2%; Tilt 0,1% phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

c. Bệnh nấm hồng ( Do nấm Corticium salmonicolor)

Bệnh chủ yếu gây hại trên cành, phần trên của tán cây. Bệnh thường xuất hiện trong các tháng mưa, ẩm. Vết bệnh ban đầu là những chấm trắng nằm mặt dưới của cành, sau hồng dần lan khắp chu vi cành và gây chết cành.

Phòng trừ: Phát hiện kịp thời để cắt cành bị bệnh. Dùng các thuốc Validacin 2%; Anvil 0,2% phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày, phun tập trung vào quả và cành.

d. Bệnh lỡ cổ rễ (do Rhizoctonia solani)

Gây hại phổ biến trên cây cà phê con trong vườn ươm và cây ở giai đoạn KTCB, trồng trên đất có thành phần cơ giới nặng. Cây bị thối toàn phần hoặc một phần cổ rễ khiến cây sinh trưởng chậm, vàng lá và có thể chết cây.

Phòng trừ: Không để đất xung quanh gốc bị đóng váng và đọng nước, tránh gây vết thương vùng cổ rễ. Nhổ, đốt các cây bị bệnh nặng.

Cây bị bệnh nhẹ có thể dùng một số loại thuốc sau: Benlate 0,5%, Validacin 3% tưới 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

đ. Bệnh vàng lá thối rễ (do tuyến trùng và nấm).

Là loại bệnh nguy hiểm có thể gây chết hàng loạt. Bệnh do sự phối hợp tấn công của tuyến trùng (Pratylenchus coffeae) và các nấm (Fusarium oxysporum, Fusarium solani, Rhizoctonia bataticola). Bệnh làm cho cây sinh trưởng chậm, ít cành thứ cấp và chồi vượt, lá chuyển màu vàng, rễ tơ và cổ rễ bị thối. Cà phê kiến thiết cơ bản thường bị nghiêm trọng trong mùa mưa, rễ cọc bị thối.

Phòng bệnh:

Hiện tại chưa có thuốc đặc trị, phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện kịp thời cây bị bệnh nặng đào cây đốt, tưới thuốc Benlate C hay Bendazol nồng độ 0,5%, 5 lít dung dịch/hố tưới 2 lần cách nhau 15 ngày cho các cây xung quanh vùng bệnh.

- Bón phân đầy đủ cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ và vôi.

- Hạn chế xới xáo trong vườn cà phê đã bị bệnh để tránh làm tổn thương bộ rễ.

- Đối với vườn cà phê già cỗi, vườn bị bệnh sau khi thanh lý không được trồng lại ngay mà phải tiến hành rà rễ và luân canh bằng các cây trồng ngắn ngày hoặc các cây phân xanh, cây đậu đỗ ít nhất 2-3 năm trước khi trồng lại cà phê.

5. Thu hoạch

5.1. Kỹ thuật thu hoạch

Thu hoạch những quả đúng tầm chín trên cây, thu hái bằng tay, hái từng quả, không được tuốt, vặn cành, làm gãy cành. Thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín, phải ngừng thu hái trước và sau khi hoa nở 3-5 ngày.

5.2. Yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm thu hoạch.

Sản phẩm thu hoạch phải đạt trên 95% quả chín và tỷ lệ tạp chất không quá 0,5%; Đợt thu hoạch cuối vụ cũng phải đạt tỷ lệ quả chín trên 85%, tạp chất không quá 1% và không chiếm quá 10% tổng sản lượng toàn vụ.

5.3. Bảo quản quả cà phê chín.

Quả cà phê sau lúc thu hoạch trong vòng 12 giờ phải được chuyên chở về cơ sở chế biến để xát vỏ ngay trong ngày. Bao bì đựng cà phê quả và phương tiện vận chuyển phải sạch, không nhiễm phân bón, hoá chất hoặc bùn cống rãnh .... Nếu vận chuyển hay chế biến không kịp thời thì bảo quản cà phê quả trên nền xi măng, nền gạch, khô ráo thoáng mát, đổ thành từng đống nhỏ, có chiều dày không quá 40cm.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=22408&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận