Văn bản pháp luật: Quyết định 48/2001/QĐ-UB

Hoàng Văn Nghiên
Hà Nội
STP TP Hà Nội;
Quyết định 48/2001/QĐ-UB
Quyết định
14/07/2001
29/06/2001

Tóm tắt nội dung

Về việc Ban hành Điều lệ quản lý xây dựngTheo quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, Hà Nội - Tỷ lệ 1/2000

Chủ tịch
2.001
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ

Về việc Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng

Theo quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, Hà Nội - Tỷ lệ 1/2000

(Phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông)

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân  và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29 tháng 6 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ – tỷ lệ 1/2000 (phần  quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông),

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Điều lệ  quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, Hà Nội, tỷ lệ 1/2000” (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông ).

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Giao thông công chính, Địa chính – Nhà đất; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Thuỵ Khuê, Bưởi và Xuân La; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ XÂY DỰNG

Theo quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ – Hà Nội, tỷ lệ 1/2000

(phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2001/QĐ-UB

ngày 29 tháng 6 năm 2001 của UBND Thành phố Hà Nội)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Điều lệ này hướng dẫn việc quản lý xây dựng, cải tạo, tôn tạo, bảo vệ, sử dụng các công trình theo đúng đồ án quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ - Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông ) đã được phê duyệt tại Quyết định số: 47/2001/QĐ ngày 29 tháng 6 năm 2001 của UBND thành phố Hà Nội.

Điều2. Ngoài những quy định trong Điều lệ này, việc quản lý xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ – Hà Nội còn phải tuân theo những quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi Điều lệ phải do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở điều chỉnh đồ án  quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Điều 4. UBND Thành phố giao cho Chủ tịch UBND quận Tây Hồ quản lý xây dựng trên địa bàn và phối hợp với các Sở, ngành chức năng để hướng dẫn các Chủ đầu tư và nhân dân thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt và quy định của pháp luật.

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ là ranh giới hành chính xác định  tại Nghị định số 69/CP ngày 28/10/1995 của Thủ  tướng Chính phủ về việc thành lập quận Tây Hồ.

Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy.

Phía Đông NamNam giáp quận Ba Đình.

Phía Bắc và Đông là sông Hồng, giáp huyện Đông Anh và Gia Lâm.

Tổng  diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch chi tiết là: 2400,81 ha, gồm 8 phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi, Xuân La.

Dân số dự kiến theo quy hoạch:120.000 người (dân số hiện trạng theo số liệu điều tra đến ngày 31/12/1999 của Cục thống kê Hà Nội: 92.700 người).

Điều 6. Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được chia thành các khu chức năng như sau:

Đất công trình công cộng.

Đất cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu.

Đất hỗn hợp (văn phòng giao dịch, thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà ở cao cấp).

Đất quốc phòng.

Đất công nghiệp, kho tàng.

Đất khu ở.

Đất đường giao thông.

Đất cây xanh công viên, vui chơi giải trí.

Điều 7. Đất công nghiệp kho tàng.

Diện tích đất: 3,67 ha.

Mật độ xây dựng tối đa: 70%

Hệ số sử dụng đất: 0,6 – 0,9 lần.

Tầng cao công trình: theo dự án cụ thể được phê duyệt.

Yêu cầu kiến trúc quy hoạch và giao thông :

*Kiến trúc:

Chỉ giới xây dựng và khoảng cách các công trình sẽ do không gian kiến trúc quyết định khi lập dự án cụ thể, phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Phải cải tiến dây chuyền công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và đảm bảo khoảng cách ly công nghiệp.

Hình thức và bộ  mặt kiến trúc, hệ thống cây xanh trong công trình được xây dựng đẹp và phù hợp với quy hoạch chung khu vực. Trước khi thiết kế và xây dựng công trình phải được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, vật liệu xây dựng bền, đẹp và an toàn.

*Giao thông:

Đường trong khu công nghiệp được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Mạng lưới đường trong khu công nghiệp được tổ chức liên hệ với đường Thành phố và khu vực một cách thuận tiện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của giao thông Thành phố.

Có diện tích dành cho các bãi đỗ xe (giao thông tĩnh).

Điều 8. Đất xây dựng khu ở.

Tổng diện tích đất: 529,14 ha, bao gồm:

Đất đường: 38,08 ha

Đất giao thông tĩnh (phân tán trong khu ở): 22,5 ha

Đất cây xanh: 19,52 ha

Đất công cộng: 15,85 ha

Đất đơn vị ở: 433,19 ha

Tổng số người trong khu vực nghiên cứu đất ở đô thị cải tạo và đất ở đô thị xây mới: 75990 người. Trong đó:

Khu vực đất ở đô thị cải tạo: 27560 người.

Tầng cao trung bình: 3 tầng

Mật độ xây dựng trung bình: 53%

Khu vực đất đô thị xây mới: 48430 người.

Tầng cao trung bình: 4,4 tầng.

Mật độ xây dựng trung bình: 40,8%

(Khu vực đã có dự án thì theo chỉ tiêu được duyệt).

Yêu cầu quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

*Kiến trúc:

- Chỉ giới xây dựng và khoảng cách giữa các công trình phải phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh, sân vườn đẹp, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực và tính chất sử dụng công trình.

- Khi lập dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị mới phải tính toán đầy đủ các nhu cầu phục vụ công cộng, cây xanh, trường học...

Theo yêu cầu quy hoạch và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

*Giao thông:

- Mạng lưới giao thông trong khu nhà ở cần được xây dựng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn về chiếu sáng và cấp hạng đường, liên hệ thuận tiện với mạng lưới đường Thành phố.

- Trong khu nhà ở phải bố trí các hệ thống đường đảm bảo tiêu chuẩn (bề rộng lòng đường và vỉa hè) kết hợp xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo, có diện tích giao thông tĩnh thích hợp, khuyến khích nhà ở gia đình độc lập có ga ra riêng trong khuôn viên.

- Đường  đi bộ, vườn hoa, cây xanh được thiết kế đồng bộ tạo thành nơi nghỉ ngơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của dân cư.

Điều 9: Đất cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu.

- Diện tích đất: 21,9 ha.

- Mật độ xây dựng: 30 –40%

- Hệ số sử dụng đất: 0,8 – hơn 2 lần.

- Tầng cao công trình theo dự án cụ thể được duyệt.

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông :

*Kiến trúc:

- Chỉ giới xây dựng, khoảng cách các công trình phải tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh sân vườn, tường rào, cổng đẹp và phù hợp quy hoạch chung khu vực.

*Giao thông:

- Các công trình phải bố trí bãi đỗ xe riêng trong khuôn viên đáp ứng yêu cầu hoạt động giao dịch của công trình, không dùng vỉa hè, lòng đường làm chỗ đỗ xe.

- Tổ chức đường  ra vào hợp lý.

Điều 10: Đất hỗn hợp

- Diện tích đất 18,34 ha

- Có chức năng là văn phòng giao dịch, thương mại, khách sạn, nhà ở cao cấp

- Mật độ xây dựng: 30-50%

- Hệ số sử dụng đất: 0,8- hơn 2 lần

- Tầng cao công trình theo dự án cụ thể được duyệt.

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

*Kiến trúc:

- Chỉ giới xây dựng, khoảng cách công trình phải tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh sân vườn, tường rào, cổng... đẹp và phù hợp  với quy hoạch chung của khu vực.

- Nếu là công trình hỗn hợp có chức năng ở phải tổ chức riêng biệt, an toàn, dễ quản lý, không ảnh  hưởng đến việc ở và làm việc, giao dịch của công trình.

*Giao thông:

- Công trình cần bố trí bãi đỗ xe riêng trong khuôn viên đáp ứng yêu cầu giao dịch, không dùng vỉa hè, lòng đường làm chỗ đỗ xe.

- Tổ chức đường ra vào hợp lý.

Điều 11: Đất công trình công cộng

Có chức năng trung tâm công cộng, dịch vụ, thương nghiệp, bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính...

1. Đất công cộng Thành phố  và quận:

- Diện tích đất:124,3 ha

- Có chức năng là khách sạn, trung tâm thương mại, chợ, giao dịch tài chính trong nước và quốc tế, trung tâm hành chính quận, công trình văn hoá, y tế.

- Mật độ xây dựng: 30-50%

- Hệ số  sử dụng đất:1,5 – hơn 2 lần

- Tầng cao công trình: theo dự án cụ thể được duyệt.

2. Đất công cộng khu ở:

- Diện tích: 15,85 ha

- Chức năng công cộng phục vụ các nhu cầu định kỳ, không thường xuyên.

- Mật độ xây dựng:30-50%

- Hệ số sử dụng đất: 0,6 – 2,5 lần.

- Tầng cao công trình: theo dự án cụ thể được duyệt.

3. Bệnh viện đa khoa:

- Diện tích: 1,2 ha

- Mật độ xây dựng: 20-30 %

- Hệ số sử dụng đất: 1,0- 2 lần.

- Tầng cao công trình: theo dự án cụ thể được duyệt.

4.  Trường phổ thông trung học:

- Diện tích: 8,19 ha

- Mật độ xây dựng: 30%

- Hệ số sử dụng đất: 0,6-0,9 lần.

(Các trường tiểu học và trung học cơ sở, nhà trẻ được xác định trong quy hoạch chuyên ngành và các dự án xây dựng, cải tạo đô thị).

- Tầng cao công trình: theo dự  án cụ thể được duyệt.

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

*Kiến trúc:

- Chỉ giới xây dựng và khoảng cách các công trình phải tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Hình thức kiến trúc, sắc màu công trình, cây xanh, sân vườn đẹp, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực và tính  chất sử dụng của công trình.

*Giao thông:

- Cần bố trí bãi đỗ xe riêng đáp ứng yêu cầu hoạt động của công trình, có lối ra vào thuận tiện, không sử dụng lòng đường và vỉa hè để đỗ xe.

Điều 12. Công viên, sân vườn, cây xanh.

- Tổng diện tích: 271,01 ha. Gồm có:

+ Cây xanh Thành phố: 251,49 ha

+ Cây xanh khu ở:19,52 ha

- Chức năng công viên cây xanh vui chơi giải trí phục vụ cho nhu cầu chung của Thành phố và khu ở.

- Mật độ  xây dựng: tối đa 5%

(Đối với khu vực lập dự án cây xanh kết hợp vui chơi giải trí mật độ xây dựng không qúa 10%)

- Tầng cao công trình theo dự án cụ thể được duyệt.

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và  quy hoạch giao thông:

*Kiến trúc:

- Hình thức tổ chức cây xanh, sân vườn đẹp, phong phú, thuận lợi cho sử dụng chung và phù hợp với quy hoạch chung.

*Giao thông:

- Bố trí lối ra vào thuận lợi cho người đi bộ, hệ  thống chiếu  sáng phù hợp với chức năng công trình và bố trí điểm đỗ xe thuận tiện đáp ứng yêu cầu sử dụng của công trình.

Điều 13: Các hành lang cách ly, khu xử lý kỹ thuật, giao thông tĩnh.

- Hành lang cách ly: 36,97 ha (bao gồm hành lang cách ly khu xử lý kỹ thuật, các tuyến điện cao thế 35KV-110KV và tuyến đê sông Hồng)

- Giao thông tĩnh: 29,84 ha (không tính khu vực cơ quan, công trình công cộng). Gồm có:

+ Giao thông tĩnh Thành phố: 7,34 ha

+ Giao thông tĩnh phân tán trong khu ở: 22,5 ha

- Khu xử lý kỹ thuật: 5,04 ha (gồm các vị trí thuộc phường Phú Thượng, phường Thụy Khuê), trong đó không kể trạm xử lý nước thuộc dự án “nâng cao chất lượng nước Hồ Tây” được dự kiến trong khu vực phường Quảng An và Nhật Tân, vị trí cụ thể  do UBND Thành phố xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố.

- Chức năng xử lý nước thải, cấp nước, biến thế điện.

Yêu cầu quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

* Đối với hành lang cách ly: tuyệt đối không xây dựng công trình.

* Đối với giao thông tĩnh: trong khu vực bến bãi, Depo xe có thể xây dựng công trình phục vụ quản lý và bảo dưỡng quy mô nhỏ, trạm bán xăng dầu đảm bảo yêu cầu phòng chống cháy nổ và khoảng cách ly theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

* Khu xử lý kỹ thuật đảm bảo khoảng cách ly an toàn, không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh.

Điều 14: Đất ở làng xóm.

- Diện tích đất:158,44 ha

- Tổng số dân: 44010 người

- Mật độ xây dựng: 30%

- Tầng cao: 2-3 tầng

Khu vực làng xóm sẽ được từng bước cải tạo theo dự án riêng, song phải đảm bảo được tính truyền thống. Khai thác các khu đất trống trong làng vào mục đích sử dụng chung cho cộng đồng, tạo ra các không gian công cộng có chức năng linh hoạt, phục vụ cho sinh hoạt văn hoá, lễ  hội; hạ tầng kỹ thuật...trước mắt giải pháp quy hoạch được thực hiện bằng cách mở rộng một số đường làng đã có trong thôn xóm để giải quyết về hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, thu gom rác, vệ sinh môi trường, cải thiện dần dần từng bước điều kiện sống.

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

*  Kiến trúc:

- Yêu cầu công trình xây dựng đẹp, phù hợp với quy hoạch của khu vực, song vẫn giữ được bản sắc kiến trúc truyền thống.

* Giao thông:

- Từng bước cải tạo mạng lưới đường trong khu vực đường làng, ngõ xóm phải được giữ gìn, tôn tạo để giải quyết các nhu cầu giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Khuyến khích bố trí ga ra ô tô riêng trong khuôn viên nhà ở gia đình độc lập.

Điều 15: Đất quốc phòng.

- Diện tích đất: 2,96 ha

- Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình được thực hiện theo dự án riêng.

Yêu cầu quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

* Kiến trúc:

- Các công trình xây dựng cần đảm bảo cảnh quan kiến trúc khu vực, phù hợp với Quy chuẩn xây dựng hiện hành.

* Giao thông:

- Trong từng công trình có bãi đỗ xe riêng.

Điều 16: Các công trình di tích.

- Tổng diện tích 10,6 ha. Trong đó:

+ Đã xếp hạng: 21

+ Chưa xếp hạng: 41

Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và quy hoạch giao thông:

* Kiến trúc:

- Đối với các công trình di tích đã xếp hạng, hành lang bảo vệ di tích được xác định riêng cho từng công trình (theo danh sách cụ thể của sở Văn hoá - thông tin)

- Đối với các công trình chưa được xếp hạng, trong phạm vi 20 m đến tường rào công trình không được xây  dựng công trình cao tầng.

* Giao thông: không làm đường cắt qua khu vực có di tích. Tận dụng các vị trí có điều kiện ở lân cận để đáp ứng yêu cầu đỗ xe phục vụ hoạt động của công trình.

Điều 17: Hồ Tây và khu vực xung quanh Hồ Tây.

- Tuyệt đối không được xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan Hồ Tây.

- Việc khai thác và sử dụng mặt nước Hồ Tây có những  quy định riêng.

- Để quản lý xây dựng và bảo vệ cảnh quan xung quanh Hồ Tây đối với những khu đất giáp Hồ Tây trong phạm vi từ mép hồ ra tối thiểu là 50m khi xây dựng công trình cần đảm bảo các  điều kiện sau:

+ Khoảng lùi: không xây dựng thêm công trình xung quanh Hồ Tây trong khoảng cách 16m, kể từ mép hồ nhằm mục đích tạo lối đi công cộng và trồng cây xanh có cảnh quan đẹp cho người đi bộ, tạo được không gian công cộng sử dụng chung cho mọi người dân đến với Hồ Tây.

+ Chiều cao và mật độ xây dựng công trình: Chiều cao tối đa 12m, tương đương 3 tầng, mật độ xây dựng không quá 30% với mục đích duy trì tỷ lệ công trình thấp tầng, đảm bảo được không gian có nhiều cây xanh xung quanh Hồ Tây.

Điều 18: Vùng đất ngoài đê sông Hồng.

- Vùng đất phía ngoài đê sông Hồng bao gồm phần đất nằm trong khu vực đê bồi và vùng đất bồi giáp sông Hồng, đây là vùng hạn chế xây dựng. Việc khai thác sử dụng đất mới  trong khu vực này sẽ thực hiện theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Tuyệt đối không được xây dựng công trình làm thay đổi dòng chảy và khả năng  thoát lũ của sông Hồng.

Điều 19: Đường giao thông quy hoạch.

Trên cơ sở mạng lưới đường hiện có được cải tạo mở rộng sẽ xây dựng mới một số tuyến đường theo quy hoạch để hình thành mạng lưới đường hoàn chỉnh. Ngoài lòng đường xe chạy, vỉa hè các đường đều có bề rộng phù hợp với quy chuẩn, cụ thể có các cấp đường sau:

- Đường chính Thành phố có bề rộng từ 57,5 ¸ 64m bao gồm: đường vành đai 2 (Bưởi – Nhật Tân); đường Xuân La – Cổ Nhuế, tổng chiều dài 4279m.

- Đường liên khu vực có bề rộng 50 ¸ 53,5 m gồm: đường Nghĩa Đô - Xuân Đỉnh; đường Hoàng Hoa Thám; đường Đội Cấn – Hoàng Hoa Thám – Thuỵ Khuê, tổng chiều dài 3832m.

-Đường khu vực có bề rộng từ 33¸ 40m bao gồm: đường Phú Thượng; đường Xuân Đỉnh – Phú Thượng; đường dọc đê phân lũ; đường Trích Sài – Cổ Nhuế; đường Bái Ân – Cổ Nhuế; đường mới Tứ Liên, tổng chiều dài 11519m.

-Đường phân khu vực có mặt cắt 20,5 ¸ 30m bao gồm: đường Lạc Long Quân; đường Xuân La – Xuân Đỉnh; đường Thuỵ  Khuê; đường Nghi Tàm - Âu Cơ - Phú Thượng; đường Thanh Niên; đường trong khu vực bán  đảo Quảng An; đường khu vực ngoài đê sông Hồng; đường trong khu vực dự  án khu đô thị mới Nam Thăng Long, khu Xuân La, trục trung tâm phía Tây Thành phố, tổng chiều dài 25027 m.

- Đường nhánh có mặt cắt từ 13,5 ¸ 21,25m, tổng chiều dài: 23255 m. Ngoài ra các đường nhánh còn được bổ sung thêm trong các khu vực xây dựng theo dự án.

- Đường dạo quanh Hồ Tây (sát mép kè) có mặt cắt ngang 8,5 ¸ 10,5 m với chiều dài khoảng 18000m (thực hiện theo dự án được duyệt).

- Tuyến đường sắt đô thị trên đường Nguyễn Văn Huyên – Xuân La và đoạn đường vành đai 2 qua cầu Nhật Tân (theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô  Hà Nội đến năm 2020) sẽ được thực hiện theo dự án riêng.

- Các tuyến đường có bề rộng đảm bảo lòng đường và vỉa hè theo quy chuẩn xây dựng.

- Chỉ giới đường đỏ của các tuyến đường chính được xác định trên bản đồ tỷ lệ 1/500 theo kế hoạch của Thành phố và được xác định trong các dự án được duyệt.

 

BẢNG TỔNG HỢP SỐ LIỆU GIAO THÔNG

TT

HẠNG MỤC CÔNG  TRÌNH

KHỐI LƯỢNG

1

MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG THÀNH PHỐ (*)

 

 

- CHIỀU DÀI

44657 M

 

- MẬT ĐỘ

4,41KM/KM2

 

- TỔNG DIỆN TÍCH ĐƯỜNG

1552132M2

2

GIAO THÔNG TĨNH

 

 

- BÃI ĐỖ XE TẬP TRUNG

69300 M2

 

-BÃI ĐỖ XE PHÂN TÁN

225000 M2

 

- GA ĐƯỜNG SẮT

4100 M2

3

NÚT GIAO THÔNG KHÁC MỨC (**)

117100 M2

 

(*) Tính từ đường phân khu vực trở lên.

(**) Một phần diện tích nút đã được tính trong diện tích đường.

 

 

CHƯƠNG III:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Điều lệ này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 21. Các cơ quan đơn vị có chức năng quản lý xây dựng phải quản lý theo đúng đồ án quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ – tỷ lệ 1/2000 và Điều lệ quản lý xây dựng này. Ngoài ra có thể có những quy định cụ thể để hướng dẫn việc thực hiện Điều lệ này.

Điều 22. Mọi vi phạm các điều khoản của Điều lệ này, tuỳ theo hình thức và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 23: Đồ án quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ – tỷ lệ 1/2000 và bản Điều lệ này được công bố công khai và lưu trữ  tại các cơ quan sau đây để các đơn vị, nhân dân biết và thực hiện:

-         Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

-         Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố.

-         Sở Xây dựng.

-         Sở Địa chính – Nhà đất.

-         Uỷ ban nhân dân quận Tây Hồ

 


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20536&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận